Hành trình trên đất Bắc
- Như Liên
- | Thứ Năm, 08:37 07-01-2021
- | Lượt xem: 6349
Đó là một chuyến đi để lại những ấn tượng sâu sắc, những tình cảm dạt dào, những niềm hoan hỷ và an lạc không thể nghĩ bàn, cho tất cả những ai đủ phúc duyên cùng tham dự. Cái giá rét của mùa Đông xứ Bắc, nỗi lo dịch bệnh có thể bùng phát… đã không làm chùn bước quyết tâm của Ban tổ chức và tất cả các thành viên trong đoàn. Kế hoạch đã vạch ra và từng bước được điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với tình hình. Đã có sự phối hợp nhịp nhàng, sự nỗ lực cao nhất, sự tận tâm hy sinh phụng sự của các thành viên nòng cốt. Đã đến lúc nỗi khát khao được trải nghiệm, được về thăm những di tích lịch sử - văn hóa, những di tích Phật giáo ở miền Bắc, vùng đất được xem là cái nôi của nền văn hóa, là nơi xuất phát của Phật giáo Việt Nam, phải được biến thành hiện thực. Tất cả những điều đó đã hợp duyên, đã làm nên ngọn lửa, làm nên cái hồn của hành trình “Chiêm bái Phật giáo miền Bắc” trong suốt bốn ngày qua!
Phái đoàn chụp hình lưu niệm
Chuyến đi được tổ chức từ tâm huyết mà Thượng tọa Giác Hoàng (Trưởng khoa Đào tạo từ xa - Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh) ấp ủ từ lâu, nay mới đủ duyên thực hiện. Chương trình cũng được sự ủng hộ của Ni sư Hương Nhũ – Phó khoa Đào tạo từ xa. Số lượng tham dự gồm hai trăm người, hầu hết là sinh viên các khóa của Khoa Đào tạo từ xa và một vài thân hữu của quý học viên.
Chương trình đã diễn ra với sự gởi gắm vào đó những tâm nguyện cao cả và đầy yêu thương của Sư trưởng khoa: Bổ sung kiến thức thực tế cho sinh viên, đem lại những trải nghiệm quý báu trong học và tu qua từng bước của hành trình, truyền cho các thế hệ học trò ngọn lửa của niềm đam mê học và làm theo lời Phật dạy, đồng thời tạo điều kiện gắn kết tình pháp lữ giữa những người con Phật, tạo cơ hội cho mọi người thương yêu, chia sẻ, sách tấn lẫn nhau cùng nỗ lực trên con đường tu nhân học Phật. Thiết nghĩ, bao nhiêu đó đã là quá đủ để làm nên một chương trình tham quan, trải nghiệm đầy tính nhân văn, đầy chất liệu học thuật và tu tập.
Tâm nguyện ấy được thể hiện rất rõ qua việc chọn các điểm đến trong hành trình, trong cấu trúc nội dung chương trình cho từng ngày.
1. Những di tích lịch sử, những ngôi tự viện đã đi qua:Chúng con đã được đặt chân đến Thanh Hóa, về thăm Đền Bà Triệu, vị nữ tướng với hào khí ngút trời đã từng làm cho quân xâm lược Đông Ngô khiếp đảm. Chúng con cũng được đến với Lam Kinh, cố đô của nhà Hậu Lê, một trong những vương triều có công lớn trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc và xây dựng đất nước vào thế kỷ XV. Từng trang sử về kinh thành cổ như được tái hiện lại qua phần thuyết minh hết sức thuyết phục của hướng dẫn viên. Câu chuyện kể về cây gỗ lim có tuổi thọ trên sáu trăm năm, hội tụ biết bao tinh khí của đất trời. Câu chuyện thú vị về cây ổi cười, về những chi tiết hết sức đặc sắc trong bia Vĩnh Lăng, chứa đựng sự thật và phần hồn của lịch sử. Trời đã về chiều, gió đông lạnh buốt, nhưng cả đoàn cứ mê mãi theo chân cô hướng dẫn giỏi nghề, đam mê và tâm huyết.
Thanh Hóa còn có Tịnh xá Linh Sơn, với vị trí cạnh ngay đền Bà Triệu. Do chỉ mới trong giai đoạn hình thành, nên chưa thể hình dung một cách rõ ràng và cụ thể diện mạo của ngôi tịnh xá trong tương lai. Nhưng, nhìn những cái cốc nhỏ nhắn, đơn sơ thấp thoáng giữa những hàng cây, nhìn những luống rau xanh tốt, nhìn các lối đi được phối cảnh bằng những hàng hoa kiểng xinh xắn, đã hiểu được phần nào tâm huyết và sức lực của quý sư, của Phật tử nơi đây. Phía sau ngôi tịnh xá là một dãy núi hùng vĩ, là một không gian thanh tịnh, an lành, thích hợp cho chốn thiền môn. Tất cả những điều đó là dấu hiệu cho sự ra đời của ngôi già lam Khất sĩ đầu tiên nơi vùng đất xứ Thanh, như tâm nguyện của người khai sinh ra tự viện.
Tịnh xá Linh Sơn điểm đầu tiên đoàn đến
Đền Bà Triệu nằm cạnh Tịnh xá nơi đền thờ di tích tập trận
Cũng tại Tịnh xá Linh Sơn, sự có mặt của Ni sư Hương Nhũ đã tạo nên một không khí hết sức hoan hỷ cho mọi người. Dù Phật sự đa đoan, Ni sư vẫn dành trọn một ngày cùng đi với đoàn. Ni sư đã bày tỏ những tình cảm của mình với chuyến đi, với tâm huyết của Ban tổ chức. Thông qua việc giải thích ý nghĩa của tên tịnh xá, Ni sư cũng đã giảng thêm cho mọi người về tình Linh Sơn pháp lữ. Thật trân quí vô cùng !
Tham quam di tích Lam Kinh
Tụng kinh cầu nguyện trước mộ phần của vua Lê Thái Tổ
Trong ngày đầu tiên ở Thanh Hóa, đoàn đã dừng chân và nghĩ tại Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng. Đây là một ngôi chùa có vị trí thật đẹp và đắc địa: Lưng tựa vào núi, mắt nhìn ra sông Mã! Tại chánh điện của ngôi thiền viện này, đoàn đã có hai buổi tu tập cùng nhau. Tối ngày 31 tháng 12 năm 2020, ngày cuối năm dương lịch, đại chúng đã được lắng nghe những thời pháp thoại của Thượng tọa trụ trì và Thượng tọa Giác Hoàng. Quý Ngài đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của tự thân trong quá trình tu tập. Pháp thoại cũng là lời sách tấn đầy chất liệu từ bi, trí tuệ của quý Thượng tọa truyền trao cho hội chúng. Trong ánh sáng lung linh của ngọn nến hoa đăng, những lời kinh từ tâm, những lời khấn nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, dịch bệnh tiêu trừ… đã tạo nên một không gian trang nghiêm, thanh tịnh, đã đem đến cho hành giả những năng lượng bình an, những phút giây tu tập tràn đầy tình thương và sự hỷ lạc. Buổi sáng đầu tiên của năm 2021, trước khi rời thiền viện, cả đoàn đã bắt đầu một ngày mới, một năm mới, bằng thời kinh tri ân Tam Bảo, thời thiền tập gởi tâm từ cho chúng sinh vạn loài.
Thượng tọa trụ trì thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng chia sẻ pháp thoại cùng đoàn
Đêm hoa đăng cầu nguyện
Khoảnh khắc lưu niệm tại mỗi điểm tham quan, chiêm bái
Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm - Vân Đồn điểm đến thứ 3
Ni trưởng Viện chủ thay mặt thiền viện nhận quà lưu niệm của khoa
Rời Thanh Hóa, đoàn hành hương hướng về Quảng Ninh, mà đích đến là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, một trong những địa điểm chính của cả chương trình chiêm bái các di tích Phật giáo miền Bắc lần này. Đoạn đường di chuyển khá xa, đi qua nhiều tỉnh thành khác nhau. Dưới sự hướng dẫn của quý sư trên từng xe, đại chúng đã nhất tâm hoan hỷ tụng đọc Kinh Tâm Từ và Kinh Nhất Dạ Hiền Giả trong buổi sáng, như là cách nạp năng lượng lành, cho một ngày mới. Những bài hát Phật giáo quen thuộc, với nội dung ca ngợi Đức Thế Tôn, khuyến tấn sự tu tập của Phật tử, đã được nhiều giọng ca đặc sắc cất lên, cúng dường cho hội chúng. Không gian an lành, tình thương ấm áp. Tất cả như hòa nhập vào nhau trong tình đồng đạo. Hạnh phúc vô biên, an lạc vô cùng trong ngôi nhà chung của những người con Phật!
Trước khi đến núi thiêng Yên Tử, đoàn dừng chân ở Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (gọi theo tên địa phương là chùa Cái Bầu). Cả đoàn sững sờ trước khung cảnh thiên nhiên hữu tình mà tạo vật đã ban tặng cho đất và người nơi đây. Cũng với địa thế tọa sơn hướng thủy, nhưng điều đặc sắc là, Thiền viện Giác Tâm có minh đường hướng mặt ra vịnh Bái Tử Long mênh mông sóng nước. Cảnh đẹp như tranh vẽ, nhưng điều quí nhất có lẽ là, khung cảnh ấy, vị trí ấy, cùng với lối kiến trúc hài hòa, tinh tế của Thiền viện, đã tạo nên một cảm giác thanh tịnh, an lạc sâu thẳm trong tâm thức của bất cứ ai, một lần hữu duyên đến được nơi này. Có đến đây, mới hiểu được vì sao Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm được nhiều người xem là cõi Tịnh giữa thành phố Hạ Long xinh đẹp !
Cả đoàn đã đến đến đảnh lễ và vấn an sức khỏe Sư Bà, vị Ni trưởng đã dâng trọn tâm sức để xây dựng nên Thiền viện hôm nay. Qua lời kể của Ni sư trụ trì là đệ tử của Người, chúng con hiểu và trân quí vô cùng tấm gương học, tu và phụng sự của Sư Bà. Xin được tri ân Người với công lao khai sơn tạo tự, đem lại cho vùng đất này ngôi già lam thanh tịnh, cho Phật tử địa phương, cho hành giả khắp nơi về lễ Phật, chiêm bái và tu tập.
Buổi tối, dù đã trải qua chặng đường dài và di chuyển suốt, đoàn vẫn dành thời gian sinh hoạt với Ni chúng tại thiền viện. Với phong thái điềm đạm, giọng nói hiền hòa, lời lẽ khiêm hạ, Ni sư trụ trì đã chia sẻ với hội chúng về những nỗ lực của mình trong tu tập và làm các Phật sự. Qua đó, mọi người hiểu rõ hơn bài học về sự tinh tấn trên đường tu tập, để rồi tự xác định trách nhiệm cho chính mình về những nỗ lực tự thân.
Trong buổi sinh hoạt này, thầy Nguyễn Trọng Hạnh cũng đã bày tỏ những cảm nhận sau hai ngày đi cùng đoàn. Mô phạm, chuẩn mực nhưng cũng hết sức chân tình và gần gũi, đó là những nét nổi bật ở vị giảng viên này. Một trong những ấn tượng sâu sắc của buổi sinh hoạt hôm ấy là những nỗi niềm chân thành, sâu sắc của thầy về những chia sẻ của các vị xuất gia, vốn cũng từng là học trò của thầy trong khoa Đào tạo từ xa. Có hiểu mới có thương, mới trân quý sự nỗ lực của các vị trong từng bài kiểm tra trên lớp, khi cùng lúc phải thực hiện nhiều trọng trách của người tu. Chúng con hiểu, sự xúc động của thầy, buổi tối hôm ấy, là xuất phát từ trái tim nhân hậu, từ cái Tâm trong sáng, thương yêu của người thầy dành cho các thế hệ học trò. Hình ảnh đẹp ấy là một trong những nét son của toàn bộ chuyến hành hương chiêm bái lần này.
Đoàn rời Thiền viện Giác Tâm trong cái giá rét của mùa Đông, nhưng sâu thẳm trong lòng mỗi người đã được sưởi ấm bởi những yêu thương, bởi sự ân cần, chu đáo mà chư Tôn đức Ni dành cho đoàn.
Tượng Phật hoàng tại Yên Tử
Tụng kinh cầu nguyện trước tượng đài Phật Hoàng
Thiền hành
Chúng con đã về đến Yên Tử, cái nôi của thiền phái Trúc Lâm, trong một buổi sáng khí trời lành lạnh. Vậy là, vượt quãng đường dài gần hai ngàn cây số, những Phật tử miền Nam đã đủ phước duyên để có mặt tại nơi này. Lòng ngân nga câu thơ được dân gian vẫn thường truyền miệng:
Trăm năm tích đức tu hành
Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu.
Ngồi trên cáp treo, nhìn xuống những rừng trúc trùng điệp, nhiều tầng lớp ở bên dưới, ai ai cũng cảm nhận được sự hùng vĩ của núi rừng, tự hào về cảnh quan xinh đẹp của đất nước. Sâu xa hơn, là lòng ngưỡng vọng sâu sắc về các bậc Tổ, Thầy, với đại nguyện xuất trần, đã tìm đến non cao tu tập, và khai sáng nên dòng thiền của người Việt, góp phần tạo nên nét đặc sắc của Phật giáo Việt Nam.
Đoàn đã dừng chân tại bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, được đặt gần đỉnh núi, ở độ cao gần 1.000 mét so với mặt nước biển. Thật hạnh phúc khi chúng con được đảnh lễ Ngài, vị Vua nổi tiếng anh minh và tài giỏi của đất nước, sơ Tổ của thiền phái Trúc Lâm. Dưới sự hướng dẫn của TT. Giác Hoàng và chư Tôn đức Tăng Ni, cả đoàn đã niệm hương bạch Phật, dâng lòng thành kính lên Tam Tổ Trúc Lâm. Có lẽ không ai có thể quên được giây phút toàn đoàn xếp hàng nhiễu quanh tượng Phật hoàng, vừa đi vừa tụng kinh, niệm Phật. Thời khắc ấy, không gian vô cùng trang nghiêm, thanh tịnh. Và trong lòng mỗi người, chắc chắn, trào dâng niềm hoan hỷ vô biên. Quả thật: Từng bước chân an lạc, từng bước nở hoa sen ! Vâng, còn sự phúc lạc nào hơn ?
Dưới chân tượng Ngài, chúng con cũng được TT. Giác Hoàng cho nghe lại bài kệ Cư trần lạc đạo phú, bài kệ được xem là tôn chỉ của thiền phái Trúc Lâm.
Cả đoàn đã cùng nhau chinh phục Yên Tử khi có mặt tại Chùa Đồng, vị trí cao nhất của ngọn núi thiêng này. Đường lên chùa quanh co, khúc khuỷu, chênh vênh. Nhưng lòng tín tâm Tam Bảo, mến mộ thiền phái Trúc Lâm, nghị lực vượt khó, năng lượng của hội chúng đã tạo nên động lực và sức mạnh cho mọi người, kể cả những cô chú lớn tuổi. Tại đây, TT. Giác Hoàng đã có một pháp từ ngắn. Thượng tọa cũng thay lời hội chúng, phát nguyện một lòng tinh tấn tu tập, để thành tựu đạo quả. Ngồi trên đỉnh núi, tất cả đồng hòa âm tụng kinh, niệm Phật, gởi tâm từ cho không gian nơi đây. Thật đẹp, thật hùng tráng, và cũng thật thiêng liêng! Rời Yên Tử, đoàn thẳng tiến về Bắc Ninh, ghé thăm thành cổ Luy Lâu, trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa của người Việt, trong những thế kỷ đầu công nguyên. Đoàn cũng tranh thủ đến Chùa Dâu, ngôi chùa sớm bậc nhất Việt Nam, thuộc văn hóa vùng Luy Lâu xưa. Tuy nhiên, tiếc là, do trời đã tối, nên thời gian dành cho những nơi này rất ít, mọi người chưa kịp tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc ở những địa điểm này.
Tham quan chùa Dâu
Ngày cuối cùng của hành trình được đánh dấu bằng chuyến viếng thăm hai ngôi tự viện hết sức đặc biệt: Chùa Tam Chúc (Hà Nam), nơi diễn ra Đại lễ Vesak 2019; Tổ đình Viên Minh (Chùa Giáng), trú xứ của Trưởng lão HT. Thích Phổ Tuệ - Đức Pháp chủ của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.
Chùa Tam Chúc cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km. Toàn bộ quần thể chùa có tổng diện tích 5000 ha, bao gồm các hồ nước, núi đá tự nhiên và các thung lũng, tạo nên một khung cảnh hoang sơ, kỳ vỹ, như thể một “Vịnh Hạ Long trên cạn” của Việt Nam. Hướng dẫn viên của đoàn hôm ấy là một cô gái còn khá trẻ, nhưng khả năng thuyết minh của cô thật tuyệt vời. Địa thế và tên gọi Tam Chúc đã được lý giải hấp dẫn, thú vị qua truyền thuyết, hoặc dựa trên những mô- tip dân gian quen thuộc. Theo chân cô ngay từ cổng tam quan, cả đoàn đã lần lượt đi qua ba ngôi điện chính: Điện Quan Âm, Điện Pháp chủ, Điện Tam Thế. Từng chi tiết trong tạo hình, trong bố cục ở mỗi điện, từng chất liệu của các hiện vật đã được giới thiệu một cách cặn kẽ, lý thú, nêu bật những nét độc đáo của ngôi chùa nổi tiếng này. TT. Giác Hoàng đã hướng dẫn đoàn làm lễ khi đến các điện thờ. Người cũng đã kịp thời giảng giải, phân tích thêm cho hội chúng những kiến thức Phật học sâu sắc ẩn chứa bên trong các bức phù điêu - những kiến thức chỉ có được ở một vị Thầy mà độ tinh chuyên của sở học, những trải nghiệm của sự tu tập, đã đong đầy qua năm tháng!
Lễ Phật tại Chánh điện chùa Viên Minh
Thăm tịnh thất của Hòa thượng Pháp chủ
Điểm đến tiếp theo là Tổ đình Viên Minh (hay còn được gọi là Chùa Giáng), ngôi chùa được mệnh danh là chốn Tổ yên bình của bậc chân tu: Trưởng lão HT. Thích Phổ Tuệ - Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tọa lạc ngay tại Hà Nội, ngôi chùa hơn trăm tuổi này vẫn giữ được nhiều nếp nhà mái ngói rêu phong. Giản dị, cổ kính, trang nghiêm, thanh tịnh. Đó là những nét đặc trưng mà mọi người dễ dàng cảm nhận được khi có mặt tại ngôi cổ tự này. Đức Pháp chủ do tuổi cao, sức yếu, nên đã được quý Ngài trong giáo hội đưa đi an dưỡng và chăm sóc ở bệnh viện. Không đủ duyên được đảnh lễ Ngài, nhưng qua lời kể của TT. Thích Thanh Vịnh, chúng con cũng hiểu được phần nào hạnh giản dị, đức thanh cao, tuệ sáng ngời ở bậc tòng lâm thạch trụ. Chúng con lễ Phật và hướng về phương trượng của Trưởng lão HT. Pháp chủ, thành tâm ngưỡng vọng !
Điểm đến cuối cùng của đoàn tại Hà Nội là chùa Đậu, một ngôi chùa được tôn tạo vào thời nhà Lý, khoảng thế kỷ thứ 11. Nơi đây còn lưu giữ nhục thân của hai vị thiền sư tu đắc đạo tại chùa. Sau khi viên tịch, quý Ngài đã để lại toàn thân xá lợi. Đó là hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, sống vào thế kỷ XVII.
Chánh điện chùa Đậu
Nhục thân xá-lợi của thiền sư Vũ Khắc Trường
Nhục thân xá-lợi của thiền sư Vũ Khắc Minh
Vậy là, chỉ trong bốn ngày hành hương, đoàn đã đi qua ba di tích văn hóa - lịch sử (Đền Bà Triệu, Lam Kinh, thành cổ Luy Lâu), tám ngôi tự viện (Tịnh xá Linh Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, non thiêng Yên Tử, chùa Dâu, chùa Tam Chúc, chùa Viên Minh, chùa Đậu). Có quá nhiều cảm xúc đọng lại trong tâm thức mỗi người sau chuyến đi.
Đi đến đâu, chúng con cũng được ngắm nhìn cảnh quan xinh đẹp, hùng vĩ của non sông đất nước; tắm mình trong không gian an lành, thanh tịnh ở chốn thiền môn; ân hưởng sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo của quý Ngài ở các thiền viện; an lạc trong tình pháp lữ qua suốt chuyến đi. Điều tuyệt vời nhất là, chúng con đã được vừa đi, vừa học, vừa tu.
2. Những bài học quý giá sau chuyến đi
- Trước hết và sâu sắc nhất, đó là bài học về lòng tri ân:
Theo lời Phật dạy, tứ trọng ân là điều mà người con Phật phải luôn tâm niệm và hành trì. Chuyến hành hương đã khắc sâu trong chúng con ý nghĩa của lời dạy đó. Biết ơn Tổ Quốc vì được sống trong đất nước thanh bình, xinh đẹp, biết ơn các thế hệ tiền nhân đã dày công xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc đến hôm nay. Điều quan trọng là, nhận thức đó đến từ trải nghiệm thực tế, từ trái tim, chứ không phải từ trong sách vở mà chúng con thường vẫn đọc!
Khi tận mắt chiêm bái các ngôi tự viện, đặc biệt là khi đảnh lễ tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm, chúng con thêm một lần cảm nhận sâu sắc ơn Tam Bảo, ơn Tổ Thầy. Có một niềm ngưỡng vọng xen lẫn nỗi tự hào len vào tâm thức, khi hình dung ra hình ảnh một vị Vua, từ bỏ ngai vàng, từ bỏ vinh hoa phú quí, lên non cao sống đời khổ hạnh, thanh bần, tu tập cho đến ngày công viên quả mãn. Chắc chắn, cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Phật giáo trong nước thời đó, cũng như hướng các vị Vua nhà Trần lãnh đạo đất nước theo con đường hộ quốc, an dân.
Cũng như vậy, xin được thành kính tri ân Nhị Tổ Pháp Loa, Tam Tổ Huyền Quang. Quý Ngài đã kế thừa, đã tạo những nền tảng căn bản và vững chắc cho sự phát triển của thiền phái. Xin thành kính tri ân Trưởng lão HT. Thích Thanh Từ, bậc cao Tăng Phật giáo Việt Nam đương đại, Người đã khôi phục lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, một trong những nét đặc sắc của Phật giáo Việt Nam.
- Bài học về sự tinh tấn tu tập:
Nhớ ơn Phật, tri ân Tổ, Thầy, không gì hơn là tinh tấn tu tập.
Trên những nẻo đường đi qua, tại các ngôi tự viện, chúng con có duyên lành được gặp gỡ các bậc trưởng thượng, hiểu được phần nào những nỗ lực tiến tu của quý Ngài. Xin thành tâm kính ngưỡng, nguyện lấy đó làm tấm gương cho chúng con trên con đường tu tập.
Vẫn nhớ những lời sách tấn đầy tâm huyết và từ bi của TT. Giác Hoàng, của Thượng tọa trụ trì thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng trong buổi tối cuối cùng của năm dương lịch 2020.
Chúng con cũng hết sức ấn tượng khi đến Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Quảng Ninh). Được đặt chân đến ngôi thiền viện tuyệt đẹp, thanh tịnh và an lành này, chúng con hiểu, đó là kết quả của những năm tháng nỗ lực học, tu và phụng sự của quý Ni sư, Sư cô, dưới sự dắt dìu của Ni trưởng tại nơi trú xứ.
Về Tổ đình Viên Minh, càng hiểu hơn công hạnh của Hòa thượng Pháp chủ. Thời trẻ, Ngài tu hành ẩn cư nơi thôn dã, làm việc không ngơi. Khi xong việc, Ngài xem kinh, dịch sách, học thông kim cổ. Tấm gương sáng ngời ấy, hàng hậu học chúng con xin nguyện noi theo.
Ngoài ra, trong suốt bốn ngày hành hương, dù hành trình khá dài và di chuyển suốt, chúng con vẫn được cùng nhau tu tập thường xuyên: Kinh Từ Tâm, Kinh Nhất Dạ Hiền Giả được đọc tụng mỗi sáng trên xe. Những khóa lễ ngắn được tổ chức tại các tự viện, các di tích lịch sử. Những buổi pháp thoại, những thời thiền tập rải tâm từ tại thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm… Tất cả đều là những thực phẩm tâm linh vô giá, là hành trang tu tập cần thiết, chúng con nhận được trong chuyến đi vô cùng ý nghĩa này.
Qua đây, cũng xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ với rất nhiều bạn hữu đồng hành. Các bạn đã rất nỗ lực khi tham gia tất cả các thời khóa tu tập, nhất là trong tiết trời giá rét, trong điều kiện phải di chuyển xa và liên tục. Có lẽ, mỗi người vừa là tấm gương cho pháp hữu, vừa lấy bạn đạo làm động lực để tinh tấn tu học. Tất cả đều là thiện tri thức của nhau trong ngôi nhà Chánh pháp.
- Bài học về chánh niệm:
Chánh niệm là tinh yếu của thiền tập. Chánh niệm là một trong những pháp tu căn bản của hành giả. Chuyến hành hương qua bốn ngày, trên chặng đường dài, qua nhiều tỉnh thành miền Bắc, với sự tham gia của khoảng hai trăm người. Thời gian ấy, nhân sự ấy, quãng đường ấy, là một thử thách không hề nhỏ, với Ban tổ chức. Do vậy, ngoài khả năng điều phối của bộ phận lãnh đạo, rất cần sự chánh niệm của tất cả thành viên cùng đi.
Về cơ bản, mọi người đã cố gắng tuân thủ những qui định chung của đoàn. Tỉnh giác, chánh niệm trong mọi sinh hoạt, trong tu tập, trong giao tiếp. Số lượng người đông, sẽ không tránh khỏi khó khăn, nhất là ở các điểm mà đoàn nghỉ qua đêm. Mọi người đã có ý thức san sẻ, hòa đồng, gắn kết và quan tâm nhau theo tinh thần lục hòa của người con Phật. Do vậy, lịch trình và giờ giấc di chuyển trong toàn bộ hành trình nhìn chung là đảm bảo. Ở một mức độ nhất định, đây cũng là biểu hiện của sự tu tập, trong tất cả các thời. Chắn chắn, cũng sẽ có những phút thất niệm, ở mỗi người, hoặc trong những thời điểm nào đó. Điều quan trọng là, nhận ra và quay về chánh niệm.
Mặt khác, bốn ngày hành hương với niềm hỷ lạc vô biên cũng đã giúp mọi người sống trọn vẹn với phút giây hiện tại. Với những hành giả sơ cơ, đây là cơ hội để thực tập cách sống trọn vẹn và an lạc trong từng giây phút!
Chư Tôn đức Tăng Ni chứng minh và ghi hình lưu niệm cùng gia đình Phật tử Đức Điền - Diệu Viên tại tầng thờ Phật
- Bài học về tâm yêu thương, phụng sự tha nhân:
Chuyến hành hương chiêm bái Phật giáo miền Bắc đã kết thúc trong niềm hoan hỷ vô biên của toàn đoàn. Những ngày được đi, được sống, được tu tập cùng nhau sẽ mãi là hành trang tâm linh sâu sắc và quí báu cho mỗi người. Thành tựu ấy, là hợp duyên của nhiều điều kiện. Trong đó, nổi bật là tâm yêu thương, phụng sự tha nhân của nhiều người.
Sẽ không thể nào quên những bữa cơm thắm tình đạo vị ở các ngôi tự viện, những thực phẩm được chế tác bằng tâm thương yêu gởi trọn cho người thọ thực. Sẽ nhớ mãi từng phần thực phẩm được quý Sư cô ở thiền viện Giác Tâm chăm chút và trao cho đoàn trong một sáng mùa Đông. Ân tình ấy, nguyện khắc ghi.
Thành công của chuyến đi là kết quả của rất nhiều những tấm lòng, những trái tim hy sinh, phụng sự trong đoàn. Mỗi người một công việc, một vị trí, tùy duyên mà cống hiến. Xin được nhắc đến và tri ân một số tấm gương tiêu biểu.
Bạn Kiên đã để lại những hình ảnh tuyệt đẹp về tâm hạnh trong sáng và xả thân phụng sự ở người cư sĩ. Cả đoàn sẽ nhớ mãi dáng cao gầy, thoăn thoắt, giọng nói rắn rỏi trong những thời khắc tập hợp và điều động mọi người qua các chặng đường. Nhớ mãi lời cảm ơn và sám hối chân thành về những sơ suất trong hành trình. Không, tất cả sẽ mãi yêu thương bạn về những gì bạn đã làm cho đoàn, bằng cả trái tim, bằng cả nhiệt huyết hiếm có ở bạn!
Xin cảm ơn bạn Bổn Phước (Phú Điền) vì đã luôn có mặt trong những thời khắc quan trọng. Là người dẫn đường, chăm chút từng bữa ăn, chỗ ngủ cho mọi người. Là người đứng giữa trời nắng chói chang để chụp những “tấm ảnh để đời” (theo lời bạn!)
Xin cảm ơn sự nhiệt tình, chu đáo của gia đình bạn Đức Điền. Bạn là hình ảnh của một người trung niên, một doanh nhân thành đạt. Nhưng điều đáng quí là, bạn đã có niềm tín tâm sâu sắc với Tam Bảo. Rất ấn tượng với gian thờ Phật thật trang nghiêm, thanh tịnh nơi tư gia của bạn.
Xin cảm ơn các bạn trẻ là sinh viên các khóa cùng đi trong đoàn. Trẻ, khỏe, năng động, nhiệt thành, từ tâm, biết sống vì tha nhân. Thật hết sức dễ thương !
Cả đoàn là một khối thống nhất, đoàn kết, yêu thương và chia sẻ. Và Người dệt nên sợi dây gắn kết ấy là TT. Giác Hoàng, vị Tổng tư lệnh của đoàn. Người đã dành trọn tâm sức cho chuyến đi, từ việc hoạch định ý tưởng, chọn và phân công các thành viên trong Ban tổ chức đúng với khả năng của mỗi người. Thượng tọa đã hết sức cẩn trọng và chu toàn trong từng việc. Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất ở Người, là những lúc hướng dẫn cả đoàn vào khóa lễ, là các thời Pháp thoại đầy năng lượng từ bi, trí tuệ.
Xin thành kính niệm ân TT. Giác Hoàng và chư Tôn đức Tăng Ni đã đồng hành cùng Thượng tọa trong chuyến đi này. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo cho quý Ngài thân tâm thường lạc, đạo quả viên thành.
Cầu chúc cho các bạn hữu nhiều sức khỏe, tinh tấn trong tu học, an lạc trong cuộc sống.
Mong đủ duyên để cả nhà sum họp trong nồng ấm của năng lượng yêu thương và chia sẻ như những ngày qua !
Các bài viết liên quan
- Kiên Giang: Tịnh xá Ngọc Thạnh tổ chức chương trình “Trang Trí Lễ đài Phật đản tại gia” - Thứ Tư, 01:50 22-05-2024 - xem: 573 lần
- Pháp lạc từ lớp học 5 giờ sáng - Thứ Bảy, 16:31 05-08-2023 - xem: 2204 lần
- Cảm xúc Tình nguyện viên Vu Lan 2022 của một bạn trẻ - Thứ Tư, 08:02 17-08-2022 - xem: 3238 lần
- Việt Nam tôi đó! - Thứ Hai, 18:55 30-08-2021 - xem: 4921 lần
- Những tiếng lòng mùa dịch - Thứ Hai, 18:51 30-08-2021 - xem: 4822 lần
- Tìm một con đường - Tìm một lối đi - Thứ Ba, 15:42 10-08-2021 - xem: 4642 lần
- Tâm tình sẻ chia “An yên giữa đại dịch” - Thứ Bảy, 17:39 07-08-2021 - xem: 4547 lần
- Dư âm - Thứ Bảy, 17:17 07-08-2021 - xem: 4283 lần
- Khóa tu giữa những ngày giông bão - Thứ Sáu, 12:01 06-08-2021 - xem: 4893 lần
- Nẻo về bình an mùa đại dịch - Thứ Ba, 23:10 20-07-2021 - xem: 4603 lần
- Đạo nghĩa thầy trò qua lời Tổ dạy - Chủ Nhật, 20:46 28-02-2021 - xem: 6273 lần
- Cảm niệm về chuyến chiêm bái thắng tích Phật giáo miền Bắc của Khoa Đào Tạo Từ Xa - Chủ Nhật, 10:45 10-01-2021 - xem: 4033 lần