Hãy đến bên nhau, ngay bây giờ !
- Viên Anh
- | Chủ Nhật, 00:45 24-05-2015
- | Lượt xem: 2537
Trước sức mạnh của thiên nhiên, con người luôn nhỏ bé. Sự biến chuyển vô thường khách quan của tự nhiên to lớn đến mức mà có lúc ta tưởng chẳng thể nào ngăn cản, trốn chạy nổi. Tuy nhiên, dường như trong lúc nguy kịch nhất, năng lượng của sự sống biểu hiện tột đỉnh nhất, mà tiêu biểu là ý chí, niềm tin, tinh thần của con người trong đau thương cùng cực. Chính vì thế mà Hemingway – nhà văn của nguyên lý tảng băng trôi, người luôn đề cao sức mạnh và năng lực con người đã nói: “Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị khuất phục”. Điều này dường như đã được minh chứng qua thực tế, cũng là động lực thúc đẩy ý chí con người trong những lúc khắc nghiệt, hiểm nguy nhất.
Cuộc đời, thế gian là những thước phim đủ màu sắc, cung bậc. Có lúc hiền hòa yên ả, dịu êm như những đợt sóng miên man ôm ấp lấy bờ cát trắng trong ánh nắng hè trong xanh, có lúc lại cuồn cuộn vũ bão, xô xát, bao phủ và cuốn trôi tất cả vào vô tận chỉ trong thoáng chốc. Một sự kiện rất gần đó là trong những ngày cuối tháng Tư qua, cả thế giới rúng động khi “nóc nhà của mình”, địa danh của những dấu ấn Phật tích – đất nước, con người Nepal đã trải qua những giờ phút hoảng loạn trong thảm cảnh động đất. Mọi thứ đã trở thành điêu tàn, đổ nát, không khí tang thương bao kín xứ sở. Và một trong những hình ảnh xót xa vô cùng ấy, đó là các em bé, những sinh linh chia lìa mẹ cha, bơ vơ trong màn trời chiếu đất, thành kẻ mồ côi chỉ vì thiên tai tàn khốc. Em như chú chim non dáo dác, lạc bầy, chỉ còn niềm tin, hi vọng để kiếm tìm sự sống, kiếm tìm yêu thương và hi vọng về sự đoàn tụ với người thân yêu từ nơi nào đó. Trong bức ảnh chụp về các em đang điều trị vết thương được đăng tải cách đây ít hôm, những ánh mắt, những câu nói ngây thơ mà hết sức cảm động: “Cháu muốn về nhà. Bố rất yêu cháu…” Cảnh tượng ấy đã chạm đến trái tim của triệu người trên hành tinh này, những lời nguyện cầu, những tình cảm, thông điệp yêu thương được lan truyền. Bởi lẽ, người ta bắt gặp được sự đồng cảm từ sâu thẳm tâm hồn, trên hết là tình yêu thương cuộc sống qua ánh mắt khao khát chiến thắng hiện thực để sinh tồn và sự bảo bọc đoàn kết của đồng loại, đều là thân thuộc của nhau. Để rồi, người ta sẽ đồng tình rằng tai ương có thể gặp ở bất cứ nơi nào, với bất kỳ ai. Nhà thơ Tố Hữu, người chứng kiến cảnh các em bé mồ côi trong thời chiến tranh ở Việt Nam cũng từng da diết:
“Con chim non rũ cánh
Đi tìm tổ bơ vơ
Quanh nẻo rừng hiu quạnh
Lướt mướt dưới dòng mưa.
Con chim non chiu chít
Lá động khóc tràn trề
Chao ôi buồn da diết
Chim ơi biết đâu về.”
(Mồ Côi, Tố Hữu)
Những tưởng, sự da diết, xót xa ấy là vô vọng. Thế nhưng, rồi khi sương lạnh, trong sự kết thúc là cái chết của “chú chim non” thì tác giả lại cảm nhận “Nhìn chúng: “có hề chi””. Phải chăng đó như lời thách thức của lý trí!? Trong trái tim khổ đau, sẽ có vách tường của sự can đảm. Và khổ đau, là chất liệu để sức mạnh ấy được nâng đẩy.
Nếu trong văn chương, Đại văn hào Hemingway đã dùng hình ảnh của ông già chiến thắng biển cả để nói lên nghị lực của con người thì trong hiện tại, thực tế hình ảnh về những em bé đáng thương tại Nepal trong những ngày qua lại là minh họa cho sức mạnh tình yêu thương, niềm tin và hi vọng ở tương lai mặc dù thực tại đang đau khổ đến đâu. Cũng chính từ hình ảnh đầy xúc động đó, trái tim của bao người như đang đồng cảm, gắn kết và tiến đến gần nhau hơn, hành động, cộng hưởng tạo lập và tiếp sức mạnh cho đồng loại vượt qua khó khăn, mất mát, sớm ổn định cuộc sống.
Có lẽ, thông điệp đã được truyền tải khá nhiều, tuy nhiên góp gió thành bão để sức mạnh và sự sẻ chia thêm một lớn hơn, trước vô thường, biến đổi của cuộc đời, trước đau thương mất mát của một đất nước, trước những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên kia, chúng ta hãy thêm nhiều lần hơn nữa hành động, tiếp tục góp sức cho họ. Và những tâm hồn cao cả của thế gian hãy khoan thôi đề cập đến nguyên nhân của sự việc kinh hoàng ấy trên góc độ phán xét bởi còn quá nhiều khía cạnh, vấn đề cần nhìn nhận mà hơn hết là đừng làm tổn thương thêm những trái tim đã và đang quá khổ đau, chỉ còn chút sức lực cuối cùng gắng gượng cho đôi chân bước tiếp. Vượt qua những ngăn cách, sự khác biệt thì chúng ta – những đồng loại của nhau đều là thành phần cấu tạo của cuộc sống này, là anh em, quyến thuộc, thân tình. Vì vậy, hãy “cùng đến bên cạnh nhau, ngay bây giờ” để xoa dịu nỗi đau, để bàn tay thêm siết chặt và để tương lai vơi bớt bụi mờ!
Các bài viết liên quan
- Pháp lạc từ lớp học 5 giờ sáng - Thứ Bảy, 16:31 05-08-2023 - xem: 637 lần
- Cảm xúc Tình nguyện viên Vu Lan 2022 của một bạn trẻ - Thứ Tư, 08:02 17-08-2022 - xem: 2146 lần
- Việt Nam tôi đó! - Thứ Hai, 18:55 30-08-2021 - xem: 3908 lần
- Những tiếng lòng mùa dịch - Thứ Hai, 18:51 30-08-2021 - xem: 3907 lần
- Tìm một con đường - Tìm một lối đi - Thứ Ba, 15:42 10-08-2021 - xem: 3712 lần
- Tâm tình sẻ chia “An yên giữa đại dịch” - Thứ Bảy, 17:39 07-08-2021 - xem: 3639 lần
- Dư âm - Thứ Bảy, 17:17 07-08-2021 - xem: 3508 lần
- Khóa tu giữa những ngày giông bão - Thứ Sáu, 12:01 06-08-2021 - xem: 3734 lần
- Nẻo về bình an mùa đại dịch - Thứ Ba, 23:10 20-07-2021 - xem: 4184 lần
- Đạo nghĩa thầy trò qua lời Tổ dạy - Chủ Nhật, 20:46 28-02-2021 - xem: 4830 lần
- Cảm niệm về chuyến chiêm bái thắng tích Phật giáo miền Bắc của Khoa Đào Tạo Từ Xa - Chủ Nhật, 10:45 10-01-2021 - xem: 3599 lần
- Hành trình trên đất Bắc - Thứ Năm, 08:37 07-01-2021 - xem: 4752 lần