CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Phật Pháp có giúp ích gì cho tuổi trẻ hôm nay không?

Trong cuộc sống tấp nập và ngập tràn thông tin của thời đại hiện đại, mọi công việc đều được xử lý trên nền tảng công nghệ, và gần như mọi thứ đều áp dụng chúng để giải quyết; cũng như chúng đã tác động, chi phối đến cả lối sống của cá nhân. Một xã hội như thế có thật sự cần đến con đường, phương pháp thực hành tâm linh, hay nói cách khác có cần đến sự hiện diện của Tôn giáo đối với cuộc sống nói chung và cho tuổi trẻ nói riêng hay không? Đây cũng chính là điều mà người viết muốn chia sẻ trong bài này để làm cầu nối cho mọi người và các bạn trẻ thấy rõ được giá trị của con đường tâm linh chân chánh.

Như các bạn đã biết, nền văn minh khoa học ngày nay đã khá phát triển và cũng giúp cho nhân loại giải quyết biết bao vấn nạn của cuộc sống nhân sinh: từ môi trường cho đến y học, từ những vấn đề hữu hình cho đến vô hình...... nhưng gần như những vấn nạn về đạo đức vẫn cứ tiếp tục phát sinh và chưa có dấu hiệu suy giảm. Vì sao lại nghịch lý như thế? Đúng ra khoa học phát triển, vật chất đầy đủ thì những cực đoan, tệ nạn của xã hội phải thuyên giảm nhiều đi chứ, đằng này lại tăng là sao! Điều này cho thấy công nghệ, khoa học vẫn chưa đủ khả năng giải quyết một cách tuyệt để những tệ nạn nhằm giúp cho nhân sinh có được cuộc sống hạnh phúc, bình an dù cho đã cố gắng, nỗ lực và vận dụng tối đa những thiết bị tiên tiến nhất để giải quyết.

Nói như vậy để các bạn thấy rằng: chưa hẳn khoa học, công nghệ phát triển là đã có thể chứng nghiệm được hạnh phúc, và cũng không phải như dân gian ta thường nói: "có tiền mua tiên cũng được"..... Vấn đề này các bạn có thể khám phá ngay cuộc sống quanh ta, đâu có thiếu những người nghèo về vật chất nhưng đời sống của họ vẫn an vui, gia đình vẫn hạnh phúc mà biết bao người cao sang, đầy đủ tiện nghi, quyền lực phải khao khát, mong cầu. Như thế thì hạnh phúc phát sinh từ đâu? Phải chăng con đường hiện thực hóa đối với vấn đề hạnh phúc có liên quan đến con đường tâm linh chân chánh? Chính vì thế mà Tôn giáo chân chánh cũng đóng một vai trò không thể thiếu trong tiến trình đi đến hạnh phúc của nhân sinh.

Như vậy tôn giáo đã góp phần cho tiến trình hoàn thiện cuộc sống như thế nào? Vấn đề này khá rộng lớn nên người viết chỉ phân tích, chia sẻ một vài nhận định nhỏ của mình về Phật pháp đã giúp ích gì cho tuổi trẻ hôm nay mà thôi.

1. Phật pháp giúp cho tuổi trẻ có được một nhận thức chuẩn xác hơn.

Chính nền văn minh hiện đại hôm nay đã góp phần tác động đến cách nhìn, suy nghĩ của con người, nên xã hội cũng đã chú trọng hơn về con đường giáo dục tri thức. Và khi dân trí được nâng lên, một điều tất yếu sẽ dẫn đến là tất cả mọi con đường hỗ trợ cho cuộc sống con người đều phải phù hợp với lý trí. Điều này vô tình kéo theo mọi hệ thống tôn giáo cũng phải khế hợp với tri thức của khoa học để tiếp tục phát triển. Cho nên con đường tâm linh cũng phải phù hợp, tương thích, phải có chiều sâu về trí tuệ và đặc biệt là phải đủ những yếu tố hướng dẫn con người đi đến nguồn hạnh phúc chân thật. Chính yếu tố này sẽ quyết định đến con đường tâm linh đó có giúp ích cho cuộc sống, cho tuổi trẻ hay không?

Điều kiện này đối với những lời dạy của đức Phật hay Phật pháp thì hoàn toàn đủ tiêu chuẩn. Hơn thế nữa, Phật pháp còn có thể giúp cho tuổi trẻ định hình cho mình một quan điểm nhận thức đúng đắn và có thể vượt xa tri thức của xã hội cũng như khoa học như Albert Einstein từng nói và được HT. K.Sri Dhammananada ghi lại trong tác phẩm "Phật Giáo Dưới Mắt Nhà Trí Thức" do Thích Tâm Quang dịch: "Điểm kết thúc của khoa học chính là điểm khởi đầu của Phật giáo". Người viết nhắc lại lời này để minh chứng cho các bạn thấy một điều rằng: đôi khi có những Tôn giáo mà giá trị tri thức, con đường thực nghiệm đời sống hạnh phúc cao hơn hẳn cách nhìn của các khoa học gia và cũng để khẳng định Phật pháp luôn hữu ích đối với cuộc sống xã hội.

Nói như vậy, chắc các bạn cho rằng chỉ một câu nói của Einstein thì làm sao đủ sức thuyết phục đối với đời sống tri thức của tuổi trẻ hôm nay phải không? Quả thật như thế! Và để thấy rõ hơn, chúng ta hãy xem lại lời đức Phật đã từng chỉ dạy, tuyên bố giữa những người dân thành phố Kesaputta, xứ Kosala cách đây hơn 2500 năm và được ghi lại trong bài Kinh Kalama như thế nào:

"...Này các người Kalama, đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa môn là thầy mình. Nhưng này các người Kalama, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là bất thiện, các pháp này là đáng chê, các pháp này bị người trí chỉ trích, các pháp này nếu được thực hiện, chấp nhận thì dẫn đến bất hạnh khổ đau; thời này các người Kalama, các người hãy từ bỏ chúng đi."

Hay như trong bài kinh "Người Bắt Rắn" được Hòa thượng Nhất Hạnh dịch như sau:

"Những giáo pháp tôi nói, các thầy phải tìm hiểu nghĩa lý một cách thật tường tận và đúng mức rồi mới nên đem ra hành trì. Nếu chưa tìm hiểu được nghĩa lý một cách tường tận và đúng mức thì trước hết hãy nên hỏi lại chính tôi hoặc hỏi lại các bậc trí giả và các bậc phạm hạnh đã".

Lời tuyên bố hùng hồn này có khác chi cách làm việc của các nhà khoa học ngày nay đâu. Cả hai đều đòi hỏi tinh thần chứng nghiệm thực tế. Và ở đây đức Thế Tôn còn chỉ dạy rất rõ ràng: Điều nào bị người trí chỉ trích, thực hành không đem lại hạnh phúc thì không nên chấp nhận hay tin theo; hay vấn đề nào chưa được hiểu rõ một cách tường tận thì nên tham vấn với các thiện tri thức hoặc những bậc đã hoàn thiện đời sống phạm hạnh, nhằm giúp cho mình hiểu một cách tường tận vấn đề, để có được quyết định đúng đắn trong việc có nên thực hành hay không. Một tinh thần, một lối sống rất minh triết mà người viết thiết nghĩ những ai mến tri thức, yêu sự thật không thể không suy tư và nghiền ngẫm.

Các bạn có thấy không? Cách làm việc của đức Phật đâu có mang tính chất giáo điều; trái lại rất tôn trọng sự thật cùng khuyến khích mọi người nên tìm hiểu mọi vấn đề trước khi tin và thực hành chúng. Và trong lời dạy này, đức Thế Tôn còn gửi cho chúng ta một thông điệp về tinh thần tự lực, tự làm chủ lấy chính mình chứ không phải lệ thuộc nơi bất cứ một đấng quyền năng hay một tín điều, tập tục nào. Đời sống của chúng ta hạnh phúc hay đau khổ đều do chính những hành động thiện hay bất thiện của mình tạo nên. Nếu chúng ta làm ác thì mong cầu quả thiện lành, an vui có được không? Điều này lại được đức Thế Tôn dẫn giải bằng một ví dụ rất thực tế và sống động mà trong kinh điển thường hay nhắc đến: ví như cây nọ nằm cạnh bờ sông nhưng thân nghiêng về hướng sông, khi gặp mưa gió bão bùng..... Hoặc gặp một chướng ngại nào đó khiến cho cây bị ngã đổ thì cây này sẽ đổ về đâu: có phải đổ xuống sông không, hay theo chiều hướng ngược lại ở trên bờ? Cũng vậy, đời sống chúng ta nghiêng về con đường thiện lành, biết nỗ lực vun bồi chất liệu hạnh phúc thì nguồn an vui tự nhiên chảy trong người mà không cần phải van xin, mong cầu ai mang lại, hay một vị Thượng đế nào đó ban tặng cho.....

Nói như vậy, chắc các bạn vẫn cho rằng ngôn thuyết thì ai chẳng làm được như các triết gia xưa nay vẫn và đang đưa ra rất nhiều chủ thuyết, nghe rất hay nhưng con đường thực hành để đạt được kết quả thì chẳng được là bao phải không? Trái lại vấn đề này, đức Thế Tôn rất thực tế, không những chỉ cho mọi người thấy rõ đâu là chân hạnh phúc, đâu là khổ đau; rồi sau đó chỉ cho ta con đường để đi đến chân hạnh phúc ấy. Chính vì vậy ở trong một đoạn khác, Ngài chỉ dạy về cách nhìn thấy rõ và phương thức thực tập nhằm đạt được mục đích đã đưa ra.

Như đoạn kinh Kalama vừa được đề cập ở trên, các bạn thấy đó Ngài khuyên rất rõ ràng về điều nên làm và điều không nên làm: pháp bất thiện nghĩa là các điều ác, dẫn đến khổ đau, bị người trí chỉ trích, chê bai thì ta nên loại bỏ. Và sau đó, Ngài trình bày một cách chi tiết cho ta thấy như thế nào gọi là ác pháp. Điều này được ghi lại trong bài Kinh Chánh Tri Kiến thuộc Trung Bộ Kinh, nhằm giúp cho người nghe biết rõ phương thức thực hiện một đời sống minh triết:

"Chư Hiền, thế nào là bất thiện, thế nào là căn bổn bất thiện, thế nào là thiện, thế nào là căn bổn thiện? Chư Hiền, sát sanh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong các dục là bất thiện, nói láo là bất thiện, nói hai lưỡi là bất thiện, ác khẩu là bất thiện, nói phù phiếm là bất thiện, tham dục là bất thiện, sân là bất thiện, tà kiến là bất thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là bất thiện. Và chư Hiền, thế nào là căn bổn bất thiện? Tham là căn bổn bất thiện, sân là căn bổn bất thiện, si là căn bổn bất thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là căn bổn bất thiện.....".

Qua một vài đoạn kinh, chúng ta có thể nhìn thấy được Đức Thế Tôn đã hướng dẫn một cách chi ly cặn kẽ, nhằm giúp cho mọi người nhận thức rõ nguồn gốc, cội nguồn của khổ đau và hạnh phúc, cũng như nhận thức rõ về hành trình giải quyết triệt để căn nguyên của khổ đau. Đồng thời tất cả những lời dạy của đức Từ Phụ không đi ra khỏi phạm trù, phương pháp giải quyết những nỗi ưu phiền, não hại, khổ đau của cuộc sống. Cho nên một số khoa học gia, triết gia, nhà văn hóa đã tuyên bố về Ngài trong tác phẩm "Phật Giáo Dưới Mắt Nhà Trí Thức": “Con người vĩ đại nhất chưa từng có, Ánh hào quang của vị Thầy vĩ đại này soi sáng cái thế giới đau khổ và tối tăm, giống như ngọn hải đăng hướng dẫn và soi sáng nhân loại”.

Quả thật ngọn hải đăng mà đức Từ Phụ đã thắp lên, đủ khả năng soi sáng cho những tâm hồn tăm tối thấy được lối thoát để tìm về cội nguồn chân hạnh phúc. Không những vậy, nguồn ánh sáng này còn soi rọi hướng dẫn, và gợi ý cho các nhà khoa học hướng đi trên con đường nghiên cứu, tìm về sự thật của cuộc sống. Chính vì thế mà Albert Einstein mới khẳng định: "Điểm kết thúc của khoa học chính là điểm khởi đầu của Phật giáo.....". Đây chính là yếu tố ưu việt, khác biệt so với các triết gia, và cũng là thông điệp mà Ngài đã gửi đến mọi người nói chung, các bạn trẻ nói riêng về con đường nhận thức rõ cuộc sống và phương pháp thực hiện một lối sống minh triết.  

2. Hoàn thiện đời sống nhân cách đạo đức

Như vừa trình bày về con đường mà đức Thế Tôn đã vạch ra luôn có sự song hành giữa ngôn thuyết và phương pháp thực hành để đi đến sự hoàn thiện đời sống, nhân cách đạo đức. Phương pháp ấy luôn mang dấu ấn của tinh thần thực tiễn và mang lại hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại, chứ không phải chỉ là chiếc bánh vẽ trên không, làm mê hoặc mọi người mà chẳng thưởng thức được hương vị mặn ngọt, ngon dở của chiếc bánh ra sao. Tinh thần thực tiễn ấy đã có mặt khắp nơi trong lời dạy của đức Từ Phụ. Trong bất cứ phương pháp thực hành nào của giáo pháp đều có niềm vui, sự an lạc ngay trong khi hành trì mà thuật ngữ nhà Phật gọi là "hiện pháp lạc trú". Ngay cả trong lãnh vực được cho là khô khan, bó buộc với những nguyên tắc như Giới luật đi nữa cũng luôn có sự hiện diện của tinh thần "hiện pháp lạc trú". Giờ các bạn thử nhìn lại đoạn kinh Chánh Tri Kiến đã dẫn chứng ở trên để thấy rõ hơn về điều này.

Tuy ở đây đức Thế Tôn không hề đề cập đến chữ Giới luật nào, nhưng những điều ngài vừa chỉ dạy về thiện và bất thiện, hay thiện pháp và ác pháp trong đoạn kinh này lại chính là điều căn bản của giới luật dành cho người cư sĩ -đệ tử tại gia của đức Từ Phụ. Những nguyên tắc sống như không sát sanh cho đến không nói phù phiếm là bốn trong năm giới căn bản của người cư sĩ áo trắng. Tuy được liệt kê ra đến 7 điều học nhưng thực chất những học điều: nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói phù phiếm chỉ là triển khai giới thứ tư mà thôi. Nếu thực hành theo những nguyên tắc này tức là đã và đang đi trên con đường thiện lành và ngược lại như sát sanh, lấy của không cho....chính là điều bất thiện, bị người trí chỉ trích. Và khi sống với những học giới này thì người hành trì sẽ có được sự an vui cho tự thân cũng như cho mọi người.

Khi bạn sống đời sống không giết hại sanh linh nghĩa là bạn đang sống với tâm từ ái, thương người mến vật. Lúc này tâm thương yêu hiện diện trong bạn thì niềm vui, sự an lạc đã và đang thấm chảy trong mạch máu của bạn rồi, đâu cần phải chờ đến một ngày nào đó trong tương lai mới có được sự an vui hạnh phúc kia chứ. Đồng thời chính đời sống không giết hại đã thiết lập cho mình một môi trường sống hòa bình, không có nguyên nhân dẫn đến sự oán giận, hận thù mà trái lại chúng ta đang kiến lập cho mình môi trường sống thương yêu với tình thương, niềm tin tưởng nơi mọi ngươi, cũng như giúp cho suối nguồn hạnh phúc, an vui mãi hiện diện.

Chính đời sống như vậy sẽ giúp cho những người xung quanh có được sự an tâm, không lo lắng, phập phồng lo sợ về việc sẽ bị ta cướp đi mạng sống của họ.... Ở đây chỉ đơn cử một nguyên tắc sống đầu tiên để các bạn thấy rõ tinh thần an vui hạnh phúc ngay trong lúc thực hành mà thôi; còn các nguyên tắc sống khác cũng có những đặc tính tương tự như vậy, cũng đều mang lại sự an vui hạnh phúc cho người hành trì ngay trong hiện tại. Tinh thần ấy không chỉ tồn tại trong lãnh vực giới luật như vừa đề cập mà chúng còn hiện diện khắp trong tất cả những lời giáo huấn của đức Thế Tôn. Cho nên con đường thực nghiệm giáo pháp của đức Thế Tôn luôn mang lại sự an lạc ngay trong hiện tại dù cho con đường đó có khô khan, bó buộc như Giới luật đi nữa. Vì thế chúng đã trở thành điểm đặc sắc trong giáo pháp của đức Thích-ca. Và con đường ấy có thể giúp cho nhân sinh đi đến sự hoàn thiện nhân cách con người hay nói cách khác chúng chính là con đường đưa đến Chân - Thiện - Mỹ.

Đây chỉ là một khía cạnh nhỏ trong đại lộ mênh mông của giáo pháp nhưng giá trị của chúng mang đến, lại chẳng khác chi so với giá trị của đại lộ kia. Tuy nhỏ nhưng hương vị hạnh phúc, an vui của chúng cũng đồng với hương vị của đại lộ mênh mông; cũng giống như hương vị của giọt nước biển với đại dương bao la kia vậy. Giờ đây chắc các bạn đã thấy được tinh thần, giá trị của Phật Pháp có đủ khả năng giúp ích cho tuổi trẻ hôm nay nói riêng và nhân sinh nói chung như thế nào rồi. Việc còn lại là các bạn có chịu bước theo để hoàn thiện nhân cách cho chính mình hay không mà thôi. Đây cũng chính là điều mà người viết muốn chia sẻ với các bạn hôm nay. Hy vọng chúng đem lại lợi ích cho các bạn cũng như mọi người.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan