CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

“Thực phẩm cho Tâm”- lời sách tấn từ bậc Đạo Sư !

Từ lâu, tên tuổi của Thiền sư Ajahn Chah và các tác phẩm của Ngài đã trở nên rất quen thuộc với nhiều độc giả Việt Nam, đặc biệt là với những hành giả tu thiền. Không thể không nhắc đến Suối nguồn tâm linh, Mặt hồ tĩnh lặng, Chỉ một cội cây, Thiên nhiên Tâm… và nhiều dịch phẩm khác nữa.

Các quyển sách trên hầu hết là tập hợp những pháp thoại được Ngài giảng cho các chúng đệ tử xuất gia và tại gia. Người đọc dễ nhận ra rằng, các pháp thoại không dừng lại ở giáo lý, mà thường đi sâu vào pháp hành. Đây chính là điểm đặc sắc trong phương pháp giáo hóa đệ tử ở Ngài.

Một điểm nổi bật khác, và cũng là điều hết sức trân trọng từ vị Đại sư này, đó là giá trị sách tấn mạnh mẽ, xuyên suốt các pháp thoại Ngài đã giảng. Có lẽ, bằng lòng từ bi và tâm nguyện của người Thầy, giảng pháp cũng là cách để Ngài tự nhắc nhở mình và sách tấn chư đệ tử đi trên con đường giác ngộ, giải thoát ?

Với những suy nghĩ đó, xin được giới thiệu quyển“Thực phẩm cho Tâm”, nhìn ở góc độ: Lời sách tấn từ bậc Đạo sư ! Quyển sách do Tỳ-kheo Thanissaro phiên tả từ các pháp thoại của Ngài Ajahn Chah và được Việt dịch bởi Ni sư Liên Hòa.

“Thực phẩm cho Tâm” gồm 10 pháp thoại được Thiền Sư Ajahn Chah giảng ở một số tu viện tại vùng Đông Bắc Thái Lan, từ cuối những năm 1960 đến đầu những năm 1980. Trong suốt cuộc đời tu tập của Ngài, đây là thời điểm mà sự nghiệp hoằng pháp đang ở giai đoạn đạt nhiều thành tựu. Do vậy, hầu hết các bài pháp trong thời gian này là kết tinh những kinh nghiệm tu tập tự thân mà vị Đại sư đã chứng ngộ và hết lòng truyền trao cho đệ tử.  

Đối tượng thính chúng trong các buổi giảng là những đệ tử xuất gia của Thiền sư. Vì thế, thật dễ nhận ra tấm lòng của người Thầy lớn chắt chiu trong từng nội dung bài pháp.

Ngài đã định hướng rõ ràng, chuẩn xác và sâu sắc mục đích tối thượng của người xuất gia (Cuộc chiến trong pháp); khẳng định tầm quan trọng của việc giữ giới luật (Am hiểu giới luật); đề cao vai trò của sự tu tập trong đời sống thường nhật tại tu viện (Duy trì mức chuẩn); nêu rõ kinh nghiệm hành trì và sách tấn sự tu tập của đệ tử (Thực tập đúng đắn - thực tập kiên định, Chánh định - viễn ly tham mọi lúc, Dòng lũ tham dục).

Đặc biệt, “Một đêm với sự chết” là những trải nghiệm hết sức quí giá, là những nỗ lực tuyệt vời trong hành trình tu tập của Đại sư. Đọc những dòng pháp thoại này, để hiểu vì sao Ngài Ajahn Chah đã trở thành một trong những vị Thánh Tăng của Thái Lan vào thế kỷ trước, để thấy được vai trò và ảnh hưởng lớn lao của Ngài đối với Phật giáo Đông Nam Á, và mở rộng ra là các nước phương Tây, qua các vị đệ tử đến từ các nước Âu- Mỹ.

Với “Xúc giác- cội nguồn trí tuệ”, Ngài đã chỉ rõ: khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, các giác quan này có thể lôi kéo chúng ta vui vẻ và tham đắm, hay chúng có thể làm cho tri thức và trí tuệ phát sinh (trang 154). Pháp thoại cũng đã đưa ra những ví dụ cụ thể, thuyết phục về cách tu tập để chế ngự các giác quan, từ đó nhận biết rõ sự vật như chúng đang là.

Bên cạnh đó, “Không có thật - tiêu chuẩn của bậc Thánh” lại là cách đặt vấn đề theo kiểu phản biện. Trong pháp thoại này, Ngài đã sách tấn đệ tử tu tập từ những bài học của các vị xuất gia đã không đi đến cùng trên con đường tìm về bờ giác !

Pháp thoại cuối cùng trong quyển sách được đặt tiêu đề “Bản thể siêu việt”. Lần theo hành trình tu tập của Đức Phật, Ngài nhận ra rằng: hạnh phúc hay đau khổ khởi lên, chắc chắn là do bởi có cái tôi (atta)… Hãy dùng trí tuệ dẫn tâm tiến thẳng đến Bản thể Siêu việt, bỏ qua những lớp vỏ bọc bên ngoài (trang 217).

Khi thường xuyên tu tập và quán chiếu như vậy, hành giả sẽ tự nhận chân ra Phật pháp, biết buông bỏ tham chấp, dính mắc. Từ đó, sẽ hóa giải được những khổ đau, hóa giải những điều phức tạp trong cuộc sống, tìm được sự an lạc trong hiện tại, và hướng về giải thoát ở tương lai.

 Mỗi pháp thoại có những nội dung riêng, phù hợp với bối cảnh và nhu cầu tu tập của đại chúng trong từng thời điểm. Tuy nhiên, nội dung xuyên suốt và đậm nét nhất trong tất cả các pháp thoại là những kinh nghiệm tu tập và những lời sách tấn hết sức tâm huyết mà Ngài đã dành cho các học trò của mình.

Thấm sâu trong từng bài giảng là ngọn lửa của lòng đam mê truyền trao giáo pháp, là tâm nguyện hướng đệ tử đi trên con đường giác ngộ. Sẽ dễ dàng tìm được nhiều dẫn chứng về điều này trong từng pháp thoại. Xin được trích dẫn một số đoạn tiêu biểu như sau:

Trước hết, Ngài nhấn mạnh vai trò của Pháp hành bên cạnh Pháp học. Học và hành là một cặp song sinh. Đạo Phật lớn mạnh và hưng thịnh đến hôm nay là nhờ vào việc học Pháp song song với việc thực tập. Nếu chỉ học kinh điển suông, không áp dụng thực tập, thì đời tu của chúng ta sẽ sớm rơi vào phóng túng, mai một… (Duy trì mức chuẩn- trang 34).

Ngài cũng chỉ rõ: Nếu tâm chúng ta luôn tinh tấn, sốt sắng mãnh liệt, thì chánh niệm tỉnh giác luôn có mặt… Và khi đó, việc tu tập sẽ tiến bộ tự nhiên… (Thực tập đúng đắn - Thực tập kiên định - trang 70, 71).

Cũng trong bài pháp vừa nêu, Ngài khuyến tấn: Chúng ta cần phải chăm chút cho việc tu tập của chính mình. …Nếu cảm thấy khỏe mạnh, bạn nên thực tập… Nếu cảm thấy giải đãi mỏi mệt, hãy để thân cưu mang cái cảm giác ấy, còn tâm phải tinh tấn thực tập… (trang 65).

Ngài khẳng định hết sức mạnh mẽ: không có khổ công nào bằng khổ công của người tu tập pháp, không có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc của người tu tập, không có nhiệt huyết nào sánh bằng nhiệt huyết của người tu tập và không có sự giải đãi nào sánh với sự giải đãi của người tu tập. Những người thực tập pháp là nhất nhất (Một đêm với sự chết- trang 128, 129).

Ngài cũng không quên tán thán hạnh tinh tấn của đệ tử: khi đi ngang thất của một vị (Tỳ kheo), chúng ta thấy trên con đường đi có lối mòn nhẵn (do vị ấy thường xuyên kinh hành quanh thất) , vị Tăng này thực tập không bao giờ biết mỏi mệt . Đây là một vị tinh tấn nhiệt tình trong thực tập giáo pháp (Duy trì mức chuẩn- trang 38).

Còn rất nhiều những dẫn chứng khác xoay quanh nội dung truyền trao kinh nghiệm tu tập và nhất là sách tấn đệ tử nỗ lực trên đường tu. Trong phạm vi bài viết này, khó thể trình bày hết được. Chỉ biết rằng, lời giới thiệu sau đây của Tỳ kheo Thanissaro là rất thuyết phục: Các Pháp thoại luôn khơi dậy nhiệt huyết, sự tinh tấn tu tập cho chư Tăng. (Lời giới thiệu của dịch giả Thượng tọa Tỳ kheo Thanissaro – xv)

Đọng lại trong tâm người đọc là cảm nhận: những pháp thoại trong quyển sách đã đến từ công phu tu tập của vị Đại sư, từ trái tim từ bi của người Thầy tâm linh với trọng trách dẫn dắt học trò đi trọn con đường của người xuất gia giải thoát.

Đọc các bài pháp thoại, đôi lúc, tưởng chừng như đang được nghe những lời dạy trực tiếp từ Ngài. Có lẽ, sức nặng của một đời tu, tâm từ của người Thầy lớn đã huân vào từng con chữ, đủ sức lay động tâm hồn và trái tim người đọc, bất kể khoảng cách không gian và thời gian!

Những ai đủ duyên nghe hoặc đọc các bài giảng đã được ghi lại thành sách, xin hãy luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Thiền sư: Bất cứ ai hành trì, đều sẽ đến đích. (Dòng lũ tham dục- trang 39).

Hầu hết các pháp thoại đều được giảng sau các buổi ôn tụng Giới bổn theo thường lệ. Đó là thời điểm mà mỗi hành giả như vừa được tắm gội thân tâm sau khi quán xét lại mình trong cuộc sống chốn thiền môn. Không gian thanh tịnh, yên ắng, vào giây phút ấy, giúp đệ tử lắng lòng hơn, quán chiếu sâu hơn trong pháp thoại của Thầy.

Thực phẩm cho Tâm với hơn 200 trang sách, là một tác phẩm khiêm tốn trong kho tàng Pháp bảo mà bậc Đại sư đã để lại cho hàng hậu học. Nhất quán trong phương pháp hành trì, kiên định trong cách giáo hóa và khuyến tấn đệ tử tu tập, quyển sách đã làm công việc ghi lại và chia sẻ với người đời sau chân dung và công hạnh ấy của Thiền sư Ajahn Chah.

Quyển sách đã khép lại trang cuối, để rồi mở ra trong lòng người đọc lòng tri ân Pháp, tri ân Tăng, và sâu thẳm là lòng tri ân Phật, về con đường thoát khổ mà đức Thế Tôn đã khai mở cho tất cả chúng sinh.

Xin thành kính niệm công đức của Tỳ-kheo Thanissaro, người đã ghi lại các pháp thoại này, như là sự tri ân người Thầy tâm linh khả kính của mình.

Xin niệm ân Ni sư, người đã dịch Thực phẩm cho Tâm.

Nguyện mong, những ai hữu duyên gặp gỡ tác phẩm, sẽ được truyền thêm năng lượng tinh tấn thực tập không mệt mỏi, như lời chia sẻ và cũng là lý do đưa Ni sư đi đến quyết định chọn dịch quyển sách này !


•Thực phẩm cho tâm (Phần 1)

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan