CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tình người trong đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid- 19 đã trở thành nỗi ám ảnh toàn cầu suốt gần ba tháng qua. Thế giới hoảng loạn, lòng người bất an, biết bao xáo trộn trong sinh hoạt của con người trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, biết bao vấn đề đặt ra cho nhân loại trước thử thách nghiệt ngã của sự sống còn trên trái đất.

Chắc chắn, sau biến động sâu sắc này, nhân loại sẽ phải tỉnh thức, sẽ phải hoạch định những cải cách lớn để sửa chữa những sai lầm mà con người đã gây ra cho hành tinh, cho vạn loài, từ nhiều thế kỷ.

Nhưng, cũng từ trong cơn bão của đại dịch, đã sáng lên bài ca về tình người, đã nồng ấm hơn về những sẻ chia quý báu con người dành cho nhau trong lằn ranh sinh tử. Cũng từ đây, nhân loại thấm thía hơn quy luật nhân quả, lẽ vô thường,  hiểu rõ hơn mối tương giao không thể tách rời giữa mình và người. Đây cũng là cơ hội để những ai đủ duyên phát tâm thực hành hạnh bố thí...  Tất cả những điều đó không nằm ngoài những điểm cốt yếu trong giáo lý nhà Phật.

Trong phạm vi bài viết này, xin được đề cập đến hạnh bố thí – biểu hiện của tình người trong những ngày đầy biến động như hiện nay.

“Cả nước chống dịch.” “Chống dịch như chống giặc.” Đó là những câu nói quen thuộc mà mỗi người Việt Nam đang tự nhắc mình từng ngày. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành khắp thế giới, khi các nước lớn: Trung Quốc, Mỹ, Nga, và hầu hết các nước châu Âu gần như thất thủ, Việt Nam nhỏ bé về tiềm năng kinh tế đã, đang và sẽ phải gồng mình chống đỡ với đại dịch. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, cả nước một lòng đoàn kết theo chủ trương của Chính phủ. Hy sinh kinh tế để cứu đồng bào, đó là quyết sách ngay từ đầu và hết sức đúng đắn của những người lãnh đạo đất nước.

Cũng chính vì vậy, lúc này đây, hơn bao giờ hết, cần biết bao sự hy sinh, đùm bọc của mọi người trong xã hội. Mỗi ngày trôi qua, những thông tin về số ca nhiễm bệnh, về lịch trình đi lại của bệnh nhân Covid-19 như nhảy múa liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với những thông tin đó, là những câu chuyện, những nghĩa cử tuyệt vời của rất nhiều người, nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội, với tâm nguyện góp một phần công sức vào việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân, của cộng đồng.

Mỗi người, ở những vị trí khác nhau, điều kiện vật chất khác nhau, đã tùy hỷ phát tâm đóng góp. Những đóng góp ấy, được thể hiện ở nhiều cách thức hết sức đa dạng, phong phú, giàu ý tưởng, đậm chất nhân văn, nặng nghĩa đồng bào. Có lẽ, trong hoạn nạn, lòng nhân ái, tinh thần tương thân, tương trợ mới có dịp được bộc lộ hơn bao giờ hết.

Xin trân trọng tất cả sự đóng góp ấy, vì nó xuất phát nơi trái tim từ bi vốn sẵn có trong tâm mỗi người. Những chủ doanh nghiệp lớn với số tiền ủng hộ lên đến hàng tỷ đồng; những cụ ông, cụ bà chắt mót số tiền dưỡng già ít ỏi tận tay quyên góp cho quỹ phòng chống dịch, những cháu thiếu niên dùng tiền tiết kiệm mua khẩu trang tặng người khó khăn…

Thế mới biết, lòng nhân ái không giới hạn địa vị xã hội, không luận bàn tuổi tác, sang hèn. Chính vì thế, sẽ thật có lỗi, nếu ai đó cân đong đo đếm mức độ đóng góp của từng cá nhân bằng giá trị vật chất !

nguồn: internet
Ảnh nguồn: internet

Sẽ không thể quên được những ổ bánh mì gói trọn tình thương của ông chủ thương hiệu bánh mì ABC dành tặng đội ngũ y bác sĩ. Từng chất liệu dinh dưỡng trong mỗi ổ bánh là tâm thương yêu, là lòng tri ân ông gởi đến những thiên thần áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch. Phải sâu sắc lắm, phải yêu thương lắm mới có thể nghĩ ra cách làm như vậy. Mà lại làm từ rất sớm, ngay những ngày đầu ra trận!

Cũng như vậy, một cô chủ quán cơm ở Hà nội đã tự tay nấu những suất cơm bảo đảm đủ chất dinh dưỡng để phục vụ cho các y bác sĩ ở bệnh viện. Một nhóm các bạn trẻ ở TP. Hồ Chí Minh đã làm hàng ngàn chai nước ép cam gởi tặng  các bác sĩ  ở những bệnh viện lớn, nơi có nhiều bệnh nhân Covid- 19 đang điều trị.

Không thể không nhắc đến một số cơ sở khách sạn ở Hà Nội, ở TP. Hồ Chí Minh, khi chủ khách sạn xin được phục vụ miễn phí chỗ nghỉ ngơi cho các bác sĩ, sau giờ làm việc ở bệnh viện.

Tất cả đã ý thức được sự cống hiến to lớn của đội ngũ thầy thuốc trong cuộc chiến gian nan này. Các bác sĩ đã hy sinh thời gian, công sức, hạnh phúc riêng tư, thậm chí cả sinh mệnh của mình, để giành lấy mạng sống cho bệnh nhân. Do vậy, những người ở tuyến sau, đã làm tất cả để họ duy trì được sức khỏe và an tâm thực hiện thiên chức của một lương y.

Hai bác sĩ trẻ đã nhiễm bệnh sau những ngày dài xông pha cùng bệnh nhân. Các anh đã nhận được rất nhiều tình cảm và sự quan tâm của nhân dân từ khắp mọi miền đất nước. Điều không may ấy không hề làm suy giảm tinh thần và nhiệt huyết của các đồng nghiệp áo trắng. Những lá thư tình nguyện của tập thể bác sĩ ở bệnh viện Trung ương Huế xin được ra tuyến đầu chống dịch là minh chứng cho tấm lòng và y đức của người thầy thuốc ngay trong tâm dịch.

Đã có những vần thơ đẹp, đã có những bài hát đong đầy cảm xúc, viết về các chiến sỹ ngành y, trong những ngày qua !

Lại càng không thể không nhắc đến lực lượng bộ đội trong việc đảm nhiệm công tác ở các khu cách ly, trong canh phòng ở các cửa khẩu biên giới. Nhiều tấm ảnh ghi lại những khoảnh khắc hết sức xúc động tại những nơi này, để lại bao ấn tượng đẹp trong lòng người dân. Những dòng thư viết vội của nhiều “cư dân bất đắc dĩ” sau 14 ngày cách ly đã nói lên sự tận tụy hy sinh, không quản khó nhọc của các chiến sỹ. Họ đã góp phần không nhỏ trong cuộc chiến chống giặc Covid đầy cam go hôm nay.

Cũng xin được nhắc đến với lòng trân trọng những tấm lòng vàng ở khắp nơi trong cả nước. Trong những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, đã xuất hiện rất nhiều những điểm phát cơm, phát quà từ thiện cho người nghèo, đặc biệt là người bán vé số ở các địa phương. Đặc biệt, đã xuất hiện máy phát gạo theo kiểu ATM, một sáng kiến tuyệt vời của lòng nhân ái.

Đó đây, còn có những bà cụ, tuổi trên 80, vẫn đêm ngày miệt mài may khẩu trang để gởi tặng những người khó khăn, những chủ nhà trọ miễn hoặc giảm tiền thuê nhà cho công nhân trong những ngày người lao động mất việc. Cứ ngỡ như là những câu chuyện cổ tích giữa đời thường !

Những nghĩa cử cao đẹp ấy là biểu hiện của truyền thống “lá lành đùm lá rách”, truyền thống tốt đẹp tự ngàn đời của dân tộc Việt. Cơn bão đại dịch đã lay động đến từng trái tim nhân ái tưởng chừng đã ngủ quên từ lâu trong vòng xoáy của lợi danh, vật chất. Những nghĩa cử ấy, những việc làm ấy, chính là việc thực hành hạnh bố thí, một trong những pháp tu quan trọng của người con Phật, vốn rất gần gũi với tâm thức hướng thiện của chúng sinh, bất luận người ấy đã hay chưa là Phật tử !

Chắc chắn, những việc làm thiện lành này xuất phát từ  tâm thương yêu và hoàn toàn tự nguyện, từ việc xác định trách nhiệm của chính mình trong mối tương quan với cộng đồng, đặc biệt khi con người phải đối mặt với một bệnh dịch được mệnh danh là siêu lây nhiễm.

Cũng xuất phát từ tâm tự nguyện và hoan hỷ ấy, nên ngay lập tức, như một phản ứng dây chuyền, những việc tốt nhanh chóng lan tỏa trong toàn xã hội, trong nhiều giai tầng khác nhau, nhiều hoạt động khác nhau. Tất cả có cùng một tâm nguyện, là chung tay đẩy lùi dịch bệnh, đem lại sự bình yên cho cuộc sống con người. Động cơ ấy, tâm nguyện ấy là chính đáng, là phù hợp với tinh thần bố thí trong sáng của người Phật tử, theo giáo lý nhà Phật.

Không thể phủ nhận giá trị của những đóng góp về vật chất, vì đó là sự vượt lên của tâm xả ly tham chấp trong cuộc sống thế gian vốn nặng về ngũ dục. Bố thí ngoại tài là cách để gieo nhân thiện lành, vun bồi phước báu. Chắc chắn, nhiều vị, khi phát tâm giúp người, đã chưa hề biết đến hạnh tu bố thí, và cũng không có tâm mong cầu phước báu. Chính vì thế, càng đáng trân trọng biết bao những tấm lòng vàng.

Nhưng có lẽ, sự xả thân cứu người của các y bác sĩ, đặc biệt là trong những tình huống căng thẳng, khẩn cấp, thật không gì có thể sánh bằng ! Chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân, được nhà Phật xem là bố thí nội tài, một pháp bố thí đòi hỏi y đức và sự hy sinh sức khỏe, thậm chí là thân mạng của người thầy thuốc, trong khi chính bản thân họ là những vốn quý của gia đình và đất nước.

Trong sự phát tâm rộng lớn của xã hội, chắc chắn có sự tham gia của nhiều Phật tử. Bởi lẽ, đây cũng là nhân duyên để những người con Phật hoan hỷ làm theo lời Phật dạy, ứng dụng Phật pháp vào đời sống, từ đó đem lại an lạc và hạnh phúc, cho mình và cho người.

Cầu mong đại dịch sớm đi qua. Nguyện cho chúng sinh được an lành trong tình người, trong ánh sáng từ bi của mười phương chư Phật !

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan