CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Bản thể siêu việt

BẢN THỂ SIÊU VIỆT

Thiền sư Ajahn Chah giảng bài Pháp này vào một buổi tối sau khi tụng Giới bổn tại tu viện Nong Pah Pong năm 1975

TKN. Liên Hòa chuyển ngữ

Khi nhóm năm ẩn sĩ[1] rời bỏ đức Thế Tôn, Ngài thấy đó là điều hay vì từ bây giờ Ngài có thể tiếp tục thực tập không còn cản trở nào. Khi năm ẩn sĩ sống bên cạnh, không lúc nào Ngài được trọn vẹn thanh thản, an lành, Ngài phải có trách nhiệm khi sống chung. Và bây giờ năm ẩn sĩ từ bỏ Ngài, bởi vì họ cảm thấy Ngài tu hành trì trệ, có xu hướng trở về đời sống dục lạc. Trước đây, Ngài nỗ lực tu theo khổ hạnh, hành hạ thân thể, khổ hạnh trong ăn uống, ngủ nghỉ, v.v... Ngài đã thực hành khổ hạnh ép xác hết sức khốc liệt, nhưng khi thực tập đến đỉnh điểm, Ngài tự nhận ra lối tu tập khổ hạnh ép xác như thế hoàn toàn không đưa đến mục đích mong mỏi. Pháp tu này chỉ là một quan điểm, một lối thực tập thoát ra ngoài tâm ngạo mạn, tự hào và tham luyến mà thôi. Chính Ngài vướng vào sai lầm không phân biệt rõ các giá trị thế gian và Chân lý tối hậu. 

Như người đã quyết định quên mình tu khổ hạnh để mong có tiếng khen, loại thực tập này là “tham vọng phàm phu”, thực tập vì mê thích danh tiếng. Thực tập theo lối này còn được gọi là “lầm lẫn nẻo về thế tục mà cho là chân lý”.

Một cách thực tập khác đó là “lầm lẫn quan điểm của tự thân xem như là chân lý”. Bạn chỉ tin tưởng trong cách thực tập của tự thân. Không bận tâm đến ai nói gì, bạn chỉ khư khư giữ quan điểm riêng của mình. Bạn không cân nhắc cẩn thận việc thực tập. Đây gọi là “lầm lẫn quan điểm của tự thân là chân lý”.

Cho dù bạn xem thế giới này hay bản thân mình là chân lý, tất cả chỉ là tham chấp mù quáng. Đức Thế Tôn nhận diện ra điều này và biết rõ rằng không “dính mắc vào pháp” chính là cách thực tập cho mục đích đến là chân lý. Vì vậy việc thực tập lâu nay của Ngài vô hiệu quả, Ngài vẫn chưa đoạn tận phiền não cấu nhiễm.

Ngài quay trở lại và tư duy thật kỹ tất cả các phương pháp tu tập từ trước đến nay có kết quả gì. Các pháp môn ấy mang lại kết quả gì? Quán sát thật sâu, thật kỹ, Ngài thấy rằng chúng không đúng. Chúng chất chứa đầy kiêu mạn, đầy chất phàm trần của thế gian. Không có Pháp, không tìm thấy gì trong cái vô ngã, không, trống rỗng và đến đi tự nhiên. Có thứ đến đi tự nhiên nhưng vẫn có một thứ thường hằng, không đến đi.

Quán sát kỹ lưỡng trạng huống này, đức Thế Tôn hiểu rằng, cho dù Ngài có giải thích những điều Ngài nghiệm suy cho nhóm năm vị ẩn sĩ, họ cũng không thể nào hiểu nỗi. Chuyển hoá họ ngay lúc này không phải là điều dễ làm đối với Ngài, bởi vì những vị ẩn sĩ này vẫn cố thủ lối thực tập cũ và nhận thức thế giới xung quanh theo cách nhìn nhận của họ. Đức Thế Tôn biết rằng những người bạn này có thể thực tập như thế cho đến khi nào rời cõi đời, có thể vì đói mà chết và rồi không đạt được mục đích gì cả, bởi vì phương pháp thực tập này được cổ vũ khuyến khích từ những giá trị thế tục, từ tiếng khen. 

Suy nghĩ thật kỹ, Ngài nhận ra có một phương pháp thực tập đúng đắn (sammā paṭipadā): Đó là quán sát tâm trong tâm, thân trên thân. Thân không có tham ái hay cấu nhiễm phiền não. Dù cho bạn vứt bỏ thân này đi, bạn cũng không thể đoạn tận cấu nhiễm phiền não. Đó không phải là căn nguyên của chúng. Dù ở đói hay không ngủ cho đến nỗi thân thể chỉ còn là một thây ma, gầy còm, nhăn nheo cũng không làm tiêu mòn cấu uế phiền não được. Pháp tu khổ hạnh thật đã quá ăn sâu mọc rễ trong quan niệm của năm vị ẩn sĩ, họ chỉ một mực tin tưởng rằng phiền não cấu uế có thể bị xua tan theo cách ấy mà thôi.

Đức Thế Tôn bắt đầu dùng chút ít thức ăn và rồi ăn lại bình thường, thực tập theo phương pháp tự nhiên. Khi năm ẩn sĩ thấy đức Thế Tôn thay đổi phương pháp tu tập, họ cho rằng Ngài đã từ bỏ lối tu khổ hạnh và trở lại đời sống hưởng thụ vật chất. Sự hiểu biết của Ngài đã đến bậc cao hơn, vượt qua hình tướng bên ngoài, trong khi năm ẩn sĩ cho rằng ý chí tu hành của Ngài đang bị tuột dốc, quay lại đời sống ngũ dục phóng túng. Quan niệm phải tu theo khổ hạnh mới là pháp môn đúng đắn nhất đã ăn sâu trong tâm thức của năm vị ẩn sĩ bởi vì đức Thế Tôn trước đây đã hướng dẫn họ và thực tập giống như thế. Bây giờ Ngài nhận ra khuyết điểm của pháp tu này. Nhờ thấy rõ khuyết điểm, Ngài không tiếp tục thực tập pháp tu sai lầm ấy nữa.

Khi năm ẩn sĩ thấy đức Thế Tôn làm như thế, họ bỏ Ngài mà đi, cảm thấy Ngài đang thực tập sai pháp và họ không tiếp tục tu học chung với Ngài nữa. Như đàn chim từ bỏ cổ thụ vì cây không còn đủ bóng mát nương nhờ, hay cá rời hồ nước vì nơi ấy quá nhỏ, quá bẩn hay quá lạnh, thế là năm ẩn sĩ từ bỏ đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn chú tâm suy tư pháp. Ngài ăn uống sống theo lẽ tự nhiên, bình thường. Ngài để tâm thanh thản tự tại, thân thể thong dong. Ngài không quá cố gắng hối thúc thực tập, chỉ giữ vừa đủ khả năng loại bỏ tham, sân và si. Trước đây Ngài đã đi vào hai cực đoan - khi hạnh phúc tình yêu đến, Ngài xốn xang và luyến đắm vào thứ hạnh phúc ấy. Ngài đồng nhất mình với nó và không muốn rời bỏ. Hễ đối diện lạc thú, Ngài dính mắc vào đó không rời, và rồi khi đối diện đau khổ, Ngài cũng lưu luyến mãi không rứt ra được. Hai cực đoan này, Ngài gọi là kāmasukhallikānuyogoattakilamathānuyogo.

Lúc ấy, bị vướng vào ngoại cảnh, Ngài thấy rõ hai lối thực tập này không phải là chánh đạo của một Sa-môn. Tham đắm hạnh phúc, vướng lụy đau khổ: Một Sa-môn không như thế. Tham chấp những thứ này không phải là chánh đạo. Vì tham chấp vào những thứ này, Ngài đã rơi vào vòng quan kiến ngã thế giới. Nếu như loạng choạng trong hai con đường này, Ngài sẽ không bao giờ trở thành vị Chánh Biến Tri trên đời, sẽ mãi chạy theo cực đoan này đến cực đoan khác. Nhận ra điều này, đức Thế Tôn xác lập tâm định, chú tâm vào tâm mình, điều phục chúng.

Tất cả các pháp diễn tiến tự nhiên theo nhân duyên hỗ tương, tự thân chúng không có vấn đề gì với nhau cả. Ví như khi thân bị bệnh, toàn thân cảm giác đau đớn, nhức mỏi, sốt nóng lạnh, v.v... Những cảm giác này khởi lên tự nhiên. Thật vậy, con người ta lo âu về thân thể của mình quá nhiều. Họ cứ mãi lo lắng và chấp luyến thân thể bởi quan niệm sai lầm mà không thể thoát ra được.

Hãy nhìn hội trường này. Chúng ta xây hội trường và nói nó là của chúng ta nhưng lũ thằn lằn đến sống ở đây, cả lũ chuột, tắc kè cũng đến sống chung ở đây, chúng ta luôn xua đuổi chúng ra ngoài, bởi vì chúng ta cho rằng hội trường này thuộc về chúng ta không phải thuộc về lũ thằn lằn, chuột, tắc kè kia.

Cũng giống như bệnh trên thân vậy. Chúng ta nhận thân này là nhà, một thứ sở hữu của chúng ta. Nếu cảm thấy nhức đầu hay đau bụng, chúng ta lo lắng rối tung lên, chúng ta không muốn đau đớn và khổ sở. Chân này là của chúng ta, chúng ta không muốn chân bị đau, tay này là của chúng ta, chúng ta không muốn chuyện gì không hay xảy ra với hai tay. Bằng mọi giá, chúng ta tìm cách chữa trị cơn đau, bệnh hoạn.

Đây là chỗ chúng ta ngốc nghếch và lạc mất đường về chân lý. Chúng ta chỉ là những bộ hành ghé qua thân này. Cũng như hội trường đây, nó không thật sự thuộc về chúng ta. Chúng ta chỉ đơn giản là kẻ thuê mượn tạm thời giống như lũ chuột, thằn lằn, tắc kè kia thôi... nhưng chúng ta không nhận ra điều này. Thân này cũng như thế. Thật ra, đức Thế Tôn dạy rằng không có cái tôi nào ẩn tàng trong tấm thân này, nhưng chúng ta cứ mãi chấp đắm vào đó, xem nó là “của ta”, là “ta” và rồi phân biệt khác với “họ”. Khi thân thể biến chuyển, chúng ta không muốn nó thay đổi gì hết. Không cần biết chúng ta tự đánh giá mình hiểu biết ở mức độ nào, song nếu nói thẳng thừng ra chúng ta vẫn quá khờ khạo. “Đây không phải là bạn”, tôi bảo thế nhưng bạn cứ tiếp tục bước đi dù lạc đường xa hơn, tâm bạn càng nhiều hoài nghi và việc thực tập của bạn chỉ là củng cố thêm cho bản ngã.

Thế nên, hầu hết con người ta không thật sự nhận chân bản ngã. Người nhận diện được bản ngã chính là người đã thấy được “đây không phải là tôi, cũng không phải là của tôi”. Vị ấy thấy cái tôi này như nó đang là thế, rất tự nhiên. Nhận biết chính mình còn lệ thuộc lòng tham lam chấp trước thì thật sự chưa phải là nhận chân đúng đắn. Tham chấp can thiệp vào mọi lĩnh vực. Không dễ gì nhận ra được thân này như nó đang là khi tham chấp hay còn gọi là thủ (upādāna) đang bám chặt lấy thân tâm của chúng sinh.

Vì vậy, chúng ta phải dùng trí tuệ quán sát mọi việc rõ ràng. Đây có nghĩa là quán sát các hành[2] theo tính tự nhiên đúng thật của nó. Hãy vận dụng trí tuệ. Vận dụng trí tuệ để hiểu biết được bản chất tự nhiên như thật của các hành. Nếu không nhận ra được bản chất tự nhiên thật sự của các hành, bạn sẽ xung đột với chúng, luôn luôn kháng cự chúng. Thuận theo các hành hay cố gắng chống đối phản kháng chúng, bên nào tốt hơn. Và rồi chúng ta nài xin chúng thuận theo mong muốn của chúng ta. Chúng ta tìm cách để ổn định chế ngự chúng, hay “làm một thỏa thuận” với chúng. Nếu thân thể bị bệnh, đau nhức chúng ta không hề muốn nó như thế, nên chúng ta lấy Kinh Thất Giác Chi, Kinh Chuyển Pháp Luân, Kinh Vô Ngã Tướng, v.v... ra tụng. Chúng ta không muốn tấm thân này đau đớn, chúng ta muốn bảo vệ nó, điều khiển nó. Những kinh này trở thành những lễ nghi huyền bí khiến chúng ta rơi vào vòng chấp trước hơn nữa, bởi vì tụng kinh với mục đích chấm dứt cơn đau, để kéo dài đời sống, v.v... Thật ra, đức Thế Tôn thuyết những bài Pháp này là để giúp chúng ta nhận chân rõ các pháp nhưng chúng ta không hiểu theo cách này, lại cứ mang chúng ra tụng hoài, chúng ta càng bị lừa phỉnh nhiều thêm. “Sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường” (Rūpam aniccam, vedanā anicca, saññā anicca, saṅkhāra anicca, viññānam aniccam...).[3] Chúng ta đừng tụng những lời này để làm tăng thêm si mê. Chúng là những lời nhắc nhở giúp chúng ta nhận diện sự thật trên tấm thân này, để chúng ta có thể bỏ hết lòng tham muốn, sống thuận với lẽ đến đi của tự nhiên.

Đó được gọi là tụng để đoạn dứt tham vọng phiền não, nhưng chúng ta lại cố ý tụng để gia cố thêm chấp trước, hay nếu chúng ta cảm thấy, chúng quá dài, chúng ta ráng tụng thu gọn lại, bắt tự nhiên thích ứng với sở thích của chúng ta. Thật là si mê lắm thay. Hầu hết mọi người đang ngồi trong hội trường này đều đang bị mắc lừa cả. Người tụng kinh cũng đang bị mắc lừa, người đang lắng nghe cũng bị lừa, tất cả các bạn đều bị mắc lừa hết. Bạn có thể nghĩ rằng “Chúng ta phải làm thế nào để tránh đau khổ?” “Chúng ta sẽ đến nơi nào để tu tập đây?”

Đối với người có trí, khi thân bị bệnh, họ thấy bình thường, không có gì lạ. Sinh ra trong thế giới này tất phải chịu bệnh tật. Đến đức Thế Tôn và chư vị Thánh Tăng cũng mắc bệnh và cũng dùng thuốc để trị bệnh. Đối với quý Ngài, đây là chuyện bình thường, các thành phần vật chất trong thân tự điều chỉnh để thích nghi với thiên nhiên đó thôi. Họ không chấp trước vào thân một cách mù quáng hay làm những lễ nghi huyền bí nào cả. Họ trị bệnh bằng Chánh kiến, họ không chữa bệnh bằng si mê, không để bị mắc lừa. “Nếu bệnh hết, bệnh sẽ hết, nếu bệnh không lành thì không lành” - Đó là cách họ đối với sự việc.

Họ bảo rằng đạo Phật ngày nay ở Thái Lan phát triển phồn vinh, nhưng đối với tôi dường như nó đang lịm dần đến mức có thể. Tại các giảng đường thuyết Pháp, vô số đôi tai chăm chú lắng nghe, nhưng họ lại chăm chú một cách sai lạc. Ngay cả nhiều vị thâm niên Hạ lạp trong Tăng chúng cũng như thế, vì vậy mọi người dẫn dắt nhau đi trong u u minh minh.

Những vị nhận thức được điều này biết rằng, thực tập đúng đắn hoàn toàn trái ngược với hầu hết mọi người đang thực tập, hai bên có thể không hiểu gì nhau mấy. Làm thế nào những người ấy vượt qua được khổ đau? Họ có nhiều bài kinh để nhận chân sự thật, chân lý nhưng họ lại xoay vòng và vận dụng chúng gia cố thêm si mê. Họ quay lưng với chánh đạo. Người đi hướng Đông, kẻ đi hướng Tây, làm sao họ gặp nhau được? Đến gần nhau cũng không thể được huống hồ gặp nhau.

Nếu quán sát kỹ điều này, bạn sẽ thấy đây là điều đáng quan tâm, nhưng mọi người đều đã quên mất. Làm thế nào bạn nói cho họ biết? Mọi thứ trở thành nghi lễ cúng bái và những buổi lễ cầu nguyện thần bí thiêng liêng. Họ tụng kinh nhưng tụng trong mê muội, không phải tụng với trí tuệ. Họ nghiên cứu, nhưng nghiên cứu trong mê muội chứ không phải với trí tuệ. Họ biết nhưng cái biết hết sức ngốc nghếch không phải của trí tuệ. Vì vậy, họ đi mãi trên con đường mê muội, sống trong mê muội, biết trong mê muội. Họ đang như thế. Và việc dạy bảo hướng dẫn... tất cả những gì họ làm trong thời buổi này là dạy mọi người ta trở nên ngu ngốc. Họ bảo họ đang dạy mọi người thông minh hơn, đem kiến thức đến cho họ, nhưng khi quan sát điều đó theo sự thật, bạn sẽ thấy rằng, thật sự họ đang hướng dẫn mọi người đi lạc, chấp trước vào những mê lầm.

Nền tảng căn bản trong việc hướng dẫn dạy dỗ là để giúp họ thấy được cái tôi (atta), cái bản ngã này là trống rỗng, luôn thay đổi. Bản chất trống rỗng bên trong. Song người ta đến học Pháp lại làm tăng thêm ngã kiến của họ, thế nên họ không muốn chạm trán đau khổ hay khó khăn. Họ muốn việc gì cũng dễ dàng thoải mái. Họ rất muốn thoát khỏi đau khổ nhưng nếu vẫn có một cái ngã làm thế nào họ có thể thực hiện được điều đó?

Hãy suy ngẫm... Giả sử chúng ta có được một thứ đồ đắc giá. Ngay khi thứ đồ ấy thuộc sở hữu của mình, tâm chúng ta liền thay đổi... “Bây giờ ta cất nó ở đâu đây? Nếu ta rời nó, ai đó có thể trộm mất”. Chúng ta lo lắng, cố tìm chỗ an toàn để giấu nó. Tâm biến đổi khi nào vậy? Nó thay đổi ngay khi chúng ta có được món đồ ấy, đồng thời khổ đau cũng có mặt ngay lúc đó. Chỗ nào không quan trọng gì hết, cứ bỏ món đồ xuống, chúng ta có thể thoải mái ngay, thoát ra rắc rối, khổ sở ngay. Dù lúc ngồi, đi, hay nằm chúng ta không còn lo lắng gì nữa.

Đây là khổ. Thế khi nào khổ xuất hiện? Khổ xuất hiện ngay lúc nghĩ rằng chúng ta đã sở hữu món đồ, khổ nằm ngay nơi đó. Trước khi có món đồ, chúng ta không có khổ. Khổ chưa khởi lên bởi vì không có đối tượng để chấp trước dính mắc vào.

Atta, tức bản ngã cũng thế. Nếu chúng ta nghĩ đến hai chữ “của tôi”, tức thì mọi thứ xung quanh đều trở nên “sở hữu của ta” cả. Tiếp theo sau là sự hỗn loạn. Tại sao thế? Nguyên nhân của tất cả rắc rối, chính là có một cái ta, chúng ta không dứt khoát tách ra để thấy có một bản thể siêu việt đang tồn tại. Bạn thấy, cái tôi chỉ là phần bề ngoài. Bạn phải bóc lớp bề ngoài ấy ra để thấy trọng tâm của vấn đề, đó là sự Siêu việt. Vượt lên trên ngoại tướng để khám phá Chân thể Siêu việt.

Bạn có thể so sánh nó với gạo chưa giã. Gạo chưa xay có thể ăn được không? Dĩ nhiên có thể ăn được, nhưng bạn phải xay trước đã. Bỏ đi lớp trấu và bạn sẽ có hạt gạo bên trong.

Nếu không xay bỏ lớp vỏ trấu, chúng ta sẽ không thấy được hạt gạo. Giống một con chó đang ngủ trên đống thóc chưa xay vậy. Bụng của nó kêu ùng ục, nhưng không cách nào khác là nằm yên thôi, nghĩ miên man rằng “ta có thể tìm thức ăn ở đâu đây?” Khi nó quá đói, nó bới đống gạo và chạy tìm những mẩu thức ăn vụn vặt. Mặc dù nó đang ngủ ngay trên đống thức ăn nhưng nó chẳng biết gì hết. Tại sao? Vì nó không thấy gạo. Lũ chó không thể ăn gạo chưa xay. Thức ăn đang ở đó nhưng chó không thể ăn nó.

Chúng ta có thể rút ra bài học rằng nếu chúng ta không thực tập thường xuyên, chúng ta vẫn không thực sự biết được, chỉ như con chó đang ngủ trên đống gạo mà thôi. Đang ngủ trên đống thức ăn nhưng nó không biết gì. Khi đến lúc quá đói, nó nhảy xuống và chạy xung quanh khắp nơi tìm thức ăn. Thật xấu hổ phải không?

Việc này cũng giống như vậy. Có gạo sẵn nhưng cái gì còn đang lấp giấu nó? Lớp vỏ trấu giấu nó cho nên con chó không thể ăn gạo được. Chân tướng Siêu diệu ở đó. Cái gì đang giấu nó? Lớp vỏ bề ngoài che đậy làm mọi người chỉ “ngồi trên đống lúa không thể ăn nó”, không thể thực tập, không thể thấy bản thể Siêu việt. Và vì vậy họ cứ mãi chấp trước lớp vỏ biểu hiện bề ngoài. Nếu bạn mắc kẹt vào lớp vỏ ấy, khổ có mặt trong tâm thức rồi, bạn sẽ bị đoanh vây bởi hữu, sanh, già, bệnh, chết mà thôi.

Đâu có cái gì cột trói trở ngại con người ta, thế mà tất cả họ lại đang bị kẹt cứng, đứng một chỗ ngay đây. Người ta nghiên cứu pháp mà không thể nhập được vào chỗ cốt lõi, ý nghĩa thật sự, cũng giống như con chó nằm trên đống lúa chưa xay, không biết gì về tinh gạo bên trong. Nó có thể đói lả vẫn không tìm ra thứ gì để ăn. Một con chó không thể ăn lúa chưa xay, nó không biết đó là thức ăn. Thật lâu sau không có thức ăn, nó có thể chết trên đống lúa ấy! Con người ta cũng thế thôi! Nghiên cứu Pháp của Đức Thế Tôn bao nhiêu năm đi nữa cũng không có ích lợi gì vì chúng ta vẫn không hiểu thông, không thực tập pháp. Nếu không thấy được, chúng ta không bao giờ biết.

Đừng suy nghĩ rằng do học hỏi nhiều và biết nhiều, bạn sẽ nhận chân ra Phật pháp. Cũng như nói bạn nhận diện được mọi thứ, cái thấy ấy là bởi vì bạn có mắt, có tai. Bạn có thể thấy nhưng sẽ không thấy một cách hoàn hảo. Bạn chỉ thấy bằng “con mắt bên ngoài”, không thấy bằng “con mắt bên trong”, bạn chỉ nghe với “tai bên ngoài” không phải với “tai bên trong”.

Nếu lật lớp vỏ ngoài ra làm hiển lộ bản thể Siêu việt bên trong, bạn sẽ tiếp xúc với chân lý và nhận chân rõ ràng. Bạn sẽ gạt qua phần thô tướng và nhổ bật gốc rễ tâm tham chấp.

Điều này cũng giống vài loại quả ngọt: Biết đó là quả ngọt, do vì trước đây chúng ta đã từng ăn nên biết vị của nó ra sao. Loại quả ấy mặc dù không có ai nếm thử, vị ngọt cũng vẫn như thế. Nhưng không ai hiểu quy luật này. Pháp của đức Thế Tôn cũng y như vậy. Mặc dù, đó là chân lý, những với những người chưa thật sự nhận biết vẫn thấy chân lý không có thật. Nó hoàn mỹ, tuyệt vời cỡ nào chăng nữa vẫn không có nghĩa lý gì đối với kẻ chưa nhận chân được.

Vì thế, tại sao con người ta cứ mãi nhớ nghĩ đến cái khổ đã xảy ra trong quá khứ? Có ai trên thế giới này muốn chính họ chịu khổ đâu? Dĩ nhiên là không có ai cả. Không ai muốn đau khổ, nhưng người ta vẫn mãi tạo ra nhân khổ, cứ như họ đang lang thang vòng quanh quan sát đau khổ. Trong tâm họ đang tìm kiếm hạnh phúc, họ không muốn đau khổ. Vậy tại sao trong tâm chúng ta lại tạo ra quá nhiều khổ đau? Hãy nhìn điều này cũng đủ thấy. Chúng ta không thích khổ đau nhưng tại sao lại tự tạo khổ đau cho chính mình? Thật dễ thấy... Có thể chính vì chúng ta không nhận diện được khổ, không biết chấm dứt khổ. Đó là nguyên nhân tại sao con người ta ứng xử như cách họ đang làm. Làm thế nào họ có thể không bị khổ khi cứ tiếp tục ứng xử theo lối này?

Những người này đang mang tà kiến (micchādiṭṭhi)[4] nhưng họ không hề biết đây là tà kiến. Bất cứ chúng ta nói gì, tin tưởng hay làm việc gì mang đến hậu quả khổ đau đều xuất phát từ quan điểm sai lầm cả. Nếu không có tà kiến, chúng ta sẽ không phải chịu kết quả khổ đau. Chúng ta không thể chấp trước vào đau khổ, cũng không chấp trước vào hạnh phúc, hay bất cứ trạng huống nào hết. Chúng ta hãy để mọi thứ vận hành tự nhiên giống như dòng nước chảy vậy. Chúng ta không phải ngăn đập, đắp đê, chỉ để nó chảy tự nhiên như thế.

Dòng sông pháp cũng vậy, nhưng dòng tâm vô minh cứ mãi đắp con đê tà kiến cố ngăn chặn dòng sông pháp. Nó mang tà kiến du hí nơi nào, khổ đau liền phát sinh nơi đó. Chính bởi tà kiến này mà con người ta không nhận ra. Hãy quán sát nội tâm. Nơi nào có tà kiến, chúng ta cảm thấy khổ đau ngay. Nếu không cảm nghiệm được trong thời khắc hiện tại, chúng ta chắc chắn sẽ thấy nó hiện ra sau đó thôi.

Người ta bị lạc lối bắt đầu từ chỗ này. Cái gì làm chướng ngại họ? Cái diện mạo bên ngoài làm chướng ngại che đậy bản thể Siêu việt, ngăn không cho họ nhận diện các pháp một cách rõ ràng. Người ta nghiên cứu, học hỏi, thực tập nhưng họ thực tập trong vô minh, giống như một người mất khả năng định hướng. Anh ta đi về hướng Tây nhưng nghĩ mình đang đi về hướng Đông, hay khi đi về hướng Bắc lại nghĩ mình đang đi về hướng Nam. Đó là khoảng cách họ lạc bước xa như thế. Lối thực tập này thật sự chỉ là thứ bỏ đi, thật sự nó là một tai hoạ. Tai họa là do vì họ xoay quanh và đi mãi trong hướng ngược lại, làm họ càng lúc càng xa mục tiêu của việc thực tập Chân pháp.

Việc này dẫn đến khổ đau nhưng người ta nghĩ rằng làm vậy, tưởng suy như vậy, học hỏi như vậy... như vậy... sẽ đưa đến chấm dứt khổ đau. Giống như một người muốn quá nhiều thứ. Anh ta cố gắng hết khả năng của mình để tích góp thật nhiều, nghĩ rằng anh như thế, nỗi khổ trong anh sẽ vơi dần đi. Người ta vẫn thường nghĩ như thế, nhưng lối suy nghĩ của họ lầm lạc xa dần chánh đạo, chỉ như một người đi hướng Bắc, một người khác đi hướng Nam nhưng họ tin chắc họ đang đi về một hướng. 

Hầu hết mọi người vẫn còn dính mắc với mớ đau khổ, vẫn rong ruổi trong vòng luân hồi (saṃsāra), chỉ vì họ suy nghĩ giống như thế. Nếu bệnh hoạn, đau đớn khởi lên, tất cả họ có thể đều khởi lên ý nghĩ là làm thế nào để không còn chịu bệnh hoạn đau đớn. Họ muốn nó hết bệnh càng nhanh càng hay, bằng mọi giá họ cố tìm cách chữa trị. Họ không suy tư rằng điều ấy thật bình thường trong dòng vận hành của hành (saṅkhāra). Không ai nhận ra điều này. Thân thể đổi thay, song mọi người không thể chịu đựng được, họ không thể chấp nhận. Bằng mọi giá, họ phải tìm cách chữa trị mong chấm dứt khổ đau ấy. Tuy nhiên, cuối cùng họ không thể chiến thắng, họ không thể đấu lại sự thật. Tất cả đổ vỡ. Đó là điều con người ta không muốn đối mặt, họ tiếp tục gia cố cho quan kiến sai lầm của họ. 

Tập nhận diện các pháp là phương pháp tuyệt diệu nhất. Tại sao đức Thế Tôn tu tập viên mãn các Ba-la-mật?[5] Nhờ công đức tu tập viên dung, Ngài kinh nghiệm phương pháp nhận diện này và hướng dẫn người khác có thể thấy pháp, nhận diện pháp, thực tập pháp và thể nhập pháp, giúp họ biết buông xả, đặt gánh nặng xuống.  

Đừng tham chấp vào việc gì, vật gì cả”. Hay nói cách khác: “Nắm, nhưng không nắm chặt”. Đó cũng đúng. Nếu thấy vật gì, chúng ta hãy nhặt nó lên... “Ồ, nó đây” ... rồi hãy đặt nó xuống. Chúng ta thấy thứ khác, nhặt nó lên... cầm nó nhưng không giữ chặt. Cầm nắm nó trong khoảng thời gian vừa đủ để quán chiếu nó, để biết nó, rồi buông xả ngay. Nếu cứ giữ nó mãi, không chịu buông xả, cưu mang không chịu đặt gánh nặng xuống, bạn sẽ rất nặng nề. Nếu nhặt một món đồ lên và mang chúng đi trong chốc lát rồi khi cảm thấy nặng, bạn đặt nó xuống, quăng bỏ nó đi. Đừng làm khổ chính mình.

Chúng ta biết, đó là nguyên nhân của khổ. Nếu chúng ta biết nguyên nhân của khổ rồi, khổ không thể khởi lên nữa. Đối với hạnh phúc hay đau khổ khởi lên, chắc chắn là do bởi có cái tôi (atta). Chắc chắn có cái tôicái của tôi, nên có sự thể hiện ngoại vi. Nếu khi tất cả những thứ này khởi lên, hãy dùng trí tuệ dẫn tâm tiến thẳng đến Bản thể Siêu việt, bỏ qua những lớp vỏ bọc bên ngoài. Tâm loại trừ chấp trước các cảm thọ thích hay không thích, dễ chịu hay khó chịu. Cũng như một món đồ tốt bị mất, khi tìm thấy được, mọi lo lắng trong ta tan biến.

Dù rằng trước đây có đối tượng khởi lên khiến ta lo lắng sầu muộn, thì giờ đây đều được giảm thiểu. Ban đầu vì suy nghĩ rằng món đồ ấy bị mất nên chúng ta buồn, nhưng một ngày chúng ta bỗng nhớ lại: “Ồ, đúng rồi, ta đã để nó ở chỗ đó, bây giờ ta nhớ rồi!” Ngay khi nhớ ra điều này, hay khi trực nhận sự thật, dù rằng chưa thấy ngay món đồ ấy, chúng ta cũng cảm thấy khỏe nhẹ, sung sướng. Đây gọi là “nội quán”, nhìn thấy bằng con mắt tâm, không phải dùng mắt thịt để thấy. Nếu nhìn bằng con mắt tâm thì dù không nhìn trực tiếp đối tượng, chúng ta cũng đã thanh thản, bình an.

Cũng thế, khi chúng ta thực tập pháp, hiểu thông và nhận chân pháp, bất cứ khi nào đương đầu với khó khăn, chúng ta đều dễ dàng hoá giải khó khăn ngay tức thì. Khó khăn tan biến hoàn toàn, gánh nặng được đặt xuống, thong dong.

Đức Thế Tôn muốn chúng ta tiếp xúc với pháp, nhưng con người ta chỉ tiếp xúc bằng lời, qua kinh điển, sách vở mà thôi. Đó cũng là tiếp xúc pháp nhưng không phải tiếp xúc với pháp thật sự như lời dạy của đức Đạo sư. Làm sao người ta có thể nói họ đang thực tập rất tốt, rất đúng pháp? Họ đang còn xa mục tiêu lắm.

Đức Thế Tôn được xưng tán là bậc Thế Gian Giải (Lokavidū), thấu suốt thế giới này. Ngay đây, chúng ta cũng thấy thế giới, nhưng không rõ ràng. Chúng ta càng biết, thế giới càng trở nên ảm đạm hơn, bởi vì kiến thức của chúng ta ảm đạm tối tăm như thế, không phải là kiến thức tinh khiết. Đó là khiếm khuyết, cũng còn gọi là “biết trong ánh sáng nhá nhem”, thiếu ánh sáng, thiếu hào quang.

Mọi người bị dính mắc ở đây, đó không phải là vấn đề tầm thường. Điều này rất quan trọng. Hầu hết mọi người muốn điều tốt lành và hạnh phúc nhưng họ không biết nguyên nhân tạo nên điều tốt lành và hạnh phúc là gì. Nếu chúng ta chưa thấy cái hại của suy nghĩ hay việc làm, và chưa thể từ bỏ nó, hậu quả sẽ không thể nào lường được. Vì chưa thật sự nhận ra kết quả họa hại, xấu tệ ra sao, nên chúng ta chưa thể loại bỏ nó. Một khi nhận ra sự họa hại của việc gì, thoát ra ngoài nỗi nghi ngờ đắn đo, chúng ta có thể buông xả nó ngay. Ngay khi thấy những mặt hại, và ích lợi nếu từ bỏ được nó, ta liền thay đổi.

Tại sao chúng ta vẫn chưa thành tựu được gì, vẫn không thể từ bỏ? Chính vì chúng ta vẫn không thấy sự tai hại một cách rõ ràng, tri thức của chúng ta còn khiếm khuyết. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể buông xả. Nếu chúng ta nhận chân rõ ràng giống như Đức Thế Tôn hay các vị Thánh đệ tử, chắc chắn chúng ta sẽ buông xả, mọi khúc mắc của chúng ta sẽ hoá giải hết, không còn khó khăn nào nữa.

Khi tai nghe âm thanh, cứ để tai làm tròn chức năng của nó. Khi mắt bạn thấy hình sắc, cứ để chúng tự nhiên làm chức năng của nó. Khi mũi bạn ngửi mùi, cứ để nó tự nhiên làm việc. Khi thân thể của bạn cảm giác, hãy để nó tự nhiên cảm nhận, thế thì rắc rối từ đâu phát sinh? Không có chút rắc rối nào cả.

Cũng như thế, tất cả mọi thứ đều thuộc phạm vi bên ngoài, cứ để chúng ở bên ngoài và thừa nhận có một Bản thể Siêu việt bên trong. Đơn giản là “người biết rõ”, biết không có chấp trước, biết và xả bỏ để mọi thứ vận hành theo cách của chúng. Vạn pháp như thị.

Tất cả những phụ tùng của chúng ta, có ai sở hữu riêng chúng không? Có phải cha của chúng ta sở hữu chúng, hay mẹ, hay bà con của chúng ta? Không ai thật sự có gì hết. Đó là nguyên nhân tại sao đức Thế Tôn bảo hãy để vạn pháp vận hành tự nhiên theo quy luật của chúng. Nhận diện chúng rõ ràng. Chúng ta biết nhưng không chấp chặt. Sử dụng mọi thứ theo cách này, đó là cách mang lại lợi ích, không bị họa hại do cố nắm giữ quá chặt đến nỗi đau khổ khởi lên.

Để hiểu biết pháp, bạn phải hiểu biết theo cách này. Đó là biết theo cách vượt lên trên đau khổ. Loại tri thức này rất quan trọng. Biết tạo ra một sản phẩm, sử dụng sản phẩm, biết hết thảy các ngành khoa học đa dạng trên thế giới, v.v... tất cả đều có vị trí của nó, nhưng đó không phải là trí tuệ tối thượng. Phải thông hiểu pháp như tôi đã trình bày và phân tích. Bạn không cần phải biết nhiều, chỉ biết chừng này đã quá đủ đối với một người thực tập pháp rồi - nhận diện và buông xả.

Không như thế bạn sẽ chết trước khi chiến thắng đau khổ, bạn rõ điều này chứ. Bạn chiến thắng, vượt qua đau khổ trong cuộc sống bởi vì bạn biết làm thế nào để hoá giải khổ đau, hóa giải những chuyện phức tạp. Bạn biết cái vỏ bề ngoài, biết rõ Bản thể Siêu việt. Hãy thực tập điều ấy ngay trong đời sống này, khi bạn đang thực tập ở đây. Bạn sẽ không tìm thấy bất cứ ở đâu cả. Đừng bám níu vào đối tượng. Quán sát nhưng không bám níu.

Có thể bạn tự hỏi: “Tại sao Sư cứ nói mãi điều này?” Làm thế nào tôi có thể dạy chuyện gì khác hơn, làm thế nào tôi có thể nói điều gì nữa đây khi chân lý sự thật như tôi đã nói đó? Ngay cả chân lý cũng không được chấp trước! Nếu bạn chấp trước nó theo cách mù quáng, cũng là sai lầm. Giống như con chó... cố gắng chộp lấy chân của nó. Nếu chúng ta không buông xả, “con chó” sẽ vây xung quanh và cắn bạn. Hãy buông xả hết. Tất cả động vật đều xử sự như thế. Nếu bạn không buông xả, không còn chọn lựa nào khác ngoài chuyện bị nó cắn thôi. Cái vỏ bên ngoài cũng như thế. Chúng ta sống trong đời tuỳ theo những quy ước thường tình; chúng có mặt cung cấp tiện nghi hàng ngày cho chúng ta nhưng chúng không phải là những thứ để phải dính mắc, quá chấp trước chúng sẽ gây đau khổ. Cứ để mọi thứ trôi qua.

Hễ lúc nào chúng ta cảm thấy rằng, mình chắc chắn đúng, rồi mình mạnh dạn khước từ mổ xẻ vấn đến hay gặp gỡ ai đó, ngay nơi đây, chúng ta đã sai. Đó là quan kiến sai lầm. Khi đau khổ rắc rối xuất hiện, nó xuất hiện từ đâu? Nguyên nhân từ tà kiến này, quả của tà kiến chính là khổ vậy. Nếu là chánh kiến sẽ không khiến khổ xuất hiện.

Do vậy, tôi nói: “Cho phép ở một chừng mực nào đó, nhưng đừng chấp trước vào đối tượng nào hết”. “Đúng” chỉ là một giả định, hãy để nó qua. “Sai” là một chuyện hiển nhiên khác, cũng hãy để nó qua. Nếu bạn cảm thấy mình đúng và người khác tán thán sự việc đã diễn ra, đừng luận bàn gì hết, chỉ vô tư buông xả, để cho nó đi. Ngay lúc bạn nhận diện, hãy buông xả. Đó là cách thực tập thẳng tắt.

Nhưng trên thực tiễn, thường không phải vậy. Con người ta thường không nhượng bộ lẫn nhau. Đó là lý do tại sao nhiều người, ngay cả một số hành giả vẫn không hiểu biết gì chính họ, có thể nói họ hết sức khờ dại nhưng vẫn cho rằng, họ rất trí tuệ. Họ có thể nói nhiều chuyện rất ngớ ngẩn mà người khác không thể nào lắng nghe nổi, nhưng họ nghĩ họ đang thông minh hơn kẻ khác. Nhiều người khác không thể nghe nổi nhưng họ vẫn cho họ rất tài tình, họ hoàn toàn đúng đắn. Họ thật biết quảng cáo sự ngu xuẩn của chính mình.

Chính đây là nguyên nhân tại sao người trí bảo: “Bất cứ lời nói nào không liên quan với vô thường không phải là lời nói của người có trí, đó lời nói của kẻ ngốc. Lời nói của một người không hiểu biết sẽ khiến rắc rối, sầu muộn khởi lên ngay đó”.

Giả như bạn quyết định đi Bangkok ngày mai và có người hỏi:

Ngày mai các anh đi Bangkok à?

– Tôi hy vọng sẽ đến Bangkok. Nếu không có trở ngại gì tôi có thể thực hiện chuyến đi.

Đây gọi là nói với pháp trong tâm, nói với vô thường trong tâm, có tư duy về chân lý, hiểu rõ đôi khi có sự cố thay đổi bất ngờ, hiểu rõ thế giới tự nhiên không có gì chắc chắn.

Bạn không nên nói, “Vâng, chắc chắn mai tôi đi”. Nếu có thay đổi, bạn không đi, bạn sẽ làm gì, sẽ gởi tin đến mọi người. Vậy còn những người tin chắc bạn đang trên thì đường sao? Bạn đã nói một điều mà không ý nghĩa gì cả.

Còn nhiều chuyện hơn thế, thực tập pháp sẽ trở nên càng lúc càng thông minh, sáng suốt hơn. Nhưng nếu không biết nhận ra điều đó, có thể bạn nghĩ rằng mình đang nói đúng, ngay cả lúc đang nói sai và lạc dẫn bản chất thật, tự nhiên của sự vật sự việc trong từng lời nói. Thế nhưng bạn vẫn nghĩ mình đang nói sự thật. Hãy đặt nó trong hoàn cảnh đơn giản: Mọi thứ chúng ta nói hay làm có thể dẫn đến khổ đau khởi lên, nên biết đó là micchādiṭṭhi. Đó là vô minh và thiếu trí.

Phần lớn các hành giả không quán chiếu trong cách này. Bất cứ gì họ thích, họ nghĩ là đúng, họ chỉ giữ lập trường tin tưởng chính mình. Ví dụ, họ có thể nhận một vài món quà hay tên gọi, là một thứ, danh vị và cả lời tán tụng, rồi họ nghĩ đó là tốt. Họ xem đó là điều hiển nhiên, có thật. Họ được thổi phồng lên với tự hào kiêu mạn, họ không suy ngẫm: “Ta là ai? Cái gọi là “tốt lành” này ở đâu? Nó từ đâu đến? Người khác có giống như vậy không?”

Đức Thế Tôn dạy rằng chúng ta nên sống thật bình thường với chính mình. Nếu chúng ta không đào sâu vào, không nghiền ngẫm và không chịu quán sát điểm này, tức đồng nghĩa: Lời Phật dạy vẫn chìm nghỉm trong ta. Những nhân duyên cơ may tu tập vẫn khỏa lấp trong tim ta, chúng ta vẫn bị chôn vùi trong tài sản, địa vị, danh vọng. Vì thế chúng ta trở thành ai khác. Chúng ta cứ nghĩ mình tốt đẹp hơn trước đây, chúng là cái gì đó đặc biệt hơn và rồi đủ mọi thứ rắc rối phát sinh.

Thực ra, đúng với chân lý, chúng sanh không là gì cả. Chúng ta có thể hóa thân trong hình thức nào chỉ là sự biểu hiện trong cảnh giới ấy mà thôi. Nếu không quan tâm vẻ bề ngoài và thấy được Bản thể Siêu việt bên trong, chúng ta thấy rằng không có gì ở đó cả. Chỉ bình thường là những đặc tính của vũ trụ tự nhiên - thoạt đầu được sinh ra, giai đoạn giữa biến chuyển và cuối cùng là biến diệt. Tất cả chỉ có thế. Nếu thấy rằng tất các các pháp giống như thế, đời sống chúng ta không có trở ngại phiền não nào khởi sinh hết. Nếu hiểu điều này, chúng ta sẽ luôn hài lòng và bình an.

Hễ gặp khó khăn, chúng ta liền có cách suy nghĩ giống như năm đệ tử ẩn sĩ của đức Thế Tôn ngay thôi. Họ hành theo hướng dẫn của vị Thầy, nhưng khi vị Thầy thay đổi phương pháp thực tập, họ không thể nào hiểu vị Thầy đang nghĩ gì hay đã nhận ra điều gì. Họ quả quyết rằng đức Thế Tôn đã từ bỏ lối thực tập cũ, trở lại đời sống hưởng thụ. Nếu chúng ta ở vào vị trí này, có thể chúng ta cũng nghĩ giống như vậy và không có cách gì để chỉnh sửa lại quan kiến lâu nay của mình. Cố chấp mãi vào phương thức cũ, suy nghĩ theo cách thấp thỏi, nhưng cho rằng nó cao cả hơn. Khi thấy Đức Phật thay đổi pháp tu như thế, chúng ta cũng sẽ nghĩ là Ngài đã từ bỏ thực tập khổ hạnh trở lại đời sống hưởng thụ dục lạc. Suy nghĩ của chúng ta không khác gì cách suy nghĩ của năm vị ẩn sĩ cả. Hãy suy ngẫm xem, đã bao nhiêu năm thực tập khổ hạnh rồi, họ vẫn còn lầm đường lạc lối, vẫn chưa nhận được chút thành quả khả quan nào.

Cho nên, tôi nói thực tập và quán sát kết quả thực tập của chính bạn. Một điều chắc chắn, nơi nào bạn từ chối thực tập, nơi đó có sự va chạm xích mích. Nơi không có va chạm xích mích, sẽ không có rắc rối gì hết, mọi thứ sẽ trôi qua thôi. Nếu có va chạm xích mích, mọi thứ không êm đềm thanh thản, bạn đã thiết lập ngã và thế giới xung quanh trở nên cứng ngắc giống như một đống chấp trước rối ren vậy. Nơi ấy không thiết lập được mối quan hệ cho và nhận.

Tất cả chư Tăng và những vị đang tu tập phải chú tâm như thế. Từ trước đến giờ họ suy nghĩ như thế nào, bây giờ họ vẫn cứ tiếp tục dòng suy nghĩ ấy. Họ chối từ thay đổi, họ không chịu quán chiếu. Họ cho rằng họ đúng, họ không có sai, nhưng thật sự “cái sai” đang chìm lẫn trong “cái đúng”, mà phần lớn con người ta không nhận ra điều đó. Nó ra làm sao? Diṭṭhimāna... Diṭṭhi  là quan điểm, māna là dính mắc, chấp trước vào những quan điểm. Nếu chúng ta dính mắc chấp trước ngay cả những gì cho là đúng, phủ nhận quan điểm của người khác, đó là sai. Chấp trước quá vào cái đúng là cái ngã phát sinh, chưa buông xả gì cả.

Đây là điểm khiến mọi người thường gặp rất nhiều khó khăn ngoại trừ những hành giả đang thực tập pháp, những vị nhận diện được vấn đề này, đây là điểm thật sự rất quan trọng. Họ thực tập nhưng chưa nhận diện được. Đôi khi tiến trình lần lữa, kéo lê, có thể kéo dài một hay hai ngày, ba hay bốn tháng, một hay hai năm. Đó là trường hợp của những vị ít nhạy bén, chậm chạp. Đối với một số vị lanh lợi, sắc bén, thì có thể nhận diện tức thì... và họ buông xả ngay. Tham chấp khởi lên và ngay tức khắc biến mất, họ điều tâm buông xả lập tức ngay nơi ấy.

Bạn phải nhận diện cho được hai phần này đang hoạt động. Tham chấp đang có mặt. Ai là người đã diệt sạch tham chấp? Bất kỳ lúc nào cảm nhận tâm đang bị áp lực dồn ép, bạn nên quán sát hai phần này đang hoạt động đó. Có tham chấp và có người đã ngăn được tham chấp. Hãy quán sát hai tình huống này. Có thể bạn sẽ bị trạng huống tham chấp thống trị trong khoảng thời gian dài trước khi có thể buông xả nó.

Thường xuyên thực tập quán chiếu như thế này, tham chấp giảm đi dần dần. Chánh kiến tăng trưởng, tà kiến tàn lụi. Tham chấp suy vi, không tham chấp khởi lên. Đây là phương pháp thực tập dành cho tất cả mọi người. Và đây cũng chính là lý do tại sao tôi nói cần phải tư duy điểm này. Hãy học cách giải quyết khó khăn ngay trong giây phút hiện tại.

 

 

[1] Pañcavaggiya, hay “nhóm năm ẩn sĩ” những vị từng theo đức Phật (Bồ-tát Tất-đạt-đa) khi Ngài đang tu tập khổ hạnh và họ rời bỏ Ngài khi Ngài tu theo con đường Trung đạo, sau đó không bao lâu Bồ-tát chứng quả Chánh đẳng Chánh giác.

[2] Saṅkhāra: Các pháp có điều kiện hay cũng gọi là pháp hữu vi. Phật giáo Thái Lan sử dụng thuật ngữ này đặc biệt chỉ cho thân, mặc dù saṅkhāra là chỉ cho lĩnh vực tâm thức.

[3] Sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường.

[4] Micchādiṭṭhi: Tà kiến.

[5] Mười Ba-la-mật (pāramitā): Bố thí, Trì giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Chân thật, Quyết định, Từ và Xả.

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: