Vết chân trâu
- Tkn. Liên Hòa chuyển ngữ
- | Thứ Sáu, 18:24 30-10-2020
- | Lượt xem: 19172
.... Với bất cứ đề tài thiền quán nào bạn đang tập trung, đang chú tâm, hãy luôn giữ chánh niệm với việc đang thực tập ấy. Như khi bạn tập trung niệm Buddho, hãy luôn nhận biết rõ từng tiếng niệm Buddho, Buddho, đừng quan tâm đến bất cứ chuyện gì khác trên đời này để khỏi khiến tâm bạn phân làm hai làm ba phần. Chỉ có một việc duy nhất là niệm Buddho, từng niệm từng niệm thể nhập dần trong sự nhận biết của bạn. Khi tâm càng lúc càng an tịnh, tiếng niệm Buddho được lặp đi lặp lại trong tâm và sự tỉnh thức hợp nhất, không còn phân biệt. Từng niệm Buddho, Buddho dần rơi vào vô thanh, chỉ còn đọng lại mỗi sự tỉnh thức rỡ ràng chưa từng có. Đó chính là lúc bạn đã thật sự giữ được tâm mình. Cũng như đang lần theo dấu chân trâu, bạn sẽ bắt được trâu và có thể lần dò theo dấu vết ấy. Ở đây, bạn đã tìm thấy vị Phật bên trong mình, giống như đã thấy trâu, thế nên bạn có thể tin tưởng mà hành theo lời hướng dẫn thiền tập đây.
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Cũng y như thế, bạn chú tâm vào hơi thở, cho dù là hơi thở nặng nề hay thanh nhẹ, chỉ đơn giản làm một điều là chánh niệm nhận biết hơi thở đang trong trạng huống như thế. Đừng tạo nên một kỳ vọng mong muốn gì ở hơi thở hết. Đừng cố gắng khiến hơi thở theo kiểu này kiểu kia. Hãy giữ chánh niệm theo dõi hơi thở bởi vì bạn đang thực tập chánh định bằng phương pháp đã chọn là quan sát hơi thở, bạn chỉ dõi theo sau hơi thở mà thôi. Hơi thở là một đối tượng đơn thuần nhất để tâm trụ vào đó, để bạn có thể nhận diện được bản thể thật sự của các pháp, giống như khi bạn lần theo vết chân trâu vậy. Tuy nhiên, không phải bạn đi sau dấu chân trâu. Bạn dõi theo dấu chân của nó vì bạn muốn bắt được con trâu. Tại đây, bạn đang dõi theo hơi thở để nhận diện được chân tướng các pháp: Tỉnh thức. Nếu thực tập chỉ vì để trụ vào sự tỉnh thức, bạn sẽ không thu hoạch được kết quả gì cả, cũng như bạn sẽ không tìm ra được con trâu nếu bạn chỉ đi vòng quanh nhìn ngó mà thôi. Thế nhưng, nếu lần theo vết chân, bạn sẽ chắc chắn tìm thấy con trâu. Bạn thực tập thiền định cũng thế phải luôn kiên trì chánh niệm. Đây gọi là từng bước lần theo dấu chân trâu cho đến khi nắm được nó hay cũng còn được nói là giữ được tâm rồi.
Tương tự như thế khi tập trung vào hơi thở, nếu hơi thở nặng nề, hãy nhận biết hơi thở hiện tại nặng nề. Đừng lo lắng hay phiền muộn gì cả và cũng đừng sợ rằng bạn sẽ chết mất bởi vì hơi thở nặng nề quá hay bởi vì bạn cảm thấy ngạt thở. Khi làm việc nặng nhọc, bạn có cảm giác ngạt thở, đừng nên suy nghĩ rằng bạn cảm giác ngạt thở chỉ khi tập trung vào việc nhận biết hơi thở. Còn rất nhiều chuyện khác ngạt thở hơn chuyện này. Nếu bạn cầm một phong thư hay nhấc một vật nặng nào đó, bạn cảm thấy ngột ngạt bức bách gần chết đè lên toàn thân chớ không chỉ ở ngực hay hơi thở. Toàn thân chực nổ tung bởi vì sự đè nặng và nỗi đau quá lớn nhưng đó là chuyện sẽ phải diễn ra như thế.
Trong khi bạn chú tâm vào hơi thở, lúc hơi thở thô phù như thể bạn đang khiêng vác vật nặng, tự nhiên bạn cảm thấy khó thở, nhưng đừng lo ngại việc đó. Cho dù có ngạt thở đi nữa, điều quan trọng là vẫn theo dõi được hơi thở đang đi vào, hơi thở đang đi ra. Cuối cùng hơi thở sẽ nhẹ dần nhẹ dần bởi vì chánh niệm đang có mặt ngay nơi hơi thở, không còn lang thang ở đâu khác nữa. Khi hơi thở đi vô, hãy nhận biết nó. Khi hơi thở đi ra, hãy nhận biết nó, nhưng không cần theo nó đi vô hay đi ra. Việc ấy có thể tạo thêm gánh nặng cho chính bạn và sự tập trung của bạn cũng có thể lẩn trốn mất. Thế nên, tập trung ngay điểm tiếp xúc hơi thở đi ra đi vô. Căn bản nhất là lấy chóp mũi làm điểm tập trung nhận biết hơi thở. Theo dõi ngay tại đó. Giữ tỉnh giác nhận biết ngay tại đó. Đừng lãng phí thời gian của các bạn để nghiên cứu hay lên kế hoạch làm thế nào để kết quả đến liền hay gì gì khác, tâm của bạn sẽ rong chơi chỗ khác ngay vì cái nguyên nhân khởi ý muốn đạt được kết quả. Hãy theo dõi thật sát điểm đầu mối là bạn đang làm gì đây và hơi thở sẽ trở nên tinh tế dần dần.
Khi hơi thở trở nên tinh tế hơn, điều đó cho thấy tâm đã được bình lặng. Hơi thở trở nên nhẹ, tinh tế và biến mất, ngay lúc đó bạn cũng phải nhận biết rõ ràng hơi thở đang biến mất, không sợ hãi gì cả. Hơi thở biến mất nhưng sự tĩnh giác tuệ tri không biến mất. Bạn đang thiền tập không phải vì mục đích là hơi thở mà mục tiêu chính là ở sự tĩnh giác nhận biết kia, cho nên hãy an trú trong trạng thái tĩnh tường ấy. Bạn không nên lo lắng hay sợ hãi nghĩ rằng bạn sẽ bị ngất xỉu hay chết giấc gì cả. Khi tâm vẫn còn trụ trên thân, cho dù hơi thở không còn, bạn vẫn không chết được. Tâm đang an trú trong trạng thái giải thoát, không dao động, không lo âu, không sợ hãi chi hết. Đây là phương thức làm thế nào bạn tập trung chánh niệm nơi hơi thở.
(Nguyên bản: The Tracks of the Ox của Thiền sư Maha Boowa Ñanasampanno, Thượng tọa Thanissaro dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh).
Các bài viết liên quan
- Ví dụ về con ngựa - Thứ Sáu, 20:56 30-10-2020 - xem: 12011 lần
- Vết chân trâu - Thứ Sáu, 18:24 30-10-2020 - xem: 19172 lần
- Bản thể siêu việt (TKN. Liên Hoà chuyển ngữ) - Thứ Bảy, 19:12 02-11-2019 - xem: 24181 lần
- Just do it ! - Chỉ làm vậy thôi - Thứ Sáu, 22:16 28-07-2017 - xem: 31978 lần
- Thực hành thiền, ứng dụng và phổ biến phương pháp giáo dục Phật giáo trong xã hội hiện đại - Thứ Ba, 09:03 21-02-2017 - xem: 22926 lần
- Sự liên hệ giữa Vi diệu pháp và thiền quán - Thứ Sáu, 00:55 16-09-2016 - xem: 38979 lần
- Thực tập quán tử thi ở Thái Lan - Chủ Nhật, 07:59 04-09-2016 - xem: 29315 lần
- Hãy thực tập thiền định - Chủ Nhật, 23:04 01-05-2016 - xem: 32718 lần
- Nanh vuốt của Vô minh - Thứ Bảy, 00:00 27-02-2016 - xem: 21881 lần
- Thiền chánh niệm - Chủ Nhật, 00:42 03-01-2016 - xem: 32170 lần
- Từng hạt cát nhỏ - Thứ Tư, 02:15 07-10-2015 - xem: 25058 lần
- Bản thể siêu việt - Thứ Ba, 00:15 04-08-2015 - xem: 39056 lần