Diệu lý của chư Phật và tự tâm tự độ
- Tuệ Liên & Hải Liên (chuyển ngữ)
- | Thứ Hai, 23:10 04-04-2016
- | Lượt xem: 6930
Đại sư Huệ Năng là Tổ thứ sáu của Thiền tông, vốn là một tiều phu nơi vùng đất hoang dã tại Lĩnh Nam. Một hôm, lúc Ngài đang bán củi trong chợ, ngẫu nhiên nghe một vị cư sĩ trì tụng Kinh Kim Cang, không ngờ người cực khổ một chữ cũng không biết như Ngài khi nghe được câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Nên phát khởi tâm không dính mắc vào đâu cả) mà lại hoát nhiên khai ngộ! Thế là dưới sự chỉ điểm và giúp đỡ của vị cư sĩ thiện tâm này, Ngài từ biệt quê nhà, đi lên Hồ Bắc để cầu pháp với ngài Hoàng Mai.
“Bồ-đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài,
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xử nhá trần ai”
(Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng không đài,
Xưa nay không có vật,
Cớ sao vướng bụi trần)
Tại chùa Đông Sơn núi Song Phụng ở Hoàng Mai Hồ Bắc (nay là chùa Ngũ Tổ), ngài Huệ Năng nhờ bài kệ này mà lọt vào được đôi mắt sáng suốt của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ngũ Tổ đã đem y bát của Thiền tông truyền cho Ngài. Y bát mà ngài Huệ Năng nhận được không đơn thuần chỉ là chiếc áo ca-sa do Tổ sư Đạt-ma mang từ Ấn Độ đến, mà là cả một tòa giang sơn và là một trái phá! Tuy chiếc ca-sa này, các Tổ sư đời đời truyền lại cho nhau chỉ là một tín vật, cũng không phải là bản thân của Phật pháp, nhưng có nó mới có thể chứng minh quý vị và Tổ sư các đời dùng tâm ấn tâm, và cùng thở một hơi thở với đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Mọi người chính là Tổ, chính là Phật! Nhưng rất nhiều đồ đệ vì danh lợi nên không hiểu rõ đạo lý lấy tâm truyền tâm, tâm có sự sắc sảo của nó, mà cho rằng có được ca-sa là trở thành Tổ sư, nên luôn nghĩ mưu tính kế để cướp đoạt. Vì thế, y bát tương truyền xưa nay như nghìn cân treo sợi tóc! Huống hồ ngài Huệ Năng là một tiều phu xuất thân từ Nam man, một chữ cũng không biết, ngay cả điều tối thiểu là xuống tóc thì Ngài cũng chưa xuống – chưa xuất gia, lại được truyền y bát của Thiền tông, người trong thiên hạ có ai mà phục cho được?!
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn nói: “Ngay trong đêm nay ngươi nên đi nhanh đi, sợ e có kẻ sẽ hại ngươi!”
Đại sư Hoằng Nhẫn lo lắng đồ đệ không quen đường đi, đích thân đưa Ngài xuống núi. Trong đêm tối tịch mịch, hai thầy trò họ đi như bay, đi mãi cho đến bên bờ Trường Giang.
Sao rơi trên đồng rộng, trăng lên trên dòng sông. Ánh trăng mờ bao trùm xuống dòng Trường Giang càng làm cho dòng sông thêm rộng lớn, mạch nước ngầm sôi động, sóng nước cuộn trào, tất cả là một vùng thần bí mênh mang. Đại sư Ngũ Tổ dẫn Huệ Năng đến bờ sông. Bến đò này ban ngày náo nhiệt, người qua lại rộn ràng nhộn nhịp, bây giờ vắng lạnh đón tiếp hai Thầy trò họ, chỉ có tiếng sóng vỗ vào bờ đê.
Tiếng sóng lớn ì ầm vọng trong đêm thâu làm cho cảnh vật thêm yên tĩnh, sông vắng không người tự chèo thuyền qua sông. Hai Thầy trò vội vàng nhảy lên một chiếc thuyền con. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn vừa đến cầm cây chèo thuyền, Huệ Năng liền nói: “Sư phụ! Xin Ngài ngồi yên, để con chèo thuyền”.
Đại sư Hoằng Nhẫn nói một lời mà nhắm đến hai việc: “Ta là Thầy, nên phải do Ta chèo thuyền đưa con đến bờ kia!”
Huệ Năng hiểu ý, cười nói: “Lúc đệ tử còn mê, phải nhờ Thầy độ, nay con đã ngộ rồi phải tự độ mình thôi”.
Đại sư Hoằng Nhẫn gật đầu lia lịa: “Hay lắm! Hay lắm! Phiền não của mình tự mình đoạn trừ, sanh tử của mình tự mình giải thoát. Tham thiền tu đạo, bất cứ ai cũng không thể thay thế được. Sư phụ chỉ có thể là người chỉ rõ phương hướng ở phía trước. Phải chăng có thể đạt đến sự không còn sanh diệt của bờ bên kia, chỉ có thể dựa vào sự tự độ của mỗi cá nhân. Sau này, Thiền tông phát triển rực rỡ là nhờ vào con”.
Sóng lớn cuồn cuộn như mây trời, vầng trăng sáng trong veo như chiếc thuyền, chiếc thuyền nhỏ lao vun vút như tên bắn sang bờ bên kia – Giang Châu*.
Sau khi đắc pháp với Ngũ Tổ, ngài Huệ Năng được Sư phụ dặn dò không nên gấp gáp công khai thuyết pháp. Đợi cơ duyên chín muồi rồi mới hoằng pháp. Vì thế, ngài Huệ Năng từ Hoàng Mai trở về thôn Tào Hầu ở Thiền Châu mai danh ẩn tích. Ở đó có một vị Nho sĩ tên Lưu Chí Lược đối đãi với Ngài rất nồng hậu. Tuy Lưu Chí Lược theo nghiệp Nho nhưng gia đình của ông lại có duyên với nhà Phật.
Cô của ông xuất gia là một Ni sư sống ở chùa Sơn Giản gần thôn Tào Hầu, pháp hiệu là “Vô Tận Tạng”. Ni sư Vô Tận Tạng lấy việc trì tụng Kinh Niết Bàn làm khoá tu hằng ngày, cho nên lúc ngài Huệ Năng và Lưu Chí Lược đến thăm viếng, Ni sư đang tụng Kinh Niết Bàn, tự nhiên cũng nói đến Kinh Niết Bàn. Ni sư Vô Tận Tạng cười rạng rỡ, khiêm cung thưa với ngài Huệ Năng: “Nghe cháu tôi nói, đối với Phật pháp Ngài nghiên cứu rất sâu. Kinh Niết Bàn này bần Ni tuy đã trì tụng nhiều năm nhưng vẫn còn có nhiều chỗ chưa hiểu rõ lắm, xin Ngài chỉ điểm chỗ mê mờ”.
Vừa nói, Ni sư vừa lấy cuốn kinh dày đưa cho ngài Huệ Năng. Ngài Huệ Năng xua tay nói: “Hổ thẹn, hổ thẹn! Từ trước đến nay tôi chưa từng đi học, cho nên không biết chữ, càng không thể đọc kinh. Nhưng, nếu Ni sư đọc lời kinh ra, có lẽ tôi có thể giải đáp ý nghĩa trong đó cho Ni sư”.
Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt Ni sư Vô Tận Tạng trong nháy mắt đã biến mất và chuyển thành mây đen u ám. Ni sư thu lại tầm mắt, với giọng điệu hơi trách móc và nói: “Phật cấm nói láo, cho nên người học Phật thành thật là điều đầu tiên. Ông ngay chữ cũng không biết, làm sao có thể giải thích đạo lý thâm sâu ở trong kinh văn được?”
“Chân lý của Phật pháp và văn tự không liên quan gì với nhau!”
Ngài Huệ Năng đúng là người chưa nói cho người ta kinh sợ thì chưa thôi! Lưu Chí Lược và Ni sư Vô Tận Tạng đều bị câu nói này của Ngài làm cho kinh hoàng: Cái gì? Phật pháp thần kỳ, huyền diệu và văn tự không có liên quan gì? Vậy thì, còn cần thiên kinh vạn quyển này làm gì nữa? Người xưa thập tử nhất sinh đến Tây Thiên thỉnh kinh, chẳng phải để mang về những quyển kinh sách hay sao?
Hai người đang nhìn ngài Huệ Năng chăm chăm giống như đang nhìn thấy quái vật. Ngài Huệ Năng lại không hiểu gì cả hít hít lỗ mũi, vừa tìm kiếm khắp nơi, vừa hỏi rằng: “Hương hoa từ đâu đến vậy?”
Ngài Huệ Năng này không chỉ là một người “có mắt như mù” mà còn giống người mù thật, ngay cả loài hoa rừng Thấu Lan Mạn Ni sư Vô Tận Tạng cúng trên bàn thờ Phật cũng nhìn không thấy. Ni sư Vô Tận Tạng đưa tay chỉ bình hoa cúng trên bàn thờ và nói: “Ồ! Bần Ni mỗi sáng sớm đều hái hoa dại cúng Phật. Hương hoa thoang thoảng trong phòng chính là mùi hương chúng toả ra”.
Huệ Năng lại nghiêng tai, lắng nghe gì đó: “Có người đang đánh đàn ở đâu đó?”
Lưu Chí Lược nói: “Ngôi chùa này sở dĩ được gọi là chùa Sơn Giản, chính vì bên trái có một khe suối, nước suối róc rách giống như tiếng đàn. Xem kìa, chính là bên kia”. Lưu Chí Lược chỉ tay ra phía ngoài chùa.
Ánh mắt của ngài Huệ Năng không nhìn theo hướng tay anh ta chỉ mà chăm chú đếm đầu ngón tay của anh ta. Lưu Chí Lược vừa giận vừa buồn cười, nói: “Huệ Năng! Ông vốn là người rất sắc sảo thông minh. Hôm nay bị làm sao vậy? Ông nhìn ngón tay tôi làm gì? Ngón tay không phải là nước suối, cũng không phát ra âm thanh!”
Lúc này Huệ Năng mới cười lớn, nói: “Các ngươi thấy không, chân đế của Phật pháp cũng giống như hương hoa đẹp đẽ thơm tho, cũng giống như tiếng động của nước chảy. Nhưng văn tự, chỉ giống như ngón tay của các ngươi chỉ cho ta xem. Ngón tay có thể chỉ ra chỗ hương hoa và nước chảy đang có mặt, nhưng bản thân ngón tay của các ngươi hoàn toàn không phải là mùi hương của hoa dại, cũng không phải là tiếng nước chảy. Vì thế, nhìn một đoá hoa đẹp, nghe tiếng nước suối chảy hoàn toàn không nhất định phải thông qua ngón tay chỉ”.
Cuối cùng, Huệ Năng tổng kết lại rằng: “Diệu lý của chư Phật, không liên quan đến văn tự, cho nên không thể chấp trước đối với kinh văn”.
Từ đó, Ni sư Vô Tận Tạng rất kính phục ngài Huệ Năng và đã lễ bái sát đất. Ni sư khen ngợi ngài Huệ Năng với dân chúng trong thôn rằng: “Ngài thiên cơ tự ngộ, không có Thầy mà tự thông hiểu, người thường không thể theo kịp, là bậc đại Bồ-tát tái thế”.
Vì thế, dân chúng trong thôn Tào Hầu dưới sự lãnh đạo của bậc đại thiện Tào Thúc Lương, lễ thỉnh ngài Huệ Năng vào trú trong chùa cổ Bảo Lâm rất nổi tiếng ở vùng đó.
* Nay là Cửu Giang.
Các bài viết liên quan
- “Hành trình đến chánh niệm” Tấm gương của sự tinh cần! - Thứ Tư, 09:43 22-04-2020 - xem: 5389 lần
- Diệu lý của chư Phật và tự tâm tự độ - Thứ Hai, 23:10 04-04-2016 - xem: 6930 lần
- Thiền cho học sinh - Thứ Bảy, 08:18 27-06-2015 - xem: 6674 lần
- Thiền tập trong ngành an ninh ở Ấn Độ - Thứ Sáu, 22:03 21-11-2014 - xem: 7741 lần
- Thiền đi em - Thứ Hai, 22:11 19-05-2014 - xem: 5400 lần
- Thiền và quân nhân - Thứ Bảy, 22:03 12-04-2014 - xem: 5601 lần
- Thiền Thánh tướng - Chủ Nhật, 22:04 19-01-2014 - xem: 6128 lần
- Thiền quán theo phương pháp Mật tông – phần 2 - Thứ Năm, 22:02 09-01-2014 - xem: 6876 lần
- Thiền quán theo phương pháp Mật tông – phần 1 - Thứ Hai, 22:05 06-01-2014 - xem: 13057 lần
- Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông - Thứ Sáu, 22:03 27-12-2013 - xem: 7148 lần
- Quán chiếu những linh ảnh Phật giáo - Thứ Tư, 22:03 25-12-2013 - xem: 9886 lần
- Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng - Thứ Tư, 22:01 18-12-2013 - xem: 6742 lần