Ngã ba tư tưởng của thơ Thiền
- Thể Như
- | Thứ Bảy, 22:11 24-05-2014
- | Lượt xem: 4733
Hơn 1300 năm trước đây, một nhân vật có thực trong lịch sử mà như là huyền thoại đa chiều, có cả chiều phản diện, đó là nhà thơ Hàn Sơn (691 – 793) kỳ bí, thoắt ẩn thoắt hiện. Ông không viết thơ bằng giấy bút mà khắc thơ khắp nơi trên những rẻo đường heo hút trùng điệp non nước của đỉnh Thiên Thai. Những bài thơ khắc nguệch ngoạc trên đá cuội, trên vách núi, trên vỏ cây và trên bất cứ mặt phẳng nho nhỏ nào mà ông thấy thuận tay. Ông thường mang tướng trạng xuề xòa nghệch ngạc, nghêu ngao với đám mục đồng, ăn xin nơi làng xóm chùa chiền. Có những lúc thuận tay ông khắc vài bài thơ trên vách chùa rồi lại đi đâu mất. Tất cả hành tung như vậy khiến cho ông bị nhiều người xem là một kẻ kỳ dị nếu không dám nói là dở hơi. Thế mà... thơ của ông đã vượt thời gian và làm rung động tâm trạng của nhiều người. Điều mà người viết cảm thấy thích thú là, một trong những bài thơ của ông đã tạo nên một điểm nhấn, một cột mốc nơi ngã ba tư tưởng của thế giới thi ca Phật giáo. Xin thưa trước, ở ngã ba này tính chọn lựa thì ít mà tính viên dung thì nhiều; có nghĩa là bất cứ chọn ngã nào để đi thì hành giả cũng sẽ đến một chỗ tròn trịa viên mãn như nhau, tạm gọi tên là ngõ Phản quan tự kỷ, ngõ Liễu ngộ viên thông và ngõ Từ ái viên dung. Khai nguồn là ngõ Phản quan tự kỷ được nhà thơ Hàn Sơn thể hiện:
人 生 在 塵 蒙,恰 似 盆 中 蟲。終 日 行 繞 繞,不 離 其 盆 中。
神 仙 不 可 得,煩 惱 計 無 窮。歲月如 流 水,須 臾 作 老 翁。
Phiên âm:
Nhân sinh tại trần mông,
Khớp tợ bồn trung trùng.
Chung nhật hành nhiễu nhiễu;
Bất ly kỳ bồn trung.
Thần tiên bất khả tỷ;
Phiền não kế vô cùng.
Tuế nguyệt như lưu thủy;
Tu du tác lão ông.
Tạm dịch:
Sinh ra giữa cuộc bụi hồng,
Khác nào con kiến rơi trong bát này.
Ngày ngày lẩn quẩn loay hoay.
Không rời miệng bát, nào hay thế nào!
Thần tiên khuất nẻo trên cao.
Dưới đây phiền muộn, khổ đau bời bời.
Tháng năm như nước chảy trôi;
Mới đây tóc đã đến hồi tuyết pha.
Nhìn lại cuộc đời trong chốn hồng trần, dù đi đâu về đâu cũng không ngoài cái chén nhân gian; dù đó là năm châu bốn biển mênh mông; dù đó là đi từ nhà ở đến trường học, từ sở làm đến chợ búa hay từ hí viện đến nhà thương. Con người cứ trơn trợt trong cuộc lợi danh, trơn trợt trong đời sống tình cảm hay trơn trợt trong bon chen giữa chốn quan trường. Mê mải loanh quanh trong cái chén nhân gian nên cảnh giới thần tiên siêu sinh thoát tử cứ mãi xa tít tắp trên cao; ngược lại, cảnh giới hồng bụi hệ lụy với bao nỗi muộn phiền cứ chập chờn trước mắt. Hàn Sơn có lẽ đã nhận ra thực tướng của khổ đế, sống với thực tướng đó, mở ra ngõ Phản quan tự kỷ theo cách của riêng ông. Ông đã phá đi những lề thói sáo mòn, những lệ thường tẻ nhạt và sống trong cảnh giới phiêu diêu đặc dị. Đã là kiếp nhân sinh dù sống cảnh giới nào thì tóc cũng bạc, nhưng sợi tóc bạc của Hàn Sơn không thấm đẫm chất buồn rầu theo kiểu: "Quân bất kiến cao đường minh cảnh bi bạch phát/ Triêu như thanh ti mộ như tuyết". Sợi tóc bạc của Hàn Sơn chỉ là một ghi nhận, một cảnh giác hay tỉnh giác trong nhà thiền, thậm chí là một cảnh tỉnh hay thức tỉnh cho bản thân và cho nhân thế. "Tu du tác lão ông" theo người viết thì có lẽ là cho nhân thế nhiều hơn.
Hơn hai trăm năm sau, Thiền sư Mãn Giác (1052 – 1096) ở Việt Nam đã thể hiện sợi tóc bạc ở ngã ba tư tưởng Phật học theo một hướng thứ hai, hướng Liễu ngộ viên thông. Ngay từ khởi đầu, nhà thơ thiền sư đã cài sẵn mật mã là cánh hoa xuân. Giải mật mã này ở tầng một hay tầng thế nhân, nhà thơ chuyển tải thành công thông điệp về sợi tóc bạc, ông chạm vào cột mốc của ngã ba tư tưởng Phật giáo. Đến tầng nghĩa thứ hai, tức là từ tầng tục đế đến tầng chân đế, từ tầng đối đãi đến tầng tuyệt đối, như đã ngấm ngầm un đúc từ trước, sợi tóc bạc hay đóa hoa tàn bỗng vượt qua khỏi cảnh giới của "bạc", của "tàn", vượt qua khỏi cảnh giới của cái chén mà Hàn Sơn miêu tả, rồi lẫm liệt đi vào cảnh giới vô ngại viên thông hay liễu ngộ viên thông, mở ra một hướng thứ hai quang đãng và siêu phóng.
Rồi một ngàn năm sau nữa, nhà thơ Chí Giác (Budwill) lại khởi đi từ nguồn thi cảm con kiến và sợi tóc bạc của Hàn Sơn để tiếp nối:
Han Shan, that great and crazy, wonder-filled Chinese poet
of a thousand years ago, said:
We're just like bugs in a bowl. All day going around and never leaving their bowl.
I say, That's right! Every day climbing up
the steep sides, sliding back.
Over and over again. Around and around.
Up and back down.
Sit in the bottom of the bowl, head in your hands,
cry, moan, feel sorry for yourself.
Or. Look around. See your fellow bugs.
Walk around.
Say, Hey, how you doin'?
Say, Nice bowl!
Tạm dịch:
Ngàn năm trước, Hàn Sơn, nhà thơ Trung Hoa,
Kỳ vĩ, khùng điên, đầy huyền thoại, buông lời:
Con người như con kiến bị rơi,
Trong cái bát trơn tru lắm nỗi.
Cả ngày loanh quanh chưa từng rời khỏi...
Ngàn năm sau, ta nói: Đúng rồi!
Cả ngày loanh quanh, trèo lên, trượt xuống.
Uổng rồi lại uổng, loanh quanh.
Ngồi dưới đáy bát, ôm mặt khóc;
Thở than, tủi phận, sao đành...
Nhìn kia, những con kiến khác.
Rồi thăm hỏi:
Bạn ơi, cuộc sống ra sao?
Cái bát không tệ chút nào!
Con kiến hay thân phận con người sau khi quán chiếu một cách sâu thẳm, nhận chân khổ đế đã không ngồi thu lu dưới đáy chén nhân gian, không ấm ức vì cái tự ngã càng to càng kiêu hãnh thì càng oằn oại đau thương và càng trống rỗng bên trong. Đó là một cái ngã, càng bảo vệ càng mềm yếu và mong manh. Con người đó mở vòng tay bó gối ra, phá vỡ cái vỏ tự ngã, phá bỏ cái thành trì ta người. Nó không thấy cái khổ đế của nó và cái khổ đế của người, nó chỉ thấy một cái khổ đế mà thôi. Nó cất lên tiếng nói, tuy nhẹ nhàng "Bạn ơi, cuộc sống ra sao?" mà nghe lả tả tiếng rơi rụng của gạch đá thành trì, nghe như tiếng đổ sụm của sóng cả đại dương. Kết quả là "Cái bát không tệ chút nào!". Đúng vậy, cõi nhân gian không tệ chút nào khi lòng từ ái vị tha luôn luôn có tiếng nói chứ không phải là tiếng gào thét hận thù, tiếng súng nổ bom rơi. Cụ thể hồi hôm qua là tiếng của những quả bom tự sát, hiểu theo tầm nhân loại thì quả bom nào cũng là quả bom tự sát. Những quả bom giết chết sinh mạng của kẻ thù, trộn hay không trộn với sinh mạng của lương dân. Khi nào những kẻ tàn độc, oan khiên nhận được lời chia sẻ: "Bạn ơi, cuộc sống ra sao?" chứ không phải nhận lấy những lời nguyền rủa tàn độc hơn, oan khiên hơn, thì ngõ thứ ba, ngõ Từ ái viên dung được khai thông. Khi đó tấm lòng yêu thương đúng nghĩa từng bước lên ngôi, khi đó nhân gian mở hội, khi đó nhân gian "không tệ chút nào".
Các bài viết liên quan
- Tư tưởng thiền của Tổ sư Minh Đăng Quang trước môi trường sống và gội sạch tâm thức tự thân - Thứ Bảy, 20:57 13-04-2019 - xem: 4090 lần
- Tu tập, nhiếp phục thân khẩu ý thanh tịnh - Thứ Tư, 08:57 02-05-2018 - xem: 8203 lần
- Chế ngự hôn trầm và ngủ gục - Thứ Hai, 01:41 14-08-2017 - xem: 3955 lần
- Tu tập thiền định qua Chơn lý "Bát chánh đạo" - Thứ Bảy, 22:10 29-07-2017 - xem: 5150 lần
- Ứng dụng bảy yếu tố giác ngộ trong quá trình thực hành thiền định - Thứ Tư, 00:09 26-07-2017 - xem: 4974 lần
- Tiến trình nhập thiền định - Chủ Nhật, 08:26 08-01-2017 - xem: 5360 lần
- Chìa khóa tu tập - Thứ Năm, 07:03 29-12-2016 - xem: 3475 lần
- Ăn chánh niệm - Thứ Năm, 03:33 15-09-2016 - xem: 4059 lần
- Thực hành chánh niệm - Chủ Nhật, 00:45 11-09-2016 - xem: 3928 lần
- Chìa khóa thiền tập - Thứ Hai, 01:00 27-06-2016 - xem: 4013 lần
- Ứng dụng phương pháp tu tập Chánh niệm theo con đường Niệm xứ - Chủ Nhật, 05:12 24-04-2016 - xem: 5427 lần
- Đối trị 5 triền cái - Thứ Tư, 21:17 01-07-2015 - xem: 16514 lần