Tam giáo
- NT. Tuyết Liên
- | Thứ Năm, 20:12 30-12-2021
- | Lượt xem: 249
TAM GIÁO
Tác giả: Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang
NT. TUYẾT LIÊN chuyển thơ
---o0o---
THÍCH - ĐẠO - NHO
1. Khổng Tử là một triết gia,
Sinh trong thời loạn can qua xứ Tàu.
Ngài nâng lễ giáo lên cao,
Lúc nhỏ tập lễ bái chào khòm lưng.
Với ai Ngài cũng kỉnh cung,
Ngài bảo lễ giáo là lòng thương yêu.
Có trên dưới, có trước sau,
Người có lễ giáo đẹp sao tình người.
Nho nhã, khiêm nhượng, vui tươi,
Lịch sự, thân thiện với người chung quanh.
Có lễ giáo, có lòng nhân,
Con đường sống, của số đông nhiều người.
Nhu đạo chiến thắng khắp nơi
Chiến tranh mạnh cứng, cõi đời bình yên,
Nhu đạo như dây kết liền,
Những cây to lớn tránh miền bão giông.
Nho đạo giáo lý bình dân,
Để trừ giặc loạn trong cơn bão bùng.
Là giáo lý lập gia đình,
Cốt yếu để dạy chữ nhân cho người.
Tôn trọng sinh mạng con người,
Đừng hại ai chết khi người còn đang
Vẫn muốn sống, dù khổ nàn,
Nếu chết uất ức khổ càng gấp trăm.
Sống không thù oán mới yên,
Mình muốn sống, thì đừng nên giết người,
Đừng để gương ác cho đời,
Theo nhân đạo, không sát sanh làm đầu,
Có lòng nhân ái tương giao,
Là đã tiến hóa lên cao hơn người.
Khổng Tử dạy khuyên người đời,
Lập ra xã hội gia đình thuần lương
Đạo tang cang, phép ngũ thường
Quan hôn tang tế tình thương kết hòa.
Con thú trở nên người ta
Dạy kẻ ác biết hiền hòa, thuần lương
Mọi người biết sống, biết thương
Mục đích liên kết mở đường sống vui.
Thế giới, xã hội con người
Làm cho tâm được tốt tươi vững bền.
Vạn vật ta làm tốt hơn
Tâm người tốt, vạn vật bền với ta.
Giáo lý của đạo nho gia
Bảo thủ cái có, có ta, có người
Cái có mãi mãi sống đời
Vật hư làm lại, chết rồi lại sanh
Luân hồi nhân quả xoay quanh
Ngày nay phải có, mai thành công hơn.
Có công bồi đắp là nhân
Quả sẽ tương đối với nhân tương đồng
Ấy là giáo lý trung dung
Nho đạo Khổng Tử sống trong cuộc đời
Trẻ thơ phải học kịp thời
Người lớn biết sống thức thời đạo nho
Ông già đem đạo dạy cho
Trẻ nhỏ biết được để lo học hành.
Phải đem nho đạo lập thành
Cõi đời có đạo vâng hành kỷ cương
Nho đạo phải là con đường
Giữ được phong hóa tình thương lớp người.
Theo nho đạo thì con người
Đứng vững lớp đó, đừng lui quày đầu.
Nhưng cũng chưa biết đi đâu
Sống hiện tại, mọi việc đều cho xong
Phải khiêm nhượng, đừng ngó trông
Tới lớp tiên Phật, cũng không trở lùi
Hoàn thành phận sự là vui
Vị lai, quá khứ xa vời nghĩ chi
Học trò cứ học tới đi
Thì được lên lớp luận chi rộn tàng
Nghĩa là nho giáo vẫn đang
Tiến không phải thủ, nhưng làm chậm thôi.
Trường có ba lớp rõ rồi
Nho gia nền tảng để người bước lên
Lão giáo lớp nhì cao hơn
Thích giáo lớp nhứt, một trường có ba
Mục đích đến, chỉ một là
Giúp người thoát khổ chan hòa niềm vui
Các lớp có ra do nơi
Căn cơ trình độ con người chưa thông
Lớp dưới phải mở đưa lần
Đưa lên đến chỗ thong dong khỏe nhàn.
Trình độ mỗi lớp vẫn đang
Theo hướng tiến đến cuối đàng thảnh thơi.
Nho giáo dạy sống tạm thời
Dùng tạm cho lúc cõi đời đấu tranh
Không dùng cho lúc yên bình
Nếu sống không học chống kình lẫn nhau
Thì sẽ nguy hại biết bao
Nho giáo dạy học đề cao năm thường
Cho người biết hiền, biết thương
Biết chia sẻ, biết nhịn nhường dưới trên
Khổng Tử dạy người đừng tham
Giữ cái có, tức gốc nguồn đua tranh
Bảo người cần sống mạnh lành
Hể tham sống, ắt cạnh tranh sống còn.
Dạy người phải có danh quyền
Gia đình, xã hội, bà con của mình
Tức là nguồn gốc đấu tranh
Làm sao có được yên bình dài lâu
Có ai sống mãi được đâu
Có ai giữ mãi được câu thường bền
Nho đạo Khổng Tử chủ trương
Giáo lý trị thế hiển dương quân thần.
Đời sau có kẻ trách lầm
Sợ làm giặc nhỏ, nên cần binh đông
Làm giặc lớn giết một lần
Kẻ trách quá đáng, hiểu lầm nói ngang.
Tại người hư, làm quấy càng
Đâu phải đạo tệ mà toan nhiều lời.
Học phải tiến, người đến trời
Không lên lớp, sẽ chiêu thời nạn tai.
2. Lão Tử lớp trên chỉ bày
Người phải tiến, bước lên ngay lớp trời.
Đức Lão Tử là một người
Tánh tình cang trực trọn đời lưng ngay.
Một đời chẳng biết sợ ai
Dầu bị đánh đập không hay cúi đầu
Ngài tin công lý nhiệm mầu
Ngài hiểu chơn lý trong bầu tam thiên.
Ngài biết vạn vật vô quyền
Chúng sanh vô trị không thiên phía nào.
Vạn vật không có khác nhau
Khác nơi tướng tạm, khác nhau danh từ
Tất cả đều là huyển hư
Rốt về tứ đại, người như thú cầm.
Lão Tử ngài sống bằng tâm
Ba phần linh, giác và thần siêu linh
Tách mình ra khỏi thế tình
Non núi thanh vắng tự mình luyện tâm
Ngài cho cái có lạc lầm
Ngài ở trong cái không không bao trùm
Cái không, vui sướng thật tình,
Không xã hội, không gia đình bà con.
Danh lợi, của cải, miếng ngon
Thà rằng vui chết, còn hơn khổ đời.
Không ai giết được tâm người
Mọi người lo liệu, khổ vui tự mình
Giáo lý Ngài dạy chúng sanh
Đường cứu vớt, kẻ trầm luân khổ sầu
Kẻ bị danh lợi chôn sâu
Cái tham, cái ác lún sâu mịt mờ
Biển đời danh lợi nhiễm ô
Không mục đích, không bến bờ bình an
Lão Tử Ngài chỉ con đàng
Bỏ hết sở chấp, đa mang làm gì.
Mà chỉ còn dùng trí tri
Lên lớp, bài củ bỏ đi không dùng
Giáo lý Khổng Tử tuy còn
Lớp tạm không thật vẫn hơn sự đời
Giáo lý Phật như mặt trời
Giáo lý Lão Tử sáng ngời như trăng
Giáo lý Khổng Tử ví bằng
Như sao đêm tối lung linh xa vời.
Lão Tử hướng dẫn người đời
Lo trau tâm trí bỏ đời phù du
Như kép đội mão mang râu
Màn nhung khép lại đối đầu cái không.
Mãi lo những việc bao đồng
Càng lo, lo mãi cái không chắn đường
Biết cái không, sống thanh nhàn
Thong thả khỏe khoắn, lại càng định yên.
Vậy nên Lão Tử giáo truyền
Người đã đi đến mức hiền phải tu.
Ông già cũng phải đi tu
Thái bình thịnh trị, đi tu mới bền.
Hiền không tu, mọi ác duyên
Sẽ khởi trở lại khổ liền theo sau.
Già không chịu tu khổ sao
Bình không tu, sẽ khơi mào chiến tranh.
Nho giáo là gom chúng sanh
Kết tình thân ái, không sanh giặc loàn
Lão Tử chia rẽ để toan
Ngăn ngừa đại loạn cho an địa cầu
Chia rẽ mà loạn phải âu
Dùng pháp gom hiệp, vui câu thái hòa.
Hết loạn số đông người ta
Ở lâu sanh loạn thì là phải ly.
Vậy nên dù hiệp hay ly
Là phương pháp tạm cho khi thái bình.
Cái hiệp Khổng Tử xương minh
Để cho thân sống vì tình nghĩa sau.
Cái ly, Lão Tử pháp mầu
Để cho tâm sống, không cầu cạnh ai.
Gồm hai pháp thì rất hay
Ly hay hiệp, tùy cảnh ngoài liệu toan.
Muốn thiện hiệp mới chu toàn
Ly do duyên cảnh, bảo toàn lẫn nhau.
Khổng dạy hòa, để cùng nhau
Xây dựng đời sống nâng cao thiện lành.
Lão dạy ly, ngăn chiến tranh
Tức là hai pháp song hành trước sau
Thiếu một không kết quả cao
Thiếu Nho thế giới không sao thái bình
Thiếu Lão sẽ sanh chiến tranh
Như cầm binh khí để canh giặc loàn
Hết giặc binh khí không buông
Chính người đó sẽ gây tuồng loạn ly.
Vậy sự bỏ binh khí đi
Khi đời hết loạn đúng y pháp hành
Lão Tử dạy tu khi bình
Thật là đúng lý, nên mình phải tu.
Như Trương Lương xưa chối từ
Phẩm cao bổng lộc, quy tư an nhàn.
Khổng Tử sanh thời giặc loàn
Trước phải diệt giặc, sau toan tu hành.
Lão Tử sanh trong thời bình
Ngài đi tu để đem mình làm gương
Xả bỏ vật chất bạc tiền
Không không thì sẽ bình yên lâu dài.
Giáo lý thay đổi rất hay
Tùy duyên ứng dụng các Ngài dạy dân.
Nho Lão là đạo thân tâm
Đạo của tất cả chúng sanh nương nhờ.
Nhờ đạo ấy đến bây giờ
Tạo nên lẽ sống nên thơ hữu tình.
Đức Phật cũng dạy chúng sanh
Thân thì chung hợp, tâm mình tự lo
Cũng như cỏ nhỏ, cây to
Thân kề cận, sự sống do mỗi loài.
Người muốn chết mà nhớ Ngài
Khổng Tử thì sẽ hết ngay chán đời.
Ai mà quá khổ chơi vơi
Nhớ đức Lão Tử sẽ vui lại liền.
Hai Ngài là xác, là hồn
Không thể thiếu được, khi còn tồn sanh.
Về thuyết có, Khổng thuyết minh
Có người, có của, gia đình, người thân
Làm việc cực nhọc mưu sinh
Đạo nghĩa gom hiệp trong tình tam cang.
Thân tuy hợp, tâm khó an
Làm sao thế giới chịu an một bề
Nên cái có rất nhiêu khê
Khó thể bền vững một bề người đông.
Dùng lập gia đình cỏn con
Thì hay đúng lắm kỷ cương cuộc đời.
Bài học cho trẻ nhỏ thôi
Dùng luật để trị, dạy rồi mới nên.
Chớ đối với các lớp trên,
Lấy lễ mà đãi mới bền nhân tâm.
Ở lớp dưới học trò đông
Đứa nên rất ít bởi không hiểu bài.
Học trò lớp trên ít người
Không trị phạt, chỉ dạy mà nên công.
Bởi nhờ rèn luyện dầy công
Để đưa tới cái hòa đồng trang nghiêm.
Giáo lý Lão Tử lớp trên
Ngài dạy pháp tánh giữ bền chữ không.
Giáo lý Ngài dạy số đông
Người ta bỏ thế lợi danh chẳng cần.
Mỗi ai nấy tự trau tâm
Không danh, không lợi, nên không muộn phiền.
Mà lại khỏe khoắn như Tiên
Không điều lo lắng ưu phiền cũng không.
Khổng Tử dạy giới bình dân
Dùng pháp nội trị dân tình mới an.
Lão Tử chuyên dạy vua quan
Người lảnh đạo tốt thì dân yên bình.
Vua quan mà biết hy sinh
Chẳng kể thân mạng của mình lo dân.
Kẻ lảnh trách nhiệm cha anh
Thiệt thòi đủ thứ còn sanh oán hờn.
Lao tâm khổ trí ngày đêm
Lo ăn ở cho đàn em không rồi.
Đúng cũng khổ, sai khó coi.
Nên quan là phải thiệt thòi hy sinh.
Nên Lão Tử dạy trau tâm
Là lời dạy khéo, để mình không quên.
Thế gian hư ảo vô thường
Quên khổ hiện tại tìm đường tu tâm.
Không chán nãn, biết sống lành
Từ bi hỷ xả thực hành thấy vui.
Thân sống xem như chết rồi
Không bị ràng buộc việc đời thế gian.
Không không, khỏe nhẹ, thanh nhàn,
Thông minh, sáng suốt, không ràng buộc chi.
Tuyệt đối sống với trí bi
Ngoài ra không biết việc chi trong đời.
Khổng, Lão có ra do người
Không theo được Phật, đạo Trời có ra,
Và cũng vì bởi người ta
Không theo trời được, mở ra đạo người.
Đạo người là để đến trời,
Đạo trời dẫn dắt người người tiến lên,
Lên đến đạo Phật cao trên
Tức ba lớp học dẫn đường chúng sanh.
3. Phật Thích Ca sau khi thành
Quả vị vô thượng Ngài hành pháp trung,
Nghĩa là Ngài dạy pháp chung,
Có không cũng được, pháp tùng duyên sanh.
Đứng ngoài có không cạnh tranh,
Không còn lầm lạc, tùy hành lợi tha.
Giác ngộ biết sáng thấy ra
Khổ vui, sống chết cũng là huyển hư.
Giác ngộ đi đến chơn như,
Không còn sở chấp, nên hư không màng,
Khổ vui, chết sống không can,
Có không, vinh nhục mơ màng chiêm bao.
Công lý có tự thuở nào
Nhơn thì có quả, thấp cao tự mình.
Miễn đừng mê muội chấp tình,
Buồn vui, được mất tự thanh tịnh lòng,
Con đường giác ngộ thong dong,
Không bị ràng buộc có không mặc tình.
Phật, Lão, Khổng chung tiến trình,
Cư gia thì cấm sát sanh làm đầu.
Xuất gia dâm giới là đầu,
Phật Lão đều dạy họa sâu khôn lường.
Không luyến ái, chẳng ghét thương
Không sanh, không diệt con đường chơn không,
Trung đạo mực giữa thanh cao
Chớ không phải thấp hay cao, xa gần.
Niết bàn, trí huệ, chánh chơn,
Tâm chơn yên lặng, không gần, không xa.
Chơn như, trơ lặng mới là
Giải thoát tất cả, sống là tự nhiên.
Từ tứ đại tiến dần lên
Về sau càng tiến theo duyên lạc lầm.
Rốt ráo giác ngộ chơn tâm,
Không ác khỏi thiện, không tham nhẹ nhàn
Không giết thì khỏi cứu nhau
Không mê khỏi tỉnh, không sân khỏi sầu
Không lười thì khỏi siêng đâu
Làm bao nhiêu việc dãi dầu khổ công,
Rốt lại có ích chi chăng,
Không dư, không thiếu thường hằng khỏe hơn.
Không ghét thì đâu có thương
Vậy nên giác ngộ là tâm yên bình.
Khi tâm chưa được quân bình,
Còn dư thiếu, là bởi mình chưa yên.
Bớt ra, thêm vô liền liền,
Chớ chi hãy để tự nhiên phẳng bằng.
Tâm mới yên ổn vĩnh hằng,
Sao ta chẳng nghĩ cái chung lẽ thường.
Phải học để biết cách thương,
Phải sống san sẻ cùng nương ta người.
Cái linh mầu nhiệm tuyệt vời,
Tự nhiên kín đáo, sống đời mực trung,
Giáo lý Phật dạy tu chung
Chung sống, chung học, chung cùng lẫn nhau.
Giáo lý bình đẳng đổi trao
Cho không cầu báo, rèn trau ý lành,
Giữ cho tam độc không sanh
Tâm chơn không vọng là thành công ngay
Thế giới chúng sanh hòa hài
Xã hội yên ấm tạo ngay tảng nền
Cho gia đình được vui yên
Có được như vậy mình yên vui bền
Ta và tất cả bình yên
Ta người tất cả sống hiền cùng nhau.
Dứt tham ái, không khổ đau
Sống với tất cả nâng cao cái nhìn.
Từ bỏ xã hội gia đình
Giải thoát rốt ráo cho mình, chúng sanh.
Cũng như xưa có thợ săn
Bắt le le đem nhốt chung một chuồng.
Bắt nhốt là bởi vì thương
Sợ nó đói khát lạc đường bơ vơ
Mỗi ngày cho ăn uống no
Đổi lại để có thịt cho mình dùng,
Xúi nó sanh sản cho đông
Bồ lúa trước mặt, sau lưng chảo dầu.
Một hôm người thấy trên đầu
Đại bàng bay liệng trên bầu trời xanh,
Con chim ấy lại nói rằng
Mình là con vịt ốm nhom thuở nào,
Bệnh hoạn nên bị vất vào
Rừng rậm, bụi kín tiêu dao hưởng nhàn.
Nhờ ăn ít nên nhẹ nhàng
Lông dài bay được bình an tu hành.
Nghe điều ấy người thợ săn
Thấy mình thua kém nhọc nhằn xấu xa,
Phá chuồng thả bầy vịt ra
Bảo chúng tu, người cũng xuất gia tu hành.
Tha chúng không phải làm ơn
Mà người không muốn gây thêm tội tình.
Chẳng lâu sau có người nhìn
Thấy trên không có bầy chim đại bàng
Do một đoàn chủ dẫn đàng
Bay cùng khắp xứ vầy đàn rất đông.
Người là Đức Phật Thích tông
Bầy chim ấy, đệ tử đông của Ngài
Đại bàng trước là Như Lai
Hồng danh Ca Diếp đạo Ngài lưu thông.
Nho giáo ví như chuồng lồng,
Kết thành xã hội sống chung bao người.
Phật xưa cũng đã nhiều đời
Ở trong xã hội là người cư gia.
Như Khổng Tử từng lập ra
Luật pháp xã hội cùng là vua quan
Nuôi dân bằng lợi, bằng danh
Để mà thủ lợi lâu thành thói quen.
Lâu ngày khiến người ta quên
Nguồn gốc lịch sử tự thân buổi đầu.
Nhận lầm quyến thuộc gia đình
Lập nên sự nghiệp lợi danh buộc ràng.
Mảng ham ngon tốt, giàu sang
Để cho thân mạng phải cam đọa đày.
Ngài xem gương giải thoát hay
Của Phật Ca Diếp nên Ngài xuất gia,
Dạy giáo lý, chỉ đường ra
Phá tù khám, giải thoát người đang mê.
Xả bỏ sở chấp nghiệp nghề
Gia đình, tiền của, ta người lợi danh.
Đi xin ăn nhẹ nhàng thân
Bay khắp đây đó dạy chung muôn loài.
Ngài làm được việc đúng hay
Người người quy hướng tôn Ngài tối cao.
Ngài đã giải thoát trần lao
Giữ tâm trơ lặng ra vào tự do.
Đạo là con đường hay ho
Từ đầu đến cuối để cho nhân hoàn.
Phật Thích Ca đến cuối đường
Lão đến chặng giữa, Khổng đương khoảng đầu.
Tuy ba cảnh ngộ khác nhau
Ba giáo lý của trước sau con đường.
Đường ấy là Khất sĩ môn
Đức Phật y bát chuyên môn hàng đầu.
Lão Tử mang áo, ôm bầu,
Khổng Tử là bậc khó bần nho gia.
Thầy giáo là Phật Thích Ca
Lão đang tu tập xuất gia ly đời.
Khổng đang tập hạnh bước đầu
Khất sĩ hạnh, mới khởi hành sơ cơ.
Khất sĩ là đạo ba nhà
Chơn lý võ trụ, tâm là đạo sư.
Ai cũng phải học, phải tu
Có xin học mới sống vui, sống nhàn.
Không tội lỗi, sống bình an,
Khất sĩ là đạo, cư gia là đời.
Đời rồi sẽ cũng đến nơi
Về theo đạo hết, thì đời an vui./.
Các bài viết liên quan
- Chơn lý Đạo Phật - Thứ Bảy, 23:09 21-05-2022 - xem: 51 lần
- Vị hung thần - Thứ Ba, 22:29 03-05-2022 - xem: 83 lần
- Đại thừa giáo - Thứ Ba, 22:10 03-05-2022 - xem: 64 lần
- Trường đạo lý - Thứ Sáu, 16:04 29-04-2022 - xem: 151 lần
- Nguồn đạo lý - Thứ Tư, 20:12 20-04-2022 - xem: 121 lần
- Con sư tử - Thứ Tư, 19:58 20-04-2022 - xem: 154 lần
- Võ trụ quan - Thứ Ba, 13:52 19-04-2022 - xem: 143 lần
- Sợ tội lỗi - Thứ Sáu, 06:50 11-03-2022 - xem: 238 lần
- Hột giống - Thứ Hai, 00:27 07-03-2022 - xem: 378 lần
- Ăn và sống - Chủ Nhật, 23:54 06-03-2022 - xem: 260 lần
- Chư Phật - Chủ Nhật, 23:28 06-03-2022 - xem: 227 lần
- Đi tu - Thứ Tư, 17:20 02-02-2022 - xem: 718 lần