CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tông phái Nối truyền Thích Ca chánh pháp mang đậm nét bản sắc Việt Nam

"Kể từ khi đức Minh Đăng Quang chứng ngộ, lập nên Tông phái Nối truyền Thích Ca Chánh pháp mang đậm nét bản sắc Việt Nam. Từ những giai đoạn đầu xuất hiện, hình bóng Tăng-già Khất sĩ Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người Nam bộ nói chung, miền Tây Nam bộ nói riêng, với những bài kinh, giáo lý bằng thể loại thơ mộc mạc, dễ hiểu và gần gũi với đồng bào có niềm tin đối với Phật giáo lúc bấy giờ", Hòa thượng Chủ tịch nói.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, tư tưởng của Tổ sư Minh Đăng Quang cùng với sự hình thành Giáo đoàn Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, đó là sự ra đời của bộ Chơn Lý gồm 69 tiểu phẩm, nội dung hàm chứa một cách khát quát về hai tư tưởng của hệ phái Bắc truyền và Nam truyền, đã được ngài phối hợp một cách hài hoà, linh hoạt vào đời sống của Tăng Ni và tín đồ Phật tử trong việc hành trì tu tập. 

Hòa thượng cho rằng, sự xuất hiện của Tổ sư Minh Đăng Quang và Tăng đoàn Khất sĩ Việt Nam đã góp phần quan trọng trong sự kế thừa, ổn định và phát triển Phật giáo Việt Nam trên hai phương diện.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tán dương đóng góp của Hệ phái Khất sĩ trong sự phát triển chung của GHPGVN - Ảnh: Đăng Huy

Cụ thể, về phương diện đạo pháp, trong quan niệm và tư tưởng của Tổ sư Minh Đăng Quang rất quan trọng về Pháp bảo, trong bộ Chơn Lý ngài đã nói: “Pháp bảo là thầy của Phật, là thầy của Tăng và chúng sinh, vậy nên chúng ta mau mở trí ra mà chứa đựng Pháp bảo, vì trong đời Pháp bảo là quý hơn hết”.

"Về hoằng pháp lợi sanh, có thể nói sự có mặt của Tổ sư Minh Đăng Quang và Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam trước hết nó đã định hướng được việc tu nhân học Phật của một đại đa số tín đồ Phật tử, khai thông được đời sống tâm linh, tạo niềm tin cho quần chúng Phật tử, điều này đã góp phần quan trọng trong công cuộc chấn hưng Phật giáo trong bối cảnh xã hội đương thời", Hòa thượng Chủ tịch nhấn mạnh.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhận định, HPKS Việt Nam đã thể hiện trọn vẹn một cách tích cực hoằng pháp lợi sinh, mang đạo vào đời qua hình ảnh trì bát khất thực của Du Tăng Khất sĩ, đã gây được thiện cảm và tạo được hình ảnh gần gũi trong lòng quần chúng Phật tử.

Bên cạnh đó, tư tưởng giáo lý được chuyển tải đến Phật tử một cách bình dị, gần gũi, dễ hiểu, điều này nhanh chóng làm cho Tăng đoàn Khất sĩ Việt Nam được lan rộng khắp vùng Nam bộ nói chung và miền Tây Nam bộ nói riêng, điều này góp phần quan trọng trong công cuộc chấn hưng Phật giáo giai đoạn cận hiện đại.

Về phương diện dân tộc, từ khi hình thành được Giáo đoàn Tăng-già Khất sĩ Việt Nam vào những năm 1947, hệ phái Khất sĩ Việt Nam đóng góp cho đạo pháp cũng chính là đóng góp cho dân tộc.

"Vì Phật giáo Việt Nam đã có chiều dài lịch sử đồng hành với dân tộc Việt Nam xuyên suốt trên dưới 2.000 năm, sự gắn bó mật thiết giữa niềm tin của người Việt Nam đối với Phật giáo như nước hoà với sữa. Do đó khi Phật giáo được chấn hưng thì cũng là lúc dân tộc Việt Nam, người dân Việt Nam nhất là người có tín ngưỡng Phật giáo sẽ được an lạc", Hòa thượng Chủ tịch nói.

Hòa thượng còn dẫn chứng thêm, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc vào những thập niên 60 của thế kỷ XX, hình ảnh của những chiếc y vàng và bình bát của các bậc trưởng lão, Tăng Ni Tăng-già Khất sĩ Việt Nam tham gia vào nhiều phong trào đấu tranh vì hoà bình, hạnh phúc cho xã hội, cho dân tộc Việt Nam.

Cụ thể là hình ảnh Ni trưởng Huỳnh Liên - người học trò tiêu biểu, đắc lực của Tổ sư Minh Đăng Quang, người nữ tu sĩ không biết mệt mỏi, tham gia vào công cuộc đấu tranh đòi hỏi hoà bình cho dân tộc, đòi hỏi hoà bình tôn giáo dưới sự đàn áp, bất công của chế độ Ngô Đình Diệm.

"Sự đóng góp của Tăng Ni và đồng bào Phật tử thuộc hệ phái Khất sĩ Việt Nam đã góp phần cho sự thành công giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước".

Quan trọng hơn, theo Hòa thượng, sự đóng góp tích cực của tổ chức Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam chính là một trong chín tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, Hệ phái Phật giáo đem đến sự thành công của tổ chức Giáo hội Phật giáo Vệt Nam năm 1981.

Lưu Đình Long

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan