Võ trụ quan
- NT. Tuyết Liên
- | Thứ Ba, 13:52 19-04-2022
- | Lượt xem: 144
VÕ TRỤ QUAN
Tác giả: Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang
NT. TUYẾT LIÊN chuyển thơ
---o0o---
I. THỂ CỦA VÕ TRỤ
Thể của võ trụ mênh mông
Tối đen vắng lặng không cùng bao la
Như vỏ trái lựu cực to
Bên trong chứa hạt ví như địa cầu
Không ai biết nó tới đâu
Vì muôn loại thảy trong bầu càn khôn
Kẻ gọi nó là cái không
Hay vô minh là bởi không biết rành
Muôn loài vạn vật hóa sanh
Cái chi cũng giống như hình trứng thôi
Từ trứng nhỏ đến trứng to
Cho nên các tướng nhỏ to đều tròn
Cái tròn khi bể thì vuông
Cái vuông rồi sẽ đổi khuôn hình tròn.
Cái trứng cái trái mọi loài
Cái thai, hột giống, địa cầu .v.v…
Tròn tròn là cái tướng chung
Võ trụ, vạn vật thảy chung hình tròn.
Cái lẽ tròn là không còn
Các điều khổ nạn, người còn gọi tên
Là thiện, là mỹ, là chơn
Tròn là đạo quả lý chơn muôn loài.
Dầu kẻ dốt học bực nào
Hằng giữ tròn trịa thế nào thành công.
Những quả địa cầu bên trong
Không có số đếm, cũng không đo lường.
Cái lớn, cái nhỏ không thường
Cái tan, cái nổi, không lường, không biên.
Bề ngoài ngó vào hiển nhiên
Như bọt nước lớn có nhiều cù lao
Gọi trái đất cũng không sao
Có những thung lủng núi cao khe ngòi.
Gọi trứng, viên đạn cũng xong
Đất nước lửa gió hợp thành mà nên
Ta không thể nói luận bàn
Từ đâu mà có hàm tàng từ đâu.
II. NHƠN DUYÊN CỦA MỖI QUẢ ĐỊA CẦU
Chúng ta đã rõ từ đầu
Thể của võ trụ một bầu tối đen
Bao la vô cực diệu huyền
Trong ấy hàm chứa vô biên địa cầu
Đem hai cái so sánh nhau
Võ trụ đối với địa cầu khác xa
Cái cực nhỏ, cái cực to
Như sự sống chúng ta so địa cầu
Tàn tiêu sanh hóa mặc dầu
Thành trụ hoại diệt vẫn câu sự thường
Nhơn duyên sanh hóa khôn lường
Cái không cái có vẫn thường đổi thay
Từ không sẳn chứa có ngay
Không đây ngoài khí không hay luận bàn
Không lý có sự rõ ràng
Không hai, không một hàm tàng với nhau.
Tứ đại hòa hợp cùng nhau
Làm nên cái có địa cầu nhơn sanh.
Kìa như trong không có hơi
Trong hơi có nước, nước thời đất sanh
Trong đất có lửa nương sanh
Trong lửa có gió, gió thành từ hơi.
Bốn thứ ấy có khắp nơi
Nương nhau mà có không rời có không
Cái CÓ ở trong cái KHÔNG
Cái KHÔNG trong cái tự nhiên bình thường
Tự nhiên là hết luận bàn
Đó là về sự lý cần hiểu thêm.
Địa cầu nổ xẹp hoàn không
Chỉ còn một lớp dầy trong một dề
Có chất nhão, nước và hơi
Có lẫn đất nên lâu ngày lóng sanh
Hơi nhẹ nên bay lên trên
Nước ở chặn giữa dưới trên mấy tầng
Nóng cũ mất, nóng mới sanh
Đất càng dẻ, lửa bịt hầm cháy lên
Lửa nóng hơi bốc mạnh lên
Vẹt nước đất dản ra nên cuốn tròn.
Như ống chấm bọt xà bông
Thổi hơi vẹt chất xà bông cuốn tròn
Làm thành bọt bóng bay lên
Ta liên tưởng sự thành nên địa cầu.
Trong ruột mỗi quả địa cầu
Tối đen, lửa cháy cuộn nhào bên trong
Kế đất cháy nhão phủ quanh
Ngoài đất cháy cứng nên thành sắt gan
Ngoài nữa là đất mát mềm
Trên là nước chảy các miền thông lưu
Gió như hơi quả địa cầu
Trở thành lớp khí trong bầu không gian.
Địa cầu không cụng bể tan
Nhờ làn hơi khí cách ngăn bên ngoài.
Địa cầu bay được không rơi
Là bởi sức nóng cuộn thời bên trong
Từ đó cứ mãi xoay vòng
Đông qua tây lại lăn không lúc dừng.
Địa cầu tan nổi không ngừng
Lâu mau lớn nhỏ không chừng theo duyên.
Nào ai biết được hiện tiền
Lên hay xuống số lượng đang vận hành
Bởi chúng ta là vi trùng
Mong manh chết yểu khó mong tận tường.
Không gian thời gian vô biên
Trong bầu vũ trụ tam thiên diệu vời.
III. HÌNH THỂ CỦA QUẢ ĐỊA CẦU
Hình thể của quả địa cầu
Tròn như cái trái đuôi đầu khó phân
a. Ban sơ tròn dẹp tượng dần
b. Về sau hơi lửa mạnh lần thổi lên
Hình tròn tựa thể trái cam
c. Sau rốt lửa nóng càng ăn khuyết dần
Chân nở đầu tóp ví von
Hình giống như cái trứng trong con gà.
Địa cầu giống hình người ta
Tựa như đứa trẻ khi còn trong thai
Trung tim nồi lửa cháy hoài
Lỗ trống là bụng sắt là xương gân
Đất như thịt, cây như da
Nước như máu, thú người là ký sinh (rận chí).
Hơi là khí thở trong lành
Mặt nước là mắt, đất vành là tai
Hương cỏ mũi, lưỡi vị cây
Chơn tay là thú, ý hay là người
Trời là cái trí cao vời
Phật là cái giác ngộ rồi sự xong.
Sự rung động lời cảm thông
Thay đổi xoay chuyển như công việc làm.
Núi lửa có chất ôn nham
Như là phẩn, sông suối làm mồ hôi.
Biển to nước tiểu luân hồi
Đầu cao như núi, rừng thời như thân.
Ruộng bãi được ví như chân
Cỏ cây lông tóc khắp trong hoàn cầu.
IV. ÁNH SÁNG CỦA QUẢ ĐỊA CẦU
Ánh sáng của quả địa cầu
Là do nhật nguyệt tinh hà vây quanh
Mặt trời hơi nóng hình thành
Nồi lửa trong ruột địa cầu bốc ra
Gom khối lại nhẹ và xa
Mặt trăng hơi đất nước mà thành nên.
Mặt trăng nặng và gần hơn
Nữa đen hơi đất, trắng là hơi mây
Đốm đen trong vòng trắng này
Chính là hơi đất cù lao hình thành.
Sao tinh ánh sáng lung linh
Ánh sáng của các hành tinh xa vời
Của địa cầu khác bền dài
Hào quang của núi sáng này thì lâu
Người thú cây cỏ rất mau
Khi không, khi có khác nhau không thường.
Thân sống thì lửa vẫn còn
Thân chết lửa tắt không còn tinh quang.
Với bậc thanh tịnh tâm an
Trí lành ánh sáng trụ trên đỉnh đầu
Tâm xao động không thấy đâu
Có lửa có sống có màu sắc xinh
Có tướng hình sống biết linh
Tạm miêu tả cái tướng hình hào quang.
Bạch đạo là đường mặt trăng
Xoay vòng quanh lệch phần trên địa cầu.
Xích đạo là đường mặt trời
Lằn xoay chuyển lệch hai phần dưới sâu.
V. MIẾNG ĐẤT ĐẦU TIÊN TRÊN QUẢ ĐỊA CẦU
Phía tây bắc quả địa cầu
Lửa lên không tới nước hầu đóng băng.
Đông nam địa cầu lửa ăn
Khuyết mỏng, nước lỏng lại năng hở mòn
Xì ra lửa, chất ôn nham
Thành núi lửa hoạt động thường đó đây.
Đã nói quả cầu hiện nay
Đầu nhọn đuôi lớn khác chi trứng gà
Lửa như lòng đỏ trứng gà
Nằm tại vị trí chính là đông nam
Nên người quen gọi với tên
Thiên đường tây bắc, đông nam ngục hành
Trung tim quả đất hình thành
Tại xứ Ấn Độ lửa ngầm bên trong
Rún là Hy Mã Lạp Sơn
Có trung ương, có tứ phương rõ ràng.
Lúc đầu nước bao phủ tràn
Địa cầu như cái quả bằng thủy tinh
Lửa trong ruột thổi mạnh lên
Lửa vẹt đá đất mọc thành cù lao
Miếng đất đầu tiên mọc cao
Làm thành Hy Mã Lạp cao ngất trời
Tám ngàn tám trăm bốn mươi (mét)
Kêu là núi chúa hay cây diêm phù
Cột thế giới, rún địa cầu
Rể nó bao kín địa cầu các nơi
Ấn Độ miếng đất đầu tiên
Trung tâm thế giới phát sanh con người.
Cỏ cây đất nước Phật trời
Kêu là rún đạo nơi đây hình thành
Cổ nhân xưa vượn khỉ sanh
Giàu lòng gia tộc sản sinh bầy đàn
Cất nhà ổ ở trên ngàn
Là một loại thú đầy tràn lòng nhơn.
Cù lao Ấn Độ nổi lên
Năm trăm năm có thú sinh hoạt rồi
Ngàn năm sau có loài người
Hai ngàn năm có hạng trời cao hơn
Ba ngàn năm Phật hiện tiền
Là sự tiến hóa theo duyên địa cầu.
VI. SỰ TIẾN HÓA CỦA NHÂN LOẠI TRÊN QUẢ ĐỊA CẦU
Mỗi địa cầu có cỏ cây
Thú người trời Phật từ đây hình thành.
a. Thời kỳ nhất cỏ cây sanh
b. Thời kỳ hai thú người sanh rất nhiều
c. Thời kỳ ba Phật trời nhiều
Sự sanh trưởng theo chu kỳ tăng thêm.
Quả địa cầu lúc đầu tiên
Đất nước lửa gió nổi lên đủ đầy
Gọi là SANH tên gọi hay
Cỏ cây thú tiến hóa đầy HÓA sanh
Người trời bỏ ác theo lành
Theo vật chất bỏ tinh thần TÀN không
Sau rốt địa cầu tắt hơi
Tắt lửa, nổ xẹp đến hồi diệt TIÊU.
Chết một thời gian đủ lâu
Nước đất lóng, lửa gió câu ấm lần
Sống lại nổi lên lần lần
Cứ vẫn mãi thế xoay vần có không.
Trời là lớp trên tỏ thông
Chỉ hạng người sáng thiện lành trên cao.
Bậc đã trong sạch thanh cao
Không trở lại cảnh thú người tội nhân.
Sau khi đã bỏ cõi trần
Như trò lên lớp sau lần thi xong
Như người lớn đã lão thông
Không còn trở lại cảnh đồng trẻ con
Phật bậc sáng suốt hoàn toàn
Học thi đậu đã đến hồi nghĩ ngơi
Sự thành công rốt ráo rồi
Yên vui hơn hết sự đời tròn xong.
Không còn thối đọa lao lung
Vĩnh viễn an trụ thung dung niết bàn
Trời Phật là vẫn còn đang
Là nhân loại, nhưng đến hàng siêu nhân
a. Người là biểu thị lòng nhân
Nhân từ, nhân đức, nhân hành thiện lương
Người mà trọn vẹn tiếng nhân
Giữ giới không sát làm gương gia đình.
b. Trời bậc trí xã hội lành
c. Phật chính là bậc tâm lành chúng sanh.
Người trời Phật là chữ tên
Lấy theo đạo lý đặt tên việc làm
Nhắc người làm đúng theo danh
Dầu sống hay chết cũng thành công cao
Thân gia đình thiện thanh cao
Khi chết bỏ xác đi vào đường mê
Còn luyến ái cố chấp nê
Còn luân hồi bởi trí chưa đủ đầy.
Trí xã hội đi đó đây
Thiện rộng lớn, ơn nghĩa nầy rồi xong.
Trừ Phật tâm cả chúng sanh
Bậc già cứng chắc tâm không hoàn toàn
Sống chết tốt đẹp vẹn an
Chẳng đi, chẳng đến niết bàn nghĩ ngơi.
Bậc vĩnh viễn chẳng luân hồi
Như hạt giống tốt để đời mai sau.
VII. SAU KHI QUẢ ĐỊA CẦU TAN HOẠI
Cái không sự sống dạt dào
Khí thủy địa hỏa cũng đâu khác gì
Cỏ cây thú người cũng y
Trời Phật sự sống diệu kỳ rốt sau.
Sự tiến hóa thấp lên cao
Là sự sống biết dồi trau tâm hành.
Từ khi địa cầu hình thành
Đến khi tan hoại các hành hoàn không
Cỏ cây người thú tiêu vong
Phật trời vẫn mãi còn trong cuộc đời
Trời nhập thai sanh khắp nơi
Phật tâm bền vững thảnh thơi thanh nhàn.
Như cây bật gốc chết ngang
Trái già hột chín vẫn đang để đời
Trái già phải trồng kịp thời
Kỳ dư non nhỏ sâu thời hoại hư
Thức sống người cũng y như
Chín là tròn trịa, già như thiện lành.
Non nớt là sự tham ganh
Nhỏ hẹp ích kỷ thúi sâu gian tà
Khi cây ngả thì quả già
Trái thật chín có được là bao nhiêu
Trái lại non nhỏ rất nhiều
Còn như sâu thúi hoại tiêu trước rồi
Thức biết sống thật là tôi
Há chẳng nuôi nó hơn hồi nuôi thân.
Nó ăn cái thiện cái chân
Việc làm như vỏ thịt cơm lời lành
Cái ý tốt ngòi mộng sanh
Trau dồi thân khẩu ý lành nuôi cây
Dưỡng hột giống tạo cái ta
Sanh ra cái biết mới là sống vui
Cái biết sống để đời đời
Còn trời và Phật là người tiên sanh
Tấn hóa trước, kinh nghiệm rành
Cho nên khi sống tịnh thanh núi rừng
Chết đi các Ngài cũng gần
Ở nơi chỗ vắng núi rừng tịnh an.
Xa lánh cõi ác sân tham
Si mê thấp kém, trẻ con ác tà.
Vì lòng từ nên các Ngài
Vào lại cõi thế dạy người tu thân
Lúc mệt yên nghĩ dưỡng thần
Và để tấn đức hưởng phần vui an
Khi đi giáo hóa trần gian
Là chư Bồ tát hiện đang độ đời
Con đường biết sống từ nơi
Tứ đại cây cỏ thú người tiến lên
Trời tới Phật là đạo bền
Từ không sống biết tiến lên lần lần
Đến có sống biết trong trần
Từng giai đoạn tích lủy dần nhiều hơn
Một ngày, một tháng một năm
Trăm ngàn năm và mãi trong cuộc đời.
Càng tu bổ càng trau dồi
Càng vui đẹp càng sống đời quý thay.
VIII. CHÚNG SANH TRONG VÕ TRỤ
Muôn loài có sự sống dài
Thú người cây cỏ còn trong luân hồi
Sanh đi sanh lại hoài hoài
Trời còn trở lại đồng loài chúng sanh
Phật còn thân cũng chúng sanh
Diệt độ bỏ xác viên thành Như lai
Đó là nói về sắc thân
Bằng luận rốt ráo đúng danh đúng từ
Phật là chúng sanh chơn như
Sống với cái thức, giác, như đời đời.
Người khi đã đến bậc trời
Còn sự thay đổi chưa rời tử sanh.
Nếu nói rộng thì chúng sanh
Năm đại [1] có sống biến sanh muôn loài
Nếu ngũ đại chết diệt ngay
Xương thịt chẳng có, thú người đều không.
Quán kỹ các loại chúng sanh
Loại đã sanh, loại đang sanh trong đời.
Loại sống một phút một ngày
Loại sống vĩnh viễn muôn đời ngàn năm.
Trong không, trong khí, trong thân,
Trên đất, trong nước .v.v.. từng loài
Đều có sự sống đổi thay
Cảnh nào giới nấy khác sai không lường
Thường thì các cái đều nương
Sau ăn cái trước và đương hình thành
Cỏ cây nương đất mà sanh
Ăn đất mà sống tương sanh các loài.
Thú ăn cỏ cây trưởng thành
Từ thú sắp xuống vô tình, vô tri
Loài người sắp lên hữu tri
Biết thương, biết thiện sống vì nhân sanh.
IX. CÁI TA TRONG VÕ TRỤ
Từ thuở tứ đại vận hành
Địa cầu sắp nổi phân thành âm dương
Dung hòa nóng lạnh hổ tương
Tứ đại từ đó pháp nương mà thành.
Mầm sống sẳn có phát sanh
Cũng lại từ đó sản sanh muôn loài.
Đất sanh cỏ, cỏ sanh cây
Cây cỏ có sống, như vầy đặt tên
Nầy là thọ cảm thức duyên
Để dể hiểu gọi tên là cái ta.
Lúc làm cây cỏ cái ta
Nương đất mà sống đất là mẹ sanh
Cây chịu ơn đất trưởng thành
Con hành hạ mẹ để mình lớn lên.
Kịp lúc tiến hóa hữu tình
Cây hóa sâu bướm, thọ sanh tưởng nầy
Lúc đó cái ta ăn cây
Chịu ơn cây cỏ thân nầy tiến lên.
Lần lượt tiến hóa theo duyên
Từ máy cựa đến thú hành, chim bay.
Ta hành hạ biết bao loài
Lúc mang thân thú thân người nhiều năm
Giết hại bao nhiêu chúng sanh
Từ tưởng ấm đến khi hành ấm sanh.
Giờ đến được lớp nhân lành
Xét lại nhiều kiếp sát sanh muôn loài
Đồng hành vạn ức họa may
Chỉ còn sống sót một vài người thôi.
Hôm nay tỉnh trí ra rồi
Lương tri dằn dặt trả vay cách nào.
Bao kiếp ác hung ra sao
Cái may sống sót làm sao trả đền.
Khi xưa tăm tối đã đành
Ngày nay tỉnh ngộ phải tầm nẻo ra
Biết tránh nhân quả rầy rà
Dạy nuôi em nhỏ phận là đàn anh.
Võ trụ như bà mẹ sanh
Chúng ta những kẻ sống chung bầu trời
Con chung tạo hóa khắp nơi
Ta được thân người là kẻ đàn anh
Ỷ mạnh hiếp yếu sao đành
Có thức trí phải biết sanh sống hiền.
Đừng ỷ sanh trước đi trên
Sát hại sanh loại bất nhân vô cùng.
Ta lẽ nào lấy cái hung
Cái gian làm lớn vô cùng xấu xa
Ai sanh trước phải hiền hòa
Sanh sau tăm tối chắc là ngu hơn.
Sống vô nhân, sống phi nhân
Với mớ tội lỗi, mặc ăn nói làm
Tội nhiều như cát sông Hằng
Làm sao xứng đáng mình là đàn anh.
Muốn sống thì đừng sát sanh
Ta với tất cả chung cùng với nhau
Một lẽ sống nghĩa đồng bào
Ta giết hại là tuyệt giao với người.
Hãy thực thi lòng nhân ngay
Tha thứ tất cả muôn loài sống chung
Nếu ta lỗi đạo sống chung
Trái nhịp tiến hóa vô cùng hại thay.
Như thế đối với muôn loài
Cảm thấy trống vắng không ai muốn gần
Tưởng như ngoại vật lạnh lùng
Trống trải khác biệt vô cùng bơ vơ
Võ trụ ra tuồng tởm kinh
Trước sự quá ác lạnh lùng của ta
Hãy sống cách sống chan hòa
Hãy học hiểu để thấy ra con đường
Chơn lý cách sống diệu phương
Cái ta biết sống nên thường an vui.
X. CHƠN LÝ CỦA VÕ TRỤ
Chúng sanh đã tiến cao rồi
Từ đáy địa ngục đến nơi niết bàn
Do duyên chuyền níu hàm tàng
Không sanh ra có vẫn đang vận hành.
Mượn vật chất để nuôi tâm
Còn thân trả lại tử sanh luân hồi
Đời kiếp không thiếu, không dư
Phật thánh chẳng đầy, sanh chúng chẳng lưng.
Trải bao số kiếp không cùng
Bao lâu cũng vậy luật chung cuộc đời
Võ trụ bao la rộng khơi
Như tuồng sắp đặt có rồi hoàn không.
Kìa như sắc ấm mênh mông
Đất nước lửa gió thọ sanh muôn loài.
Đất sanh nhựa chỉ nối dài
Đất nước sanh cỏ các loài hóa sanh
Cỏ cây có hột hình thành
Thú có giống tinh ba sanh nối truyền
Cỏ sanh thú, thú sanh người
Người trời đến Phật vô cùng vô biên
Cây sanh trái là tự nhiên
Cỏ sanh hoa sự biến thiên khôn lường
Có rồi có mãi sự thường
Từ không đến có, có rồi hườn không.
Thay qua đổi lại không cùng
Lửa từ trong ruột địa cầu lăn xoay
Vạn vật vô thường đổi thay
Có là tiến chớ không hay thụt lùi.
Vật chất đến tinh thần vui
Từ ác đến thiện, đến hồi chơn như.
Quán kỹ vật chất không hao
Tinh thần không chật ta mau tận tường
Sự có, lý không nhiều phương
Không là chắc chắn dẫu còn đổi thay
Cho nên tất cả ai ai
Nên giác ngộ lẽ đổi thay vô thường
Không còn khổ não cùn đường
Vì ta đã rõ con đường tiến lên
Người có giác ngộ lý chơn
Mới biết đi đúng con đường tự nhiên
Đi tới cảnh giới cao trên
Cao siêu tốt đẹp bình yên đời đời
Gọi có ta sống yên vui
Lẽ sống ý nghĩa ta người sống chung
Mới là ích lợi sáng thông
Mới hết vọng động mê lầm nhiểu nhương
Không sở chấp mới tiến thường
Cái ta vô ngã con đường giác chơn ./.
[1] Ngũ đại = Đất, nước, lửa, gió, không.
Các bài viết liên quan
- Chơn lý Đạo Phật - Thứ Bảy, 23:09 21-05-2022 - xem: 51 lần
- Vị hung thần - Thứ Ba, 22:29 03-05-2022 - xem: 83 lần
- Đại thừa giáo - Thứ Ba, 22:10 03-05-2022 - xem: 64 lần
- Trường đạo lý - Thứ Sáu, 16:04 29-04-2022 - xem: 151 lần
- Nguồn đạo lý - Thứ Tư, 20:12 20-04-2022 - xem: 121 lần
- Con sư tử - Thứ Tư, 19:58 20-04-2022 - xem: 154 lần
- Võ trụ quan - Thứ Ba, 13:52 19-04-2022 - xem: 144 lần
- Sợ tội lỗi - Thứ Sáu, 06:50 11-03-2022 - xem: 238 lần
- Hột giống - Thứ Hai, 00:27 07-03-2022 - xem: 379 lần
- Ăn và sống - Chủ Nhật, 23:54 06-03-2022 - xem: 260 lần
- Chư Phật - Chủ Nhật, 23:28 06-03-2022 - xem: 227 lần
- Đi tu - Thứ Tư, 17:20 02-02-2022 - xem: 718 lần