CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Đóa sen thiêng từ bãi rác dòng đời

PV senthieng

1. Giai đoạn 1: Từ đám ruộng đến bãi rác dòng đời (1968 – 1979)

PV xua

Khuôn viên Pháp viện Minh Đăng Quang được bắt đầu tạo dựng từ năm 1966, ngay sau mùa Tự Tứ Tăng – Vu Lan Bồn năm 1965 tại Tịnh xá Trung Tâm, Quận Bình Thạnh. Đại lão HT. Pháp sư Thích Giác Nhiên đã cảm nhận được dự hướng tương lai về phía cửa ngõ thành phố. Từ năm 1966 đến năm 1970, Hòa thượng đã nhờ Phật tử tìm ra và nối kết 5 chủ đất ruộng để có được một khuôn viên rộng 62.000m2. Tuy nhiên, với bản chất là người gốc Ô Môn - Cần Thơ, xuất thân từ miền Tây Nam Bộ nông dân bình dị, Hòa thượng đã chọn việc đổ rác cho mau đầy khu đất rộng mà không phải tốn kém gì thêm của bá tánh, nhưng nó lại là sự tích chứa kỳ diệu, như một sự chắt mót của cải để dành cho bá tánh dân nghèo.

Từ năm 1968, 1969 đến năm 1975, toàn bộ rác ở Thành phố Sài Gòn – Gia Định do Sở Vệ sinh quản lý, với kỹ sư giám đốc là kỹ sư Hổ, Phật tử có pháp danh là Thiện Minh được Hòa thượng Pháp sư khích lệ, con có bao nhiêu rác hãy đổ cho mau đầy khuôn viên đất chùa của Sư phụ. Và quả đúng như vậy, ngày đêm bao nhiêu rác thành phố được gom đổ về thành “đống rác lớn” nơi cửa ngỏ thành phố ở ngã ba Cát Lái, vừa gần dễ đổ và được cán ép xuống thật dẽ dặt, bao nguồn rác tiêu dùng hằng ngày trong dân và rác thu gom từ những cuộc cháy nhà ở khu chợ Cầu Muối hay hãng dệt Liên Phương v.v… Tất cả như vô hình sắp đặt sẵn, để dành, tích tụ cho dân nghèo.

Sau năm 1975, đến năm 1977, rồi năm 1978, dân lao động nghèo chung quanh thành phố chưa kịp có công ăn việc làm nên bị thất nghiệp. Thế là họ rủ nhau đi lượm bao nilon để bán tái chế. Do vậy, bãi rác chùa “Pháp viện Minh Đăng Quang” được xem như một “mỏ vàng” hiện hữu cho dân nghèo lao động. Buổi đầu từ năm ba chục người, rồi tăng dần lên đôi trăm người, rồi hàng nghìn người và đỉnh cao là hàng chục nghìn người vào giữa đến cuối năm 1978. Thời bấy giờ, đồ nhựa nilon tái chế rất có giá. Cho nên, tất cả những gì trước kia vứt bỏ đi, bây giờ lượm nhặt lại vẫn có giá trị cho cuộc sống. Từ túi nilon, đồ mủ bể hay bất cứ thứ gì, dây xích, vỏ xe… hư bỏ, giờ lượm nhặt lại đều có thể cân bán, luôn cả xương bò và sắt vụn v.v…

- 1 bao nilon bỏ thì không có giá trị nhưng ngàn bao, trăm ngàn bao thì rất có giá trị.

- 1 dây xích, 1 vỏ xe cũ quăng bỏ trong bãi rác tưởng chừng không có giá trị, nhưng nếu biết gom kết lại, trăm vỏ, ngàn vỏ xe cũ thì bán cũng rất có tiền.

- 1 khúc xương bò quăng bỏ trong bãi rác, cứ ngỡ như không là gì, nhưng nếu gom nhặt lại trăm khúc, ngàn khúc thành một xe tải thì bán cũng nhiều tiền.

- 1 miếng sắt vụn thì không có gì, nhưng một đống sắt vụn hoặc gom lại thành nhiều xe tải, khi cân bán sẽ được rất nhiều tiền v.v…

Với một khuôn viên đất ruộng rộng 62.000m2, một bãi rác rộng lớn được đổ xuống rồi cán ép trải qua nhiều lớp, nhiều năm, bề dày bãi rác khoảng ba, bốn mét. Từ giữa năm đến cuối năm 1978, lúc cao điểm có hơn mười ngàn người tập trung lượm rác, mỗi gia đình bốn, năm người “xí phần” trung bình 4 đến 5m2, lượm thật kỹ, trong rác không có thứ gì là không bán được, hoặc mắc hoặc rẻ, lâu lâu có người còn nhặt được cả vàng khâu, vàng miếng, bị lẫn lộn trong những trận cháy nhà. Thế là, người ta cứ đồn dần lên là trong bãi rác “chùa” ở ngã ba Cát Lái có nhiều vàng, nó tạo nên chất kích thích cho người lao động lượm rác không hề mệt mỏi. Vì họ tự an ủi mình cứ kiên nhẫn lượm rác đi, biết đâu hên sẽ nhặt được vàng.

Trong vòng ba, bốn tháng cao điểm, bãi rác hạ nhiệt dần dần xuống; bảy ngàn, năm ngàn, ba ngàn, một ngàn… rồi thưa dần, năm ba trăm người… Dù vậy, vẫn còn những người đến muộn, cố sàng lọc phân rác để bán người trồng rau vớt vát giai đoạn cuối. Có một gia đình Phật tử nghèo đã chân thành bộc bạch cho chúng tôi biết sau gần nửa năm bám vào bãi rác, giờ có đủ cơm cho sáu tháng sau và còn sắm được một đầu máy may để cô con gái lớn có thể nhận may áo quần gia công tại nhà trong thời gian tới.

PV 1975

2. Giai đoạn 2: Khu vườn bạch đàn và đầm rau muống xanh tươi (1980 – 2009)

Trong thời gian dân chúng nghèo tụ tập lượm rác, bán tái chế, có khi họ chặt cả cây cối, dừa non, lấy cả củ hủ dừa để ăn, rồi bắt giết cả chó trong chùa nuôi để lấy thịt. Cho nên, có một vài Tăng Ni buồn, bức xúc. Chúng tôi khuyên nên nhẫn nại, bởi trong đất chùa mình, sư phụ (HT. Giác Nhiên) cho đổ rác, dù là rác nhưng trong rác vẫn đang có nhiều chất sống. Khi giàu có, con người mua sắm tiêu xài, xong việc quăng bỏ phần dư thừa, gom tụ lại thành rác; nhưng khi nghèo thiếu, thì con người lại gom nhặt lại những phần bỏ phế trước kia để tích tụ sự sống, đây là quy luật bình thường trong cuộc sống. Giống y như con người bị phong thấp, phải được cắt, giác, lễ… lấy máu phong thấp ra sẽ hết bệnh. Khi đồng bào lượm nhặt hết các phần còn có thể dùng xài ra thì miếng đất rác sẽ trở nên sạch sẽ dễ trồng cây xanh và hoa màu.

PV XD 2

Quả thật, sau thời gian rác phân đã được sàng lọc, mảnh đất này trồng cây bạch đàn rất mau phát triển, phần đất thấp trồng rau muống cũng vô cùng xanh tốt. Trong thời gian này, một ngôi chùa gỗ thấp, lợp tole… ẩn hiện trong vườn cây bạch đàn và đầm rau muống...

PV XD 1

3. Giai đoạn 3: Đại trùng tu Pháp viện Minh Đăng Quang (2009 – 2017)

PV DatDa 1

Từ năm 2002, chúng tôi đã lập hồ sơ xin phép đại trùng tu Pháp viện Minh Đăng Quang. Trải qua nhiều giai đoạn bổ sung các thủ tục hồ sơ cần thiết, đến cuối năm 2008, lãnh đạo thành phố, Ủy ban Nhân dân, Ban Tôn giáo, và Sở Xây dựng đã cấp cho Hệ phái Khất sĩ – thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam giấy phép xây dựng số 239/GPXD, ngày 22 tháng 12 năm 2008 do Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cấp. Quá trình đại trùng tu xây dựng trải qua 2 cột mốc:

PV KhoiCong

PV XD 5

3.1. Quá trình thi công giai đoạn 1 – từ năm 2009 đến cuối năm 2013

Nhờ hồng ân Tam bảo và sự gia hộ của Tổ sư khai sơn, Nhị tổ Giác Chánh và Giác linh Quý Đức Thầy Trưởng các Giáo đoàn; từ năm 2009 đến năm 2013 đã thi công được các hạng mục công trình:

1. Đóng cừ, nền móng và tầng hầm (2009 – 2010)

2. Tầng trệt – Giảng đường (2011)

3. Tầng lầu 1 – Thiền đường, Niết bàn đường (2012)

4. Tầng lầu 2 – Chánh Điện (2012)

5. Hai tháp phía trước; hai dãy nhà dẫn và 4 tháp Bồ-tát (nhỏ) cùng tường rào khuôn viên (2013)

6. Hoàn thiện từng phần các hạng mục trên (tầng Giảng đường và Thiền đường, hai bên đều có hành lang rộng 8m và gác lững làm phòng Tăng)

PV XD 4

3.2. Quá trình thi công giai đoạn 2 – từ quý II năm 2014 đến quý II năm 2017

7. Tòa nhà Tây phương Cực lạc và Cửu huyền Thất tổ 5 tầng

8. Hai ngôi bảo tháp cao 13 tầng

a. Tháp Hồng ân: Như một tòa bảo tàng tôn trí xá lợi Phật, ảnh tượng Tổ sư và chư Tôn đức Tăng Ni khai lập các Giáo đoàn Tăng, Ni Khất sĩ từ buổi đầu cho đến ngày nay.

b. Tháp Báo hiếu:

- Tầng 13 thờ Đức Phật Bổn Sư (từ Chánh điện cũ lưu lại).

- Tầng 12 thờ dấu tích Tổ sư.

- Tầng 11 thờ linh cốt, y bát Hòa thượng Khai sơn và chư Tôn đức Giáo phẩm, chư Tăng trụ xứ.

- Tầng 10 trở xuống đến tầng 2 thờ linh cốt Phật tử thập phương.

- Tầng trệt làm Nhà Tang lễ “Vãng sanh Cực lạc” cho những người thiện duyên.

Trong định hướng phát triển đất nước và thành phố trong vòng 10 đến 20 năm sau, Quận 2 sẽ là quận được phát triển mạnh ở TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, mức độ dân cư sẽ tăng trưởng và việc hậu sự cho bá tánh nói chung và Phật tử nói riêng là nhu cầu rất cần thiết:

“Sống thì ăn mặc lo toan

Chết thì một chút tịnh nhàn thiền môn

***

‘Vãng sanh Cực lạc’ nguyện hồn

Phật Di Đà độ… thoát hờn thiên thu”.

PV To60

4. Các cuộc đại lễ được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang trong quá trình xây dựng (2014 – 2017)

4.1. Đại lễ Kỷ niệm 60 năm (1954 – 2014) ngày Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng được tổ chức trang nghiêm, trọng thể trong 5 ngày liên tục

* Ngày 26 tháng Giêng năm Giáp Ngọ – 2014:

Hội thảo khoa học với chủ đề “Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập”. Hội thảo này được phối hợp với 3 đơn vị đồng tổ chức: Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Hệ phái Khất sĩ – thành viên GHPGVN. Với hơn 100 bài tham luận của các nhà nghiên cứu Phật học, các nhà nghiên cứu, các học giả, giảng viên nghiên cứu về tôn giáo và chư Tôn đức Giáo phẩm trong GHPGVN và Hệ phái, cùng hơn 500 đại biểu các giới tham dự, với 4 nhóm chủ đề chính được đưa ra luận bàn:

1. Chủ đề 1: Tổ sư Minh Đăng Quang – Cuộc đời và đạo nghiệp

2. Chủ đề 2: Tư tưởng Phật học của Tổ sư Minh Đăng Quang trong bộ “Chơn lý”

3. Chủ đề 3: Hệ phái Khất sĩ – Quá trình hình thành và phát triển

4. Chủ đề 4: Hệ phái Khất sĩ và sự nghiệp xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay

* Ngày 27 tháng Giêng năm Giáp Ngọ – 2014:

Đại lễ trai tăng cầu nguyện quốc thới dân an và tưởng niệm ân đức Tổ sư với khoảng 1.200 Tăng sư của 2 tổ chức Tăng già Phật giáo Nam tông Khmer (700 vị) và Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam (500 vị) quang lâm chứng minh, tham dự.

Buổi chiều cùng ngày, từ 14 giờ đến 16 giờ, khóa lễ cầu nguyện quốc thới dân an và tưởng niệm Tổ sư với sự chứng dự của hơn 60 chư Tôn đức Tăng Ni và khoảng 500 Phật tử Hoa tông tụng kinh cầu nguyện.

* Ngày 28 tháng Giêng năm Giáp Ngọ – 2014:

Chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội, chư Tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN và 24 Quận – Huyện tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Trị sự GHPGVN tại 3 miền Bắc – Trung – Nam đáp lời cung thỉnh của Ban Tổ chức đồng hoan hỷ quang lâm, cử hành Đại lễ Tưởng niệm 60 năm ngày Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng – Vị tổ khai sáng Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam không ngừng phát triển, đồng hành cùng dân tộc. Tiếp sau đó là buổi lễ cúng dường trai tăng cầu nguyện quốc thới dân an với khoảng 1.500 vị chứng minh, tham dự.

Buổi chiều cùng ngày, từ 16 giờ – 18 giờ, Ban Tổ chức vinh dự tiếp đón sự hiện diện của hơn 500 chư vị đại biểu khách quý từ Trung ương, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh thành, các quận – huyện và địa phương, đại diện các Tôn giáo bạn… tham dự lễ cầu nguyện và dùng tiệc Buffet chay thân mật với Ban Tổ chức.

PV 2015 Copy

(ảnh: Vũ Giang)

* Ngày 29 tháng Giêng năm Giáp Ngọ – 2014:

Buổi sáng từ 07 giờ đến 08 giờ 30, hơn 1.500 vị Tăng Ni Khất sĩ khất thực truyền thống, ôn lại gương hạnh của Đức Phật và Tăng đoàn thuở xưa. Hàng ngàn Phật tử khắp nơi về tham dự, xếp thành hai hàng để cung đón và đặt bát cúng dường phẩm vật đến chư Tôn đức trong đoàn khất thực.

* Ngày mùng 01 tháng 02 năm Giáp Ngọ – 2014:

Chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, chư Tăng Ni các Giáo đoàn Khất sĩ và môn đồ đệ tử đồng cử hành lễ tưởng niệm ân đức Tổ sư. Đại lễ là dịp để các đệ tử Tăng Ni Khất sĩ tưởng nhớ và tri ân đức Tổ sư Minh Đăng Quang  Tổ sư khai lập Hệ phái Khất sĩ Việt Nam với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Đặc biệt, trong Đại lễ lần này, Ban Tổ chức được phúc duyên lớn cung đón Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên – một trong những đại đệ tử kề cận của đức Tổ sư, dù tuổi cao sức yếu, thọ nhiều bệnh duyên nhưng Ngài cũng hoan hỷ từ Hoa Kỳ trở về Việt Nam để chứng minh Đại lễ tưởng niệm. Tại buổi lễ, chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã có dịp ôn lại cuộc đời và 10 năm hoằng pháp của Đức Tổ sư cùng chặng đường 70 năm phát triển của Hệ phái Khất sĩ.

Ngoài ra, nhiều chương trình nổi bật được tổ chức trong các ngày Đại lễ tưởng niệm Tổ sư như: Khai mạc Thư viện và triển lãm “Ánh Minh Quang”, Văn nghệ “Pháp đăng rạng ngời”, Tọa đàm “Chơn lý” (dành cho chư Tăng Ni và cư sĩ), Lễ hội hoa đăng “Ánh đuốc sen thiêng”, thuyết pháp và tọa thiền tưởng niệm ân đức Tổ sư v.v…

4.2. Tổ chức trang nghiêm Lễ tang Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên – Pháp tử Tổ sư Minh Đăng Quang (1923 – 2015) Tổ khai sơn Pháp viện Minh Đăng Quang, Q.2, TP.HCM

Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên – Pháp tử Tổ sư Minh Đăng Quang, nguyên Viện trưởng Viện Hành đạo Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, nguyên Pháp chủ Giáo hội Tăng già Khất sĩ Thế giới tại Hoa Kỳ, nguyên Trưởng Giáo đoàn IV Hệ phái Khất sĩ, Viện chủ Khai sơn Pháp viện Minh Đăng Quang, sau hơn 90 năm hiện thế, hơn 60 năm hoằng pháp độ sanh, chu du năm châu bốn biển, thân tứ đại huyễn mộng của Đại lão Hòa thượng Pháp sư bắt đầu hiện tướng suy mòn. Ngài thọ bệnh tai biến kéo dài suốt 9 năm (2006 – 2015).

Đại lão Hòa thượng Pháp sư đã an nhiên xả bỏ báo thân, viên tịch vào lúc 22 giờ 30 phút, ngày 03 tháng 08 năm 2015 (nhằm ngày 19/6 năm Ất Mùi) tại Tổ đình Minh Đăng Quang, Nam California, Hoa Kỳ, trụ thế 93 năm, hạ lạp 60 năm. Ngày 16/08/2015 (nhằm ngày 03/7 năm Ất Mùi), chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử cung đón kim quan Đại lão Hòa thượng từ sân bay Tân Sơn Nhất về tôn trí trang nghiêm tại Pháp viện Minh Đăng Quang, số 505 Xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2, TP. Hồ Chí Minh để cử hành lễ viếng, tưởng niệm từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 8 năm 2015 (nhằm ngày 04-07/7 năm Ất Mùi).

Sáng ngày 21/08/2015 (nhằm ngày 08/7 năm Ất Mùi), chư Tôn đức Tăng Ni Giáo hội và Hệ phái cử hành Lễ Truy niệm, cung tiễn kim quan Đại lão Hòa thượng Pháp sư từ Pháp viện Minh Đăng Quang đến nghĩa trang Phúc An Viên, quận 9, TP. Hồ Chí Minh làm Lễ Trà tỳ.

4.3. Đại lễ Tự Tứ Tăng – Vu Lan Bồn, Lễ Tưởng niệm Tổ sư vắng bóng và An cư Kiết hạ hàng năm

Hằng năm, Đại lễ Tự tứ Tăng và Vu lan báo hiếu, Tưởng niệm Tổ sư vắng bóng và An cư kiết hạ đều được tổ chức trang nghiêm, trọng thể tại Tịnh xá Trung Tâm, 21 Nguyễn Trung Trực, Phường 5, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh xuyên xuốt 34 năm (1980 – 2014). Tiếp nối sự thành công trong việc tổ chức Đại lễ Tưởng niệm 60 năm ngày Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái và chư Tôn đức Giáo phẩm Giáo đoàn IV đã thống nhất từ năm 2014 trở đi, những ngày Đại lễ của Giáo đoàn, của Hệ phái sẽ tổ chức trang nghiêm tại Pháp viện Minh Đăng Quang. Đây được xem là bước ngoặc, là dấu ấn phát triển của Giáo đoàn và Hệ phái.

Cụ thể là từ năm 2014 đến năm 2016, Đại lễ Tự Tứ Tăng – Vu Lan Bồn, Lễ tưởng niệm Tổ sư vắng bóng được tổ chức thành công tại Pháp viện Minh Đăng Quang. Song song đó, trong hai năm (2015 – 2016), Khóa Bồi dưỡng Trụ trì và trường hạ an cư tập trung của Hệ phái được tổ chức trang nghiêm tại ngôi đạo tràng Pháp viện – trung tâm hoằng pháp, giáo dục và văn hóa của Hệ phái.

4.4. Hội thảo khoa học quốc tế “Vùng Asean và Nam Á: Nơi giao hòa của văn hóa và Phật giáo ở Đông Nam Á” từ ngày 9-11/7/2017(nhằm ngày 16-18/6/Đinh Dậu)

4.5. Đại lễ Khánh thành Pháp viện Minh Đăng Quang và Lễ Đại tường Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên từ ngày 12-13/7/2017 (nhằm ngày 19-20/6/Đinh Dậu)

PV 2017

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan