Khóa BDTT PL.2569: Ngày thứ 6 của khóa học tiếp nhận nhiều bài tham luận đặc sắc

Khóa BDTT PL.2569 tại Pháp viện Minh Đăng Quang (P.Bình Trưng, TP.HCM) đã bước vào ngày học thứ 6. Theo đó, chiều nay – 10/7/2025 (16/6/Ất Tỵ), dưới sự chứng minh của HT. Giác Phùng – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự Phó Thường trực GĐ.III PGKS; HT. Giác Pháp – Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Nghi lễ TƯGH, Phó Thường trực Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Tri sự trưởng GĐ.V PGKS và HT. Giác Nhân – Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư, Chứng minh ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp, Tri sự Phó Thường trực GĐ.V PGKS, khóa học đã đón nhận 3 bài tham luận đặc sắc từ TT. Giác Nhường, NT. Hiệp Liên và NS. Tuệ Liên.

 

Thượng tọa Giác Nhường – Phó Thư ký kiêm Trưởng ban Thông tin Truyền thông Hệ phái PGKS

Với mục tiêu và chủ đề của khóa BDTT năm nay là hướng đến việc bồi dưỡng năng lực hành đạo, bồi dưỡng cốt lõi đạo tâm, đặc biệt dành tâm huyết cho các vị trụ trì, TT. Giác Nhường đã trình bày tham luận, qua đó bày tỏ những suy tư, cảnh tỉnh và định hướng người trụ trì trong tình hình mới.

Trước hết, chia sẻ về khái niệm “trụ trì”, Thượng tọa cho biết, khái niện này vốn không có trong kinh điển thời Đức Phật, mà chỉ mang tính phương tiện hoằng pháp khi Phật giáo du nhập và phát triển theo bối cảnh xã hội. Tuy nhiên, ý nghĩa cốt lõi của vị trụ trì vẫn được Đức Phật nhấn mạnh trong lời dạy cho chư Tăng: “Hãy là người thừa tự pháp, chớ là người thừa tự tài vật”. Từ đó, Thượng tọa khai triển khái niệm “Trụ pháp vương gia, Trì Như Lai tạng”, nhấn mạnh vai trò người trụ trì như là cột trụ giữ gìn Chánh pháp tại trú xứ, là nhân tố kết nối đạo pháp với đời sống xã hội, là trụ cột giúp ngôi Tam bảo trở thành điểm tựa tinh thần cho cộng đồng.

Song, trong bối cảnh mới, khi Phật giáo Việt Nam đang chuyển mình cùng đất nước, mỗi ngôi Tịnh xá đã trở thành tổ chức trực thuộc của Giáo hội, không còn đơn thuần là nơi tu học, điều này còn đặt ra cho vị đảm nhiệm trụ trì một yêu cầu cao hơn đối với vai trò và năng lực vận hành đạo tràng Tịnh xá.

Thượng tọa trăn trở: “Sau khi tổ chức hành chính Nhà nước được tinh gọn, việc thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện là bắt buộc, người trụ trì phải kiêm nhiệm chức vụ Trưởng ban, đồng thời chịu trách nhiệm điều hành hành chánh, kết nối chính quyền, tổ chức Phật sự, hướng dẫn đồ chúng và đào tạo nhân sự kế thừa. Cũng vì vậy, người trụ trì ngày nay không chỉ cần có đạo hạnh, cũng không thể chỉ lo nội tu, mà còn cần có tầm nhìn và năng lực ứng xử phù hợp với thời đại như: năng lực quản lý, am hiểu pháp luật, thông thạo hành chánh giáo hội và biết ứng dụng công nghệ”.

Trước những thay đổi và đòi hỏi của thời duyên, Thượng tọa cũng chỉ rõ những hạn chế mà một số trú xứ hiện đang mắc phải như: thiếu năng lực tổ chức, chưa cập nhật quy định mới của Giáo hội và pháp luật, yếu trong truyền thông hoằng pháp, hoặc chưa phát huy vai trò “tiếp Tăng độ chúng”, một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại của ngôi Tam bảo.

Thượng tọa đặc biệt đề cao trách nhiệm “tiếp Tăng độ chúng” của vị trụ trì khi dẫn lời kinh Trung Bộ số 65: “Hãy bảo vệ người tu có chút ít lòng tin như bảo vệ con mắt còn lại”, hay trong kinh Bhaddali với lời Phật dạy đầy tình thương: “Chúng ta chớ để chút ít lòng tin, lòng thương của vị ấy bị đoạn diệt”, để nhấn mạnh rằng người trụ trì cần vừa từ bi vừa nghiêm trì giới luật. Theo Thượng tọa, việc tiếp Tăng độ chúng không chỉ là thế phát, độ người xuất gia, mà còn là trách nhiệm nuôi dưỡng, dìu dắt và bảo hộ đồ chúng tại trú xứ, là trách nhiệm nối dài mạng mạch đạo pháp của vị trụ trì.

Trong đó, Thượng tọa đặc biệt lưu ý đến sự khéo léo trong giáo hóa và sự nghiêm túc trong kỷ cương, thông qua dẫn chứng từ tấm gương của Ni trưởng Huỳnh Liên – người từng thay đổi nội quy nấu ăn tại Tịnh xá Ngọc Phương để bảo vệ các vị tập sự không bị tổn thương bởi sự quấy nhiễu của hộ pháp nữ. Điều đó thể hiện tình thương nhưng không buông lung, tinh thần nghiêm túc nhưng không hà khắc, nuôi dưỡng niềm tin, nhưng không dung dưỡng sai phạm, mà mỗi vị trụ trì cần học hỏi.

Từ đây, TT. Giác Nhường đi đến sự khẳng định về giá trị của mô hình “sống chung tu học” thông qua các thời khóa thiền định – khất thực – thuyết pháp mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã khai sáng. Thượng tọa nhận định, những pháp hành như “trú dạ lục thời”, “Niết-bàn thời khắc biểu”, y bát truyền thống, cúng hội, tụng Chơn lý… cần được khôi phục và duy trì như nền tảng cho sự sống còn của Hệ phái.

Cuối phần tham luận, TT. Giác Nhường một lần nữa khẳng định: “Người trụ trì, do đó, không chỉ là người ‘trụ’, mà còn phải là người ‘hành’. Tức, luôn gắn bó giữa nội tu và ngoại hóa, giữa truyền thống và thực tiễn, giữa hoằng pháp và hộ pháp. Như lời Tổ sư dạy: ‘Có hành cũng phải có trụ. Hành - trụ đi đôi mới phải đạo’.” Đây là một nguyên lý thể hiện rõ sự quân bình giữa du hóa và an trú, giữa nội tu và ngoại hóa, giữa giữ đạo và độ sanh. Như vậy, người trụ trì phải biết thích ứng linh hoạt nhưng vẫn giữ vững cốt lõi giới - định - tuệ, để ngôi Tam bảo tại trú xứ trở thành nơi nương tựa vững chắc cho người dân và Phật tử địa phương.

 

Ni trưởng Hiệp Liên – Trưởng ban Quản sự Ni giới GĐ.III PGKS

Nhân khóa BDTT lần này, NT. Hiệp Liên đã có bài tham luận với chủ đề “Tầm quan trọng của giới luật đối với vị trụ trì trong thời đại hiện nay’, đưa ra một tư duy sâu sắc về cốt lõi của đời sống tu tập: “Giới luật”.

Theo đó, dẫn lời dạy của Đức Phật trong Kinh Di giáo: “Hãy lấy giới luật làm thầy”, Ni trưởng khẳng định, giới luật không chỉ là kỷ cương mà còn là kim chỉ nam cho con đường giải thoát. Đối với người trụ trì, người thay mặt Tăng đoàn hướng dẫn đại chúng, thì giới luật không những là phương tiện hộ thân hộ tâm, mà còn là thước đo giá trị, phẩm chất và sự thành tựu phạm hạnh.

Ni trưởng nhấn mạnh, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang – vị Tổ khai sáng Hệ phái PGKS, đã đặc biệt đề cao giới luật. Có thể thấy rõ điều đó qua các tác phẩm như Luật Nghi Khất sĩ, Chơn lý “Y bát chơn truyền”Chơn lý “Hòa bình”. Tổ sư xem giới luật là hình ảnh của Phật, của Tăng, là “nguồn cội của đạo Phật” và là tiêu chuẩn khẳng định ai thật sự là một Khất sĩ, chứ không chỉ là một hình tướng.

Qua đó, Ni trưởng cảnh tỉnh: “Nếu chỉ giữ được hình tướng mà không thanh tịnh từ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), không có giới hạnh thì sẽ rơi vào trạng thái ‘khất cái’ chứ không phải ‘Khất sĩ”. Giới luật, do đó, là ranh giới phân định giữa người đang trên đường giải thoát và kẻ lạc vào danh lợi, trần tục”.

Một điểm nhấn nổi bật trong tham luận của NT. Hiệp Liên là mối liên hệ giữa giới luật và khả năng khơi dậy niềm tin nơi quần chúng. Dẫn chứng từ Luật Ma-ha Tăng-kỳ, Ni trưởng cho biết, một trong 10 lợi ích của việc hành trì giới là khiến người chưa có niềm tin sinh tín tâm và người đã có tín tâm lại càng tăng trưởng niềm tin ấy. Như Tổ sư Minh Đăng Quang dạy: “Lời nói của người tu ví như hoa sen, việc làm của người tu ví như lá sen, ý niệm của người tu ví như gương sen”, người trụ trì, nếu sống thanh tịnh giữa muôn vàn cạm bẫy, sẽ là tấm gương soi sáng cho hàng đệ tử, cư sĩ và quần chúng noi theo.

Trong thời đại hiện nay, với muôn vàn phương tiện vật chất, công nghệ hiện đại và sự biến đổi nhanh chóng của xã hội, người xuất gia, đặc biệt là vị trụ trì, càng cần lấy giới làm nền tảng vững chắc để không bị lôi cuốn, sa ngã. NT. Hiệp Liên gọi đây là “lưới cạm bẫy đang giăng ra khắp nơi” và nhấn mạnh, chỉ có giới pháp mới là thành trì bảo vệ tâm Bồ-đề.

“Giới luật như một ‘xứ Phật, gương sen’, ai trú vào đó thì dù ở trong cõi trần cũng không lo ‘dính dơ bùn bụi. Đó là hình ảnh sống động của một vị trụ trì phạm hạnh, sống trong đời mà không bị đời làm đục và chính nhờ sự tinh khiết ấy mà họ mới đủ sức cảm hóa và giáo hóa”, Ni trưởng khẳng định.

Khép lại bài tham luận, Ni trưởng khiêm cung cho rằng đây chỉ là những chia sẻ nhỏ từ góc nhìn cá nhân, với tâm nguyện nhắc lại lời Tổ, lời Phật để tự sách tấn và lan tỏa đến chư hành giả đang và sẽ đảm đương trọng trách trụ trì. Ni trưởng nhận định: “Giữ gìn giới luật là điều quý nhất của người Khất sĩ”, vì chính giới hạnh mới làm nên phẩm chất cao thượng của một bậc Sa-môn, một người thầy, một người lãnh đạo trú xứ.

 

Ni sư Hiếu Liên – Giảng viên Học viện Phật giáo VIệt Nam TP.HCM, thuộc Ni giới GĐ.IV PGKS

Trong khuôn khổ khóa BDTT PL.2569 do Hệ phái PGKS tổ chức, NS. Hiếu Liên đã có buổi thuyết trình sâu sắc với đề tài: “Vai trò trụ trì với tinh thần hộ trì chánh pháp theo chân lý của Tổ sư”, thể hiện tinh thần cầu thị và suy tư để hoàn thiện sứ mạng giữ gìn và truyền trao Chánh pháp tại trú xứ mình.

Theo NS. Hiếu Liên, vai trò trụ trì không chỉ là người quản lý cơ sở tự viện, mà còn là điểm tựa tâm linh cho Tăng Ni và Phật tử. Trong ánh sáng chân lý của Tổ sư Minh Đăng Quang, trụ trì không chỉ là người “trụ” nơi ngôi chùa, mà là người “trụ tâm, trụ đạo, trụ giới luật” – giữ gìn nếp sống phạm hạnh, kiến tạo môi trường an tịnh và làm gương cho đại chúng noi theo.

Ni sư trích lời HT. Giác Pháp để nhấn mạnh rằng: “Sứ mạng của vị trụ trì xưa nay không thay đổi, nhưng cần sự linh hoạt để thích ứng với từng giai đoạn thời đại”.

Đi sâu vào khái niệm “hộ trì chánh pháp” (Pāli: Saddhammarakkha), NS. Hiếu Liên lý giải, đây là sự gìn giữ, bảo vệ lời dạy chân chánh của Đức Phật, làm cho giáo pháp được trường tồn trong thế gian thông qua hành trì thanh tịnh và sống đúng chánh đạo. Mặt khác, theo Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, hộ trì chánh pháp chính là giữ cho thân - khẩu - ý được thanh lọc, không cầu danh xưng, quyền hạn, mà lấy giới - định - tuệ làm nền tảng. Và điều này được thể hiện cụ thể qua ba phương diện: Kiến tạo năng lượng tích cực tại trú xứ, Sống chung hòa hợp – giữ đạo bằng sự đoàn kết và Duy trì và thắp sáng ngọn đèn chánh pháp.

Theo NS. Hiếu Liên, vị trụ trì là trung tâm lan tỏa năng lượng an yên và từ bi, thông qua ánh mắt, nụ cười, lời nói nhẹ nhàng và tâm an định. Ngôi chùa không chỉ có tường vách, mà cần có hơi ấm, hồn thiền – thứ mà người tu mang lại bằng sự sống chân thật và tu tập của mình. Do đó, tâm từ là yếu tố quan trọng để dung nhiếp đại chúng. Ni sư khẳng định: “Tổ sư từng dạy ‘nên tập sống chung tu học’ chính là nhằm hướng đến sự cảm hóa lẫn nhau bằng từ bi này”.

Trong tinh thần “tập sống chung tu học”, theo NS. Hiếu Liên cần hơn hết là tinh thần hòa hợp. Tổ sư chỉ rõ rằng nếu có đạo đức, giới luật, biết sống và tu chung thì sẽ không có chia rẽ, tranh chấp. NS. Hiếu Liên nêu lại tinh thần này như một “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” qua giáo pháp Khất sĩ.

Ni sư nhận định: “Sống chung không chỉ là ở cùng một nơi mà còn là sự đồng thuận nơi thân - khẩu - ý. Vị trụ trì biết buông bỏ cái tôi, hướng đại chúng hòa hợp, tức là đang hộ trì chánh pháp một cách thiết thực nhất. Tôn giả Anuruddha từng nói, người “bỏ tâm của mình và sống thuận theo tâm các Tôn giả khác” chính là một bài học cho người lãnh đạo”.

Bên cạnh đó, Ni sư cũng nhấn mạnh vai trò của vị trụ trì như một người thắp lên ngọn đèn Chánh pháp mỗi ngày bằng chính đời sống phạm hạnh, bằng sự giáo hóa không mệt mỏi và bằng năng lực từ tâm. “Nếu đạo hạnh suy yếu, ngọn đèn chánh pháp sẽ lu mờ. Người trụ trì cần sống có pháp hành, mới truyền cảm hứng tu tập cho đồ chúng”, Ni sư khẳng định.

Cuối bài tham luận, NS. Hiếu Liên đã thẳng thắn nêu lên những thách thức mà vị trụ trì ngày nay phải đối diện. Đó là sự thế tục hóa và sự suy giảm niềm tin từ quần chúng; Áp lực từ dư luận, truyền thông, thông tin giả; Nhiệm vụ quản trị hành chính ngày càng nặng nề; Thiếu người kế thừa, gánh nặng vai trò “đa nhiệm”.

Trước những khó khăn đó, Ni sư mạnh dạng đề xuất các giải pháp mang tính khả thi như:

Kết thúc bài tham luận, NS. Hiếu Liên bày tỏ lòng tri ân Tổ sư, chư vị Tôn túc tiền bối đã khai sáng con đường Khất sĩ, đồng thời một lần nữa nhấn mạnh: “Người trụ trì Khất sĩ hôm nay không thể chỉ trụ về mặt hình thức mà phải trụ pháp - trụ đạo - trụ giới, để giữ cho dòng chảy chánh pháp không gián đoạn, ánh sáng đạo vàng luôn rạng ngời”.

 

Một số hình ảnh được ghi nhận: