CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Pháp hội Đông Nam Á 2016 - Ngày thứ 3

Như thường lệ, ngày thứ 3 trong Pháp hội Đông Nam Á, Tăng Ni và Phật tử vẫn đông như những ngày trước. Chư Tăng Ni đồng tụng Om Mani Padme Hum, hội chúng Phật giáo Tây Tạng xưng tán tâm chú Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát: “Om Ara Pa Tsa Na Dhi” và thỉnh nguyện Lạt-ma Tông Khách Ba bằng tiếng Tạng, nghĩa như sau: “Thầy là Quán Thế Âm – kho tàng Đại bi tâm, / Là đức Văn Thù, bậc Đại đạo sư với trí tuệ vô cấu,/ Lạt-ma Tông Khách Ba, Ngọc quý trên đỉnh các bậc Thánh xứ Tuyết,/ Đảnh lễ Lobsang Dragpa, đệ tử thành tâm thỉnh nguyện”.

Sau khi an tọa, chư Tăng Thái Lan trì tụng phẩm kinh cúng dường Tam Bảo và hồi hướng đến chúng sanh bằng tiếng Pali và cung kính đảnh lễ ngài Dalai Lama. Sau đó đại chúng tụng đọc Bát-nhã Tâm kinh bằng tiếng Anh. Pháp thoại được bắt đầu và sau đây là một số ý chính được người nghe tâm đắc ghi lại. Nội dung có thể được chia thành 4 phần chính:

1. Tán thán Phật và thế nào là một vị hành Mật thừa

Ngài mở đầu bài giảng bằng lời tán thán và đảnh lễ đức Phật Gautama. Cầu mong Pháp bảo với lòng đại bi được lan truyền khắp nơi. Cầu mong các bậc hiền trí, tôn giả Tsong Khapa hộ trì cho Chánh pháp được lan truyền trong khắp nhân gian. Nơi nào chưa có ánh sáng Phật pháp khiến cho ánh sáng được lan tỏa, nơi nào chưa truyền được truyền, nơi nào đã truyền nhưng bị thất truyền cầu mong cho được phục hưng.

PhapHoi4

Do thiếu lòng bi mẫn đối với chúng sanh, nên con người mới có thể làm tổn hại đời sống của muôn loài. Tinh túy của giáo pháp là lòng từ bi. Một khi chúng ta có từ bi thì lập tức làm giảm thiểu khổ đau. Do đó, trách nhiệm của chúng ta là làm tăng trưởng lòng từ bi cho khắp muôn loài. Các tôn giáo có niềm tin và tu tập khác nhau, nhưng cũng cùng một điểm chung là cổ súy lòng bác ái.

Ngài cho rằng đức Phật nhờ vào Bát-nhã Ba-la-mật mà thành tựu được Chánh đẳng giác và Nhất thiết trí. Trải qua 3 A-tăng kỳ kiếp, Bồ-tát hành các pháp Ba-la-mật để tích lũy phước báu mới thành tựu đạo quả. Đối với một vị hành Mật thừa phải thiền quán tánh không và phát triển tâm Bồ-đề.

Một vị hành giả trong 6 thời ngày đêm phải thường nghĩ về tánh không có thể làm hài lòng chư Phật và Bồ-tát. Một vị hành Kim Cang thừa không phải là người cầm Kim Cang chùy (thủ ấn), mà phải là người phải có trí tuệ và biết cách sử dụng các phương tiện để độ sanh. Cho nên, trí tuệ và phương tiện luôn song vận đối với một hành giả. Một vị hành Mật thừa ở một góc độ khác, có nghĩa là vị ấy đang hành tối thượng Du-già, với mục đích là dùng sức định ngăn dòng tâm thức thô và thấy rõ tâm một cách vi tế hơn.

Ngài Tsong Khapa cho rằng những vị có học mà không tu, hoặc không tu mà cũng không học thì không làm lợi ích gì cho chúng sanh. Một số vị Du-già ngày nay không giỏi, vì học mà thiếu tu, nên sanh ra thiên lệch và cố chấp vào sở kiến và tông phái của mình.

Mỗi trường phái triết học đều có những điểm độc đáo riêng, nhưng bao quát và rộng lớn nhất vẫn là Phật giáo. Muốn học hiểu triết học Phật giáo phải mất 20 đến 30 năm. Các luận sư soạn tác các luận phẩm cũng nhằm để giới thiệu con đường tu tập cho mọi người, nhờ tu tập mới được giải thoát. Hoặc ít ra học pháp để huân tu thành chủng tử và có thể thoát khỏi 8 pháp thế gian. Các vị Lama – Chánh sĩ Tây Tạng là những bậc hiền trí và đức hạnh cũng như các cư sĩ cũng học pháp và hành pháp, nhằm làm lợi ích chúng sanh.

Các tín ngưỡng thế gian cũng nói về từ bi, bác ái và góp phần an sinh xã hội như xây dựng bệnh viện, nhà dưỡng lão, hoặc nâng cao giáo dục bằng xây dựng trường học, v.v... nhằm làm lợi ích chúng sanh và bảo vệ môi trường. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni sinh ra dưới gốc cây, thành đạo dưới gốc cây, chuyển pháp luân trong vườn cây và nhập Vô dư Niết-bàn cũng dưới rừng cây. Ngày xưa các vị Tỳ-kheo không có một chỗ ở cố định. Đời sống khất sĩ rày đây mai đó, ngoại trừ 3 tháng An cư. Mỗi ngày các vị ở dưới một gốc cây. Các vị không dám chặt cây, cắt cỏ, xới đất nhằm để bảo vệ môi trường. Ngày nay dân số tăng trưởng, nên chúng ta càng ý thức hơn nữa để bảo vệ môi trường sinh thái cho chúng ta.

Trong bài giảng, Ngài Dalai Latma nói về 7 thế ngồi thiền của đức Đại Nhật Như Lai: 1) Ngồi lưng thẳng, cổ thẳng, đầu hơi hướng về phía trước một tí; 2) Bồ-đoàn ngồi phía sau cao hơn phía trước một chút; 3) Tay bắt ấn thiền định và đặt giữa rốn, như đức Phật; 4) Ngồi có thể kiết già hoặc bán già; 4) Răng và môi giữ tự nhiên, khép lại, đầu lưỡi co lên sát với vòm họng trên; 6) Hai vai cân bằng, thoải mái; 7) Hơi thở để tự nhiên. Thân thể phải giữ sạch sẽ và hướng tâm đến tánh không, dùng trí phân tích để thấy rõ thực tướng của các uẩn là không thật. Mật thừa nếu không thiền quán tánh không, rất dễ rơi vào ngoại đạo.

Phần 2: Vấn đáp Phật pháp

1) Làm thế nào để phát triển Bồ-đề tâm?

Câu hỏi này đã trình bày một cách khái lược trong ngày thứ 2. Một khi thấu hiểu nỗi khổ của người khác thì chúng ta có thể phát triển tình thương vô điều kiện, vì muốn làm lợi ích cho chúng sanh. Thông thường, tình cảm luôn mang tính ái nhiễm. Do đó, trí tuệ cần phải có để thấy rõ thực tướng của tình cảm và từ đó phát triển tâm Bồ-đề, nguyện độ tất cả chúng sanh.

2) Chưa quy y Tam bảo có thể nhận giới Bồ-tát hay không?

Có hiểu được giá trị của quy y Tam bảo rồi mới phát tâm thọ nhận giới Bồ-tát. Vì đó là một tâm hạnh cao cả, vì muốn làm lợi ích của chúng sanh. Tuy nhiên, trong nghi quỹ thọ giới Bồ-tát đều có lễ truyền Tam quy.

3) Tự tử có tội hay không?

Du-già nói người tự tử là người sát hại Bổn tôn vị thần, do đó chúng ta nên tôn trọng sự sống của chúng ta.

4) Sự khác biệt giữa một số trẻ sinh ra có chỉ số thông minh khác nhau là vì đâu?

Uẩn khác nhau nên sinh ra các chỉ số thông minh khác nhau. Nói cách khác là do nghiệp, hay tâm thức khác nhau, hay thói quen (nghiệp) khác nhau, dẫn đến chỉ số thông minh, hành xử khác nhau.

5) Quan hệ giữa thầy – trò

Quan hệ này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình tu tập. Nếu thầy si mê, mê tín hoặc hành phi pháp thì vô cùng nguy hiểm. Do đó phải cẩn thận chọn thầy mà học. Nếu vị thầy chân chánh thì phải phát khởi lòng kính trọng và đặt hết niềm tin nơi thầy để học đạo.

PhapHoi4 0

Phần 3: Giảng giải nội dung của Bảo hành vương chính luận

Ngài chọn vài bài kệ trong mỗi chương để giải thích nghĩa “vô ngã” hay còn gọi là không tính của vạn pháp.

1) Trong chương I “Sinh cõi cao và quyết định thiện”

Ngài chọn bài kệ 80: “Hữu tình không là đất, không là nước/ Không là lửa, không là gió, không là hư không/ Không là thức, không tất cả/ Hữu tình không ngoài các đại chủng”. Bài kệ 84: “Đất nước gió và lửa/ Mỗi đại không tự tính/ Không ba đại, không là từng một/ Không có một cũng không có ba”. Kệ 99: “Bản thể sắc chỉ là danh xưng/ Hư không cũng duy nhất là danh xưng/ Không đại chủng làm sao có sắc/ Cho nên cũng là duy danh xưng”.

Nói tóm lại, Ngài triển khai chúng sanh không phải là tứ đại, nhưng không ngoài tứ đại mà có. Ngay cả sắc và danh là hai yếu tố tương hợp để tạo thành một hữu tình, nhưng tuyệt đối hữu tình không phải là danh hoặc sắc. Cái gọi là Pudgala (Bổ-đặc-già-la) cũng không có thật. Do chúng sanh chấp uẩn và các pháp tạo nên uẩn, nên chấp ngã và chấp pháp. Tất cả năm uẩn chỉ là tên gọi (theo người viết như Phật giáo Nguyên thủy gọi là danh chế định và nghĩa chế định). Trong 5 uẩn này, tâm thức đóng vai trò vô cùng quan trọng, vì thức có thô và tế. Có năm thức liên hệ năm căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hoạt động ở một phạm vi rất giới hạn. Ý thức cũng sẽ biến mất khi ngủ say hay chết giấc. Còn các thức khác vẫn hoạt động dưới dạng vi tế mà mắt thường hay nhận thức cạn cợt của chúng ta rất khó thấy. Ví dụ một số vị đi vào thiền định hoặc các vị thị tịch mà thân xác vẫn không bị hôi thối. Tại Ấn Độ có khoảng 30-40 vị thị tịch có điềm lành và cụ thể như ngài Ling Rinpoche (thầy của Ngài Dalai Lama) thị tịch mà vẫn để lại nhục thân.

Với việc quán chiếu năm uẩn là không, như bẹ của cây chuối, vị quốc vương sẽ không bám víu vào đối tượng, do đó vị ấy thoát khỏi ngã chấp.

2) Chương II: Sự kết hợp nhân quả cõi cao và quyết định thiện

Kệ 116: “Thân này là bất tịnh/ Thô thiển thấy trước mặt/ Thường trực hiển hiện ra/ Nhưng tâm không nhớ tịnh”. Ngài Dalai Lama dạy rằng đối với người nam thường quán thân thể người nữ rất dơ dáy, nên không ái luyến. Ngài Tịch Thiên trong Nhập Bồ-tát hạnh cũng dạy như vậy, một số vị cho rằng sao lại thiên vị cho rằng thân thể người nữ bất tịnh? Trong trường hợp, đối với người nữ, Ngài cũng dạy thân người nam cũng bất tịnh thôi!

Kệ 117: “Diệu pháp vô trụ thì vi tế/ Thâm sâu không là hiện lượng / Đâu phải là đối tượng / Cho tâm dễ nhận biết”.

Kệ 126: “Quốc vương thực hành pháp/ Tất cả mọi hành động/ Ở trước, giữa và sau/ Không hại đời này và đời sau”.

Kệ 144: “Chết chắc chắn sẽ đến/ Tội lỗi chết khổ đau/ Thấy an lạc tạm thời/ Cũng không nên làm ác”.

Kệ 169: “Bệnh ghẻ lác ngứa gãi thích thú/ Không ghẻ ngứa sẽ thích thú hơn/ Tương tự, thế gian có dục là hạnh phúc/ Không tham dục thì hạnh phúc hơn”.

Kệ 174: Căn bản là tâm Bồ-đề/ Vững chãi như sơn vương/ Lòng bi trải khắp cùng/ Trí tuệ không rơi vào hai biên”.

Nói tóm lại, Ngài Dalai Lama khích lệ Tăng Ni, Phật tử tu tập 16 thiện pháp, từ bỏ dục lạc và phát triển tâm Bồ-đề, nguyện thành Phật, cứu độ chúng sanh. 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Phật đều do công đức tích lũy trong vô số kiếp. Do đó, quốc vương hành pháp đời này và đời sau, khi thân hoại mạng chung sẽ không sợ hãi, mà sẽ vui như người về nhà, an lạc được tăng trưởng.

Chương V: Bồ-tát cộng học

Ba bài kệ then chốt của chương này cũng là ba bài kệ căn bản của Bồ-tát hạnh. Kệ 483: “Nguyện làm đất, nước, lửa, gió/ Thuốc men, rừng cây, chỗ nghỉ/ Thường cho tất cả chúng sanh/ Tự do thọ dụng không hết”. Kệ 484: “Thương chúng sanh như sinh mạng/ Thương yêu quý trọng họ hơn mình/ Nguyện nhận hết tội lỗi/ Dâng phước báu cho chúng sanh”. Kệ 485: “Con nguyện đến khi nào/ Còn một chúng sinh chưa đạt giác ngộ/ Dù con đã chứng Vô thượng Bồ-đề/ Xin ở lại thế gian cứu độ họ”.

Điểm khác biệt giữa Kim Cang thừa với các bộ kinh Nguyên thủy là ở điểm này. Các vị A-la-hán trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy tùy duyên ở lại cõi ta-bà hay nhập Vô dư Niết-bàn.

Kết thúc buổi giảng trong niềm hoan hỷ.

PhapHoi4 1

Phần phụ: Buổi chiều, Thượng tọa Thích Tâm Đức và đại diện đoàn Việt Nam được Tu viện trưởng tu viện Namgyal mời đến thăm và trao đổi Phật sự. Chư Tăng Ni Việt Nam đang học ở Dharamsala và Delhi lên dự pháp hội được mời đến Serkong House để thăm và trao đổi với Phật tử còn lại trong đoàn. Tại đây, Đại đức Giác Hoàng đã phát động thành lập Quỹ học cổ ngữ (Pali, Sanskrit, Tạng ngữ) cho Tăng Ni sinh đang học tại Ấn Độ và các nước khác.

Hưởng ứng lời trình bày của Đại đức Giác Hoàng, một số Phật tử hiện diện đã phát tâm hứa ủng hộ với số tịnh tài lên tới 14.200 USD/ năm. Một số khác phát biểu rằng mô hình này sẽ được mở rộng bằng cách vận động một số Phật tử hữu tâm khác. Hầu hết Phật tử đại diện đoàn Phật tử Việt Nam vô cùng hoan hỷ vì thấy được việc làm vô cùng ý nghĩa, góp phần hỗ trợ đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam. Hy vọng với đội ngũ Tăng Ni trí thức đang có mặt ở Dharamsala nói riêng và chư Tăng Ni trên khắp Ấn Độ và các nước khác nói chung, sẽ tích cực học cổ ngữ Pali, Sanskrit và Tạng văn để thúc đẩy việc nghiên cứu văn bản học (đối chiếu các bản kinh đã được dịch từ Hán sang Việt ngữ với bản gốc là tiếng Pali và Sanskrit) và góp phần dịch những tác phẩm chưa dịch sang tiếng Việt hiện đang có ở các nước, làm giàu cho kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam. Cách đóng góp vào Quỹ và cách vận hành sẽ được trình bày trong một bài khác. Kết thúc một ngày trong niềm hoan hỷ của đại chúng.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan