CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tết Miến Điện và truyền thống Xuất gia gieo duyên

TẾT MIẾN ĐIỆN (THINGYAN)

Tết, tiếng Miến Điện gọi là ‘Thingyan’, hiểu nôm na là lễ hội năm mới hay là lễ té nước. Giống như lễ hội Songkran tại Thái Lan, Aluth Avurudda tại Tích Lan, Chaul Chnam Thmey tại Campuchia, hay Pimai tại Lào. Lễ hội Thingyan tại Miến Điện rất đa dạng và có chút khác biệt tùy vùng miền, nhưng cái chung nhất là mọi người bao giờ cũng chúc tụng nhau những lời tốt đẹp nhất, bao giờ cũng té nước cho nhau. Trong văn hóa và phong tục của người Miến Điện, tết là một lễ hội vui nhộn nhất và quan trọng nhất trong năm, từ người nghèo cho đến người giàu, từ người đang sống tại Miến Điện cho đến người đang ở nước ngoài, không một ai là không tham gia vào lễ hội Thingyan. Cũng như người Việt, tết là lúc để mọi người nhớ về, là dịp để những người con xa xứ có cơ hội trở về quê cha đất tổ.

Truyền thuyết về tết Miến Điện

Phật giáo được xem là quốc giáo tại Miến Điện, cả nước có khoảng 89% dân số theo đạo Phật. Dù vậy, đất nước Miến Điện bị ảnh hưởng khá nhiều về những nét văn hóa, phong tục, tập quán của người Ấn. Lễ hội Thingyan là một bằng chứng cụ thể. Người ta cho rằng lễ hội Thingyan có nguồn gốc từ câu chuyện thần thoại của Ấn Độ giáo, chuyện kể Arsi - vua trời Phạm thiên, bị thua cược với vua trời Đế Thích. Như đã thỏa thuận, vua trời Đế Thích đã chặt đầu Arsi, và đặt đầu của một con voi lên thân thể của Arsi, cơ thể này sau đó trở thành một vị thần mình người đầu voi theo truyền thuyết của Ấn Độ giáo, và vị thần này được gọi là Ganesha, Ganesh hay Ganapati. Nhưng Arsi - vua trời Phạm thiên có năng lực rất mạnh mẽ, nếu đầu của vị vua này rơi xuống biển thì nước biển ngay lập tức sẽ khô cạn, nếu rơi xuống đất thì đất sẽ bị thiêu hủy, sinh vật sẽ bị đốt cháy, cỏ cây sẽ bị khô héo, và nếu rơi vào hư không thì bầu trời sẽ bùng cháy. Vì vậy, vua trời Đế Thích mới ra lệnh cho các vị tiên nữ luân phiên nhau mỗi vị tiên một năm cầm cái đầu của Arsi trên tay. Kể từ ngày đó, lễ hội năm mới theo Ấn Độ giáo được tổ chức để đánh dấu một năm đã kết thúc, ngày đầu của Arsi được chuyển từ tay tiên nữ này đến tay tiên nữ khác.

Từ thời xa xưa các vị Bà-la-môn của Ấn Độ giáo đã sang Miến Điện và giữ những vị trí quan trọng trong triều đình Miến Điện; vì vậy người Ấn có cơ hội chuyển tải nền văn hóa bản địa của họ vào cuộc sống của người dân Miến là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ngay từ những năm tháng trước công nguyên, những ngày đầu tiên khi Phật mới thành đạo, người Miến Điện đã có duyên thỉnh và tôn thờ 8 ngôi Xá-lợi tóc của Phật. Lời dạy của đức Phật đã bắt đầu bén rễ trên đất Miến Điện từ những ngày ấy, giáo lý của đức Phật, đặc biệt là lý nhân quả nghiệp báo đã ăn sâu vào da thịt, vào máu huyết của những người con đất Miến, vào chùa dép cứ cầm trên tay vì sợ câu chuyện nhân quả bị cắt gót chân, của để tự do không cho không dám lấy,… Năm tháng trôi qua, các vị đế vương nối ngôi trị nước chăn dân, vị nguyên thủ nào cũng hết lòng hộ trì Phật giáo, tâm nguyện của các vị ấy là trong thời gian đương nhiệm ít nhất phải xây được một ngôi chùa, và các vị vua, các vị nguyên thủ của Miến Điện đã làm được điều đó nên Miến Điện ngày nay được cả thế giới biết đến với cái tên ‘Đất nước Chùa Tháp’. Ông Zaw Wing Naing, một Phật tử thuần thành sống tại Mandalay, khi được hỏi về nguồn gốc ngày tết Thingyan, ông kể lại truyền thuyết trên và sau đó khẳng định: “Đất nước chúng tôi có bề dày lịch sử gắn liền với Phật giáo, đành rằng lễ hội đón mừng năm mới có ảnh hưởng từ câu chuyện huyền thoại của Ấn Độ giáo, nhưng lễ hội Thingyan ngày nay tại Miến Điện không chỉ đơn thuần là ngày lễ của đất nước mà đã trở thành một trong những lễ hội truyền thống của Phật giáo”.

Tục lệ té nước

Lễ hội đón mừng năm mới tại Miến Điện bắt đầu từ ngày 13 đến ngày 16/4 dương lịch, lễ té nước kéo dài trong suốt 4 ngày này, và ngày 17/4 là ngày đầu tiên của năm mới. Mỗi năm cứ đến khoảng đầu tháng Tư dương lịch thì khắp các đường phố chính tại Yangon, Mandalay, Taungyi và các tỉnh thành khác của Miến Điện, người ta bắt đầu lắp ráp các giàn gỗ hai bên đường để chuẩn bị cho lễ té nước sắp đến. Hàng trăm vòi rồng (như vòi nước rửa xe máy tại Việt Nam) được trang bị tại các giàn phun nước này, thêm vào đó là những giàn âm thanh nổi mở những bài hát vui xuân. Đến sáng ngày 13/4, từng đoàn từng đoàn xe trần không mui chở những thanh thiếu niên vui xuân đón tết, lần lượt chạy qua các giàn phun nước, trên giàn phun nước có khá nhiều người đã đứng sẵn chờ xe đi ngang để ‘xịt’ nước vào xe. Trên xe thì mọi người hân hoan vì được té nước.

Một số ngoại kiều sống tại Miến Điện lâu năm cho rằng, tháng Tư là tháng nóng nhất trong năm tại Miến Điện, hầu hết ao hồ đều bị cạn nước, nên người ta té nước vào nhau để giảm đi cái nóng nắng của thời tiết, điều này cũng có chút hợp lý. Tuy nhiên, truyền thống té nước tại Miến Điện bắt đầu từ thế kỷ thứ 13, dưới triều vua Nara Thiha Pathe thuộc vương triều Bagan. Vào thời xưa, người ta dùng những cái bát bằng vàng, bằng bạc, đựng một loại nước thơm và dùng một nhánh cây có tên là Thabyay để rải nước cho nhau. Tục lệ này ngày nay vẫn còn duy trì ở các vùng quê Miến Điện; tại các thành phố lớn thì người ta dùng vòi, dùng những ống tre, dùng ca,… để mà té nước, người cầm vòi nước vui mà người được té nước cũng vui. Bởi người Miến Điện quan niệm rằng một năm trôi qua mọi người không ít thì nhiều đều có thể đã phạm những sai lầm, đã làm tổn thương đến người khác, hoặc vô tình hay cố ý, té nước cho nhau là để rửa sạch đi những lỗi lầm của năm cũ, để bước vào năm mới với thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, trong sạch. Thế nên, gần như tất cả mọi người đều tham gia vào lễ té nước, chỉ trừ Tăng Ni và những phụ nữ có thai. Nếu té nước vào các vị xuất gia và phụ nữ có thai được xem là hành động bất kính và thô lỗ.

Một du khách Hà Lan đến Miến Điện vào dịp lễ Thingyan đã nói: “Tôi đã đi qua rất nhiều nước và đã tham dự rất nhiều lễ hội cộng đồng tổ chức trên đường phố, nhưng có lẽ Thingyan là lễ hội đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Không phải vì lễ hội vui nhộn mà là tất cả mọi người từ trẻ đến già ai ai cũng hân hoan tham gia. Nếu nhìn các thanh thiếu niên vui chơi trên đường phố dường như có vẻ quá ồn ào, quá bạo động, nhưng thật ra điều đó thể hiện tinh thần yêu dân tộc, yêu thiên nhiên và con người. Tất cả mọi người đều được tự do thoải mái, được vui xuân nhưng không phải chi trả một khoản chi phí nào. Trong suốt những ngày lễ hội Thingyan, hầu hết mọi người đều bỏ qua tất cả những phiền muộn giận hờn, đều đối với nhau bằng những lời nói, những nụ cười từ ái”.

TetMienDien-1TetMienDien-2

Tết té nước trên đường phố Yangon, Miến Điện

Ngày đầu năm mới

Từ ngày xưa, người Miến Điện tin rằng, vào ngày đầu tiên của lễ Thingyan (tiếng Miến Điện là a-kya-nei), vua trời Đế Thích sẽ từ cung trời đi xuống nhân gian, và mọi người ra trước sân nhà cung đón với một hũ nước nhỏ và một nhánh cây Thabyay trên tay, sau đó người ta rưới nước trên đất và cầu nguyện. Những điều tiên đoán cho năm mới sẽ được các vị tiên tri thông báo, và trẻ em được dạy rằng nếu chúng làm các điều tốt thì vua trời Đế Thích sẽ ghi tên chúng vào sổ vàng, trái lại nếu chúng nghịch phá thì tên của chúng sẽ được ghi vào quyển sổ đen. Ngày nay người ta không cầm hũ nước nhỏ ra trước sân để đón vua trời Đế Thích nhưng trước nhà nào cũng có một hủ nước nhỏ, bên trong có một nhánh cây Thabyay, ‘xưa bày nay làm’ là vậy!

Như trên đã nói, người Miến Điện tổ chức đón mừng năm mới vào những ngày cuối của năm cũ, và vào ngày đầu tiên của năm mới, ngày 17/4 dương lịch, người ta bắt đầu đến chùa dâng hoa, đèn,… cúng dường Đức Thế Tôn; chuẩn bị các vật thực đặt bát cho chư Tăng vào buổi sáng, hoặc đến chùa cúng dường một bữa trai phạn. Đặc biệt, với những ai mà ông bà cha mẹ còn tại thế, họ thường mua sắm những món quà có ý nghĩa để dâng lên hai đấng sanh thành, đến các bậc trưởng thượng trong gia đình; đi thăm viếng bà con; phát cơm, nước từ thiện dọc trên các đường phố, phóng sanh chim cá, . . .

TetMienDien-3

Tri ân và báo ân đến các bậc hữu ân

TRUYỀN THỐNG XUẤT GIA GIEO DUYÊN (LỄ SHINPYU)

Một năm làm lụng vất vả, tết là dịp mọi người được nghỉ ngơi, thư giãn, được viếng thăm bà con bạn bè, được ngao du sơn thủy, và đặc biệt những ngày nghỉ tết là dịp người dân đất Miến có cơ hội tạo duyên lành với Phật Pháp. Vào những ngày này không chỉ có các bé trai, bé gái được cha mẹ hướng dẫn đến chùa tập tu làm tiểu Sa-di, mà người lớn cũng vào chùa xuất gia gieo duyên trong một thời gian ngắn. Shinpyu là tiếng Miến Điện, nghĩa là xuất gia gieo duyên hay xuất gia tập tu làm tiểu Sa-di trong một thời gian ngắn. Lễ Shinpyu là một trong những lễ hội hàng năm được hầu hết người dân Miến Điện hưởng ứng; lễ hội này đã trở thành một truyền thống, một nét văn hóa Phật giáo trong lòng người dân xứ sở chùa vàng đất Phật. Lễ hội Shinpyu bắt đầu vào những ngày cuối tháng Ba, đầu tháng Tư; trong khoảng thời gian này khắp các nẻo đường trên đất nước Miến Điện, từ thôn quê cho đến thành thị rất nhộn nhịp với những đoàn người diễu hành tiễn đưa các em nhỏ đến chùa xuất gia gieo duyên trong những ngày nghỉ hè và trong dịp đầu năm mới.

Noi dấu gương xưa

Nếu ai đã từng chứng kiến một đám rước trong ngày lễ xuất gia gieo duyên của người dân Miến Điện mới cảm nhận được tấm lòng quý kính Phật Pháp của họ. Lễ xuất gia tại xứ sở chùa tháp này rất khác biệt với những nơi khác, tuỳ theo điều kiện kinh tế gia đình, vào ngày lễ xuất gia các em được cha mẹ, bà con và những người thân đưa đến chùa bằng ngựa, bằng voi, đi xe, đi bộ, hoặc các em được cha hoặc chú, bác cồng kềnh trên vai (việc đi ngựa hiện nay vẫn còn duy trì ở thôn quê, tại các thành phố lớn như Yangon, người ta chỉ dùng xe đưa con cháu đến chùa xuất gia); đám rước có lộng, có kèn, có trống và các em được trang phục trong những bộ đồ hoàng tộc nhìn giống như một đám rước của vua. Đoàn người tiễn đưa các em xuất gia sẽ diễu hành qua các làng xã, các thị trấn và điểm cuối cùng là ngôi chùa mà các em sẽ xuất gia.

Người Miến Điện quan niệm một người đi xuất gia là từ bỏ đời sống thế tục để trở thành một vị Khất sĩ đầu trần chân đất, nên chuyến đi đó là một chuyến hành trình vĩ đại như ngày xưa thái tử Tất-đạt-đa vượt thành xuất gia. Vì vậy, khi cha mẹ đưa các con đi xuất gia họ diễn lại sự kiện ngày xưa; ngày xưa thái tử vượt thành ra đi trong sắc phục hoàng tộc nên ngày nay các cháu chuẩn bị xuất gia cũng được cha mẹ chuẩn bị cho những trang phục hoàng gia trước khi các em trở thành một vị Khất sĩ. Thật sự ngày ấy thái tử vượt thành ra đi trong đêm trường cô tịch cùng với người tín bộc là Sa-nặc, nhưng ngày nay người dân Miến Điện tổ chức lễ xuất gia cho các con rất long trọng để cho mọi người thấy rằng gia đình, bà con, làng xóm rất hoan hỷ với việc con đi xuất gia. Có thể nói nét văn hoá này không phải một sớm một chiều mà có được, mà phải trải qua nhiều thế hệ với những con người có một tấm lòng thuần thiện, có một nếp nghĩ suy đúng chánh pháp, và đặc biệt là có một quan niệm sống cao thượng, có tấm lòng quý kính đối với Tam Bảo.

TetMienDien-4 

Đoàn xuất gia gieo duyên diễu hành qua các xóm làng

Thừa hưởng gia tài Pháp bảo của Đức Thế Tôn

Ngược dòng thời gian trở về quá khứ cách đây 2.600 năm về trước, sau khi thành tựu đạo quả giác ngộ giải thoát, theo lời thỉnh cầu của vua Tịnh-phạn, Đức Thế Tôn dẫn đầu đoàn Thánh Tăng trở về kinh thành Ca-tỳ-la-vệ. Khi ấy cậu bé La-hầu-la, con trai của thái tử Tất-đạt-đa (Đức Phật trước khi xuất gia) mới lên 7 tuổi, theo lời dạy của mẹ là công chúa Da-du-đà-la, mỗi ngày cậu bé La-hầu-la cứ đi theo Đức Phật hỏi xin gia tài. Là bậc Chánh đẳng Chánh giác, Đức Phật không thể trao những tài sản và hạnh phúc mong manh tạm bợ ở thế gian cho La-hầu-la; đối với Phật, gia tài cao tột nhất chính là Pháp bảo, đây chính là tài sản vô giá không gì sánh bằng, là gia tài xứng đáng nhất nên trao cho La-hầu-la. Vì vậy, ngày hôm ấy sau khi dùng cơm trưa tại hoàng cung xong, Đức Thế Tôn đã đưa La-hầu-la về khu rừng nơi Ngài và Tăng đoàn đang trú ngụ cách nội thành Ca-tỳ-la-vệ không xa và giao La-hầu-la cho Ngài Xá-lợi-phất (Sāriputa) làm Thấy tế độ, Ngài Mục-kiền-liên (Moggallāna) thì tự tay thế phát cho La-hầu-la. Đức Thế Tôn đã ban cho La-hầu-la chiếc y vàng, kể từ đó La-hầu-la trở thành chú Sa-di đầu tiên trong Tăng đoàn của Đức Thế Tôn. Theo truyền thống ấy, ngày nay tại Miến Điện các bé trai, bé gái khoảng từ 5 đến 15 tuổi thường được cha mẹ hướng dẫn vào chùa tập tu Sa-di trong khoảng thời gian vài ngày hoặc vài tuần để vun bồi, tưới tẩm hạt giống hiền thiện trong lòng các em, để thừa hưởng gia tài Pháp bảo của Đức Thế Tôn.

Vì các con còn quá nhỏ, chưa ý thức được trọn vẹn việc mình làm, để các con ý thức được tầm quan trọng của việc xuất gia làm Sa-di, cha mẹ thường kể cho các con nghe câu chuyện La-hầu-la theo Phật xin trao cho gia tài. Cha mẹ cho rằng được xuất gia tập tu làm Sa-di là một đặc ân rất lớn đối với các con. Đây là dịp các cháu có cơ hội cúng dường hình hài bằng xương, bằng thịt đến Tăng đoàn của Đức Thế Tôn, vì vậy mà các bậc cha mẹ thường rất hoan hỷ trong việc tổ chức lễ xuất gia cho các con. Một số gia đình có điều kiện kinh tế ổn định, vào ngày con xuất gia họ mời những người thân và bạn bè đến dự, họ hoan hỷ bỏ ra một khoảng tiền rất lớn để sắm sửa các vật dụng cúng dường cho chư Tăng tại chùa, nơi mà con họ sẽ xuất gia. Đối với những người không có con, đặc biệt là con trai, họ sẽ giúp đỡ tài chánh cho con trai của những gia đình khác xuất gia gieo duyên, như vậy họ cũng sẽ hưởng được nhiều phước báo trong hành động thiện lành này. Đối với cha mẹ, không tạo cơ hội cho con trẻ xuất gia là một thiếu sót lớn, tổ chức lễ xuất gia cho con có nghĩa là cha mẹ, một phần nào đã làm tròn bổn phận làm cha, làm mẹ.

Chị Khin Khin Thar cho biết, chưa bao giờ chị cảm thấy sự quan trọng của việc làm cha, làm mẹ như khi vợ chồng chị lên kế hoạch làm lễ xuất gia gieo duyên cho con trai. Tại Miến Điện, một bé trai có thể xuất gia một lần, hai lần hay hơn thế nữa, đây không phải là chuyện khác thường gì nhưng đối với chị đây là một cơ hội rất đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên bé trai 7 tuổi của chị rời gia đình vào chùa làm đệ tử của Đức Phật. Tôi hỏi chị có nhớ con không, chị đáp: “Nhớ lắm chứ và còn lo nữa, vì đây là lần đầu tiên cháu rời nhà, ở nhà cháu có ông bà ba mẹ lo cho mọi việc như ăn mặc, tắm giặt, học hành,… giờ đây vào chùa cháu phải tự lo cho mình, sống đời sống tự lập nên làm sao không lo cho được. Tuy nhiên, tôi nghĩ cháu xuất gia là được thừa hưởng gia tài Pháp bảo của Đức Thế Tôn, gia tài mà Đức Thế Tôn đã trao cho tiểu Sa-di La-hầu-la cách đây 2.600 năm về trước, cháu xuất gia là tạo phước lành cho ông bà cha mẹ, và đây thật sự là một đặc ân rất lớn trong cuộc đời của con trai tôi”.

Nghe chị Khin Khin Thar tâm sự lòng tôi trào dâng một niềm cảm xúc, một người dân dã bình thường nhưng lại có những suy nghĩ thật cao thượng “xuất gia là để thừa hưởng gia tài Pháp bảo.” Hầu hết các bậc làm cha làm mẹ cả đời vất vả lo toan, lặn lội thân cò một nắng hai sương cũng chỉ mong để lại một chút gì đó cho con, cho cháu. Tiền bạc của cải, ai lại không cần, nhất là ở một đất nước mà mọi phương tiện vật chất đều rất lạc hậu và thua xa các nước láng giềng như Miến Điện thì tiền của càng quý giá biết dường nào, nhưng người dân Miến Điện không nghĩ rằng tiền bạc, của cải là tài sản đáng giá họ dành cho con cái. Nói như vậy không có nghĩa là họ không cần tiền của, nhưng họ nghĩ rằng gia tài mà họ muốn trao cho các con chính là những lời Phật dạy, là cách sống, cách suy nghĩ và hành động hiền thiện, có ích cho tự thân và những người xung quanh. Đây mới thật sự là gia tài vô giá nhất mà không ai có thể cướp đoạt được, với gia tài này con cháu họ chắc chắn sẽ được thừa hưởng mãi mãi, và họ cảm thấy rất tự hào khi được trao gia tài này cho các con. Người trao gia tài vui vẻ và người nhận cũng vui, chính vì vui nên các em mới có thể ở chùa tập tu trong những ngày hè. Thật sự, điều này không phải ai ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy, nhận thấy chân giá trị của cái không thể cân đo đong đếm trong một thời đại mà mọi thứ dường như đều được đong đếm cân đo, thậm chí là tình cảm…!

TetMienDien-5 TetMienDien-6

Ba mẹ và các con trong ngày xuất gia

Hoàn thiện tự thân và tạo phước cho cha mẹ

Đối với người dân Miến Điện, lễ Shinpyu hay xuất gia gieo duyên là một sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời của các em, đặc biệt là bé trai. Sự kiện này đánh dấu giai đoạn chuyển biến từ tuổi thơ đến trưởng thành, trong thời gian ở chùa các em sẽ nhận được sự rèn luyện đặc biệt theo truyền thống của đạo Phật, các em được học và hành những lời Phật dạy. Những ngày sống trong chùa là cơ hội để các em rèn luyện ý chí, nghị lực, cũng như trao dồi phẩm chất đạo đức dựa vào lời Phật dạy, để mai này trưởng thành các em sẽ là những người con hiếu thảo, những công dân có ích cho xã hội, biết sống vì mọi người. Người Miến Điện quan niệm rằng đời sống của một người nam được xem là thành tựu trọn vẹn chỉ khi anh ta đã xuất gia gieo duyên. Đây là một bổn phận cần phải làm đối với một nam Phật tử Miến Điện.

Tiểu Sa-di Visuddha kể cho tôi nghe: nhà chú có năm anh em trai, năm nay ba mẹ cho cả năm anh em chú xuất gia. Dù còn nhỏ nhưng chú cũng cảm nhận được đời sống xuất gia thật an vui và nhẹ nhàng. Những ngày đi học chú được các thầy cô truyền trao cho kiến thức, nâng cao sự hiểu biết; những ngày trong đạo, Sư phụ và các Thầy dạy cho chú cách sống có đạo đức, cách làm người hiền thiện, biết suy nghĩ, biết yêu thương những người sống quanh mình. Chú rất vui vì được sinh hoạt tập thể, được chia sẻ công việc một cách bình đẳng với các bạn; trong thời gian ở chùa chú còn có cơ hội học được những cái hay, cái đẹp từ những huynh đệ đồng trang lứa. Được ba mẹ cho xuất gia thật sự là một diễm phúc rất lớn trong đời của những bé trai, vì vậy những ngày ở chùa các chú luôn cố gắng tu học tốt để tự hoàn thiện chính mình, và do hành động thiện lành này mong cho ông bà, ba mẹ luôn được mạnh khỏe và sống an vui.

Nghi thức nhập tự

Thường là vào buổi sáng cha mẹ và những người thân đưa các em đến chùa, các em tập trung tại chánh điện chùa để nghe Thầy trụ trì giảng về ý nghĩa của việc xuất gia, cũng như cho các em biết một số nội quy trong những ngày sống trong chùa; sau đó gia đình các em sẽ cúng dường y áo cùng các vật dụng khác đến Thầy trụ trì và các thầy trong chùa. Sau lễ cúng dường các em được chư Tăng tại trú xứ hướng dẫn ra phía sau để cạo tóc, khi cạo tóc xong một lần nữa các em tập trung tại chánh điện. Quỳ trước mặt Thầy trụ trì, các em phát nguyện xuất gia và được Thầy trụ trì đặt pháp danh, truyền trao cho 10 giới Sa-di như là: không sát hại các sinh vật có mạng sống, không lấy tài vật không thuộc quyền sở hữu của mình, không nói sai sự thật,…; và ban cho các vật dụng cần thiết của một vị Tăng như bình bát, y áo, dao cạo, đãi lọc nước,… Sau lễ truyền trao y bát, các em được chư Tăng dạy cho cách đắp y, cách mang bát, cách đi vào làng khất thực. Lúc này các em thực sự đã trở thành một người xuất gia, trở thành những Thích tử của Đức Như Lai, được thừa hưởng gia tài Pháp bảo của Đức Thế Tôn. Trong 10 giới Sa-di có giới không được ăn sau 12 giờ trưa, đây là giới khó giữ nhất đối với các em nhỏ, và cũng là điều làm cho cha mẹ các em lo lắng nhất, bởi không biết con em mình có tu học được hay không vì buổi chiều không được phép ăn bất cứ vật gì hết.

Chú Tun Shwe vui vẻ cho biết: “Thật may mắn, con trai tôi hoà nhập với cuộc sống mới không khó lắm, cháu biết tự lo cho bản thân mình và biết sống theo những điều luật đã thọ nhận. Không ăn chiều nên người xuất gia càng có nhiều thời gian để học và hành thiền”. Quay sang nhìn cậu ấm bây giờ đã là một tiểu Sa-di, chú Tun Shwe nói tiếp: “Từ ngày xuất gia, cậu con trai 10 tuổi của tôi đã thay đổi hoàn toàn, nhìn cháu trang nghiêm, điềm đạm và trong sáng trong chiếc y màu đỏ măng cụt. Người ta nói ‘chiếc áo làm nên thầy tu’ quả thật cũng không quá đáng. Giờ đây vợ chồng tôi không gọi cháu bằng tên ở gia đình thường gọi nữa, mà gọi bằng pháp danh Thầy trụ trì đã đặt cho cháu. Sau khi cháu xuất gia, mỗi buổi sáng chúng tôi đều chuẩn bị sẵn cơm cùng một vài món thức ăn cúng dường cho chư Tăng đi bát trong đó có con trai chúng tôi. Chúng tôi thật sự vô cùng hạnh phúc”.

Mỗi ngày các tiểu Sa-di nhận lãnh vật thực cúng dường từ các thí chủ. Thời gian tập tu làm Sa-di tại chùa có thể kéo dài một vài ngày, một tuần, hai tuần hoặc hơn thế nữa, tuỳ thuộc vào tâm nguyện của cha mẹ và bản thân các em. Sau một thời gian ngắn các em trở lại đời sống thế tục, và có thể xuất gia lại bất kỳ lúc nào các em có đủ điều kiện nhưng không được thọ giới Tỳ-kheo cho đến khi các em (trai) tròn 20 tuổi. Khi ấy là lúc các em thật sự hiến dâng cả cuộc đời cho đạo pháp, các em phải trao dồi, học hỏi kinh điển và phải hành thiền để tự thân kinh nghiệm được những lời Phật dạy.

TetMienDien-7 

Tân tiểu Sa-di

Có thể nói truyền thống xuất gia gieo duyên đã bén rễ sâu dày trong đời sống gia đình và xã hội Miến Điện; truyền thống này đã trở thành một nét son trong văn hóa Phật giáo tại Miến Điện nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Những bài học đạo đức, những kinh nghiệm, những kỷ niệm trong những ngày xuất gia gieo duyên là những hành trang đáng giá, là những triết lý sống giúp các em vững chãi hơn và luôn tự tin với chính mình, luôn tin yêu vào cuộc sống quanh mình.

Tiết xuân khơi dậy sức sống cho muôn loài vạn vật, nhưng mùa xuân thiên nhiên chỉ đến một lần trong năm, sau lễ hội Thingyan mọi vật trở lại bình thường; nhưng trong ý nghĩa mùa xuân là thời gian vui tươi hạnh phúc, là thời điểm mà con người tràn đầy sức sống, như vậy lúc nào cũng là mùa xuân, xuân theo từng nhịp bước của mỗi con người. Vui xuân như thế nào để vừa không phá vỡ truyền thống của dân tộc, vừa không trái với lời Phật dạy, đó là điều mà những người con Phật trên đất Miến Điện đã và đang thực hành!

TetMienDien-8 

Các tiểu Sa-di đến giảng đường học kinh

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan