CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Lạnh như bá súng

Tác giả bài Bất bạo động là Patrician Donegan, một nhà thơ, một dịch giả, một người nâng niu thể thơ Tuyệt cú (Haiku) của Nhật Bản, xem đó là một cách để tu tập tâm tỉnh thức. Cô từng làm việc ở chuyên ngành thi ca Đông Tây thuộc Đại học Naropa dưới sự hướng dẫn của Allen Ginsberg và Chogyam Trungpa. Cô cũng đã học thể thơ tuyệt cú với thầy Seishi Yamaguchi và là học giả của chương trình Fulbright ở Nhật Bản. Ngoài việc giảng dạy thiền định, cô còn làm công việc biên tập thơ cho tờ báo Kyoto Journal và có nhiều tác phẩm và dịch phẩm với độ tinh tế của bậc thầy.Dưới đây là một trong những bài thơ tuyệt cú mà người đọc tình cờ cảm nhận nên ghi lại. Bài thơ có tựa là Bất bạo động:

            Giữa khoảng cách

            những loạt bom ở Kabul ––

            rả rích tiếng dế.

Nguyên văn:

            in between

            the Kabul bombings ––

            voices of crickets

Cảm giác đầu tiên của người đọc là, sao mà dễ thương, sao mà tinh khôi, giữa trùng điệp những sự bạo liệt của con người. Tựa bài thơ Bất bạo độngđã làm cho người đọc thấm thía hơn cái cảm giác hồn hậu dâng tràn. Tác giả là Patricia Donegan tâm sự rằng tâm trạng của cô luôn hòa theo tiếng dế rả rích diệu kỳ, nguồn sống của cô cứ theo đó mà hòa quyện. Tiếng dế nguyên sơ lắm, nguyên sơ như tiếng đập của trái tim, nguyên sơ như tiếng cái hạt mầm tung mình nẩy bật lên chiếc chồi non từ dưới lòng đất, nguyên sơ và sâu lắng nhưnhững hơi thở của quả địa cầu, hồn hậu như tiếng thì thầm của vũ trụ. Tiếng dế là lời khẳng định vô ngôn đưa chúng ta vượt khỏi cái tối tăm nhất của đêm đen bạo liệt loài người. Cô nói rằng đêm hôm đó, đêm 11 tháng 9 năm 2001, cô lại nghe tiếng dế rả ríchdiệu kỳ không phải bên ngoài mái hiên của gian thiền thấtmà cô đang ở mà là trong chương trình TV đang trình bày tin tức về việc quân Mỹ đang dội bom ở Afganishtan. Cô nói: “Tôi nghe tiếng dế rả ríchvăng vẳng ở thủ đô Kabul giữa những đợt bom lóe sáng. Âm vang của tiếng dế diệu kỳ đến đổi người phát thanh viên cũng nhận ra.”

Tiếng dế bất tuyệt của thiên nhiên vô cùng vượt ra ngoài cảnh giới của tiếng bom rơi ở Kabul, vượt ra ngoài cảnh giới của tiếng đại bác bắn vỡ vụn những pho tượng Phật ngàn năm ở thung lũng Bamiyan bạt ngàn hoa cỏ. Tiếng dế bất tuyệt của thiên nhiên không thuộc về cảnh giới của đêm đen u ám loài người mà thuộc về cảnh giới chân như bất khả tư nghì, nơi đó, ai cũng có thể dừng lại những bước chân lang thang vô định.

Tổng thể con người đang cưỡi trên lưng một con ngựa hoang dã có tên là Khoa học vũ khí. Nó đang chở người kỵ sĩ có tên là tổng thể con người trên lưng của nó với sức gia tốc tối đa. Nó đang phi nước đại. Những bước chân mạnh mẽ và điên dại. Bậc-đã-dừng-lại thấy nguy cơ mới cất tiếng hỏi: “Ngươi chạy đi đâu vậy?” Người kỵ sĩ tay chỉ xuống con ngựa hoang dã điên dại rồi trả lời: “Ông làm ơn hỏi con quái vật này”. Con người thật đang thê thảm đối đầu với những loại vũ khí vô hồn. Phi cơ không người lái, tên lửa hành trình với màn hình điều khiển là màn hình ảo;nhà cửa tan hoang, con người gục ngã, thân thể vỡ toang là con người thật. Những chiếc phi cơ không người lái, được thiết kế để tự động dội bom mà không cần nhấn nút. Những cây súng máy được thiết kế để tự động nã đạn vào hình hài con người mà không cần có người xiết cò, chỉ cần con người nhấp chuột trước màn hình vi tính. Ai là chủ? Con người hay là vũ khí vô tri, lạnh như bá súng và vô tội như những cái nhấp chuột tí tách trong một gian phòng ấm cúng đâu đó cách xa ngàn dặm. Người nhấp chuột cũng vô hồn như một bộ phận nhỏ bé nào đó trong bộ máy chiến tranhbạo liệt khổng lồ. Đó là chuyện của cảnh giới đêm đen loài người.

Hãy nhận ra cảnh giới của tiếng dế, nơi cảnh giới đó ai cũng có thể dừng lại. Dừng lại nghe tiếng dế diệu kỳ. Mỗi một giây mỗi một phút của đời sống cá nhân là một cơ hội để chúng ta chọn lựa cho bản thân mình giữa bạo động hay bất bạo động. Chúng ta có quyền chọn lựa. Có những phút giây chúng ta có quyền không tham gia vào vòng tròn bạo lực loanh quanh đáo đầu, vòng trònlẩn quẩn oan nghiệt của “bạo động gọi mời bạo động”. Lời Phật xưa còn đồng vọng:

            Nếu ai lấy oán báo thù

            Oan oan tương báo thiên thu hằng sầu

            Từ tâm định luật nhiệm mầu

            Lấy ân báo oán còn đâu oán thù?

Chúng ta có thể thấy nguyên lý ngàn xưa này đã đơm hoa kết trái thành tựu vẻ vang trong cuộc đời và sự nghiệp của Thánh Gandhi, hũng vĩ và nguy nga. Bản thân chúng ta tại sao không. Hãy hiện thực hóa nguyên lý ngàn xưa này ở mọi cấp độ, suy nghĩ, lời nói và hành vi; mọi bình diện cá nhân và xã hội. Từ trong hiện thực sáng suốt và tỉnh thức chúng ta sẽ nhận ra rằng ngay trong việc dừng lại nghe tiếng những con dế đang hồn nhiên rả rích, dừng lại để cho tiếng dế có cơ hội vang lên thì chúng ta cũng đang dừng lại để cho hòa bình có thêm cơ hội. Cảnh giới đó sao mà tinh khôi, sao mà dễ thương, hồn hậu dâng tràn.

Tịnh Xá Trung Tâm, Bình Thạnh, 16/10/2012.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan