CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tính đặc thù hay con đường sáng tạo kỳ diệu của Phật giáo Việt Nam

 

1. Khái quát quá trình du nhập

Lịch sử du nhập và truyền bá Phật giáo từ những thế kỷ đầu Tây lịch đến cuối thế kỷ thứ XIV, tức cuối đời Trần, chúng ta có thể khái quát bước đầu hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam trải qua một số giai đoạn như sau:

- Giai đoạn một, từ nửa thế kỷ thứ II đến cuối thế kỷ thứ III. Xác nhận sự có mặt của Phật giáo du nhập vào Việt Nam như một tôn giáo mang tính truyền bá thuần túy tín ngưỡng, khai phóng con đường Thiền tông và Tịnh độ tông.

- Giai đoạn hai, từ thế kỷ thứ VI đến hậu bán thế kỷ thứ IX. Có thể nói đây là thời kỳ đặt nền móng xây dựng. Với hai thiền phái chính là Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông tiếp tục khẳng định sự hiện hữu của Phật giáo như là một tôn giáo không thể thiếu trong lòng dân tộc. Phật giáo hướng dẫn con người đến với tín ngưỡng, biết phân biệt thiện ác, có niềm tin vào lẽ phải và chân lý, đặc biệt là hướng đến tâm linh siêu việt qua hai phương pháp chủ yếu là Thiền tông và Tịnh độ, có pha trộn thêm ít nhiều ảnh hưởng Mật tông để dễ kích thích số đông quần chúng vốn dĩ gắn liền với phong tục tập quán, biết kính sợ thần linh và thiêng liêng (siêu nhiên) của dân tộc.

- Giai đoạn ba, từ hậu bán thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIV, tức cuối đời Trần. Có thể nói đây là thời kỳ Phật giáo được phát triển cực thịnh mà đỉnh cao là sự thống nhất các thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường... lập nên thiền phái Trúc Lâm ở núi Yên Tử, do sự hết lòng ủng hộ của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ. Khai sơn đệ nhất Tổ là Thiền sư Hiện Quang. Tổ thứ hai là Thiền sư Viên Chứng, hiệu Trúc Lâm, thầy của vua Trần Thái Tông, được vua tôn xưng là Quốc sư. Vị Tổ truyền thừa thứ ba là Đại Đăng Quốc sư, đồng thời với Trần Thái Tông. Một vị quốc sư khác tượng trưng cho sự lãnh đạo làm nên Phật giáo thống nhất đời Trần là Nhất Tông Quốc sư, đệ tử của Thiền sư Ông Thuận thuộc thế hệ thứ mười sáu của vua Trần Thái Tông dùng để tôn xưng vị quốc sư hẳn có ý nghĩa về sự kiện thống nhất của Phật giáo trong một tông phái duy nhất.[1]

Đặc tính nổi bật trong suốt thời kỳ du nhập và phát triển của hai thiền phái lớn Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông là dù có mang màu sắc ảnh hưởng Phật giáo Ấn Độ hay Trung Hoa, nhưng khi đến với xã hội Việt Nam thì họ đã nhanh chóng biết thể nhập hài hòa, gần gũi đời sống dân tộc. Phật giáo tham gia mọi sinh hoạt văn hóa, chính trị, xã hội mà vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình.

2. Tính đặc thù hay con đường sáng tạo của Phật giáo Việt Nam

Đạo Phật có nguồn gốc xuất phát từ Ấn Độ, do đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập và làm giáo chủ (Ngài sinh năm 623 và tịch diệt năm 544 trước Tây lịch). Sau khi đức Phật nhập diệt, dòng lịch sử Phật giáo đã phân làm hai hệ thống truyền thừa với hai khuynh hướng Nam tông (Thượng tọa bộ) và Bắc tông (Đại chúng bộ), cùng nhau phát triển rộng trên khắp thế giới. Phật giáo du nhập quốc gia nào thì tự động hài hòa với cộng đồng sống, với phong tục tập quán và trình độ nhận thức của mỗi dân tộc mà làm nên Phật giáo bản xứ.

Ngày nay, Phật giáo trên thế giới nói chung vẫn là Phật giáo. Nhưng rất rõ ràng, Phật giáo ở quốc độ nào thì đều mang sắc thái riêng của Phật giáo quốc độ đó. Cùng thờ phượng kính ngưỡng đức Phật, cùng học giáo lý đức Phật nhưng trình độ nhận thức khác nhau, phong tục tập quán khác nhau, phương pháp tiếp cận và hành trì tu học cũng khác nhau, do đó Phật giáo ở nước này không giống Phật giáo ở nước kia và ngược lại là sự kiện rất bình thường, tự nhiên, nếu không nói là lô-gích. Điển hình, các nước thuộc khuynh hướng Phật giáo Đại thừa Bắc tông như Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản v.v... hay các nước thuộc khuynh hướng Phật giáo Nguyên thủy Nam tông như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia v.v... Tuy mối tương quan liên hệ của từng khuynh hướng, tất nhiên họ cũng có những nét chung nhất và khác nhau tại mỗi quốc gia, có khi trong cùng một quốc gia, họ cũng có những điểm giống nhau và dị biệt. Đó là nguyên nhân phát sinh và tồn tại của các hệ phái, sơn môn như chúng ta thấy ở Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản (khuynh hướng Bắc tông) hoặc Sri Lanka, Thái Lan (khuynh hướng Nam tông) v.v... Điều này cũng xác nhận cho chúng ta thấy trong cuộc sống trên thế giới trần gian này không có một pháp nào tồn tại mà không có những mối liên hệ tương quan của nó với chung quanh.

Do vậy, Phật giáo Việt Nam cũng có những đặc tính của riêng mình trong sự cảm nhận, giao tiếp, tồn tại và phát triển.

Mối tương quan kỳ diệu hay khúc ca bi tráng?

          I.

Năm 936,

Ôi! Bạch Đằng giang

Ôi! Hồn thiêng sông núi, như bừng sáng bốn ngàn năm văn hiến.

Ôi! Ngô Quyền,

Ôi! Anh hùng Đại Việt, như thức dậy giữa ngàn năm nô lệ.

Ôi! Nhân duyên như đã hẹn tự bao giờ?

Nay gặp gỡ giữa con đường kỳ diệu.

Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi thế hệ thứ mười

Mới sản sinh những thiền sư:

La Quý An và Pháp Thuận...

Cùng dân tộc chung nụ cười độc lập!

Và thiền phái Vô Ngôn Thông

Ở thế hệ thứ năm

Mới sản sinh Ngô Chân Lưu để xây nền Khuông Việt.

II.

Kể từ đó, Ngô Quyền mở lối

Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành tiếp nối

Ngân vang bài ca Tổ quốc anh hùng

Dân tộc Việt đời đời bất diệt !

Ôi! Tính đặc thù hay mùa Xuân xanh biếc?

Thiền sư Pháp Thuận “bỏ gậy” Tỳ ni,

Lên thuyền làm người chèo đò tiếp sứ!

Thiền sư Ngô Chân Lưu “quên gốc” Vô Ngôn,

Vào triều chính, nhận Thái sư - bàn quốc sự!

Mà cả hai, cuối đời không tư lự,

Tươi đạo mầu, đẹp pháp Phật ngàn năm

Mở lối mòn, khai mạch sống thậm thâm

Đặt nền móng vững bền VĂN HÓA VIỆT.

3. Một nền văn hóa thẩm mỹ Phật giáo được khơi nguồn

Nét đặc sắc thứ nhất hay tính văn hóa thẩm mỹ độc đáo chỉ riêng Phật giáo Việt Nam có thể sáng tạo và thực hiện đạt kết quả tốt đẹp mà ở nhiều nước Phật giáo khác trên thế giới hoặc không có, hoặc chưa làm được, đó là cùng lúc hoàn thành cả hai nhiệm vụ của một Phật tử, một công dân: phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Nét đặc sắc thứ hai cũng là tính văn hóa thẩm mỹ của Phật giáo Việt Nam là biết đặt lợi ích, hạnh phúc của đạo pháp và dân tộc lên trên tình cảm, tư tưởng, tự ngã (tự ái) của cá nhân hay sơn môn hệ phái.

Trong quyển Lịch sử Việt Nam của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn và xuất bản tại Hà Nội năm 1971 (trang 107) và quyển Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, do Nhà Xuất bản Lá Bối, Sài Gòn, ấn hành năm 1974 (trang 13 đến 37) đều có những ghi nhận tương tự: Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ hậu bán thế kỷ thứ II hoặc sớm hơn, từ thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Dù vậy, trong suốt gần mười thế kỷ đầu, Phật giáo chỉ hành động như Phật giáo đã đến với nhiều quốc gia khác trên thế giới, là truyền bá giáo lý của Phật giáo như một tôn giáo xây dựng niềm tin con người biết hướng đến một tín ngưỡng, hay cao hơn nữa là hướng đến một tâm linh siêu việt nơi chính mình.

Phải đợi đến giữa và cuối thế kỷ thứ X, hai Thiền sư Ngô Chân Lưu và Đỗ Pháp Thuận cùng lúc đã thể hiện được hai đặc tính trên, vừa kế tục xứng đáng chư vị Tổ sư tiền bối là hoàn thiện tâm linh chính mình, nhưng lại cũng đồng thời xóa bỏ tính cục bộ, ranh giới giai cấp và thiền phái, mà cùng đoàn kết, đặt nền móng xây dựng một nếp sống đạo mới, hài hòa trong cộng đồng dân tộc, bảo vệ độc lập tự do, hòa bình và phát triển đất nước, làm tốt đời, đẹp đạo.

Thiền sư Ngô Chân Lưu (933-1011), người thuộc thế hệ thứ 5 dòng truyền thừa của thiền phái Vô Ngôn Thông, được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm Khuông Việt Thái sư. Đến đời vua Lê Đại Hành, Thiền sư vẫn được tiếp tục kính trọng trên cương vị Khuông Việt Thái sư.

Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (915-990), người thuộc thế hệ thứ 10 dòng truyền thừa của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (có lịch sử truyền thừa dày hơn dòng thiền Vô Ngôn Thông ba thế kỷ), là một cao tăng đương thời, tinh thông cả Phật pháp và thế pháp, Nho học và văn học. Thiền sư cũng thường được vua Lê Đại Hành mời vào cung tham khảo về chính trị và ngoại giao với Khuông Việt Thái sư.

Văn học sử có ghi lại giai thoại, cả hai thiền sư đều được vua Lê Đại Hành mời cùng tham gia tiếp đón sứ thần Trung Hoa lúc bấy giờ là Lý Giác. Khi phân công, Ngô Chân Lưu với danh nghĩa là Khuông Việt Thái sư nên đương nhiên được cùng vua tiếp sứ thần trong hoàng cung. Ngược lại, Thiền sư Đỗ Pháp Thuận được phân công làm người chèo đò để rước Lý Giác trên dòng sông vào kinh thành.

Và cả hai thiền sư, với hai vị trí khác nhau, một tiêu biểu giới thượng lưu, một tiêu biểu giới bình dân, đều hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp, với hai bài thơ còn được lưu lại trong nền văn học dân tộc và văn học Phật giáo.

Ngày nay, sau gần một ngàn năm trôi qua, hai bài thơ vẫn được đánh giá như là niềm tự hào không thể nào quên trong buổi đầu khai sinh dòng văn học thành văn ở nước ta (trong hai bài, bài của Đỗ Pháp Thuận chỉ được xem như là một giai thoại).

Bài thơ thứ nhất được ghi nhận khi Đỗ Pháp Thuận đang chèo đò đưa Lý Giác vào kinh đô. Ngồi trên thuyền, nhìn sóng nước mênh mông tươi đẹp dưới ánh nắng hồng, có hai con chim thiên nga bơi lội, bất chợt Lý Giác cảm hứng thành lời:

Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha

Nghĩa là:

Song song ngỗng một đôi

Ngửa mặt ngó ven trời1

Được nghe hai câu thơ bỏ lửng, người chèo đò (Đỗ Pháp Thuận) cũng cảm hứng tức cảnh sinh tình, cất giọng nối vận:

Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo bãi thanh ba

Nghĩa là:

Lông trắng phơi dòng biếc

Sóng xanh chân hồng bơi.[2]

Lý Giác vô cùng ngạc nhiên, vừa thích thú vừa thầm thán phục người chèo đò trên dòng sông vào kinh đô Việt Nam.

Bài thơ thứ hai do vua Lê Đại Hành đề nghị Thái sư Ngô Chân Lưu làm để tiễn sứ thần Lý Giác hồi hương:

Tường quang phong hảo cẩm phàm trương

Thần tiên phục đế hương

Thiên lý vạn lý thiệp thương lãng

Cửu thiên quy lộ trường

Nhân tình thảm thiết đối ly trường

Phan luyến sứ tinh lang

Nguyện tương thâm ý vị Nam cương

Phân minh tấu ngã hoàng.

Nghĩa là:

Gió hòa phất phới chiếc buồm hoa

Thần tiên trở lại nhà

Đường muôn nghìn dặm trải phong ba

Cửa trời nhắm đường xa

Một chén quan hà dạ thiết tha

Thương nhớ biết bao là

Nỗi niềm xin nhớ cõi Nam hà

Bày tỏ với vua ta1.

Bài thơ được sứ thần Lý Giác đón nhận rất thâm tình. Điều này được biểu lộ cũng bằng một bài thơ Đường của Lý Giác gởi lại vua Lê Đại Hành trước khi về nước, trong đó có nhiều câu hay, đặc biệt hai câu kết rất trân trọng tình hữu nghị đối với nước ta:

Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu

Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu.

Nghĩa là:

Ngoài trời lại có trời soi rạng

Vầng nguyệt trong in ngọn sóng đầm1.

Nhân cách, tư tưởng của hai Thiền sư Đỗ Pháp Thuận và Ngô Chân Lưu cùng những dòng thơ hay, đẹp... đã thực sự khơi nguồn cho dòng thi ca dân tộc mà cũng xác định tính thẩm mỹ Phật giáo đời Lý-Trần qua văn chương bắt đầu hình thành, phát triển và tồn tại thiên thu trong nền văn hóa thẩm mỹ của dân tộc...


[1] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB. Lá Bối, Sài Gòn, 1974, tr. 217- 218.

[2] Bản dịch của Mật Thể trong Việt Nam Phật giáo sử lược, tr. 112 -113.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan