Trường phái Dharmaguptaka (Đàm-vô-đức bộ)
- Nguyên tác: M. Kr - Thích Nữ Liên Hiếu dịch
- | Thứ Tư, 13:49 03-01-2024
- | Lượt xem: 3595
Trường phái Dharmaguptaka (Đàm-vô-đức bộ)
Nguyên tác: M. Kr - Thích Nữ Liên Hiếu dịch
Dharmaguptaka (Đàm-vô-đức bộ) (cũng viết là Dharmaguptika; tiếng Pāli là Dhammaguttika), là một trong 18 trường phái của Phật giáo. Người ta tin rằng nó được gọi như vậy là do vị sáng lập trường phái này có tên là Dharmagupta.
Trường phái Đàm-vô-đức thông thường được xem như mạc phái của Mahīśāka (Hoá Địa bộ). Bhavya (Thanh Biện), khi liệt kê trường phái này trong danh sách 10 chi phái của Sthaviravāda (Trưởng Lão bộ), cũng đề cập đến một truyền thống khác mà truyền thống này xếp Dharmagupta là một trong những chi phái của Vibhajjavādin (Phân Tích bộ).
Đề cập đến niên đại nguồn gốc của trường phái này thì không rõ ràng. Bộ luận Kathāvatthu (Những điểm dị biệt) cũng không đề cập đến trường phái này. Trong Abhidharmakusa (Câu-xá luận) có một dữ kiện cho rằng những người theo trường phái Dharmagupta từ chối không chấp nhận các Giới bổn (Prātimokṣa) của bộ phái Sarvāstivāda (Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ) là nguồn tài liệu đáng tin cậy. Các học giả hiện nay đều nhất trí rằng Dharmagupta xuất hiện khoảng thế kỷ thứ II trước TL. Tương tự, cũng không có cứ liệu nào về bia ký cũng như văn bản để xác định địa điểm đặc biệt nào của trường phái này ở Ấn Độ. Mặc dù Huyền Tráng và Nghĩa Tịnh dường như có tìm thấy dấu vết của trường phái Dharmagupta ở vùng Uḍḍiyāna [có lẽ là Udyāna, thuộc Parkistan ngày nay] vào thế kỷ thứ VII, nhưng bằng chứng này không đủ để kết luận Uḍḍiyana là cứ điểm xuất phát của trường phái này. Przyluski cho rằng Dharmagupta có trung tâm ở Tây Bắc. Warder nghĩ rằng nó có nguồn gốc ở nước Aparanta [hiện nay thuộc phía Bắc của tiểu bang Gujarat - Ấn Độ] (Warder, A.K., Indian Buddhism, India, 1970, p. 289).
Những bằng chứng hiếm hoi về trường phái này may mắn có thể được bổ sung bằng các thông tin khác lượm lặt từ văn học kinh điển của trường phái Đàm-vô-đức bộ, một nguồn văn học đáng kể của trường phái này được tìm thấy hiện còn trong ngôn ngữ Trung Hoa. Kinh điển đầu tiên của trường phái Dharmagupta dường như bao gồm 3 phần: Luật (Vinaya), Kinh (Sūtra), và Luận (Abhidharma). Bộ Luật này có 4 phần nên được gọi là Tứ phần luật hoặc Luật bốn phần (Caturvarga-vinaya). Bốn phần đó là: Giới bổn Tăng (Bhikṣu-Prātimokṣa), Giới bổn Ni (Bhikṣunī-Prātimokṣa), Kiền-độ (Khandhaka) và Tăng nhất (Ekottara). Kinh có 5 bộ: Trường A-hàm (Dīghāgama), Trung A-hàm (Madhyamāgama), Tăng nhất A-hàm (Ekottarāgama), Tương ưng A-hàm (Saṁyuktāgama) và Tiểu A-hàm (Kṣudrakāgama). Luận gồm 4 tác phẩm: Sapra’snaka, Aprasnaka, Saṁgraha Saṁyukta và Prasthāna. Paramārtha (Chân Đế) và K’uei-chi cho rằng kinh điển hiện hữu gồm có 5 tạng chính, ngoài 3 tạng như trên đã nói, còn có 2 tạng khác nữa là: một phần đề cập những chuyện tiền thân của đức Phật và một phần nữa bao gồm mật chú (dhāraṇī) hay (mantra). Tuy nhiên, nếu có một kho tàng kinh điển lớn như vậy tồn tại, hẳn nhiên là nó được kết tập sau này và phần lớn ảnh hưởng của Đại thừa (Mahāyāna).
Chúng ta có thể nắm bắt toàn bộ tư tưởng, giáo lý được cho là thuộc trường phái Dharmagupta từ nguồn văn học hiện còn, đặc biệt là các tác phẩm của Ngài Vasumitra (Thế Hữu), Bhavya (Thanh Biện) và Vinītadeva. Một số giáo lý chính của trường phái này như sau:
1. Đức Phật không được xếp vào hàng Tăng đoàn (Saṅgha). Do đó, cúng dường đức Phật có công đức nhiều hơn công đức cúng dường Tăng đoàn.
2. Mặc dù sự giải thoát của đức Phật và đệ tử của Ngài thì giống nhau, nhưng cách chứng đạt thì khác nhau.
3. Ngoại đạo không thể chứng đạt được ngũ thông (abhijñā).
4. Một vị A-la-hán (Arahant) thì hoàn toàn thanh tịnh (anā’srava).
5. Ngay trong cảnh giới chư thiên (deva) Phạm hạnh (Brahma-cariya) cũng có thể được tu tập.
6. Phước đức có được do nhờ tôn kính tháp (stūpa).
7. Chứng đạt chân lý (abhisamaya) xảy ra không phải từ từ mà chỉ xảy ra trong khoảnh khắc.
8. Thông qua thiền định vô tướng (Ānimitta-sāmadhi), thiền giả có thể an trú trong chánh hạnh.
9. Chính các Ngài Vasumitra, Bhavya và Vinītadeva không đồng ý với các điều này. Ví dụ như ngài Vasumitra không chấp nhận điều cho rằng đức Phật không thuộc Tăng đoàn. Hơn nữa, ngài cho rằng giáo lý của Dharmagupta rất giống với giáo lý của Mahāsaṁghika (Đại Chúng bộ). Sự nhận xét này rất có giá trị là vì trường phái Dharmagupta thông thường được xem là đứng về phía Thượng Toạ bộ. Mặc dù trường phái này có nguồn gốc từ Thượng Toạ bộ, rồi sau đó chịu ảnh hưởng rất nhiều tư tưởng của Mahāsaṁghika. Một bằng chứng khác cho việc này là trong kinh điển của bộ phái này có cả mật chú và một điều khác cũng không kém phần quan trọng, đó là bộ phái này cổ xuý việc thờ cúng tháp.
Trường phái Dharmagupta đóng vai trò rất lớn trong việc truyền bá Phật giáo. Như Warder đã chỉ ra (cùng tác phẩm trên, trang 289) họ đã nỗ lực hơn các trường phái khác trong việc truyền bá Phật giáo đến các nước khác. Và trong phương diện truyền bá này, họ thành công nhất, ngoài việc nhờ “thờ cúng” tháp, mà còn sáng chế ra một số phương tiện khác để phổ cập Phật giáo đến những người ưa thích thần bí hơn là triết học. Các Dhāraṇī và Mantra có thể được sử dụng và giúp rất nhiều trong vấn đề truyền bá này. Dường như những người theo trường phái Dharmagupta mang thông điệp Phật giáo theo những con đường thương mại từ Aparanta đến Iran và cùng lúc ấy truyền đến Uḍḍiyāna và sau đó thành lập ở viễn Tây như Parthia (Parkistan), họ theo con đường tơ lụa về phía Đông ngang qua Trung Á đến Trung Hoa. Ở Trung Hoa, Dharmagupta thành một trường phái chính và có ảnh hưởng nhất suốt thời kỳ đầu của Phật giáo Trung Hoa.
THƯ MỤC THAM KHẢO
Bareau, Andrè, Les Sects Bouddhiques du Petit Vehicull.
Dutt, N., Buddhist Sects in India, 1970, Calcutta.
Pachow, W., A Comparative Study of the Pratimoksa, Santiniketan, India, 1955.
Warder, A.K., Indian Buddhism, India, 1970.
Trích dịch từ mục “Dharmaguptaka” của tác giả M. Kr trong Encyclopeadia of Buddhism, tập IV, trang 526-27 do G.P. Malalasekera chủ trương và Jotiya Dhirasekera làm Tổng Biên tập của tập IV (Sri Lanka: Department of Government Printing, 1979).
Các bài viết liên quan
- Trường phái Dharmaguptaka (Đàm-vô-đức bộ) - Thứ Tư, 13:49 03-01-2024 - xem: 3595 lần
- Hạt bụi hồng... - Chủ Nhật, 07:27 03-03-2019 - xem: 4790 lần
- Tư tưởng Phật giáo và bản sắc văn học thời Lý - Trần - Thứ Tư, 08:37 05-12-2018 - xem: 3560 lần
- Giới Tăng sĩ của Phật giáo trong Liêu trai chí dị - Thứ Sáu, 08:05 29-06-2018 - xem: 4505 lần
- Tinh thần Bồ-tát đạo trong thơ cố Ni trưởng - Thứ Hai, 13:06 17-04-2017 - xem: 5699 lần
- Vào Thu đọc thơ Nguyễn Du: Hai bài thơ mang tên Thăng Long của Nguyễn Du - Thứ Ba, 08:17 04-10-2016 - xem: 5475 lần
- Từ Quốc tộ đến bài thơ Thần: Tinh thần và sự đóng góp của Phật giáo VN cho nền văn hiến và lịch sử Dân tộc VN - Thứ Sáu, 14:09 05-02-2016 - xem: 9555 lần
- Lời ngỏ Đuốc Sen 24 - Chủ Nhật, 03:21 24-05-2015 - xem: 6970 lần
- Khuynh hướng xuất thế và nhập thế của Thiền sư Mãn Giác - Thứ Bảy, 23:02 28-02-2015 - xem: 4169 lần
- Lời ngỏ Đuốc Sen 22 - Thứ Sáu, 12:05 01-08-2014 - xem: 6439 lần
- Đôi điều nhận định về Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử - Thứ Sáu, 22:03 13-12-2013 - xem: 4777 lần
- Đóng góp của Minh vương Nguyễn Phúc Chu đối với Phật giáo ở Đàng Trong - Thứ Sáu, 22:17 01-11-2013 - xem: 12085 lần