Tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM), sáng 1/7/2025 (7/6/Ất Tỵ), HT. Minh Bửu – UVTT HĐTS, UVTT Ban Tăng sự TƯGH, Phó ban Ban Thường trực Giáo phẩm kiêm Trưởng ban Tăng sự Hệ phái PGKS, đã có buổi giảng thuyết giảng thứ 2 cho hành giả an cư về chủ đề “Thiền đông độ”.
Mở đầu buổi giảng, Hòa thượng nói về các vị tu tập đạt được sơ quả trở lên thì có được phong thái tự tại, giải thoát, vì các vị đã tỏ ngộ được chơn tâm bổn tánh, thấy rõ được thật tướng của pháp. Pháp ở đây được Hòa thượng giải thích là pháp giới. Trong đó, nói về tâm tính tình cảm của ta là pháp giới hữu tình; nói về vạn vật thì là bản thể của võ trụ; nói về tâm thức con người là bản giác của chúng sanh.
“Khế kinh có nói rằng: ‘Lắng vọng tưởng là thể vô sanh’, học thiền là thấu rõ được bản giác vô tướng, vô vị, không có nơi trú xứ, mà tự nhiên mình diễn bày, chứng minh, khai thị thì hơi khó cho người học và tu”, Hòa thượng nhận định.
Mắt thì không thấy sắc khi tâm không tác ý, khởi tình, do trú chấp mà có phân biệt, có phân biệt mới có đúng sai, phải quấy, chơn vọng, chánh tà, cộng với tâm thức khôn khéo, vọng phân biệt ấy cho rằng đây là tà pháp, đây là chánh pháp, cái này là ác, là đọa, cái kia cao thượng, nên có tâm thủ xả. Hòa thượng nhấn mạnh rằng, khi có tâm thủ xả thì còn dính mắc, còn khi có được tánh chơn như tự nhiên như như, không thể có cái tâm nhị nguyên phân biệt sanh khởi, chỉ thấy như nó là.
Cũng như, “Nhất thiết tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ” (Tất cả kinh điển của Đức Phật như ngón tay chỉ mặt trăng – trích Kinh Viên Giác). Nhân nơi ngón tay mà nhận rõ được bản giác. Hòa thượng chia sẻ, tất cả chủng tử thiện ác, chánh tà, chơn vọng đều trong A-lại-gia, khi chủng tử hiện hành thì biết mà không theo, nên Hòa thượng nói về pháp “Tri vọng biết vọng, biết vọng lìa vọng” của Hòa thượng Trúc Lâm là pháp tu như vậy. Khi không theo thì không tạo nghiệp, đúng như một vị thiền sư dạy “hồn nhiên tiêu nghiệp cũ”.
Qua đây, Hòa thượng chia sẻ cách tu cho đại chúng qua lời dạy của một vị thiền sư: “Hãy để tâm như hư không, chẳng ngại thánh phàm qua lại trong ấy, như lòng gương chẳng ngại vì mình dù xấu hay tốt, sạch hay dơ. Vì lòng gương với hư không vốn dĩ vô tâm. Cho nên, khi vọng thánh hay phàm đều là giả sanh giả diệt, có niệm mà thật đâu mà bận lòng đối kháng”. Vì niệm ban sơ là sự phản quang của tự tánh, nó là ánh sáng quang minh, còn cái niệm của chúng ta khởi lên là có trú chấp, do tưởng suy, dẫn dắt mình đi.
Nhiều đời chúng ta sanh tâm tạo tác tạo thành tập khí, chấp hiện tượng rồi khi chủng tử thói quen trồi đầu thì mình lại bất minh bất giác. Qua đây, Hòa thượng lấy hình ảnh sóng tức là nước để làm rõ vấn đề, bản thể cũng là hiện tượng, giác với mê tuy hai mà một, khác nào sóng với nước không hai, chớ nên vọng chấp bên ngoài, trở về tự tánh chứng ngay tại lòng.
Cái tu của thiền tông là cái tu trực ngộ, trực giáo, còn Kinh Kim Cang, Bát Nhã là đốn giáo. Hòa thượng chia sẻ, sở dĩ người tu không đồng căn cảnh là tại bản thân nhiều đời sanh tâm, nghiệp nặng, vọng tình, sống thủ tâm ý quá. Vậy nên, hiện tại “không sợ tham sân khởi chỉ sợ giác ngộ chậm” (Kinh Lăng Nghiêm).
Hòa thượng cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Trong khi tu tập đạt được chút an lạc, thanh tịnh, tĩnh lặng không nên trú chấp vào đó, không phải là cứu cánh, chỉ giới hạn. Tâm ý mà nắm bắt, cảm thấy, nhận ra cái thanh tịnh, ý niệm trú chấp thanh tịnh thì không có thánh thiện, viên mãn, hoàn thiện. Vậy nên, Krishnamurti đã nói rằng ‘chỉ có thanh tịnh thật sự khi tâm ý chết hẳn đi cái ý niệm’, Tổ Tăng Xán thì nói rằng ‘ngăn động mà cầu tịnh, hết ngăn nó động thêm’.”
Thời gian còn lại của buổi giảng, Hòa thượng kể lại giai thoại của Tổ Bồ-đề Đạt-ma với Vua Lương Võ Đế, để chỉ rõ cho đại chúng sự khác biệt giữa phước báu và công đức: “Nhân hữu lậu không thể diễn tả được tâm vô lậu; phước báu, phước đức không thể là duyên cho chấm dứt sanh tử, bởi vì còn nhân hữu lậu. Cũng như, muốn có Niết-bàn, nghĩ về Niết-bàn cũng là vọng tâm sanh khởi, bản thể không thể chứa những ý niệm so sánh, hơn thua, cao thấp, phải quấy… Cho nên, Lục Tổ mới nói rằng: ‘Thương ghét chẳng để lòng, nằm thẳng đôi chân nghỉ’.”
Một số hình ảnh được ghi nhận: