CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Hành trình tri ơn!

 Dâng quà cúng dường bày tỏ niềm tri ân Giáo thọ sư

20 tháng 11 hàng năm là dịp để các thế hệ học trò, dù tóc xanh hay đã bạc màu đều nhớ nghĩ về công lao giáo dưỡng của thầy cô. Bởi lẽ, tôn sư trọng đạo từ lâu đã trở thành nét son trong truyền thống của dân tộc Việt. Tôn vinh sự nghiệp trồng người, tôn vinh những người lái đò chở con thuyền tri thức luôn là điều hợp với đạo lý người đời. “Trọng thầy mới được làm thầy”. Câu thành ngữ ấy chuyên chở đạo lý sâu sắc mà hàm nghĩa cả một triết lý căn bản trong giáo lý nhà Phật: thuyết nhân quả nghiệp báo.

Đức Phật đã xem lòng biết ơn như phẩm cách của một bậc chân nhân. Ngài cũng chỉ rõ, ân Tổ Thầy là một trong tứ trọng ân của người con Phật. Lời dạy đó khế hợp với lẽ đời, lẽ đạo, dệt nên những câu chuyện đậm chất nhân văn về đạo nghĩa thầy trò.

Ni sư Hương Nhũ chia sẻ đạo từ

Thật vậy, dù ở môi trường nào (ngoài đời hay trong đạo),  thì vai trò của người thầy cũng hết sức quan trọng, góp phần hình thành nên nhân cách của các thế hệ học trò. Người thầy thế học truyền trao tri thức khoa học và mang theo trong từng con chữ ấy là cách nhìn, cách nghĩ, cách sống ở đời. Học trò không chỉ nhận kiến thức từ thầy, mà còn cảm nhận một cách trọn vẹn nguồn năng lượng thầy đã thổi hồn vào từng tiết giảng. Năm tháng đi qua, dấu ấn về người thầy in lên nhân cách những thế hệ tương lai. Dấu ấn ấy sẽ theo học sinh suốt cả cuộc đời. Do đó, người thầy trở thành bậc mô phạm giữa đời, là tấm gương sáng để người học trò học hỏi và ứng dụng vào đời sống hằng ngày.Cái tâm của người thầy chính là sự thể hiện nhân cách sống đạo đức, thấm nhuần đạo lý nhân quả qua sự chỉ dạy cho học trò, vì lợi ích của cộng đồng xã hội.

Nếu người thầy thế học cho ta cuộc sống đời thường thành đạt thì Ân sư chỉ cho ta con đường hướng thượng, không chỉ trong đời này mà cả đời sau đều được hạnh phúc an vui. Mục đích của giáo dục thế học là truyền đạt tri thức, là dạy nghề, dạy người. Ở một tầng bậc cao hơn, mục đích của giáo dục Phật học, tâm nguyện của người Thầy tâm linh là hướng đệ tử đi trên con đường giác ngộ, giải thoát !

Chư tôn đức cắt bánh tri ân

Chúng con thật hạnh phúc khi đủ duyên lành được là học viên của Khoa PHTX Học viện PGVN tại TP.HCM. Hơn một năm qua, chúng con đã nhận được rất nhiều sự giáo dưỡng từ quí Giáo thọ sư ở Học viện. Mỗi vị một hạnh duyên khác nhau. Nhưng điểm chung vô cùng trân trọng và kính ngưỡng ở quý Ngài, đó là lòng từ bi và trí tuệ, hai yếu tố không thể thiếu ở các bậc xuất gia Phạm hạnh. Từng lời giảng là từng lời mở khai trí huệ, đưa chúng con, từng ngày, gần hơn với giáo pháp của đức Thế tôn. Pháp học thâm sâu, sự nhiệt tình vô điều kiện của quý Ngài trong cẩn trọng giảng giải từng trang kinh, từng lời Phật dạy là tấm gương tuyệt vời cho chúng con trên bước đường tu nhân học Phật.

Mùa tri ơn năm nay, Khoa Phật học từ xa (Học viện PGVN tại TP.HCM) , dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa Trưởng khoa Thích Giác Hoàng, đã có một hành trình tri ơn ngập tràn hỷ lạc trong hai ngày 19 và 20/11/2022.  Ngày 19/11, toàn khoa đã dự lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức long trọng tại cơ sở 2 của Học viện. Sau buổi lễ, chiều ngày 19 và trọn ngày 20/11 là hành trình đến các trú xú của chư Tôn đức và một số vị giáo thọ đang giảng dạy tại Học viện.

Dâng lời tác bạch Giáo thọ sư

Tại mỗi điểm đến, Thượng tọa Trưởng Khoa đã thay mặt đoàn nêu rõ mục đích, ý nghĩa của chuyến đi, giới thiệu trân trọng những đóng góp của chư Tôn đức tại Học viện; Tăng Ni sinh và cư sĩ học viên đại diện đoàn tác bạch kính dâng lời tri ơn; cả đoàn được lắng nghe những lời sách tấn sâu sắc, cảm động và hết sức tâm huyết từ chư Tôn đức. Thật phúc duyên cho những ai có cơ hội được tham gia trọn chuyến hành trình này. Chuyến đi không chỉ thuần túy là để thể hiện lòng tri ơn. Hơn thế nữa, đó còn là cơ hội trải nghiệm học, tu và hành đạo vô cùng quý báu từ các bậc thầy, từ các bạn đồng học. Trong phạm vi bài viết này, con xin phép ghi lại đôi dòng cảm nhận trong ngày thứ hai của hành trình - ngày 20/11/2022 (vì ngày thứ nhất  rất tiếc là không đủ duyên tham gia).

Tăng Ni sinh dâng quà cúng dường TT. Thích Tâm Đức

Điểm đến đầu tiên trong ngày là Pháp viện Minh Đăng Quang (TP. Thủ Đức). Đây là trung tâm văn hóa giáo dục, tu học, hoằng pháp của hệ phái Khất sĩ tại TP.HCM. Hòa thượng Thích Giác Toàn, trụ trì Pháp viện hiện là bậc Tôn túc của Giáo hội và hệ phái Khất sĩ. Đặc biệt, Ngài cũng là một trong những vị có nhân duyên gắn bó, đồng hành với các bậc tiền bối hữu công của nền giáo dục Phật học Việt Nam đương đại, như cố Trưởng lão HT. Thích Minh Châu. Những năm trước đây, trong vai trò Phó Viện trưởng thường trực Học viện, Ngài cũng đã cùng với HT. Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện PGVN tại TP.HCM chung sức chung lòng xây dựng và phát triển Học viện ngày càng lớn mạnh như hôm nay.

Hòa thượng Thích Giác Toàn ban huấn từ
Dâng hoa tri ân Chư tôn đức

Giữa ngôi phạm vũ uy nghiêm, trước gần hai trăm Tăng Ni sinh và cư sĩ học viên, Người ngồi đó, hiền từ, gần gũi, thân thiết. Ngài đã kể cho chúng con nghe về người thầy giáo dạy lớp vỡ lòng, người thầy có ảnh hưởng hết sức sâu sắc trong cuộc đời Hòa thượng. Từ một việc tưởng chừng nhỏ nhặt, đơn giản như dạy cách trị chứng nói đớt một số âm cơ bản (l, r ) do thói quen phát âm của người dân miền Tây Nam bộ đến việc kể các câu chuyện về những tấm gương tốt trong cuộc sống, và đặc biệt là khuyến khích học trò ăn chay. Không chỉ dạy chữ, thầy còn dạy người. Và chắc chắn, nhân duyên xuất gia của Hòa thượng, có một phần từ việc dạy học trò cách sống thiện lành của người thầy đáng kính ấy. Đó là người thầy thế học mà Hòa thượng một đời ơn nặng. Mỗi lần có duyên được nghe Hòa thượng trò chuyện, con vẫn nhớ là Người hay nhắc đến vị thầy của mình với những lời kể ân tình, với ánh mắt tươi vui, hoan hỷ. Người thầy của hơn 60 năm trước như vẫn sống mãi trong niệm tri ơn của người học trò nhỏ, nay đã là bậc trưởng thượng chốn tòng lâm !

Buổi viếng thăm Hòa thượng chỉ vỏn vẹn khoảng 30 phút, nhưng chúng con đã học được ở Ngài những bài học vô cùng sâu sắc. Qua những mẫu chuyện ấy, chúng con trân quí vô cùng hạnh biết ơn và báo ơn của Hòa thượng. Từ sự trải nghiệm bản thân ở vị trí người học trò nhỏ, Người còn dạy chúng con một bài học khác, cũng hết sức quí báu: người học trò, nếu biết kính quí, biết “sợ” thầy, sẽ dễ dàng nhận ra và sửa chữa lỗi lầm ! Bài học tưởng chừng giản đơn mà hành trì cả đời xem chừng không đơn giản. Những ai làm được điều đó, người ấy sẽ thành công trong cuộc sống, trong bước đường tu học. Hòa thượng chính là tấm gương quí báu về điều này cho chúng con.

Tăng Ni sinh dâng quà Ni sư Thích Nữ Hằng Liên

Cũng tại Pháp viện, chúng con đủ duyên được đảnh lễ tri ơn Ni sư Hằng Liên, giáo thọ môn Thiền học đại cương. Những bài giảng của Ni sư luôn đem đến cho chúng con những hiểu biết mới mẻ, sâu sắc về pháp tu này. Nhìn cách Ni sư giảng, nghe những điều Ni sư truyền đạt, con có cảm giác, hành và dạy thiền, đó là sự nghiệp, là hạnh nguyện mà Ni sư một đời đam mê và nhiệt huyết hành trì. Thật hạnh phúc khi được là học trò của những người Thầy luôn hết lòng truyền trao sở học, sở hành cho bao thế hệ môn đồ đệ tử. Chúng con rời Pháp viện trong một sáng mưa phùn lất phất, nhưng lòng ấm lên tình nghĩa thầy trò.

Điểm đến thứ hai là tịnh xá Ngọc Điểm (Bà Điểm - Hóc Môn), trú xứ của Ni sư Hiếu Liên, giáo thọ môn Cổ ngữ Pali và môn văn học Pali. Chúng con vẫn ấn tượng với giọng nói nhẹ nhàng, từ ái của Ni sư trong các buổi học. Từng tích truyện trong kinh Pháp cú, những bài kệ trong các tập kinh qua lời giảng của Ni sư như đưa chúng con về 26 thế kỷ trước, thời đức Phật và các vị Thánh đệ tử của Ngài còn tại thế. Những bài học rút ra sau mỗi trang kinh, ngày từng ngày, nuôi lớn đạo tâm chúng con trên bước đường tu học.

Tri ân Giáo thọ Ní sư Hiếu Liên

Rời Ngọc Điểm, chúng con về chùa Huệ Quang (Củ Chi), nơi hành đạo của Thượng tọa Chơn Minh (Phó Viện trưởng Học viện, Trưởng khoa Lịch sử Phật giáo, giáo thọ môn Lịch sử Phật giáo Ấn Độ). Ngôi chùa tọa lạc giữa một vùng nông thôn yên bình. Những bước chân của đoàn gồm hai trăm Tăng Ni và cư sĩ học viên trên đoạn đường hơn 500 mét dẫn vào chùa là một sự kiện đặc biệt ở vùng đất này trong buổi sáng hôm ấy. Điều chúng con vô cùng ấn tượng là thư viện sách khổng lồ của Thượng tọa tại trú xứ. Ngài tiếp chúng con với nụ cười hoan hỷ. Không khí buổi thăm viếng thật vui vẻ và ấm áp.

Thượng tọa Thích Chơn Minh chia sẻ đạo tình

Điểm đến thứ tư là chùa Từ Mãn (cũng ở Củ Chi), nơi Thượng tọa Thích Viên Trí (Phó Viện trưởng Học viện, Trưởng khoa Triết, giáo thọ môn Khái luận Phật học) làm Trụ trì. Ngài là một trong những bậc thầy lớn tại Học viện. Hôm ấy, chúng con đã được nghe một thời Pháp ngắn từ Thượng tọa. Chúng con như vỡ òa khi nhận ra những ý Pháp cao sâu, quen thuộc được Ngài chuyển tải bằng cách nói hết sức cụ thể, thiết thực pha chút nét dí dỏm, hài hước. Chúng con sẽ mãi khắc sâu trong tâm lời nhắc nhở của Ngài: Mục đích của người học Phật là để giải thoát khỏi tham, sân, si, phiền não. Kết quả của việc học Phật, tu Phật là có được hoa trái của an lạc, hạnh phúc ! Ngài đọc lại cho chúng con nghe câu thần chú quen thuộc “Cái này không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta !” Chúng con ra về, nhưng dư âm ấm áp, tràn đầy hỷ lạc trong ngôi chùa nhỏ nhắn, yên bình ấy vẫn còn đọng lại trong tâm thức. Cảm động và nhớ mãi vị ngon từ phần lương thực buổi trưa Thượng tọa đã chuẩn bị cho cả đoàn !

Thượng tọa Thích Viên Trí chia sẻ đạo tình thầy trò

Rời chùa Từ Mãn, chúng con trở lại Sài Gòn, đến chùa Kỳ Quang 2 để viếng thăm và đảnh lễ Thượng tọa Thích Quang Thạnh (Phó Viện trưởng, Tổng Thư ký Học viện PGVN TP HCM). Thật ấn tượng khi lần đầu tiên được đến ngôi chùa nguy nga, có kiến trúc độc đáo nằm giữa lòng thành phố. Tại đây, chúng con đủ phước duyên được nghe những lời sách tấn hết sức tâm huyết từ một bậc thầy, với trọng trách của một vị trong Hội đồng điều hành Học viện. Ngài đã ôn lại công ơn của chư Tôn đức trong việc xây dựng và phát triển Học viện, trong đó có nhân duyên thành lập khoa Phật học từ xa từ năm 2009. Vị Trưởng Khoa, người lãnh đạo trực tiếp khoa này từ khi thành lập đến nay là TT. Thích Giác Hoàng, người đã dốc tâm sức chăm sóc cho sự phát triển của Khoa về mọi mặt. Thượng tọa Quang Thạnh đã ân cần dặn dò Tăng Ni sinh và cư sĩ học viên tinh tấn học Phật, tu Phật để góp phần truyền bá Chánh Pháp, ứng dụng sâu sắc lời Phật dạy trong cuộc sống, trong tu tập, đem đạo vào đời, thực hiện vai trò của vị sứ giả Như Lai. Ngài cũng đã bày tỏ niềm xúc động về chuyến viếng thăm đậm nghĩa thầy trò hôm ấy !

Thượng tọa Quang Thạnh chia sẻ huấn từ
Đại diện Tăng Ni sinh dâng lời tác bạch

Chúng con tiếp tục điểm thứ sáu trong hành trình tri ơn ngày 20/11, đó là chùa Long Hưng (quận Bình Tân), nơi Ni sư Diệu Hiếu đang tu tập và hành đạo. Chúng con không chỉ học môn cổ ngữ Pali với Ni sư, mà còn được học nhiều ý Pháp thâm sâu trong nền văn học Pali, đặc biệt là những bài học về Tâm từ qua bài giảng, qua thân giáo của Người.

Tri ân Giáo thọ Ni sư Diệu Hiếu

Điểm cuối cùng trong ngày là chùa Giác Ngộ (Quận 10), trú xứ của Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng thường trực Học viện. Thượng tọa là vị góp phần quan trọng trong việc thiết kế chương trình đào tạo của các Khoa tại Học viện. Ngoài ra, Ngài còn trực tiếp giảng dạy nhiều môn cho các Khoa chính qui và Khoa Phật học từ xa.

Thượng tọa Thích Nhật Từ ban huấn từ

Dù sắp đến giờ tổ chức chương trình “Tri ân người khai sáng” do Tăng đoàn chùa Giác Ngộ thực hiện ngay tối hôm ấy, nhưng Ngài cũng từ bi dành thời gian để tiếp đoàn. Chúng con như được tiếp thêm nhiệt huyết học và tu khi được nghe những lời sách tấn từ Thượng tọa. Ngài đã điểm qua quá trình phát triển của Học viện qua các thời kỳ để chúng con hiểu sâu sắc hơn công lao của chư Tôn đức qua nhiều thế hệ. Qua đó, Ngài cũng khẳng định vai trò to lớn của Giáo dục Phật học nói chung và vai trò của Học viện nói riêng trong sự nghiệp đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam.

Với Tăng Ni sinh và cư sĩ học viên của Khoa, Thượng tọa động viên mọi người vượt qua khó khăn, nỗ lực học tập và đẩy mạnh nghiên cứu. Ấn tượng nhất là việc Ngài khuyến tấn học viên khóa 6 phấn đấu đạt tốt nghiệp 70 phần trăm vào cuối khóa. Ngài cũng tán thán tinh thần của Khoa trong mùa tri ơn 20 tháng 11 năm nay “là khoa duy nhất, đông nhất, đi thăm và đảnh lễ tri ơn chư Tôn đức và giáo thọ sư nhiều nhất”. Đây cũng là niềm khích lệ cho chư Tôn đức trong Hội đồng điều hành Học viện.

Thay mặt Khoa Phật học từ xa, Thượng tọa Trưởng Khoa đã hướng dẫn sinh viên khóa 6 cam kết tốt nghiệp 70 phần trăm như lời sách tấn của Thượng tọa Phó Viện trưởng thường trực Học viện.

Tri ân Chư tôn đức Giáo thọ sư

Mùa tri ơn 20 tháng 11 đã chính thức khép lại nhưng chắc chắn, dư âm của những ngày vừa qua, sẽ mãi là những tình cảm, những kỷ niệm sâu sắc của chúng con trong những năm tháng ngồi học ở mái trường Học viện. Chúng con đã có được quá nhiều lợi lạc trong hành trình tri ơn hai ngày vừa qua. Bởi lẽ, có trực tiếp đến thăm, đảnh lễ Tam Bảo, đảnh lễ chư Tôn đức nơi trú xứ của các vị, mới cảm nhận một cách trọn vẹn, sâu sắc cái tâm, cái tình trong đạo nghĩa thầy trò. Những lời sách tấn của quý Ngài mang sức nặng của một đời tu tập, đầy tâm huyết và trọng trách của những bậc thầy nơi chốn tòng lâm.

Tri ân Thượng tọa Thích Bửu Chánh

Chúng con thành kính tri ơn Thượng tọa Trưởng khoa, nhà thiết kế, nhà tổ chức, nhà hướng đạo cho Khoa về tất cả. Xin niệm ơn sự nhiệt huyết đến mức cao nhất có thể của Ban cán sự liên khóa trước và trong hành trình tri ơn. Xin niệm ơn sự có mặt cho nhau của tất cả chúng ta trong chuyến đi nhiều dấu ấn này.

Tri ân Thầy Trọng Hạnh

Nguyện cầu sự nghiệp giáo dục Phật học của nước nhà ngày càng đạt nhiều thành tựu. Ngưỡng mong Học viện PGVN TP HCM từng bước vươn cao và vươn xa trong sự nghiệp đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam.

Thắp nến tưởng niệm Cố Hòa thượng Thích Minh Châu

Thành tâm đốt nén tâm hương kính dâng cố Trưởng lão HT Thích Minh Châu và nhiều bậc chư Tôn đức khác vì những cống hiến to lớn của quý Ngài cho sự nghiệp giáo dục Phật học nước nhà.Thành tâm kính chúc các bậc thầy của chúng con sức khỏe miên trường, thành tựu trong tu tập, trong việc tiếp nối con đường mà các bậc tiền bối đã khai mở…..

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: