CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Có và Không

Chơn lý số 6

CÓ VÀ KHÔNG        

Vũ trụ tức là vô minh

Không gian võ trụ mông mênh vô cùng.

Trong võ trụ có hữu tình,

Tứ đại vạn vật gốc sinh muôn loài.

Chúng sanh là thức trong ngoài,

Các pháp là sự đổi thay vô thường.

Pháp là gồm đủ sự làm,

Lời nói, ý tưởng, thọ tình trí khôn.

Cái không là cái bao trùm,

Các pháp, vạn vật gồm chung muôn loài.

Vạn vật trong xác thân này,

Chúng sanh sự sống, pháp là thức nuôi

Xác thân sự sống có rồi,

Các pháp điều kiện để nuôi trí thần.

Pháp có lý sự cân phân,

Lý nuôi trí, sự nuôi thân rõ ràng.

Lý có ác thiện hai đàng,

Sự có thiện ác, nhịp nhàng phân minh.

Có không thiện ác khởi lên,

Chúng sanh chịu khổ vọng duyên mê tình.

Đức Phật vì thương chúng sanh,

Chỉ pháp phương tiện, lý tình phá mê.

Chỉ đường giác ngộ trở về,

Khêu đuốc trí huệ, chuyển mê bạt sầu.

PHÁP là phương pháp gồm thâu,

Việc làm là pháp hàng đầu của thân.

Pháp trí lời nói cân phân,

Pháp tâm thọ tưởng biết lần hiểu ra.

Việc làm sanh sự nghiệp nhà,

Lời nói sanh trí huệ là sáng thông.

Thọ sanh quả linh thần thông,

Các pháp diệu dụng có trong cuộc đời.

Lý, thể, tướng, dụng có rồi,

Cái có hình dạng THỂ nơi pháp hành.

Khác nhau hình dạng TƯỚNG sanh,

Tác dụng, cử động DỤNG hành lợi tha.

Lý của pháp lại chính là,

Hư nên, còn mất khi ta thực hành,

Tốt xấu, dơ sạch, bại thành,

Thấp cao, đen trắng chỉ rành phân minh.

Pháp vốn không, bởi chúng sanh,

Xúc đối vạn vật, nên thành pháp nương.

Vì mê tríu, khổ trăm đường

Phật thương mới dạy các phương tu hành.

Bày ra các pháp thiện thanh,

Cho người giải thoát kiếp sanh khổ sầu.

Chớ tự tánh có pháp đâu,

Bổn pháp tự tánh ban đầu là không.

Chấp có bị mắc vào vòng,

Địa ngục, vật chất khó trông thoát nàn.

Pháp Phật dạy muốn bình an,

Bỏ vật chất, nâng tinh thần lên cao.

Coi nhẹ thân xác huyễn bào,

Sống bằng lý trí, ngại nào gian truân.

Sống mà mê tríu xác thân,

Khổ, lo, rầu, sợ tinh thần giảm suy.

Thì sự sống có ích gì ?

Đam mê vật chất khổ nguy tinh thần.

Nếp sống thiện chánh cao thanh,

Đem thân phụng sự chúng sanh muôn người.

Sống giá trị, ích lợi đời,

Giá trị ấy, chính pháp người thượng nhân.

Pháp bảo trừ pháp hại trần,

Pháp quý trừ pháp độc, cần siêng tu.

Không thân vật chất ban đầu,

Tinh thần không có lấy đâu sống đời.

Xét lại khi mất thân rồi,

Còn có trí, cái sống đời là tâm.

Như cây, hoa, lá chỉ cần,

Un đúc hột giống để phần về sau.

Thân ta cũng vậy khác nào,

Các pháp, cái có hướng vào tâm thôi,

Tâm là hạt giống loài người,

Phải lo nuôi dưỡng đến hồi có tâm.

Hơn là quý trọng xác thân,

Tríu mến vật chất tăng phần khổ đau.

. Vạn vật có sức làm cho chúng ta phải tham lam độc ác,

khổ phạt lấy mình.

. Chúng sanh năng làm cho chúng ta phải sân giận độc ác,

khổ phạt lấy mình.

. Các pháp hay làm cho chúng ta phải say mê độc ác,

khổ phạt lấy mình. [1]

Vạn vật chính là thân phàm,

Pháp ác là trí, tâm phàm chúng sanh.

Bằng muốn có, nên đổi thành,

Các món tốt đẹp giữ gìn thương yêu.

Thân mình gồm đủ ba điều,

Tham là chân ác, sân si đầu mình.

Ba thể ấy hiệp lại thành,

Toàn thân thể ác đầu mình tay chân.

Bằng như lấy giới thiện lành,

Định huệ hiền thiện, làm chân mình đầu,

Ba thể ấy đẹp biết bao,

Giữ giới vạn vật phô màu thanh lương,

Thiền định chúng sanh miên trường,

Có trí huệ, các pháp thường sạch trong.

Đủ giới định huệ linh thông,

Thân hình tốt đẹp theo dòng thời gian.

Giới định huệ là thân vàng,

Chơn lý võ trụ tinh đàng cõi không.

Cái không là bà mẹ chung,

Là tính trường cửu, thường hằng không không.

Tam độc là khổ, nên không,

Tam học là có, tính đồng vui an.

Lẽ vui xuôi thuận con đàng,

Lẽ khổ trái ngược, không an kiếp người.

Tiến là chơn lý cuộc đời,

Giới định huệ, kết quả thời, không gian.

Kết tụ tinh túy việc làm,

Thành bậc giác ngộ, con ngoan, cha lành.

Phật thân giới định huệ sanh,

Là người quý báu, đắc thành toàn năng.

Vạn vật, các pháp, chúng sanh,

Do Ngài chăm sóc, thay quyền hư vô.

Võ trụ, tạo hóa cơ đồ,

Kho tàng bất tận, hưởng nhờ tự nhiên.

Về thuyết có chỉ cho rằng,

Tứ đại, không có sống đời tự nhiên.

Vạn vật chúng sanh đối duyên,

Các pháp thay đổi tự nhiên tương đồng.

Không chi là chết và không,

Chúng sanh có sống theo dòng nhân duyên.

Sự sống mọi vật chuyền chuyền,

Mạnh yếu, yếu mạnh theo duyên vận hành.

Khoảng đường trước mặt tiến trình,

Thay đổi tiến hóa do mình chậm nhanh.

Chiều hơn sáng, kiếp tới sanh,

Chắc sẽ thành tựu đắc thành hơn nay.

Vô thường tương đối đổi thay,

Cho ta bài học rất hay trong đời.

Vô thường rồi đến thường thôi,

Tương đối, tuyệt đối một đôi vận hành.

Cảnh đời hết bại đến thành,

Nhờ cảnh tương đối chúng sanh biết nhiều.

Tiến hóa tốt đẹp tối cao,

Thì hạnh phúc hay khổ đau sự thường.

Sống đời có thiện, huệ, chơn,

Thì thường trong cái vô thường hiển nhiên.

Tuyệt đối có tương đối liền,

Giác ngộ tất cả bình thường mà thôi.

Khen ngợi, tán dương cũng rồi,

Chê bai chỉ trích nước trôi theo dòng.

Được thua chớ vội phê bình,

Biết đâu mình lại phản mình ngày mai.

Chúng sanh giẩy giụa than hoài,

Cho rằng tạo hóa chẳng hay công bằng.

Tham không thỏa mãn than van,

Không nhận sự dốt, không an phận mình.

Chơn lý tuyệt đối công minh,

Tạo duyên tiến hóa giúp mình hiểu ra.

Võ trụ sanh, nuôi, dạy ta,

Cứu giúp nâng đở để mà tiến lên,

Thấy thường trong cái vô thường,

Như nhờ ly bể tìm đường kiếm mua.

Gặp được ly đẹp hơn xưa,

Mở mang kiến thức, ly vừa ý hơn.

Nhờ sự mất bể đêm hôm,

Không bị kẻ trộm rình tìm hại thân.

Việc đó cho ta biết rằng,

Nếu mãi cố chấp, không bằng người ta.

Đã thiệt thòi, lại xấu xa,

Mà còn nguy hại, mạng ta không còn.

Vật chỉ đổi hình tốt hơn,

Sự thay đổi ấy, là đường tiến lên.

Đừng tham, đừng khổ không bền,

Sự thay đổi, chỉ gạt ngầm người mê.

Ly tuy mất sẽ trở về,

Trong hình dáng khác, không hề mất đâu.

Sẽ tốt đẹp hơn buổi đầu,

Tham mê, cất giữ cũng đâu được gì.

Chỉ thêm dốt nát tham si

Người tài trí, biết tránh đi lạc lầm.

Vậy ta nên nhớ cho rằng

Có ta có của, băn khoăn làm gì ?

Đồ vật đâu có mất đi

Rồi sẽ có lại, có gì phải lo

Đồ vật thay đổi để cho

Không nhàm chán, khỏi sợ lo giữ gìn.

Một người nghèo khó bệnh tình,

Biết mình sắp chết động tình nghĩ suy,

Nếu muốn sống, hết nghèo thì,

Phải làm ác, phải cướp đi của người.

Đừng thương ai, thương thân thôi,

Nhưng bệnh quá nặng, biết rồi làm sao.

Sau khi chết sẽ ra sao,

Tài sản sẽ mất, cảnh nào tái sanh.

Định rằng lựa chỗ giàu sang,

Làm người giàu có, không tham làm hiền.

Tu nhân, tích đức tạo duyên,

Giúp đở người khác, sống hiền yên vui.

Nghĩ suy cạn lẽ thế rồi,

Mong chết nghèo khổ, sống đời giàu sang.

Mỗi lần đổi kiếp tiến lên

Cho đến cảnh giới cao trên Phật trời.

Bỏ cái lạc lầm kiếp người,

Bỏ điều tham ác, bỏ đời trầm luân.

Cho đến các pháp xoay vần,

Cũng vẫn là có, cảnh trần có ta.

Như ông thầy giáo đã già,

Đem sự học, mười quyển sách ra dạy trò.

Khi sắp chết ông dặn dò

Nên sống lương thiện, nên lo dạy người.

Mười quyển sách thầy trao rồi,

Dạy cho con nhỏ, là thầy nhập thai.

Giao tài sản lo sắp bày

Lo cất nhà mới sắm ngay đồ dùng.

Rủ quyến thuộc tới cho đông

Cùng nhau lo học, cậy trông nơi trò.

Việc làm ấy là để lo

Giữ đất, giữ của để cho chính mình,

Giữ luôn cả sự học hành

Đời sau tiếp nối của dành nhiều hơn.

Càng tấn hóa càng hiền lương,

Học để sáng, sống để thương mọi người.

Đời nay chỉ bấy nhiêu thôi

Đời sau tiếp nối, để rồi tiến thân.

Vừa học, vừa nghĩ khỏe thân

Gởi gắm kẻ khác cất dành về sau.

Ông thầy là kẻ biết sâu

Lập cảnh đạo đức để hầu nương thân.

Thấy xa cái có, cái cần

Tạo sắm của cải dành phần về sau.

Nào ai ép buộc được nhau

Cái kết nhân quả, trước sau rạch ròi.

Người làm thiện, chẳng thiệt thòi

Giờ chưa có, chứ sau thời vinh quang.

Người tiến bộ sống nhẹ nhàng,

Không ác, không khổ niết bàn không xa.

Thời gian đi tới chính là

Giúp ta giác ngộ hiểu ra cuộc đời.

Vậy nên chơn lý ở đời

Không để có, mất để còn sẵn khuôn.

Ngủ để thức, nghĩ để làm

Chết đi để được sống đời bền lâu.

Đời là trường học nhiệm mầu

Dạy ta cách sống thâm sâu vô cùng

Võ trụ tạo hóa cha chung

Chúng sanh chung sống anh em một nhà.

Vạn vật của cải của ta,

Các pháp thực phẩm cho ta sẳn dùng.

Kho tàng đầy đủ của chung,

Bởi ý chán, nên vạn vật cùng lăn xoay.

Cho ta lạ mắt vui tai

Tập cho sợ khổ, bớt rày lòng tham,

Bỏ đi sự ác không làm,

Tạo thành giống quý, con ngoan, trò hiền.

Ta không bao giờ bị quên,

Bàn tay võ trụ vẫn luôn bên mình,

Chở che ủng hộ đưa dần,

Cảnh giới êm ái, không còn sợ lo.

Có được kinh nghiệm hay ho,

Thành bậc giác ngộ, biết trò khéo hay

Vô thường ảo hóa sắp bày,

Vui trong cái khổ, thường ngay vô thường.

Cái khổ là tấm vách tường,

Sau lưng đẩy tới không đường thối lui.

Ví bằng ương ngạnh thụt lùi,

Té nhào bởi ác, thì thôi tiêu hình.

Thân tâm hồn đó sẽ thành,

Thân tâm hồn khác tái sanh sau nầy.

Về thuyết có thì cái chi,

Cũng là có hết đổi dời trước sau.

Đã có, đang có thế nào,

Rồi sẽ có được như nhau đời đời.

Các pháp cũng như vậy thôi,

Đang sanh, hoặc đã sanh rồi, sẽ sanh.

Hoặc nói nín, tùy sở hành,

Chấp, không chấp, ẩn hiện thành tùy duyên.

Lúc nào cũng vẫn hiện tiền,

Chẳng thể không thấy, gọi liền không ngơ.

Các pháp vi diệu bất ngờ,

Bỏ qua, không nhớ, đã quên, biết gì ?

Thời kỳ có Phật vẫn y,

Hay chưa có Phật, khác gì nhau đâu.

Chúng sanh có, hay chưa nào,

Pháp vẫn sẳn có chậm mau trong đời.

Nếu pháp không, sao có người,

Tìm ra thấy pháp, có rồi hoặc chưa.

Thế gian duyên nghiệp đẩy đưa,

Ta có thể chọn, cái vừa, tối cao.

Để hưởng hạnh phúc dạt dào,

Tránh xa tai hại làm đau khổ mình.

Cái có vạn pháp, thiên hình

Chia ra hai loại phân minh tỏ tường,

Có địa ngục, có thiên đường,

Có thiện, có ác, mất còn tương sanh,

Sống chết, đến đi, đành rành,

Luân hồi sanh tử, tịnh thanh niết bàn.

Có là có cả trần gian,

Đặt tên, so sánh, tương quan danh từ,

Nhờ chấp có mới siêng tu,

Vượt lên từng bậc thiện lành đến vui.

Khi đến cảnh tối cao rồi,

Không còn sở chấp, cảnh đời vẫn nguyên.

Cho dầu họ muốn cố quên,

Hay ngủ nhắm mắt, vẫn bền dài lâu.

Cái có chẳng mất đi đâu,

Cũng như không có thì đâu mệt nhoài,

Không mệt, đâu có nghĩ ngơi,

Chơn như vắng lặng chính thời là không.

Không phải như người buông lung,

Nói càn không có, sau cùng khổ đau.

Thật ra cái có muôn màu,

Có cực, có sướng, khổ đau, vui mừng.

Quen rồi xem khổ như không,

Vui trong cái khổ, nghĩ trong khi làm.

Thấy thật có, đi đúng đường,

Tạo nên cảnh giới tây phương cho mình,

Trong ấy có cả chúng sanh.

Cực lạc thế giới, hình thành từ nay.

Chương trình thuyết có lâu dài,

Thành công kết quả, lớn hay phi thường.

Phật thánh xưa nói vô thường,

Tránh sự ác khổ, biết đường có không.

Không sao có pháp tu hành,

Không sao có quả vô sanh niết bàn.

Nếu chấp không, sẽ lạc đàng,

Hiểu lầm chôn nhốt lỗi mang tự mình.

Kìa không nước, có đất sanh,

Không đất thì đã biến thành cỏ cây,

Không cỏ cây, có thú người.

Không người thì có cảnh trời vui hơn.

Không trời có Phật giác chơn,

Bỏ không thấp, có cao hơn hiện thời.

Lẽ  không ấy dạy cho đời,

Đừng giữ cái cũ, quên rồi mới hay.

Không gia đình của loài người,

Đến được trời Phật, đúng thời thăng hoa.

Cũng như không có vị ta,

Vị tha mới có hiệp hòa vui thay,

Bỏ nhỏ xấu, lấy lớn hay,

Đến cảnh giới Phật, đủ đầy thiện ân.

Cao hơn người bậc siêu nhân,

Chánh báo, y báo tùy thời nhân duyên.

Có đủ mới được vui yên,

Cảnh giới cao viễn, cái triền xả ly.

Thâm trầm, khoái lạc xiết chi,

Cái nặng, cái khổ vơi đi không còn.

Vì đâu mà có lẽ không ?

Chúng sanh, vạn vật thảy đồng tương sanh.

Các pháp tương đối tượng thành,

Nặng nhẹ, cao thấp, trược thanh, thăng trầm.

Quan niệm chúng sanh lạc lầm,

Chịu khổ, ác trược, luân trầm, thối lui. 

Thuyết không có mặt trong đời,

Không là để có, không này có kia.

Danh từ tương đối phân chia,

Không ác khổ, có thiện kia tương đồng.

Không vọng động, không mê lầm,

Chúng sanh giác ngộ viên thành giác chơn.

Kẻ chấp không, phận sự tròn,

Già, mệt, hưu trí chẳng còn việc chi.

Còn trẻ nhỏ chưa có gì,

Thiếu thốn đói khát có thì tất nhiên.

Học chưa tới, bảo không liền,

Thì khó chấp nhận, nhân duyên cuộc đời.

Thế nên đức Phật có lời:

Thinh Văn không ác, tu nơi thiện từ.

Duyên giác không thiện, huệ tu

Bồ Tát không huệ, chơn như hiển bày.

Đến khi tới bậc Như Lai,

Rốt ráo không, mới chính bài pháp chơn,

Không cái thấp, có cao hơn,

Nấc thang tiến hóa, đến chơn mới rồi.

Chữ không và có tạm thôi,

Không xấu quấy, mới đến hồi tốt hay.

Không ác, có thiện không hai,

Không tức thiệt có, đổi thay duyên trần.

Biết bao kẻ dại hiểu lầm,

Có có cái ác, có phần của ta.

Có bao người đã hiểu ra,

Không không cái thiện, chính là chơn như.

Sống trong thế giới huyển hư,

Cuồng vọng điên đảo như tù bị vây.

Do chấp mới có kia đây,

Nói không, nói có như vầy tùy duyên

Giác ngộ ra sẽ hiểu liền,

Có không cũng được tùy duyên cuộc đời.

Miễn hết khổ, là thảnh thơi,

Bài nào lớp đó, gọi mời được ai.

Lớp chót, lớp nhứt là hai,

Nên sự hiểu biết, lớp bài khác nhau.

Trẻ nhỏ không không được nào,

Ông già có có, làm sao trọn hiền.

Định luật tạo hóa tất nhiên,

Nếu mà trái cải, không yên chút nào,

Thuyết không, thuyết có như nhau.

Từ không duyên khởi một màu thanh trong.

Không sanh khí, khí xoay vòng,

Sanh chuyền tứ đại, sanh thân thú người,

Tiến hóa đến bậc Phật trời,

Từ không sanh có, có rồi hoàn không.

Không là lẽ thật luật chung,

Không là bà mẹ bao dung muôn loài.

Võ trụ các pháp đổi thay,

Có phải chịu khổ, không rày vui an.

Không là phương pháp cứu nàn,

Là nơi nghĩ tạm trên đường viễn du.

Có đi, không nghĩ, khỏe ru,

Có đạo, không quả, nhiệm mầu tự nhiên.

Đến mục đích, không chấp phiền,

Có không cũng được tùy duyên mà hành.

Chấp không mới hết tham sân,

Dứt trừ ngã mạn không lầm cách tu.

Không cao hơn có thật là,

Tạm mượn không có để mà tiến lên.

Không ác hơn, có ác nhơn,

Không thân, không khổ, khỏe hơn có nhiều.

Cái không là đầu cao siêu,

Cái có chân thấp rất nhiều lo âu.

Nói trái ngược để hiểu sâu,

Có thiện hơn không thiện, là câu răn mình.

Có tu, có Phật anh linh,

Không tu, không Phật là mình khổ nguy.

Lời tương đối, lẽ huyền vi,

Chỉ pháp tiến hóa, chỉ đi đúng đường.

Tiếng không có hai cách dùng,

Chấp không: là có chấp mình không ta.

Không chấp: là nghĩa không a

Nhà không: là có nhà, không vật dùng.

Không nhà: không có nhà luôn,

Chữ nghĩa tương đối, lý chung một đường.

Như kẻ ác, nói có đời,

Thiện nói không có, tám lời đối nhau,

Nói không nói có khác nhau,

Thật ra một lẽ, một màu khác chi.

Sự biện luận nói vân vi,

Lý luận sau trước, cũng thì lý chung.

Có không lợi hại vô cùng,

Nghĩa đối ngược, hợp lý chung mọi người.

Có ác đến không ác rồi,

Có thiện, không thiện đến hồi thoát ly.

Khi ta nhận định xét suy,

Quán chiếu các pháp để ly não phiền.

Cái ta lúc ấy ngủ yên,

Ta vẫn đang có, đủ duyên ứng hành.

Thân có tướng, thân không hình,

Bỏ thân tứ đại, còn hình tinh vi.

Luận bàn không đến, không đi,

Không hoàn không, chứ thân thì có luôn.

Khác nhau vì bởi xoay tròn,

Âm dương tương đối, vô thường đổi thay.

Hết chấp có, khổ miệt mài,

Chấp không tiếp diễn là hai bờ lề.

Khó thấy đạo, bởi chấp nê,

Không lìa chỗ chấp, u mê khổ đời.

Chớ chi chịu hiểu đến nơi,

Chân là cái có, không đầu, giữa trung.

Trung là đạo, trung vui yên,

Có, không, trung biết tùy duyên sống đời.

Chấp trung chưa được thảnh thơi,

Vô chấp mới thật sống đời bình yên.

Có, không, trung thể sống thiêng,

Chơn vọng vô chấp khỏi phiền lụy thân.

Hiểu như thế, đi trúng đường

Ác nặng, thiện nhẹ, chơn thường tự nhiên.

Tự nhiên mê dốt lầm đường,

Tự nhiên có học tỏ tường lối đi.

Có, không, trung dẫu chấp gì,

Chấp gồm ba pháp huyền vi vô cùng.

Chơn như là đích đến chung,

Chơn như  phải có, không, trung đủ đầy.

Chơn như mới thật đường ngay,

Các pháp tạm có chỉ bày chơn như.

Vượt các sở chấp huyển hư,

Như nương tay thấy sáng từ trăng thanh.

Chơn như trọn sáng, trọn lành,

Không còn giả vọng viên thành giác chơn.

Nói tóm lại

Có, không, trung, pháp như đèn,

Phương tiện mở trí một phen tạm dùng.

Như quyển sách đủ pháp chung,

Trí ta thấy gặp xem nhìn tỏ thông.

Để sống yên, biết hưởng dùng,

Mới được no đủ vui cùng thời gian.

Trước có pháp để chỉ đàng,

Sau dùng trí, để mở mang pháp lành.

Nhờ nơi pháp bảo, Tăng thành,

Đến Phật trọn sáng, trọn lành Thế Tôn.

Vậy nên pháp bảo trường tồn,

Có, không, trung của tích tồn nuôi tâm.

Pháp là món ăn tinh thần,

Pháp là mùi vị tuyệt trần của tâm.

Chúng ta hãy mở trí năng,

Chứa đựng pháp bảo thường hằng dài lâu,

Ai ơi muốn rõ đạo mầu,

Học hiểu giáo pháp, vui câu chơn thường./.

 


[1] Nguyên văn Chơn lý của Đức Tổ Sư.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: