Tâm
- NT. Tuyết Liên chuyển thơ
- | Thứ Ba, 22:18 05-10-2021
- | Lượt xem: 1340
Chơn lý 17
TÂM
-
Người Tàu xưa viết chữ tâm
Vẽ hình giống giống nhục tâm trong người,
Ba ống vòi truyền khắp nơi,
Đưa máu luân chuyển khắp người trong thân.
Nhục tâm là chủ của thân,
Tâm là chính giữa, từ chân đến đầu,
Khi ta ngồi xuống nhìn sâu,
Tim bên tay trái, có từ tả tâm.
Tâm tà nóng giận sai lầm,
Tâm theo vật chất, sắc thân hữu hình.
-
Chữ tâm ba điểm sao giăng,
Dưới có vòng móc như trăng xế tà.
Ba điểm còn được gọi là,
Tên Giới Định Huệ hay Thần Khí Tâm,
Tâm ấy chính thật tâm lành,
Tâm sáng suốt, tâm thiện thanh sống đời.
-
Chữ tâm còn có nghĩa nơi,
Thọ cảm, tư tưởng, hay nơi tri hành,
Móc câu hình trẻ chưa sanh,
Ở trong thai mẹ, tưởng hành tạo nên,
Cũng có tên gọi linh thiêng,
Sự sống, cái biết do duyên mà thành.
-
Tâm là linh giác và thần,
Là ba pháp chính nơi thân tác hành.
-
Phật xưa nói đến chữ tâm,
Có giới định huệ, mới thành chơn như,
Chơn ngã, tánh chơn, không hư (vọng),
Không dời, không đổi, chơn như mực thường.
Chơn tâm ấy đạo chơn thường,
Tâm người giác ngộ miên trường là ta.
---o0o---
Chữ tâm là một danh từ,
Trung ương chính giữa có từ chữ tâm,
Có tâm, điểm giữa không lầm,
Phân chia nam bắc, tây đông, trong ngoài.
Đặc điểm trung tâm xưa nay,
Vạn pháp mà có không ngoài nhất tâm.
Tâm sanh vạn pháp mê lầm,
Tồn tâm quy nhất, thậm thâm đạo mầu.
Thân người trí ở trên đầu,
Chân thân dưới, giữa mình đầu là tâm
Đạo là trung, trung là tâm,
Có mình, ta, tức là tâm trung bình.
Tâm chứa các tạng nuôi thân,
Nên gọi pháp tạng là phần tối cao.
Mỗi người sống, dụng khác nhau,
Nhỏ thân, lớn trí, tuổi già là tâm.
Già nhiều kinh nghiệm lâu năm,
Dạy cho người lớn, trẻ con sống đời.
Phật xưa dạy cả trời người,
Bậc tôn quý kính tuyệt vời cao trên.
Tâm là chủ lực vững bền,
Như (bánh) xe có cốt, căm vành mới lăn.
-
Cây cỏ cái sống là tâm,
Ở trên dưới hay giữa phần chung quanh.
Là cái quyết định tồn sanh,
Mất rể, lỏm lõi sẽ thành cây khô.
Trẻ con đi nói bi bô,
Thể hiện sự sống, ra vô nói cười.
-
Cái biết là tâm thú, người,
Nói, làm, lo, tính để nuôi tâm mình,
Đến khi chết bỏ xác thân,
Chỉ còn cái biết chuyển vần tái sanh.
Học để biết, biết thực hành,
Khổ vui, được mất do mình quyết tâm.
-
Trời, Phật linh thiêng là tâm,
Huyền bí, ẩn mật, thần thông diệu huyền,
Nói làm, lo lắng tùy duyên,
Mục đích rốt ráo nghĩ yên dưỡng thần.
Ông già chơn như là tâm,
Tâm linh diệu, sống tỉnh trầm lạc an.
Chúng sanh còn nhỏ là đang,
Thành tựu cái biết thời gian sau nầy,
Như hạt giống chưa đủ đầy,
Mềm yếu, nhỏ nhít, hạt nầy còn non.
Miệng nói, ý tưởng, thân làm,
Tạo nên tâm thức sinh tồn về sau.
Thân khẩu ý tạo nghiệp nào,
Kết quả thiện ác theo sau việc làm.
Hạt giống thú, nghiệp ác tham,
Ba nghiệp nhân đức là tâm của người.
Ba nghiệp thiện thanh vui tươi,
Hạt giống lành tốt, bậc trời thuần lương.
Chơn như tâm đấng Pháp vương,
Hạt giống cứng chắc, tỏa hương an lành.
Tâm ác hạt non mới sanh,
Tâm nhơn hột giống tri hành tốt hơn,
Tâm thiện bậc trời cao trên,
Hột già gieo giống ắt lên cây liền,
Chơn như hạt giống tích duyên,
Thân khẩu ý thiệt vững yên lâu dài.
Hạt giống của Phật không sai,
Chính là chơn ngã xưa nay diệu kỳ.
Tâm là giáo lý danh từ,
Là đạo, là quả chơn như kết thành.
Xưa nay Phật với chúng sanh,
Tâm, pháp, đạo, quả y hành không sai.
Ngoài ba nghiệp, không pháp (thứ) hai.
Chúng sanh thể tánh không ngoài chơn như.
Nhưng do vạn pháp huyển hư,
Vạn tâm lầm chấp, ví như đám rừng,
Thì đâu có sự hòa bình,
Thì làm sao có tâm minh, trí mầu.
Muốn thấy tâm Phật ở đâu,
Ba nghiệp thanh tịnh, một màu pháp chơn.
Thân chơn, khẩu chơn, ý chơn,
Chơn như không vọng, sạch trơn pháp trần.
Nhưng khi chung sống trong trần,
Làm sao tránh được mấy phần nhiễm ô.
Giữ gìn ba nghiệp tế, thô,
Quán sát tư tưởng, ra vô tịnh lòng
Sửa trau ba nghiệp sạch trong,
Việc làm người trí, sửa lòng tu tâm.
Thân làm bao vỏ hột tâm,
Lời nói như thể thịt cơm tâm nầy,
Ý tưởng ngòi mộng không sai,
Nếu tâm hột tốt, ngày ngày chắc nên.
Xấu hư, tâm hột không bền,
Sự sống chết chính do tên pháp hành.
Vậy nên lựa pháp tốt lành,
Yên vui mát mẻ thực hành trau tâm.
Để gương đạo lại chung quanh,
Ấy là ân hậu để dành đời sau.
Cũng là đền đáp công lao,
Chúng sanh, vạn vật, bọc bao, vun bồi.
Khổng Tử xưa dạy đạo người,
Lấy chữ nhơn đức để người làm tâm.
Lão Tử lấy không làm tâm,
Người tu lấy giới trau tâm sửa mình.
Tùy duyên chọn pháp thực hành,
Định, huệ, chơn, giác, giống lành tự tâm.
Trời thì lấy thiện làm tâm,
Thú thì lấy ác làm tâm của mình.
Tâm ma thì tà phát sinh,
Tùy theo cách sống biết mình là ai.
Cũng như trong cảnh giới người,
Tùy theo duyên nghiệp nhiều đời thành tên.
Người lấy học vấn làm nền,
Người lấy lễ nghĩa cao trên sống đời.
Trẻ nhỏ ăn ngủ vui chơi,
Tham lam, hờn giận, sống đời làm tâm.
Tâm ấy tức khẩu ý thân,
Sáu căn, ba nghiệp pháp trần mê say.
Tâm nhân đức, thiện hiển bày,
Tâm mê ác hiện, xưa nay thường tình.
Sống trong cõi tạm phù vân,
Cũng nên chọn pháp thiện lành làm tâm.
Cuộc đời như áng phù vân,
Mình vui cái sống, ích nhân, vui người.
Hột giống quý báu của đời,
Ta người vui sống thảnh thơi vô cùng,
Khi xưa Khổng Tử đặt tên,
Chúng sanh hạt giống là nhơn thiện lành.
Còn Phật thì gọi chúng sanh,
Chủng tử tốt đẹp, để dành về sau.
Mọi người đều phải dồi trau,
Giữ gìn hạt giống thanh cao hiền từ.
Bỏ đi hạt giống xấu hư,
Chính nhờ giới luật loại trừ quấy tham.
Pháp luật bảo vệ bình an,
Nuôi cây, dưỡng hột cho hàng hậu nhân,
Pháp luật săn sóc đỡ nâng,
Luật là mặt đất, gốc chân cây lành.
Tâm tốt, có tâm tồn sanh,
Tâm chơn quý báu, tâm thành pháp vương.
Nhiều tâm, nhiều pháp, nhiều phương,
Chơn như đỉnh đến là đường tối cao.
Bao năm chăm cây trước sau.
Một ngày trái chín, ngọt ngào quả xinh.
Trăm năm kiếp sống nhân sinh,
Một ngày kết thúc tử sinh kiếp người.
Bao nhiêu sự học trong đời,
Chắc lọc tinh túy, giác thời tối linh.
Cảnh đời cát bụi muôn nghìn,
Hữu dụng quý báu kết tinh hạt vàng.
Chơn như pháp bảo đạo vàng,
Chơn như chỗ đến minh quang đạo thiền.
Giữ tâm chơn như vững yên,
Là cái kết quả, diệu huyền thậm thâm.
Ai người định trí suy tầm,
Nhận ra hiểu được biết tâm của mình.
Chơn như là một pháp linh,
Chơn như là chính tâm mình xưa nay.
Vòng tròn bánh xe chuyển xoay,
Chúng sanh như mọt đeo ngay ngoài vành.
Chơn như trụ cốt yên lành,
Nhìn vào sẽ thấy tâm mình vững yên.
Tâm của tất cả nhơn thiên,
Chỗ đến đạo quả vui yên bao người.
Tâm là danh từ tạm dùng,
Để chỉ yếu điểm cực trung của mình.
Muốn chia vật chất công bình,
Tạm đặt một điểm để mình làm tâm.
Phân ra lớn nhỏ nhiều phần
Chỉ là tạm có tạm dùng mà thôi.
Đến khi vật đó nát rồi,
Thì trung tâm ấy cũng thôi không còn.
Chơn như sanh các pháp môn,
Cũng chỗ quy tụ pháp tồn quy tâm.
Chơn như yên lặng tịch trầm,
Không tâm, không pháp tâm hoàn chơn không.
Chúng sanh biết quay vào trong,
Nhập định yên lặng vắng không cảnh ngoài.
Ba nghiệp đóng kín không sai,
Nên canh phòng kỹ giặc ngoài chống ngăn.
Quỷ ma cũng chớ đến gần,
Tránh sự lôi kéo sa chân khổ sầu.
Tìm cảnh tinh luyện đạo mầu,
Đến khi tâm tịnh cảnh đâu buộc ràng.
Có chơn như, có định an,
Tâm chơn cảnh tịnh niết bàn không xa.
Cảnh ngoài dẫu có phong ba,
Tánh chơn như, vẫn trụ tòa Như Lai.
Mặc người danh tự diễn bày,
Chỉ nói mộc mạc, ngủ say khỏe nhàn.
Tóm lại.
Tâm, pháp, đạo, trung vốn không,
Hiểu bằng lý trí, dụng làm phương châm.
Đưa ta đến cõi tồn sanh,
Không bị chi phối hoại thành thời gian.
Không bị ba thời buộc ràng,
Nói không mà có, biết đang làm gì.
Người có trí biết đường đi,
Tâm chơn là có, tâm phi không thành.
Xưa nay vạn vật chúng sanh,
Quý cái chơn thật, chơn thành kính yêu.
Vọng giả điêu ngoa lắm điều,
Người người khinh bỉ, tạo nhiều trái oan.
Người ở trong chốn tịnh an,
Không nghe thấy, không nói làm, tịch nhiên.
Ở trong cảnh thật diệu huyền,
Ở trong cảnh giới, vui yên ra vào.
Cảnh ngoài dẫu có lao xao,
Cảnh ngoài dẫu có muôn màu đổi thay.
Mặc cho thế giới lăn xoay,
Không ảnh hưởng đến tâm người chơn như.
Niết bàn cực trung hữu dư,
Tuyệt đối thanh tịnh, danh từ rổng rang.
Rốt ráo chơn như lạc an,
Tạm mượn danh pháp Niết Bàn chơn như./.
Các bài viết liên quan
- Kính tưởng niệm Hòa thượng Giác Đăng - Thứ Sáu, 17:55 24-02-2023 - xem: 198 lần
- Sen vàng long lanh - Thứ Tư, 16:54 16-11-2022 - xem: 393 lần
- 40 năm dòng sử ngọc - Thứ Ba, 20:14 16-11-2021 - xem: 1749 lần
- Có và Không - Chủ Nhật, 20:01 17-10-2021 - xem: 1671 lần
- Kinh Chiến thắng sợ hãi - Thứ Năm, 12:38 07-10-2021 - xem: 1645 lần
- Ngũ Uẩn - Thứ Tư, 12:51 06-10-2021 - xem: 1953 lần
- Y bát chơn truyền - Thứ Tư, 10:27 06-10-2021 - xem: 1786 lần
- Xứ thiên đường - Thứ Tư, 07:33 06-10-2021 - xem: 1639 lần
- Tâm - Thứ Ba, 22:18 05-10-2021 - xem: 1340 lần
- Cảm ơn - Thứ Năm, 01:25 26-11-2020 - xem: 2514 lần
- Khóa tu “Sống chung tu học” lần thứ 2 của chư Ni Giáo đoàn IV - Thứ Năm, 01:19 26-11-2020 - xem: 2126 lần
- Hồi ký chuyến hành hương trở về nguồn cội - Thứ Tư, 00:34 22-07-2020 - xem: 2003 lần