CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Y bát chơn truyền

Chơn lý 12.       

         Y BÁT CHƠN TRUYỀN

Y bát mảnh áo chén cơm,

Phương tiện hành đạo Sa môn tạm dùng.

Y bát chơn truyền danh xưng,

Tìm hiểu ý nghĩa vô cùng sâu xa.

Du tăng khất sĩ ta bà,

Pháp hành khất thực ngàn nhà kết duyên.

Bước chân dạo khắp các miền,

Ba y gọn nhẹ, chẳng phiền lụy thân.

Bát dùng để đựng thức ăn,

Rảnh rang tu học không cần cao sang.

Mục đích chỗ đến niết bàn,

Con đường giác ngộ của hàng thượng nhân.

Hữu duyên muốn được dự phần,

Vào hàng khất sĩ, sư chân dạy truyền.[1]

Hai năm xem xét nhân duyên,

Đầy đủ hạnh đức mới truyền bát y.

Người nào thọ lảnh hành trì,

Tức thọ lảnh pháp bát y chân truyền.

Xứng đáng là một Sa môn,

Hạnh đức giới pháp, giữ tròn luật nghi.

Nếu chẳng vậy, người khinh khi,

Là hạng khất cái chỉ đi ăn mày.

Sa môn, hạnh giả hại thay,

Làm cho người thế mất rày tín tâm.

Y bát chơn truyền cao thâm,

Giáo lý đặc sắc, ấn tâm trao truyền.

Người đủ phước đức nhân duyên,

Nối truyền chơn đạo, nhơn thiên mong chờ.

Con đường của Phật cao vời,

Nếu không cẩn thận, ắt rơi đọa trầm.

Sự thử thách thật kinh tâm,

Một thắng, một bại, một trầm, một thăng.

Nấc thang đào tạo chơn Tăng,

Nhờ vậy đạo Phật ngàn năm lưu truyền.

SỰ CÔNG DỤNG CỦA ÁO BÁT RA SAO ?

Áo bát có công dụng riêng,

Phân biệt người trí, bậc hiền, chơn tu.

Oai nghi giới đức điều nhu,

Đúng danh khất sĩ hạnh tu làm đầu.

Khất sĩ, khất cái in nhau,

Đi xin để sống khất cầu thế gian.

Khất sĩ đi xin chẳng màng,

Món ngon, vật quý, bạc vàng không ham,

Đi xin để được rảnh rang,

Dưỡng tâm, nuôi trí, chính hàng Sa môn.

Khất cái xin để sinh tồn,

Tham sân tội ác cộng dồn tăng thêm,

Bát y phương tiện kiếm tiền,

Giả danh khất sĩ tư riêng cho mình.

Khất sĩ là người thông minh,

Thân thể khỏe mạnh, đi xin mới kỳ.

Người cho đạo Phật lạ kỳ,

Tăng cũng kỳ lạ, thực thi pháp hành,

Kết quả kỳ lạ cao thanh,

Thấy, biết kết quả, thật hành tuân theo.

Xưa nay nhân loại giàu nghèo.

Vui trong cái lạ, chạy theo đổi dời.

Nên khi Đức Phật ra đời,

Dạy pháp chơn lạc, mọi người không quen.

Dùng tam pháp ấn làm đèn,

Sáng soi nhân thế, nhắc khuyên tu hành.

Tăng sư ứng dụng thực hành,

Khác sự hiểu biết chúng sanh mê mờ.

Những người tìm hiểu tôn thờ,

Ắt gặp chơn đạo nương nhờ tu thân.

Lịch sử xưa kia cổ nhân

Chỉ dùng vỏ lá quấn quanh thân mình,

Chẳng có tay ống áo quần,

Một tấm choàng lớn đủ dùng che thân,

Cái ăn, cái mặc không cần,

Đời sống đơn giản, tinh thần thảnh thơi.

Trí tâm thong thả chiều mơi,

Không lo cất giữ vui chơi thanh nhàn.

                 ---o0o---

Cha mẹ lúc mới sinh con,

Sắm cho tả lót, khăn choàn, vải che.

Ông già sắp chết, bệnh đau,

Cũng chỉ dùng tạm vải che, khăn choàng.

Người khi chết cũng chỉ dùng,

Áo quần, mền đắp theo cùng xác thân.

Cách dùng thật giống cổ nhân,

Dầu cho dư dã, chỉ cần bấy nhiêu.

Người khất sĩ không cần nhiều,

Ba y dùng tạm, để điều phục tâm,

Dứt trừ ý muốn cao sang,

Đoạn diệt phiền não, vọng tham xả dần.

Không cần sang trọng áo quần,

Ba y giải thoát, không cần cất dư.

Mặc đơn giản, tâm quấy trừ,

Ông già, trẻ nhỏ, người tu tạm dùng.

Loài người thuở mới sống chung,

Choàng khăn, đóng khố tạm dùng che thân.

Về sau công nghệ tiến dần,

Y phục dầy, mỏng, từ lần khéo hay,

Có nút, có ống, có tay,

Lần lần trau chuốt phô bày đẹp xinh.

Theo trào lưu, đổi sắc hình,

Biến thuật thay đổi, lịch xinh vô thường,

Chưa có quy cách định khuôn,

Trăm kiểu, ngàn cách, thả buông ý tình,

Đam mê mình làm khổ mình,

Ăn ngon, mặc tốt, tâm tình đảo điên.

Bị sự lôi cuốn rủ ren,

Cảnh duyên cám dổ đua chen khó dừng.

Vải bô chầm vá che thân,

Cốc lều am lá, sống gần thiên nhiên.

Thuốc uống cỏ cây tùy duyên,

Miếng ăn rau trái, vui yên tu hành.

Đời sống khất sĩ tịnh thanh,

Khuyên người thức tỉnh nẻo lành hướng tâm.

Giảm đi cách sống mên lầm,

Duy trì phong hóa, thăng trầm mặc ai.

Khất sĩ sống là xin vay,

Xin người dư giả ngày ngày kết duyên.

Không danh lợi, chẳng bạc tiền,

Bước chân hóa đạo, đức hiền nêu gương.

Thảnh thơi dạo khắp mười phương,

Bát y phương tiện, tùy duyên tạm dùng.

Áo vải xấu, bát đất nung,

Người tham không lấy, nên mình được an.

Đời sống khất sĩ thanh nhàn,

Giữ gìn giới luật, đoan trang hạnh hiền.

Ngồi nằm đi đứng an nhiên,

Từ bi, hỷ xả, tâm thiền sáng thông.

Y theo chơn lý đại đồng,

Tứ y giữ vẹn, không không vô phiền.

Sống đúng thì được vui yên,

Bằng sống sái trật lụy phiền khổ thân.

Ta sống lợi ích tha nhân,

Tha nhân sẽ sống lợi phần cho ta.

Giá trị khất sĩ chính là,

Không còn vương vấn cửa nhà vợ con.

Bổn phận công dân làm tròn,

Tham sân tật đố không còn quẩn quanh.

Lục căn, ba nghiệp trọn lành,

Là người nhân đức tập hành thiện lương.

Biết bố thí, biết cúng dường,

Thông minh nết hạnh, tầm phương tu hành.

Hoàn cảnh, thời gian trôi nhanh,

Đời người khất sĩ xem mình như không,

Bền tâm, vững trí dốc lòng,

Chỉ lo tu học thoát vòng trầm luân.

Người nhập đạo tập hạnh lần,

Xét xem chọn lựa, hai năm thuần hòa.

Tập lần diệt dứt cái ta,

Dứt trừ bản ngã để mà đi xin

Bửa no bửa đói không cần,

Dốc lòng trau luyện đồng tâm hiệp hòa,

Sống trong Giáo hội Tăng già,

Tuân giữ giới hạnh để mà tiến lên.

Thọ lảnh y bát chơn truyền,

Nương Tăng học đạo là duyên ngàn đời.

Các bậc vua quan người trời,

Dầu biết lẽ đạo, ham chơi hưởng nhàn.

Muốn tu nhưng ngại thời gian,

Lâu năm nhiều tháng không kham hành trì.

Khất sĩ quảy bát mang y,

Như người dũng tướng trước khi công thành,

Đắn đo gan bạo liều mình,

Ngược dòng thế tục đăng trình nẻo chơn.

Mặc người đáp oán gây hờn,

Mặc người hủy nhục vững bền vô sanh.

Trường thi sàng lọc người thanh,

Vượt qua thử thách, mới thành hiền nhân.

Niết bàn chắc sẽ dự phần,

Nếm được pháp vị, được phần vô sanh.

Đó là về sự trì hành,

Về phần nghĩa lý, giải rành như sau.

Y pháp, bát đạo thầy trao,

Tức là đạo pháp, đường vào chơn như.

Áo như pháp bảo đạo từ,

Thọ học kinh luật sửa trừ vọng tâm.

Mỗi miếng vá, một bài kinh,

Kết gom, tích tập, trở thành pháp y.

Nên áo còn gọi là y,

Y nguyên chơn thật, nhân vì an vui.

Cuộc đời như đã định rồi,

Không còn thay đổi, thảnh thơi yên bình.

Ấy là giáo lý cao thanh,

Bình đẳng hòa hiệp, trọn lành thể chơn.

Là ruộng phước cho thế nhân,

Hữu duyên gặp đặng sớm nên gieo trồng.

Sự lý kết hợp dung thông,

Trọn lành kín đáo thân tâm hài hòa.

Cái y mặc mặc không ta,

Y nhiên vắng lặng, tăng già hành y.

Bát là thể đạo tám chi,

Dụng là gồm chứa trí bi pháp mầu.

Bầu đạo đức, tâm rộng sâu,

Chư Phật ôm giữ, ý mầu nhiệm linh.

Xưa Phật Thích Ca liệng bình,

Bát trôi nổi ngược trên dòng Ni Liên.

Nghĩa sâu lắng, lý diệu huyền.

Ngài thả đạo chánh xuống miền sông mê.

Bao năm xuôi ngược đi về,

Giảng dạy đạo lý sơn khê thị thành.

Đến lúc quả đạo viên thành,

Ngài mới dừng nghĩ vô sanh niết bàn.

Pháp âm vang dội lan tràn,

Ba đời chư Phật, thêm trang Phật thừa.

Đạo bát chánh con đường xưa,

Là đạo khất sĩ truyền thừa Phật tâm.

Niết bàn đại đạo thậm thâm,

Ba đời chư Phật ấn tâm giáo truyền.

Trần thế cõi tạm vô biên,

Biết xin, biết học, bền kiên buổi đầu,

Cực nhọc trước, phước hưởng sau,

Nhơn nào quả nấy chậm mau đúng thời.

Làm vua trước xin ăn dồi đức.

Làm quan trước xin ăn học hành.

Giàu sang trước xin ăn tu phước,

Sĩ, nông, công, thương trước xin ăn trau tài.

Buổi đầu chịu cực thiệt thòi,

Tích trử phước đủ, sau ngồi hưởng an

Con đường y bát – niết bàn,

Phước đức tích lủy, mười phần hưởng ba.

Bảy phần chia sớt gần xa,

Kết duyên quyến thuộc ta bà mười phương.

Bố thí đạo đức chơn thường,

Đi xin khất thực, làm gương mỗi ngày.

Bởi thế cho nên những ai,

Thực hành y bát ngày ngày không xao (lảng).

Bốn đường ác đạo không vào,

Hưởng được phước lạc thanh cao thiên đường.

Dù thiếu trí huệ soi đường,

Giới luật phạm hạnh con đường nên theo.

Tứ thánh chủng hạnh tu nghèo,

Sống đúng chơn lý không theo lối tà.

Có người hỏi : Nếu người ta,

Tu không y bát thì là được chăng?

Mọi người nên phải biết rằng,

Trường học nhiều lớp, chúng sanh nhiều bài.

Trình độ lớp tạm không sai,

Nhưng lớp rốt ráo không ngoài bát y.

Giới định huệ con đường đi,

Cần đủ ba pháp, bát y phải dùng,

Y bát chơn truyền mực trung,

Không cao thấp, lớp cuối cùng đạo chơn.

Không con đường nào khác hơn,

Tu Giới định huệ, pháp chơn hành trì.

Trước khi phát tâm tu trì,

Làm sao hiểu được bát y vị mùi ?

Muốn cảm nhận được niềm vui,

Hãy nghiên cứu kỹ đủ mười bài kinh.

Đầu tiên Võ Trụ nhơn sanh,

Lục Căn, Ngũ Uẩn, Duyên hành mười hai.[2]

Bát Chánh Đạo là năm bài,

Có Không, Sanh Tử, thêm bài Nữ Nam.

Chánh Đẳng Chánh Giác niết bàn,

Công lý Võ Trụ rõ ràng công minh.

Thông mười bài, hiểu đạo chơn,

Sau đó tiếp tục học thêm những bài.

Chơn Truyền Y Bát, Ăn Chay,

Khất Sĩ, Nhập Định, các bài Luật Nghi.

Hiểu nội dung, pháp hành trì,

Sẽ cảm nhận vị bát y chơn truyền.

Có người lại hỏi tu hiền,

Không làm để sống, lại phiền người nuôi ?

Mới nghe qua cũng thấy vui,

Nhưng xét kỹ lại ngậm ngùi tư duy.

Tự làm ăn, thêm sân si,

Bận bịu vật chất rồi thì uổng công.

Nói túng ém lỗi vào trong,

Nào ai lo được mà không nhờ người,

Một khối sống chung nương nhau,

Mỗi người mỗi việc, đổi trao thuận hòa.

Tứ đại cây cỏ nuôi ta,

Sao quên ân nghĩa, gọi là tự lo.

Chén cơm, áo mặc người cho,

Khất Sĩ thọ nhận để lo tu hành.

Đem đạo đức dạy chúng sanh,

Tri túc thiểu dục pháp hành thượng nhơn.

Người thì lo chuyện áo cơm,

Người đem đạo lý chánh chơn dạy đời.

Mọi người đang sống an vui,

Chính do đạo đức dạy người thuần lương.

Sống chia sẻ, biết yêu thương,

Tinh thần vật chất, song phương diệu kỳ.

Người tu Phật không bát y,

Thì xin cho hỏi có gì hại không?

Nếu có y bát không dùng,

Hay không y bát, thì không phải người,

Tu hạnh khất sĩ trong đời,

Người tu theo Phật không rời bát y.

Bát y phương tiện hành trì,

Gọn tiện, đơn giản khi đi du hành.

Đi xin để gieo giống lành,

Nếu có của cải trở thành thị phi.

Tu theo Phật, phải hành y,

Trung đạo Chánh đẳng, tứ y vẹn gìn.

Tư bổn, gốc khổ vô minh,

Giải thoát vật chất, đăng trình du phương.

Hiểu ra khất sĩ con đường,

Chơn truyền y bát, tạm nương tu hành.

Tinh thần rốt ráo vô sanh,

Y bát khất sĩ, pháp hành Như Lai./.

                   ---o0o---

Trong bài có 4 câu con trò giữ nguyên văn ý của Đức Tổ Sư vì chưa hiểu hết ý.

Làm vua trước xin ăn (vay) dồi đức.

Làm quan trước xin ăn (vay) học hành.

Giàu sang trước xin ăn (vay) tu phước,

Sĩ, nông, công, công, thương trước xin ăn (vay) trau tài.

Nhưng trong 4 câu mình có thể đổi chữ ăn bằng chữ vay có được không, hay giữ nguyên văn bỏ chữ vay. Mong TT góp ý.

 


[1]  Chân sư truyền dạy.

[2]  Thập Nhị Nhân Duyên.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: