Trở về (Phần 15)
- Giác Minh Luật
- | Thứ Bảy, 20:49 23-04-2016
- | Lượt xem: 5029
Thấm thoát đã 5 năm trôi qua, Pháp Đăng đã tốt nghiệp phổ thông và trung cấp Phật học, nay Pháp Đăng đã trưởng thành thật sự với dáng vẻ một vị thầy hảo tướng đầy thanh thoát và uy nghiêm trong bộ huỳnh y đắp trên người. Sắp tới Pháp Đăng sẽ được chính thức nhập học vào Học viện Phật giáo vì đã trải qua kỳ thi tuyển với kết quả xếp hạng thủ khoa đầu vào của trường với số điểm đạt mức tối đa. Mới đây Pháp Đăng cũng đã được chú Nguyên báo là đã tốt nghiệp Học viện và hiện đang du học tại nước ngoài.
Pháp Đăng cũng đã đủ can đảm để tìm về lại mái chùa xưa, sau khi được thầy trụ trì đồng ý tiếp nhận sư đệ Pháp Bảo được trở lên Sài Gòn để đi học cùng với Pháp Đăng cho thời gian tới.
Trên chuyến xe khách về lại chùa, cũng là quê hương của một thời tuổi thơ, Pháp Đăng muốn được quỳ dưới chân thầy trụ trì mà sám hối cho một thời bồng bột của mình, và cảm thấy lo lắng, e dè khi nghĩ tới sư đệ Pháp Bảo, không biết bây giờ sư đệ Pháp Bảo ra sao.
Vừa bước tới cổng chùa, Pháp Đăng cảm thấy mọi cảnh vật đã thay đổi hoàn toàn khác, nhìn thấy Pháp Đăng, các chú tiểu ở chùa đã chạy ríu rít vây quanh xá chào:
- Chúng con chào thầy,…
- Có thầy trụ trì ở chùa không các chú. Pháp Đăng hỏi.
- Dạ có - Rồi chú lớn, lên tiếng bảo:
- Ê, Pháp Ngộ, vào báo với thầy trụ trì là có một vị thầy trẻ vào chùa muốn gặp thầy.
- Pháp Đăng ngồi ngay bàn tiếp khách để chờ thầy trụ trì ra tiếp.
Thấy thầy trụ trì vừa bước ra trên tay đang cằm cây gậy trong vẻ yếu ớt của tuổi già. Pháp Đăng chạy đến, quỳ sập xuống chân thầy.
- Bạch thầy, con là Pháp Đăng, đệ tử của thầy đây.
Thầy trụ trì nhẹ nhàng lên tiếng, trong từng hơi thở nặng:
- Ừ, Pháp Đăng đó hả con, con vẫn khỏe chứ? Thấy con còn mang chiếc áo người tu là thầy đã mừng lắm rồi. Đừng khóc nữa con, thầy hiểu mà, ai lớn rồi cũng phải ra đi để tự tìm kiếm tương lai cho cuộc đời mình thôi con ạ. Cái đêm con nằm nói chuyện với Pháp Bảo về ý định ra đi, thật sự là đúng lúc thầy đang đi vòng quanh chùa, và chợt nghe được. Nhưng thầy không muốn ngăn cản ý định của con, vì thầy cũng chỉ là người lái đò để đưa các con qua bến bờ bên kia, phần còn lại thì các con phải tự đi.
Pháp Đăng giật mình hỏi:
- Bạch thầy, sư đệ Pháp Bảo đâu rồi, sao con nhìn quanh hồi không thấy.
- À, từ cái ngày con ra đi, Pháp Bảo đêm nào cũng nằm khóc một mình, thầy có khuyên bảo cách mấy cũng không nghe, ngày nào đi học về cũng ủ rũ mà ra góc cây sa-la ngồi khóc. Cũng được vài ba tháng, thì chú cũng bỏ thầy ra đi.
Pháp Đăng giật mình hỏi tiếp:
- Pháp Bảo đi đâu hả thầy? - Rồi Pháp Đăng khóc nức nở.
- Thì đi tìm con chứ đi đâu.
- Nghe mấy chú nói lại là đi Sài Gòn, đi tìm sư huynh Pháp Đăng, mà tới giờ này đã hơn 5 năm rồi mà không thấy chú quay về.
Pháp Đăng như quỳ sập xuống trong nỗi đau thương và tự trách mình sao quá vô tâm đến như vậy.
Thầy trụ trì ho vài tiếng rồi nói tiếp:
- À, bà Năm Lựu cũng đã qua đời rồi, vì già yếu. Mộ của bà nằm ngay cạnh bên hông chùa, phía gần bên gốc cây sa-la, con nhớ lát nữa ra thắp cho bà nén hương. Ngày con ra đi rồi, ngày nào bà cũng nhắc tên con mà thầm trách sao không thấy con quay về.
- Còn chú Pháp Đạt, Pháp Đa,…Pháp Đăng hỏi.
- Thì các chú cũng đã lớn khôn, rồi cũng đã tự tìm đường ra đi rồi con ạ.
- À, sau khi con ra đi được hơn một năm, thì có một phụ nữ lạ mặt khoảng gần 40 tuổi, tóc dài, nước da đen vào đây nói muốn xin nhận lại con mình, cô nói khi bỏ con trước cổng chùa có để lại sợi dây chuyền bạc hình mặt Bồ-tát Quán Âm để làm tín vật. Bà còn bảo rất ân hận và muốn nhận con về lại để bù đắp cho con và chuộc lại lỗi lầm của một thời con gái lầm lỡ. Bà nói trong giọng cầu khẩn lắm. Thầy liền nghĩ tới con, vì chỉ có mình con ở chùa này khi thầy nhặt được là có đeo sợi dây chuyền trên cổ.
- Mẹ,…mẹ… mẹ chẳng lẽ mẹ vẫn còn sống. Pháp Đăng ngơ ngác nói. Nhưng sao bà Năm Lựu luôn nói mẹ con đã chết.
- Bà Năm làm sao biết được mẹ con sống hay chết, nhưng để các chú an tâm tu học thì phải nói vậy thôi, chứ không ngày nào cũng nhớ nhung rồi đòi đi tìm mẹ thì còn nguy hại hơn nữa.
- Nhưng bà không để địa chỉ lại cho chùa, vì bà nói hiện nay đã có gia đình và con riêng rồi, nên con chỉ là đứa con “bí mật” hay nói khác là không mong muốn, nên bà hứa sẽ quay lại tìm con.
Nhưng hiện nay, điều mà Pháp Đăng lo nhất chính là sư đệ Pháp Bảo, không biết những tháng năm qua Pháp Bảo ở đâu, và cuộc sống ra sao nơi mảnh đất Sài Gòn để đi tìm Pháp Đăng.
Pháp Đăng lễ thầy rồi tiến ra cây sa-la, nhưng cây sa-la lớn ngày nào chở che cho Pháp Đăng đã chết, nay chỉ là một cành cây con mới được trồng lại, như một sự thay thế giữa thời thế vô thường của vòng tuần hoàn tạo hóa, Pháp Đăng vội lấy nước để tưới cho cây sa-la con mà nhớ lại chính nơi đây đã chứng kiến cho sự ra đi của Pháp Đăng và cành hoa sa-la mà Pháp Đăng đã nhặt bỏ vào trong túi trước lúc ra đi, đã cùng ở bên Pháp Đăng đồng hành trong những ngày đầu đời khi đặt chân lên Sài Gòn.
Pháp Đăng đi một vòng quanh chùa và thăm hỏi các chú tiểu tại đây, hầu hết đều là các chú nhỏ nên không ai biết Pháp Đăng cũng đã có một quãng đời tuổi thơ tại mái chùa này, nhìn các chú đầy hồn nhiên, xinh xắn, vui tươi, làm Pháp Đăng chợt nhớ lại hình ảnh của mình một thời mà chợt nở nụ cười hoan hỷ để ôm trọn các chú vào lòng.
Lễ thầy xong, tạm biệt các chú, Pháp Đăng lên đường trở về lại Sài Gòn mà trong lòng buồn rười rượi với cảm xúc mừng vui háo hức khi trở về đón sư đệ Pháp Bảo như lời hứa của thuở nào nay không được trọn vẹn. Pháp Đăng cảm thấy nhớ thương vô cùng sư đệ Pháp Bảo của một thời đã cùng nhau “vào sinh ra tử” và khóc tiễn đưa nhau để đi tìm tương lai phía trước.
Phần cuối: THƯỢNG TỌA PHÁP ĐĂNG
Với khả năng lanh lẹ, thông minh từ lúc nhỏ, và niềm đam mê “thay đổi số phận” đã có hướng đi và mục đích, vì thế mà Pháp Đăng đã trở thành thủ khoa của Học viện nhiều năm liền và nhận được học bổng toàn phần du học của Hoa Kỳ, tại trường đại học danh giá với chuyên ngành Phật học.
Sau khi tốt nghiệp học vị tiến sĩ, Pháp Đăng đã được mời ở lại trường để giảng dạy Phật học cho cộng đồng người Tây phương, được vài năm thì thầy trụ trì qua đời, nên Pháp Đăng phải trở về lại Sài Gòn để đảm nhiệm chức vụ trụ trì thay thầy truyền bá Phật pháp tại Việt Nam và tiếp độ hàng trăm vị xuất gia tu học.
Cũng từ nhân duyên này và khả năng Anh ngữ có sẵn, Pháp Đăng đã đi khắp các nước giới thiệu hình ảnh văn hóa Phật giáo Việt Nam ra cộng đồng quốc tế, và tổ chức các hoạt động nhân văn nhằm kêu gọi tinh thần chung tay vì hòa bình và phát triển Phật giáo toàn cầu trong tinh thần từ bi và tuệ giác của Đức Phật.
Đặc biệt, Thượng tọa Pháp Đăng cũng là một trong những vị tâm huyết và tiên phong đi đầu trong việc kêu gọi đề cao giáo dục Phật giáo cho Tăng - Ni và Phật tử cả nước, vì thế mà đã tạo nên phong trào học Phật rộng rãi từ Nam ra Bắc.
- Chú biết gì không, mùa an cư năm nay chùa mình đã cung thỉnh được Thượng tọa Pháp Đăng về thuyết giảng cho Tăng chúng đó. Nghe đâu Ngài cũng là đứa trẻ mồ côi từ nhỏ đã sống ở chùa, nhưng được thầy nuôi dưỡng và định hướng tốt mà nay đã trở thành một vị lãnh đạo Phật giáo tài ba. Ai nghe đến cái tên cũng thầm nể phục về đức độ và trí tuệ của thầy. Một vị thầy quay người nói với thầy bên cạnh trong giữa hội chúng an cư đang lúc chờ Thượng tọa Pháp Đăng quang lâm thuyết giảng.
Thượng tọa Pháp Đăng vừa bước tới trong bộ áo nâu giản dị, Tăng chúng cả ngàn người đồng đứng lên, chắp tay để cung đón Ngài một cách trang nghiêm và long trọng.
- Kính thưa đại chúng Tăng!
- Hôm nay, trong mùa an cư năm nay, tôi sẽ chia sẻ cho Đại chúng Tăng về đề tài: “Lý tưởng của người xuất gia” để chúng ta cần có cái nhìn rõ ràng hơn về con đường của những người đã quyết định cắt ái ly gia và hiến trọn đời mình cho lý tưởng phụng sự nhân sanh, sống đời giải thoát.
- Trước khi bắt đầu buổi chia sẻ, tôi xin kể cho Đại chúng nghe một câu chuyện có thật về cuộc đời của một chú tiểu mồ côi, quyết định từ bỏ quê hương để “thay đổi số phận” đời mình mà đi tìm mục đích, lý tưởng thật sự của người xuất gia học Phật.
Vừa giảng xong, đại chúng ai cũng vỗ tay hoan hỷ và tán thán những lời chia sẻ đầy kinh nghiệm, xúc động và thực chứng của Thượng tọa, một vị thầy đạo hạnh trang nghiêm và lão thông Phật pháp. Thời thuyết giảng hôm nay, Thượng tọa đã truyền cho Đại chúng xuất gia một ngọn lửa cháy bỏng của niềm tin, tin vào lý tưởng, tin vào ước mơ, tin vào sự thay đổi số phận đời mình và tin vào những gì mình đã nguyện dấn thân cho con đường phụng sự nhân sinh mà bắt đầu là những nấc thang của khó khăn, thất bại và nước mắt chỉ để được đi học.
Thượng tọa nói lời chào đại chúng an cư và trở về lại chùa, vừa nằm ngả lưng xuống nghỉ. Thì có một vị thầy tri sự (thầy phụ quản lý công việc ở chùa) vào gõ cửa.
- Bạch thầy, có một tin vui, con muốn báo lại thầy. Vị đệ tử thưa.
- Ừ, con cứ nói, thầy xin nghe. Thượng tọa Pháp Đăng từ tốn trả lời.
- Dạ, dự án xây dựng một ngôi trường cộng đồng tư thục miễn phí dành cho trẻ em nghèo theo tinh thần Phật giáo, vừa rồi có một vị giám đốc của tập đoàn xây dựng nổi tiếng nhất Sài Gòn đã đến và xin phát tâm cúng dường toàn bộ kinh phí xây dựng.
- Ồ, vậy thì tốt quá. Mà vị đó tên gì con?
- Dạ, vị đó không nói tên, vì sáng nay vị đó đến trong lúc thầy đi giảng ở trường hạ an cư, con có nói vị giám đốc đó là nên liên hệ trực tiếp làm việc với thầy trụ trì sẽ tốt hơn.
- Nhưng vị đó trả lời là không muốn gặp thầy nên mới đợi thầy đi rồi mới dám bước vào chùa.
- Tại sao? Thượng tọa Pháp Đăng ngơ ngác hỏi.
- Dạ, con có hỏi mà vị đó không trả lời, chỉ nói là do còn giận thầy, và thầy còn nợ vị đó một lời hứa và một lời xin lỗi.
Thượng tọa Pháp Đăng giật mình ngơ ngác nói thầm:
- Chẳng lẽ nào là sư đệ Pháp Bảo.
Các bài viết liên quan
- Ông Năm niệm Phật - Thứ Tư, 11:44 08-02-2023 - xem: 3191 lần
- Nhớ mùa trăng cũ - Thứ Sáu, 07:01 09-09-2022 - xem: 1402 lần
- Tuổi thơ có Phật - Thứ Hai, 00:31 07-06-2021 - xem: 2023 lần
- “Tý” Đệ tử - Thứ Năm, 22:02 27-02-2020 - xem: 2972 lần
- Khêu ngọn đèn - Thứ Ba, 00:52 01-11-2016 - xem: 3127 lần
- Trở về (Phần 15) - Thứ Bảy, 20:49 23-04-2016 - xem: 5029 lần
- Thay đổi số phận (Phần 14) - Thứ Sáu, 21:44 22-04-2016 - xem: 4436 lần
- Hướng đi (Phần 13) - Thứ Tư, 21:40 20-04-2016 - xem: 5713 lần
- Đây là đâu (Phần 12) - Thứ Hai, 20:47 18-04-2016 - xem: 3945 lần
- Chênh vênh giữa dòng đời (Phần 11) - Thứ Bảy, 20:52 16-04-2016 - xem: 3817 lần
- Đi đâu - về đâu (Phần 10) - Thứ Năm, 21:18 14-04-2016 - xem: 3204 lần
- Sài Gòn hoa lệ (Phần 9) - Thứ Ba, 21:00 12-04-2016 - xem: 3015 lần