Vào Thu đọc thơ Nguyễn Du: Hai bài thơ mang tên Thăng Long của Nguyễn Du
- TK. Giác Chinh
- | Thứ Ba, 08:17 04-10-2016
- | Lượt xem: 5472
Một phần nghiên cứu dịch văn bản thơ chữ Hán Nguyễn Du qua bài Thăng Long 昇龍[1]
Tản mạn nhận diện Quốc hiệu Việt Nam trong ý thơ của bài thơ Thăng Long
1. Khái niệm lịch sử của Thăng Long
Thăng Long, là kinh thành - kinh đô của đất nước Đại Việt, từ vương triều Lý, (gọi là nhà Lý hoặc Lý triều, 1009-1225) cho đến triều đại nhà Lê Trung Hưng (1533-1789), tổng cộng 564 năm [2]. Thăng Long cũng được hiểu và được biết đến trong lịch sử vốn là địa danh tên cũ của Hà Nội hiện nay.
Thăng Long nghĩa là “rồng bay lên” theo nghĩa Hán-Việt, hay 昇 隆 [4] nghĩa là “thịnh vượng”. Từ Thăng Long: “ 昇 隆 ” là từ đồng âm với tên “ 昇 龍 : Thăng Long”, nhưng mang nghĩa khác với “ 昇 龍 ”.
Hoàng thành Thăng Long
Tương truyền rằng, vào tháng 8 năm 1010 khi vua Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ 李太祖 ; tên húy là Lý Công Uẩn 李 公 蘊 ; 974 -1028) rời kinh đô từ Hoa Lư [5] ( 華 閭 , 968 - 1010) đi đến Đại La[6] ( 大 羅 hoặc 羅 城 : La Thành) thì vua thấy rồng ( 鳳 : Long, loài rồng) bay lên ở đây, nên gọi tên kinh đô mới là 昇 龍 : Thăng Long, tức là rồng bay lên. Sang triều đại nhà Nguyễn [7] ( 阮 朝 : Nguyễn Triều), giai đoạn (1804 -1805) địa danh Thăng Long được vua Gia Long khảo sát và cho xây dựng lại thành Thăng Long đồng thời Gia Long cũng đổi tên chữ Hán của 昇 龍 (Thăng Long) thành ra từ 昇 隆 (Thăng Long, từ đồng âm với 昇 龍 ). Với từ 昇 隆 do vua Gia Long ( 嘉 隆 , ông tên thật là 阮 福 暎 : Nguyễn Phúc Ánh) đặt, nghĩa là “thịnh vượng” thay thế cho 昇 龍 (Thăng Long) thì khác nghĩa với các triều đại trước đã dùng, vì Gia Long cho rằng Thăng Long lúc đó không còn là nơi kinh đô của nhà Nguyễn, và cũng không còn là nơi vua ở cho nên không dùng biểu tượng rồng, là linh vật tượng trưng cho vương quyền.
Trong quá khứ, kinh đô Thăng Long được tôn tạo, sửa đổi nhiều lần. Vào năm 1243, nhà Trần (家陳 hoặc 陳 朝 , gọi là nhà Trần hay Trần triều) đã thay đổi tên gọi Thăng Long là Long Phượng ( 鳳 麟 ), đến cuối nhà Trần, Hồ Quý Ly đặt tên Thăng Long là Đông Đô ( 東 都 ). Vào thời nhà Hậu Lê, vua Lê Lợi đã đặt kinh đô tại Thăng Long và đổi tên thành Đông Kinh ( 東 京 ), nhưng vào thế kỷ XVI thì gọi là Đông Kinh – Kẻ Chợ hoặc Thăng Long-Kẻ Chợ, vì nơi nầy là đô thị buôn bán sầm uất.
Trong giai đoạn nhà Nguyễn, vua Gia Long đã trực tiếp kinh lý thực địa, trực tiếp khảo sát vùng đất Thăng Long và trú ở Hành cung Thăng Long[8] với mục đích là đặt quốc hiệu cho đất nước là “Việt Nam[9]”. Về sự kiện vua Gia Long đặt Quốc hiệu Việt Nam, năm 1804 sứ Tàu[10] (Trung Hoa) là Tề Bố Sâm đến cửa Nam Quan đem thơ, cáo sắc và Quốc ấn sang tuyên phong cho vua Gia Long. Lúc trước vua sắc phong đại thần Lê Quang Định làm chánh sứ mang thơ sang Trung Hoa nói về việc đặt quốc hiệu là Việt Nam[11]. Tên gọi Việt Nam lần đầu tiên chính thức trở thành Quốc hiệu của nước ta vào năm 1804. Nó được xác lập bởi một văn bản pháp lý quan trọng là Chiếu của vua Gia Long năm thứ 3, Chiếu của vua Gia Long đã nêu rõ về sự kiện “kiến quốc hiệu Việt Nam Đinh sửu dĩ sự cáo”[12] tức là “Việc đặt Quốc hiệu Việt Nam từ ngày Đinh sửu” gắn liền với sự kiện vua kinh lý thực địa Thăng Long vào những năm 1804 - 1805.
Ngày nay tên Thăng Long còn dùng trong văn chương, trong những cụm từ như “Thăng Long ngàn năm văn vật”, “Thăng Long – Hà Nội” trong lễ kỷ niệm thiên niên kỷ của Thăng Long – Hà Nội năm 2010.
2. Tản mạn nhận diện Quốc hiệu “Việt Nam” trong ý thơ trong bài thơ Thăng Long của Nguyễn Du
Nguyễn Du (阮 攸 1765 - 1820); tên tự là Tố Như ( 素 如 ), hiệu Thanh Hiên ( 清 軒 ), biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ ( 鴻 山 獵 戶 ). Ông sinh ngày mồng 3 tháng 1 năm 1765; tức ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu tại phường Bích Câu, Thăng Long[14]. Là nhà thơ lớn, nổi tiếng của Việt Nam, Ông được người dân Việt Nam gọi kính trọng là “Đại thi hào dân tộc”. Năm 1965, Nguyễn Du được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.
Mùa thu năm Nhăm Tuất, tức năm 1802[15], Gia Long lên ngôi Vua cử Nguyễn Du ra làm quan Tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Hưng Yên; và được thăng tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc Hà Nội.
Cửa ải Nam Quan
Đến năm 1803 Ông được cử lên cửa ải Nam Quan tiếp sứ nhà Thanh sang đất nước ta sắc phong cho vua Gia Long. Sau đó, Ông được thăng hàm Ngũ phẩm chức Đông các đại học sĩ, tước Du Đức hầu, nhậm chức ở kinh đô Phú Xuân vào năm 1805.
Từ khi vua Gia Long lên ngôi, Ông làm quan cũng đã được nhiều năm, đến năm Quý Dậu, tức 1813, Nguyễn Du được thăng chức Cần chánh điện học sĩ và được cử đi làm chánh sứ sang nhà Thanh – Trung Hoa là sự kiện trực tiếp và ảnh hưởng đến tập thơ Bắc hành tạp lục[16], và kinh thành Thăng Long xuất hiện trong thơ của Ông, trong đó bốn bài mở đầu tập Bắc hành tạp lục lần lượt là: Long thành cầm giả ca (Bài ca người gẩy đàn đất Thăng Long, hai bài Thăng Long, và Ngộ gia đệ cựu ca cơ (Gặp người hát cũ của em). Đến khi lãnh mệnh đi sứ Trung Hoa năm 1813, Nguyễn Du ra đến Thăng Long để sang Trung Quốc thì bài thơ Thăng Long được ông sáng tác trong cảm hứng này. Vậy bài thơ Thăng Long (Thăng Long 1 và Thăng Long 2) nằm trong hoàn cảnh lúc này là Thăng Long trở thành một chặng đường trên sứ trình của Ông, và đến đây Thăng Long mới in dấu trong thơ chữ Hán của Ông.
Theo những luận cứ trên, từ 昇 龍[17]: Thăng Long trong bài thơ 昇 龍 tác gia – Đại thi hào Nguyễn Du viết: “ 白 頭 猶 得 見 昇 龍 : Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long” là xác định nghĩa và ý nghĩa “ 昇 龍 ” là “rồng bay lên”. Như vậy, Ông dùng từ 昇 龍 : Thăng Long là cách sử dụng nghệ thuật ẩn dụ thông qua cách miêu tả, tả cảnh ở Thăng Long - Việt Nam ( 昇 龍 : Thăng Long) tức là “rồng bay lên”; nếu đặt trong ý nghĩa của chữ “ 南 : Nam” đặt bên dưới, chữ “ 越 : Việt” để trên, hợp lại thành Việt Nam ( 越 南 ), thì “ 昇 龍 ” trong ngữ cảnh thơ Nguyễn Du dùng trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ của Việt Nam thì Thăng Long vẫn là tên gọi hành chính chính thức mãi cho đến năm 1831, niên hiệu Minh Mạng thứ 12. “ 昇 龍 ” là thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ được sử dụng bằng tên địa danh thông qua nghệ thuật miêu tả mang giá trị với nội hàm thượng tôn dân tộc, ái quốc Việt Nam của Nguyễn Du.
Tuy trong toàn bài thơ “昇 龍: Thăng Long”, Nguyễn Du không nhắc đến hai từ “ 越 南 ” nhưng trong ý tứ của thơ và ý nghĩa của bài thơ ẩn phía sau mặt chữ “ 得 見 昇 龍 : đắc kiến Thăng Long” của Ông hiện rõ lên hai chữ Việt Nam thông qua nghệ thuật liên tưởng trong thơ mà Ông đã miêu tả. Ý nghĩa đó, tương hợp với thời đại của Nguyễn Du đang sống và làm việc cho triều nhà Nguyễn, trong giai đoạn này, Quốc hiệu Việt Nam là tên của đất nước đã được Hoàng đế Gia Long xác lập và lưu truyền cho đời sau. Đó cũng là những tính chất, việc làm hữu ích, có giá trị bài học sâu sắc về sự nghiệp sáng tác văn chương của một nhà văn, giá trị văn hóa học văn chương thông qua bút lực tài hoa, uyên bác và sắc sảo của Đại thi Hào Nguyễn Du, bậc trí sĩ văn học. Hơn nữa, bài thơ Thăng Long còn đặc biệt chú trọng đến giá trị nghệ thuật hiện thực thông qua thủ pháp miêu tả, tả cảnh Núi Tản, Sông Lô, Những ngôi nhà, Thành quách, đường cái, tả những người mỹ nhân, các hào hiệp kết hợp với phương pháp miêu tả âm thanh và cảnh vật ở trong bài thơ nghe tiếng sáo, tiếng đàn văng vẳng trong ánh trăng…một cách sinh động và hoàn mỹ. Đó chính là giá trị ý thơ trong lối sáng tác thơ chữ Hán của Nguyễn Du.
Trong bài Thăng Long thứ nhất (1) so sánh với bài Thăng Long thứ hai (2), Nguyễn Du viết “猶 是昇 龍 舊 帝 京 : Do thị Thăng Long cựu đế kinh” tức là: “Thăng Long, đây vẫn là kinh đô của các triều vua xưa”; trong ý thơ của câu thơ này rõ ràng là khác với ý nghĩa của câu thơ “ 白 頭 猶 得 見 昇 龍 : Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long” của bài Thăng Long thứ nhất (1). Tên Thăng Long ( 昇 龍 ) của cả hai bài thơ được Ông dùng là một nhưng thể hiện rõ hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau của đất Thăng Long. Thăng Long trong bài thơ chữ Hán thứ hai là ý chỉ Thăng Long khi xưa là “ 舊 帝 京 ” kinh đô của các vương triều trước triều nhà Nguyễn. Thăng Long trong bài thơ chữ Hán thứ nhất ý chỉ là Thăng Long – Việt Nam trong triều nhà Nguyễn.
3. Góp phần nghiên cứu dịch văn bản thơ chữ Hán của Nguyễn Du qua bài Thăng Long[18]
Tác giả xin giới thiệu phần dịch nghĩa và dịch thơ do tác giả dịch để làm luận cứ khoa học, và để góp phần nghiên cứu dịch văn bản thơ chữ Hán của Nguyễn Du, nhằm làm sáng tỏ về ý nghĩa Thăng Long ( 昇龍 ) – Việt Nam trong bài thơ chữ Hán 昇 龍 của Đại thi Hào Nguyễn Du.
Thăng Long 1 (昇龍)
Nguyên văn chữ Hán[19]
傘嶺 瀘江 歲 歲 同,
白頭 猶得 見 昇 龍。
千年 巨室 成 官 道,
一片 新城 沒 故 宮。
相識 美人 看 抱 子,
同遊 俠少 盡 成 翁。
關心 一夜 苦 無 睡,
短笛 聲聲 明 月 中。
Phiên âm Hán - Việt
Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long
Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất phiến tân thành một cố cung
Tương thức mỹ nhân khan bão tử
Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông
Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung
Dịch nghĩa
Núi Tản, Sông Lô qua bao nhiêu năm rồi vẫn như cũ.
Đầu đã bạc giờ lại thấy Thăng Long.
Những ngôi nhà to lớn khi xưa bây giờ đã thành đường cái.
Thành quách mới xây một dãy làm mất cung điện thuở xưa.
Các mỹ nhân khi ấy bây giờ đã có con bồng.
Các hào hiệp thời ấy giờ cũng đã thành ông lão.
Suốt cả đêm nghĩ ngơi, thao thức mãi không ngủ.
Nghe tiếng sáo văng vẳng trong ánh trăng.
Dịch thơ
Sông Lô, núi Tản nguyên vị trí,
Bạc đầu mà lại thấy Thăng Long!
Nhà xưa nay đã thành đường cái,
Thành mới thế chỗ cung điện trước.
Mỹ nhân ngày ấy đã bồng con,
Hào hiệp thuở kia giờ đã già.
Thâu đêm, nằm yên mà không ngủ,
Tiếng sáo xa xa vọng ánh trăng.
Thăng Long 2 (昇龍)
Nguyên văn chữ Hán[20]
古時 明月 照 新 城,
猶是 昇龍 舊 帝 京。
衢巷 四開 迷 舊 跡,
管弦 一變 雜 新 聲。
千年 富貴 供 爭 奪,
早歲 親朋 半 死 生。
世事 浮沉 休 嘆 息,
自家 頭白 亦 星 星。
Phiên âm Hán-Việt
Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành
Do thị Thăng Long cựu đế kinh
Cù hạng tứ khai mê cựu tích
Quản huyền nhất biến tạp tân thanh
Thiên niên phú quý cung tranh đoạt
Tảo tuế thân bằng bán tử sinh
Thế sự phù trầm hưu thán tức
Tự gia đầu bạch diệc tinh tinh
Dịch nghĩa
Vầng trăng ngày trước rọi xuống khu thành mới.
Thăng Long, đây vẫn là kinh đô của các triều vua xưa.
Đường xá nằm dọc ngang làm mất dấu vết cũ.
Tiếng đàn, tiếng sáo cũng thay đổi khác, lẫn lộn nhiều âm thanh mới.
Nghìn năm phú quý nó vẫn làm món mồi cho sự tranh đoạt.
Bạn bè khi còn nhỏ giờ kẻ thì xa đâu không thấy người thì đã mất.
Ôi thôi, than thở làm chi với cảnh đời chìm nổi.
Mái đầu ta đây cũng đã bạc rồi.
Dịch thơ
Thành mới trăng xưa bóng nguyệt hồng,
Thăng Long kinh đô tự thuở giờ.
Đường xá ngổn ngang nhòa lối cũ,
Sáo đàn thay đổi nhịp trúc tơ!
Bạn bè ngày trước sống lơ thơ,
Nghìn năm phú quý mồi tranh đoạt.
Cảnh đời chìm nổi đừng than thở,
Mái đầu ta đây cũng bạc phơ!
Bài khảo cứu Trên Tạp chí Văn – Viện Văn Học năm 2012-2013.
Đầu Thu 2016 tác giả Hiệu đính và giới thiệu đến Thân hữu và các bạn tại California, USA.
Đầu Thu,
Tịnh Cư Cốc, Thiền đường Pháp Thuận Thiền Viện – Dharma Meditation Temple,
September 29, 2016,
Thích Giác Chinh.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Quyển II, kỷ Nhà Lý, Bản in Nội các Quan bản, Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tờ [3a], dịch giả: Viện Khoa Học Xã hội Việt Nam, NXB. Khoa học xã hội, 1993.
2. Đại Nam thực lục Chính biên đệ nhất kỷ, quyển 23.
3. Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, Cao Xuân Dục chủ biên, “Năm Qúy Hợi thứ II, 1803 vua Gia Long cho đắp Thành Thăng Long và đổi ý nghĩa tên Thăng Long ra nghĩa “thịnh vượng”, NXB. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 1908.
4. Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, Quyển II.
5. Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Văn học, 1978.
--------
[1] Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Văn học, 1978.
[2] Bao gồm các vương triều: Lý, Trần, Lê, Mạc và triều Lê Trung Hưng.
[3] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Quyển II, kỷ Nhà Lý, chép: “Mùa thu, tháng 7, vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long”, Bản in Nội các Quan bản, Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tờ [3a], dịch giả: Viện Khoa Học Xã hội Việt Nam, NXB. Khoa học xã hội, 1993.
[4] Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, Cao Xuân Dục chủ biên, “Năm Qúy Hợi thứ II, 1803 vua Gia Long cho đắp Thành Thăng Long và đổi ý nghĩa tên Thăng Long ra nghĩa “thịnh vượng”, NXB. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 1908, tr. 32 [tờ32].
[5] Hoa Lư (華 閭) là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam. Kinh đô này tồn tại 42 năm (968 - 1010), gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê, và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh quân Tống dẹp quân Chiêm và phát tích quá trình định đô tại Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Binh) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ…Theo Dư Địa Chí Ninh Bình, không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn là khái niệm chỉ vùng văn hóa kinh đô Hoa Lư được giới hạn bởi trong tầm ảnh hưởng của 4 ngôi đền thiêng thờ các vị thần, thánh trấn giữ 4 hướng chính vào kinh thành xưa; nay là cố đô. Dân gian có câu:
“Đại Hữu sinh Vương
Điềm Dương sinh Thánh”
[6] Đại La, còn có các tên gọi khác là Đại La thành, Thành Đại La, La Thành là tên gọi trước đây của Hà Nội trong hai thế kỷ 8 và thế kỷ 9.
[7]阮 朝 gọi là Nguyễn Triều là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Bắt đầu từ khi hoàng đế Gia Long lên ngôi năm 1802 sụp đổ hoàn toàn khi hoàng Quốc trưởng Bảo Đại thoái vị vào năm 1945.
[8] Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, Cao Xuân Dục chủ biên: “Năm Giáp Tý thứ III, tháng Giêng, Ngài (vua Gia Long) trú tất ở Hành cung Thăng Long”, NXB. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 1908, tr. 32 [tờ32].
[9] Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, Quyển II, Cao Xuân Dục chủ biên ghi chép: “Chữ ‘Việt’ để trên, nghĩa là tỏ nước ta giữ đất cũ mà nối nghiệp trước; lấy chữ ‘Nam’ đặt dưới, nghĩa là tỏ nước ta mở cõi mà chiệu quyến mạng mới [Quyến mạng là mạng trời] như thế thời danh xưng chánh đại, nghĩa chữ tốt lành”. Như vậy, chữ “Nam” đặt bên dưới, chữ “Việt” để trên hợp lại thành Việt Nam.
[10] Trong Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu gọi là “sứ Tàu”.
[11] Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, Cao Xuân Dục chủ biên, NXB. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 1908, tr. 32 [tờ32].
[12]Đại Nam thực lục Chính biên đệ nhất kỷ, quyển 23, tr. 12, 13.
[13] Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, 1945.
[14] Nay là phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội.
[15] Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, Cao Xuân Dục chủ biên, NXB. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 1908, tr. 45.
[16] Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB. Văn học, 1978.
[17] Sđd, Thơ chữ Hán Nguyễn Du.
[18] Tác giả sử dụng bản thơ chữ Hán của Nguyễn Du do Nhà xuất bản Văn học xuất bản tập Thơ chữ Hán Nguyễn Du năm 1978 làm tài liệu để dịch nghĩa và dịch thơ trong bài viết.
[19] Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB. Văn học, 1978.
[20] Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Văn học, 1978.
Các bài viết liên quan
- Trường phái Dharmaguptaka (Đàm-vô-đức bộ) - Thứ Tư, 13:49 03-01-2024 - xem: 3579 lần
- Hạt bụi hồng... - Chủ Nhật, 07:27 03-03-2019 - xem: 4788 lần
- Tư tưởng Phật giáo và bản sắc văn học thời Lý - Trần - Thứ Tư, 08:37 05-12-2018 - xem: 3541 lần
- Giới Tăng sĩ của Phật giáo trong Liêu trai chí dị - Thứ Sáu, 08:05 29-06-2018 - xem: 4503 lần
- Tinh thần Bồ-tát đạo trong thơ cố Ni trưởng - Thứ Hai, 13:06 17-04-2017 - xem: 5668 lần
- Vào Thu đọc thơ Nguyễn Du: Hai bài thơ mang tên Thăng Long của Nguyễn Du - Thứ Ba, 08:17 04-10-2016 - xem: 5472 lần
- Từ Quốc tộ đến bài thơ Thần: Tinh thần và sự đóng góp của Phật giáo VN cho nền văn hiến và lịch sử Dân tộc VN - Thứ Sáu, 14:09 05-02-2016 - xem: 9545 lần
- Lời ngỏ Đuốc Sen 24 - Chủ Nhật, 03:21 24-05-2015 - xem: 6964 lần
- Khuynh hướng xuất thế và nhập thế của Thiền sư Mãn Giác - Thứ Bảy, 23:02 28-02-2015 - xem: 4167 lần
- Lời ngỏ Đuốc Sen 22 - Thứ Sáu, 12:05 01-08-2014 - xem: 6438 lần
- Đôi điều nhận định về Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử - Thứ Sáu, 22:03 13-12-2013 - xem: 4769 lần
- Đóng góp của Minh vương Nguyễn Phúc Chu đối với Phật giáo ở Đàng Trong - Thứ Sáu, 22:17 01-11-2013 - xem: 12078 lần