CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Người Cha, người Ông thân thương trong một nhà Sư…

Con thành kính dâng lên Hòa Thượng Thích Giác Toàn.

Đó là một ngày Chủ Nhật hội đủ duyên lành. Hôm ấy, chúng con đến Pháp viện Minh Đăng Quang (TP. Hồ Chí Minh) bằng tâm trạng háo hức tham gia chương trình tọa đàm với chủ đề: Ứng dụng lời Phật dạy trong giáo dục.

Khi được biết, đây là đoàn giáo viên đến từ TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), quê hương của Hòa thượng, Ngài đã chỉ dạy Thượng tọa Giác Hoàng cho phép chúng con đến đảnh lễ Hòa thượng. Thật bất ngờ và xúc động biết bao trước ân tình Hòa thượng dành cho đàn hậu học.

Căn phòng rộng rãi, thoáng mát, phút chốc bỗng trở nên chật chội khi hơn ba mươi người tề tựu quanh Hòa thượng. Hòa thượng ngồi giữa, giản dị trong chiếc y vàng quen thuộc, và nụ cười hiền luôn nở trên môi. Giây phút ấy, con có cảm giác, Ngài giống như một người Cha, người Ông hiền từ đang giang tay đón chào đàn con cháu về thăm. Thực sự, với những ai đủ duyên có mặt ngày hôm đó, mới có thể cảm nhận một cách trọn vẹn, và trân quí vô ngần buổi gặp gỡ ấy!

Hòa thượng nhắc lại tên của những ngôi trường Người đã từng theo học thuở thiếu thời. Những câu chuyện tuổi thơ, hơn nửa thế kỷ, vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Hồn quê sâu đậm, tình Ngoại, tình Mẹ, và đẹp biết bao là hình ảnh của người Thầy ở ngôi trường làng luôn có mặt trong “những câu chuyện đời xưa” của Hòa thượng.

Người Thầy giáo đó đã trở thành một phần tuổi thơ của Ngài. Cái cách mà “ông thầy” ấy dùng để trị bệnh nói đớt của cậu học trò đã giúp Hòa thượng phát âm tròn vành, rõ chữ cho tới bây giờ. Không chỉ dạy chữ, Thầy còn dạy điều hay, lẽ phải, và đặc biệt là tập cho học trò biết ăn chay, biết đi chùa, biết làm điều thiện. Phải chăng, trong những nhân duyên đưa Ngài đến chốn thiền môn, có một phần không nhỏ từ sự trợ duyên của người Thầy đặc biệt này ?

Có một chi tiết hết sức cảm động trong tình thầy trò. Đó là khi thầy đề nghị nhận Hòa thượng làm con nuôi (có lẽ do hiểu gia cảnh cậu học trò học giỏi, chăm ngoan nhưng sớm mồ côi cha ngày ấy?). Hòa thượng cười vui khi kể lý do Người từ chối: hồi đó, thầy cũng có nhiều người con rồi ! (Chắc Hòa thượng sợ mình thêm gánh nặng cho thầy ?)

Chúng con ngồi đó, lắng nghe, mà lòng dạt dào cảm xúc. Bên cạnh chúng con, giây phút này, Người như đã hóa thân thành một người Cha, người Ông thân thương, gần gũi, chân tình. Nhìn nụ cười hiền, ánh mắt vui tươi của Hòa thượng, thấy lòng bình yên lắm. Không có một khoảng cách nào giữa Người và chúng con. Con không còn tìm đâu ra hình ảnh quen thuộc của một vị Hòa thượng uy nghi giữa một hội chúng trang nghiêm, thanh tịnh ở các sự kiện lớn của Hệ phái, của Giáo hội, như con vẫn thường thấy !

Ngài như người Cha, người Ông đang ôn lại chuyện xưa, đang dạy con cháu những điều nhân nghĩa. Còn chúng con, lắng nghe bằng cả tâm hồn và lòng kính quí. Nào có ngờ đâu, đó cũng là một bài Pháp, bài Pháp về lòng tri ơn Thầy giáo cũ năm xưa.

Con đã được nghe kể về những dịp lễ giỗ của Sư Ông Từ Huệ, Bổn sư của Hòa thượng. Dù Phật sự đa đoan, dù bệnh duyên, dù ở xa, Hòa thượng vẫn sắp xếp thời gian về Tịnh xá Mỹ Đức (Mỹ Tho - Tiền Giang). Đó là dịp để Ngài ôn lại công hạnh của vị Thầy tâm linh, Người đã dìu dắt mình trong những năm tháng đầu tiên vào đạo. Đó cũng là dịp để Hòa thượng ôn lại tình Thầy trò trong chốn thiền môn, sách tấn quý Sư và Phật tử tinh tấn tu tập để không phụ lòng Tổ, Thầy.

Trang đầu tiên trong Tuyển tập thơ của tác giả Trần Quê Hương (bút danh của Người), Hòa thượng kính cẩn ghi những dòng  hết sức cảm động:

Kính dâng

CÁC BẬC THẦY HIỀN

đã, đang dạy dỗ đời con

từ niên thiếu đến nay và mãi mãi.

Thì ra, ở Người, chất liệu của tình thương, hạnh của lòng biết ơn và tri ơn luôn có một vị trí quan trọng trong đời sống thường nhật, trong cả một đời tu tập và hành đạo. Thật giản dị, chân tình, và cũng thật cao quí vô cùng!

Không chỉ được nghe Pháp, chúng con còn được nghe Hòa thượng đọc thơ và cho thỉnh sách. Con vẫn biết tài làm thơ của Hòa thượng từ lâu, nhưng khả năng thuộc thơ của Ngài, thì lần đầu tiên, chúng con có duyên được biết đến. Cả đoàn sững sờ và lặng người nghe những dòng thơ tuôn tràn như suối chảy từ một nhà Sư, tuổi cao, sức yếu, mà lòng nhiệt huyết với người, với Đạo hình như chưa bao giờ vơi cạn ?

Kết thúc buổi thăm viếng, Ngài tặng cả đoàn một chữ HIỀN. Ngài giải thích, ở bất cứ vị trí nào, ai cũng cố gắng trở thành người hiền. Trong gia đình, là người con hiền, cha mẹ hiền, ông bà hiền. Trong trường, là Thầy Cô hiền. Trong chốn thiền môn, là một Phật tử hiền.

Con cũng nhận ra rằng, lời dạy quí báu ấy cũng chính là sự thân chứng từ Người trong không gian ấm áp, thân tình của buổi viếng thăm: Một người Cha, người Ông hiền, và trên tất cả, là một nhà Sư hiền từ, đức độ trong lòng tất cả mọi người, hôm ấy !

Chúng con tạm biệt Người với lòng hoan hỷ vô biên. Quá đủ phước duyên cho một ngày an lạc. Một cô giáo đã xin Hòa thượng ký vào tuyển tập thơ được Ngài tặng chữ HIỀN và hạnh phúc lắm với duyên lành này !

Chúng con xin thành kính tri ơn Hòa thượng đã từ bi cho chúng con những giây phút viếng thăm ấm áp, nghĩa tình, và biết bao lời dạy dỗ ân cần.

Mãi mãi, đây sẽ là kỷ niệm sâu sắc, là hành trang quý báu cho chúng con trong cuộc sống, trong tu tập. Mãi khắc ghi trong chúng con hình ảnh một người Cha, người Ông thân thương trong một nhà Sư.

Nguyện sẽ thương yêu, tận tâm với học trò, nguyện xứng đáng trong vai trò người Thầy hiền với các thế hệ học sinh.

Xin thành tâm cảm niệm ân đức của Hòa thượng.

Kính chúc Người sức khỏe an khang, Phật đạo viên thành.

Pháp viện Minh Đăng Quang, tháng 1 năm 2020

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: