Những lời tâm huyết
- Tịnh Huệ (ĐTTX 1)
- | Thứ Tư, 08:19 20-11-2019
- | Lượt xem: 1682
Nhìn lại bốn năm “trường kỳ kháng chiến”, có lẽ ai cũng đồng ý với nhau rằng, một trong những hạnh phúc lớn lao mà lớp ĐTTX được ân hưởng chính là sự quan tâm, chỉ dạy từ quý Hòa thượng trong Hội đồng Điều hành. Chính qua những giờ phút quý báu mà quý Ngài đã quan tâm, sách tấn chúng con trong những lần viếng thăm lớp; chính những giờ học mà chúng con được quý Ngài trực tiếp đứng lớp, tuy vô cùng ngắn ngủi, nhưng tất cả chính là động lực lớn lao đã nâng bước chúng con đi suốt một chặng đường dài. Mãi còn đó trong chúng con một nỗi niềm tri ân tôn kính sâu sắc về đức độ nghiêm từ của quý Ngài, cùng những bài học vô cùng sâu sắc mà chúng con mãi mang theo trên lộ trình tìm về bến giác. Và dường như, ai cũng cảm nhận được rằng:
Xưa đà gieo chủng phước điền
Nay thời quả phúc, thắng duyên tương phùng
Quý Ngài bóng mát từ dung
Cho con ân hưởng muôn trùng mai sau.
Có thể nói, diễm phúc trước hết của chúng con chính là sự hội đủ duyên lành được tham dự lễ khánh tuế lần thứ 63 của Hòa thượng Giác Toàn. Ngài vô cùng hoan hỷ khi biết sự có mặt của khoa ĐTTX không chỉ gồm những cư sĩ mà còn có nhiều Tăng Ni. Chia sẻ với chúng con, Ngài bắt đầu từ công hạnh của các bậc danh tăng từ Bắc chí Nam, đặc biệt là Tổ Minh Đăng Quang, nhị Tổ Giác Chánh, sau đó là cuộc đời tu học thăng trầm của chính mình. Hòa thượng tha thiết nhắc nhở mọi người: “Phải làm sao giữ được ý chí cầu học, cầu tu. Khi chúng ta có tâm lực, có một ý hướng tha thiết học Phật, tu Phật, thì phải quyết tâm đi trên con đường này cho đến khi nào tâm ta được giải thoát”. Buổi chúc khánh tuế được khép lại vô cùng ấn tượng khi chúng con được nghe Ngài phác họa cuộc đời mình qua một bức tranh thơ vô cùng sâu sắc và những lời sách tấn thiết tha đến hàng hậu học:
Năm xưa mười bảy tháng mười
Có con trâu trắng hóa người dưới trăng
Năm nay mười bảy tháng mười
Dưới trăng có bóng khách cười nhớ trâu
Tôi tìm tôi tự thẳm sâu
Từ đâu tôi lại hiện trâu vào đời?
….
Kiếp người như một đóa hóa
Bình minh rạng nở, chiều tà rụng rơi
Ai ơi thức tỉnh mộng đời
Tự mình thanh lọc khỏi nơi vui buồn”
….
Có lẽ, đó là trang kỷ niệm đầu tiên mà chúng con đã trân trọng tạc vào tim mình một bậc thầy với từ dung khả kính, nhân ái, vị tha, cùng với những bài học quý báu cho cuộc đời tu học của chính mình. Sau buổi gặp gỡ ấy, ai nấy cũng mong sớm được hội ngộ với Ngài trong một phúc duyên nào đó. Quả thật, chúng con đã vô cùng xúc động và hân hoan khi biết được Hòa thượng đích thân đứng lớp dạy môn học Lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam cùng với thầy Tâm Hải. Ngay trong bài giảng đầu tiên, Hòa thượng đã trân trọng gửi đến chúng con bức thông điệp “Những lời tâm huyết”, ai nấy như được rót vào tim những gì là tinh túy nhất mà chính cuộc đời Hòa thượng đã trải nghiệm.
Trước hết, Ngài vô cùng tinh tế khi nhắc nhở chúng con rằng: “Điều tối cần thiết của người học trò trên lớp là phải có sự chú tâm vào bài giảng, để có sự giao truyền từ hai phía. Vì định lực của con người vô cùng quan trọng, nó quyết định mọi việc thành công hay thất bại, tích cực hay tiêu cực”. Thật vậy, những ai đã thực tâm cầu tu, cầu học thì ít khi chểnh mảng, lơ là trong việc học giáo pháp, vì từng phút giây là tài sản vô giá để vun bồi thiện hạnh và trí tuệ.
Hòa thượng vốn hiếu học từ nhỏ, nên Ngài rất trân trọng từng giây phút được đến trường lớp để học Phật, dù gặp nhiều chướng duyên, nhưng cuộc đời Ngài là một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ cho hoài bão “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” của mình. Ngài nhấn mạnh: “Quá trình đó, không gì quan trọng bằng đức hạnh tinh tấn. Muốn bổ sung những gì còn kém khuyết thì phải tự cố gắng. Nó như một nền tảng căn cội, mọi chuyện đều phải tinh tấn, từ cái siêng lặt vặt như lau chùa, quét sân, cho đến thời khóa công phu, nghiên cứu… Những điều đó làm cho hạnh tu của mỗi người hoàn thiện từng bước”.
Hòa thượng rõ biết khi tu tập, chúng con thường dễ “ru ngủ” mình trong những luận thuyết cao vời, còn tính thực tiễn thì bị mờ nhạt bởi những vọng tưởng phàm phu do thiếu chánh niệm, tỉnh giác, từ đó dễ dàng chểnh mảng hay từ bỏ mục đích giải thoát của người sứ giả. Do đó, ngoài việc khẳng định đức hạnh tinh tấn cần phải được biến thành hành động, thành ý chí và nghị lực của mỗi người cả trong pháp học lẫn pháp hành, để giúp học viên trong lớp luôn phản tỉnh với bản thân. Ngài không ngần ngại chia sẻ từng li từng tí về những gì mà Ngài đã trải nghiệm trong từng ý niệm, trong từng nhân duyên thuận nghịch. Chúng con thực sự nhận ra rằng: “đôi khi nghịch duyên lại là những bài học quý báu, và có khi thuận duyên lại chính là những mũi tên đang bọc nhung”.
Nói đến đây, chúng con hồi tưởng lại chuyến thăm và đảnh lễ Hòa thượng trong dịp cuối khóa sắp ra trường, phần vì muốn lưu lại những hình ảnh kỷ niệm về Ngài, phần là để trình bày những gì còn vướng mắc trong quá trình tu học suốt 4 năm. Lúc ấy, dẫu rằng bên ngoài trời mưa lất phất, gió trời se lạnh, nhưng khi chúng con được ngồi vây quanh dưới chân Ngài, được nghe Ngài chỉ dạy, an ủi, động viên, ai nấy đều nghe ấm áp lạ thường. Ngài hiểu được những khao khát chính đáng của nhiều học viên vẫn chưa được giải quyết bởi nhân duyên chưa hội đủ, nên ân cần sách tấn: “Chính vì còn nhiều điều bất toại nguyện nên mới còn sự cố gắng để thực hiện”.
Thật vậy, chính câu nói vô cùng sâu sắc này đã giúp chúng con biết cúi đầu tri ơn tất cả những nhân duyên thuận nghịch, dù thành công hay thất bại ở chặng đường nào, chúng con vẫn cứ bước đi trên “chiếc cầu cố gắng” để hoàn thiện chính mình. Chính vì những nghịch duyên, mà thấy mình còn nhiều yếu kém về trí tuệ, về thiện hạnh, cũng như trái tim chúng con chưa đủ lớn để vuông tròn tất cả những nhân duyên bằng hai chữ buông xả, bao dung... “Sự nghiệp trí tuệ” là một hành trình tiến đến vô ngã vị tha, không bao giờ cho phép ta tự mãn hay bám víu ở một thành quả nào.
Kế đến, Hòa thượng nhấn mạnh việc trau dồi ba yếu tính “chí - nguyện - lực”. Đó là những yếu tố khẳng định giá trị của người tu hành khác với người thế tục, vì bản thân người đời rất khó nuôi dưỡng và huân tập những điều này. “Thời gian thấm thoát thoi đưa/ Nó đi đi mãi không chờ đợi ai”, do đó người tu sĩ phải thường tâm tâm, niệm niệm về lập trường, chí nguyện và hoài bão “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” (thay mặt Phật và làm việc Phật) của người con Phật. Đó chính là “lý tưởng - tâm lực - nguyện lực” căn bản, truyền thống của chư Phật, chư Tổ mà chúng con là những người nối tiếp, là sự nghiệp duy nhất. Mỗi bước chân của người tu sĩ đi đến đâu đều phải mang lại an lạc, tự tại, phải đặt lên hàng đầu mục đích an lạc cho chư Thiên và loài người, cõi sống và cõi chết, cũng như hữu hình và vô hình. Bất cứ tác nghiệp nào thiên lệch hay xa rời với lý tưởng này, đều không phải là việc làm của một người con Phật.
Thật là hạnh phúc khi được nghe Hòa thượng chỉ bày và khẳng định ý nghĩa thiêng liêng của hoài bão ấy. Chúng con thấy mình như những hạt nước so với đại dương bi nguyện và công hạnh vô cùng, vô tận của những bậc tiền nhân. Ngài còn dạy chúng con phải biết tri ân cái hạnh phúc lớn lao của một người tu sĩ đang tu tập trên một đất nước thanh bình, Phật giáo đang hưng thịnh trong bước tiến văn minh của nhân loại. Mỗi người cần phải chuyên tâm vào sự học, sự tu và ứng dụng một cách linh hoạt giáo pháp ngay trong thực tại, để tự thân xác lập được cách sống đúng mực của người con Phật.
Giáo lý nhà Phật nhấn mạnh rằng tất cả là sự tích lũy và nối tiếp của nhân và quả trong quy luật duyên sinh. Mọi ngành nghề đều nhằm đào tạo con người trở nên điêu luyện trong ngành nghề đó. Cũng vậy, cái gọi là ý nghĩa thực sự được vuông tròn theo tên gọi “Tỳ-kheo”, “Sa-môn”, được thể hiện qua tâm lực và đời sống phạm hạnh của người “Khất sĩ - bố ma - phá ác”. Và Hòa thượng đã tha thiết nhấn mạnh:“Chất Khất sĩ chính là cái chất ham học, ham tu của thầy Tỳ-kheo. Bố ma - phá ác, nghĩa là chúng ta làm sao bố ma phá ác trong lòng mình. Tinh tấn để phá vỡ phiền não, ác nghiệp chất chứa từ nhiều đời nhiều kiếp trong mỗi chúng ta, mỗi ngày phải làm cho nó vơi bớt dần”.
Như vậy, dù hình thức nào, tuổi tác, trình độ ra sao, chỉ cần có sự tha thiết cầu học, cầu tu chính là tố chất Khất sĩ bên trong mỗi người. Người xuất gia dù rằng lập trường, chí nguyện hay Bồ-đề tâm kiên cố, nhưng ngày nào chưa chứng đắc Thánh quả, tâm ma vẫn âm ỉ và theo duyên dấy khởi. Thầy Tỳ-kheo phải chiến thắng những dục vọng về tình, tiền, danh, lợi; chiến thắng những ý niệm yêu, ghét, buồn vui cứ bật lên trong tâm, mới thật sự là một thầy Tỳ-kheo.
Không chỉ riêng người xuất gia, mà tất cả mọi người đều đang cần, đang thiếu và đang học. Đích điểm cuối của lộ trình ấy là sự trở về chân tâm Phật tánh. Muốn vậy: “Mỗi người phải có sự nỗ lực, quyết tâm vun bồi tố chất khất sĩ từ kiếp này đến vô lượng kiếp cho đến khi viên mãn sự nghiệp tự độ, hóa tha. Cũng như tố chất của thầy Tỳ-kheo muốn “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” được, chính là lúc được đăng đàn thọ giới”.
Thiết nghĩ, thâm ý của Hòa thượng chính là sự khẳng định “chiến thắng chính mình là chiến thắng oanh liệt nhất”, nó phải được nương tựa vào giới đức, vào sự tinh tấn không ngừng nghỉ để vuông tròn đời sống phạm hạnh, khủng bố các ma nghiệp hay điều phục những dục vọng trong tâm mỗi người từng ngày, từng giờ.
Ngài nói: “ Chưa nói đến phiền não ngủ ngầm đã huân tập từ vô lượng kiếp, mà mỗi khi phát hiện ra trong tâm mình một điều xấu, ác thì dứt khoát phải giải quyết ngay. Luôn luôn rà soát xem mình còn giận ai, hơn thua với ai, còn bất an với ai, ngày nào trong ta còn gì đó “lợn cợn” mỗi khi ai đó xúc phạm, trí tuệ của chúng ta không đủ sức làm chủ những cảm xúc của chính mình, hễ thấy đối tượng là tâm ma dấy khởi, cõi lòng cứ buồn bực tức tối,… thì nhất định phải rửa lòng bằng sự tinh tấn của công phu. Nếu không, lấy gì để chuyển hóa những nghiệp tập, những hạt giống ân oán ấy? Cũng như ngày nào chúng ta không có nổi một nụ cười trọn vẹn, thì chúng ta không bao giờ tự an cho chính mình, phải giải quyết cho tận từng loại phiền não đó, phá tận sào huyệt của nó, nếu còn một mảy may ngấm ngầm, nó sẽ có cơ hội sanh khởi lại nữa. Mỗi người có căn cơ riêng, có người lạy sám hối, có người dùng pháp quán, điều quan trọng là tinh thần tự giác và trải nghiệm trong việc áp dụng từng công phu để xem phương pháp nào hiệu quả nhất”. Ngài cũng chỉ ra: “Tình cảm luyến ái là khó phá nhất, nên tập phá từ những sự vướng mắc nhỏ nhất ngoài thế gian đối với danh lợi, tình tiền, vì ái là gốc của sanh tử, phải công phu bằng một nghị lực kiên cố cho đến khi nào không còn một sự dính mắc nhỏ nhiệm nào”.
Tiết học im phăng phắc, bởi ai nấy đã lặng người theo dòng cảm xúc tri ân, ai nấy thật sự bị cuốn hút vào những lời dạy của Ngài. Đó cũng là những giây phút chúng con nhận ra chính mình, nhận ra con đường để tu tập. Mỗi người như đang có trong tay chiếc chìa khóa để lên đường, bước vào hành trình “bố ma - phá ác” nơi chính mình, vun bồi cho tố chất Khất sĩ ngày một dạt dào, bền chắc trong tâm mỗi người.
Có thể nói “những lời tâm huyết” ấy, tất cả châu báu thế gian không thể nào sánh ví. Có lẽ, vì đã am tường những gì thiết thực cho chuyến du hành của người lữ khách, người lái đò đã ân cần chia sẻ, trao cho chúng con những gì tinh túy và tâm đắc nhất trong cuộc đời tu tập và hành đạo của Ngài. Để mai kia trong từng bước chân du xứ, những ai thực sự hiểu được hai tiếng “tri ân” “báo ân”, chính là phải làm sao cho những lời nhắn nhủ của Ngài hóa hiện trong từng lời nói, hành động và suy nghĩ, trong từng bước chân hành đạo của người sứ giả; hóa hiện thành những tàng đại thọ che mát cho cuộc đời bằng bóng mát của tình tương vô điều kiện; hay như những con thuyền trên dòng sông thiện hạnh, dù bơi lượn đến ngàn phương vẫn không để lại chút dấu vết gì.
“Những lời tâm huyết khắc ghi
Noi theo gương hạnh trí bi ngút ngàn
Non khuya tiềm tịch mảnh vàng
Mây trời lồng lộng mơ màng thu sương
Ai hay một giấc mộng trường
Lang thang bao thưở dựa nương phù trần
Vườn tâm giờ đã ươm mầm
Cho cây bóng mát âm thầm nhân gian
Biển đời bắc chiếc cầu ngang
Bi tâm quyện kết mây ngàn du phương”.
Các bài viết liên quan
- Chơn thường phúc nhân - Thứ Ba, 16:22 09-06-2020 - xem: 1359 lần
- Người Cha, người Ông thân thương trong một nhà Sư… - Chủ Nhật, 22:43 12-01-2020 - xem: 2691 lần
- Những lời tâm huyết - Thứ Tư, 08:19 20-11-2019 - xem: 1682 lần
- Theo dấu chân Người... - Thứ Năm, 15:44 24-10-2019 - xem: 1664 lần
- Thành kính tri ân Ni trưởng Ngọc Túc - Thứ Hai, 08:22 22-07-2019 - xem: 1776 lần
- Bảo tháp Hồng Ân - Lời tri ơn ! - Thứ Tư, 08:43 13-03-2019 - xem: 1808 lần
- Đường về với đạo - Thứ Tư, 14:14 02-01-2019 - xem: 2064 lần
- Những cảm nhận khi nghe pháp và đọc kinh trong ngày cúng Hội - Chủ Nhật, 12:17 30-12-2018 - xem: 1618 lần