Theo dấu chân Người...
- Như Liên
- | Thứ Năm, 15:44 24-10-2019
- | Lượt xem: 1588
Con thành kính dâng lên đức Tổ sư, nhân kỷ niệm 97 năm ngày khánh đản của Người.
Chín mươi bảy năm đã qua, kể từ ngày ấy.
Dòng thời gian đã lặng lẽ trôi, lặng lẽ chuyển tải những giá trị vĩnh hằng của Chơn lý, của con đường Nối truyền Thích-ca Chánh pháp do Người khai mở.
Xin lần giở lại từng trang sử cũ.
Xin lần theo dấu xưa Khất sĩ, đi lại hành trình Người đã từng đi!
Cuộc hành trình bắt đầu từ chốn Tổ - làng quê Hậu Lộc (Tam Bình- Vĩnh Long). Xứ sở yên bình, vùng sông nước miền Tây, quê hương của những người con chân chất.
Nơi đó, có dòng sông hiền hòa, có vị ngọt phù sa, có nỗi nhọc nhằn của những phận người đang sống trong đêm trường nô lệ, trong mờ mịt nẻo về của chốn tâm linh.
Nơi đó, có một gia đình thuần hòa, nề nếp, trọng nghĩa nhân.
Truyền thống quê hương, nếp nhà, hạnh duyên trần thế, thực trạng của Phật giáo trong nước… đã ươm mầm cho sự ra đời của một bậc Đạo Sư.
Từ nơi ấy, Người đi, bước chân tầm cầu chơn lý đã đưa Người sang vùng đất Cao Miên:
“Lên non tìm động hoa vàng…
Tầm sư học đạo chốn Nam Vang thành.”
Tại đây, ba năm học đạo với Ông Lục Tà Keo, tuy không thỏa mãn khát vọng tìm con đường giải thoát rốt ráo, nhưng đó là khoảng thời gian cần thiết để Người xác định hướng đi trong hành trình tu tập. Đó cũng là những năm tháng Người tìm cầu, nghiên cứu sâu sắc về Phật giáo Nam truyền, làm cơ sở cho việc xác lập những nội dung chủ yếu trong giáo pháp Khất sĩ sau này.
Nghiệp duyên trần thế tưởng chừng đã kết thúc tâm nguyện xuất gia ở Người. Nhưng không, chính những biến cố vô thường từ hoàn cảnh riêng đã thôi thúc tâm nguyện ấy trong nỗi khát khao cháy bỏng .
Vùng đất Mũi Nai (Hà Tiên) - ngày Rằm tháng Hai năm 1944. Cột mốc thời gian và địa danh ấy đã đi vào trang sử của Hệ phái Khất sĩ, đánh dấu sự bừng ngộ của trí tuệ Bát-nhã, xác chứng quả vị giải thoát.
“Mãn khai vô thượng liên đài
Trang nghiêm thị hiện, Như Lai tọa thiền”
Sự kiện ấy đã mở ra một chặng đường mới: vừa tu tập, vừa tiếp tục nghiên tầm giáo điển, chuẩn bị cho sự ra đời của một hệ phái, trên cơ sở giáo lý Phật-đà, phù hợp với truyền thống của người dân Việt, trong bối cảnh Phật giáo nước nhà đang thời kỳ suy vong!
Những năm tháng tiếp theo, bước chân du phương trải nghiệm chơn lý đã đưa Người đi khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ, Sài Gòn, Bà Rịa (Vũng Tàu), gặp gỡ các vị cao Tăng ở cả hai truyền thống Bắc tông và Nam tông, gặp gỡ các cư sĩ trí thức đương thời….
Vậy nên, có thể thấy rằng, sự ra đời của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam là hợp duyên của một quá trình chuẩn bị âm thầm, bền bỉ mà sâu sắc của Pháp học, Pháp hành, của sự tu chứng, thể nghiệm nơi Người - với sứ mệnh của một vị Tổ, mở mang và hoằng khai mối đạo!
Và rồi, vùng đất hữu duyên Phú Mỹ (Mỹ Tho) đã vinh dự trở thành nơi Tổ sư dừng chân mở đạo. Chùa Linh Bửu (Phú Mỹ) là nơi diễn ra những sự kiện đặc biệt quan trọng trong hành trình lập đạo của Tổ, trong lịch sử hình thành hệ phái Khất sĩ.
Đó là ngày Rằm tháng Tư năm 1946. Tại Tam Bảo điện chùa Linh Bửu, Người phát nguyện thọ y bát Cụ túc 250 giới. Từ đây, Người chính thức xuất gia với Pháp hiệu Minh Đăng Quang. Cũng tại chùa Linh Bửu, trong năm này, ngày Rằm tháng Chạp, Người giảng thời Pháp đầu tiên “Vũ trụ quan”. Sự kiện này đánh dấu mốc mở đầu cho chặng đường hoằng dương Phật Pháp ở Người. Đây cũng là thời điểm Người phát nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, noi gương Phật Tăng xưa, sống đời Phạm hạnh giải thoát.
“Tự rày đăng tỏa minh quang,
Chốn Linh Bửu tự, pháp đàn khai hoa.”
Đến đây, tôn chỉ và những nội dung cơ bản của giáo lý Khất sĩ đã được xác lập rõ ràng, hoàn chỉnh. Bộ Chơn lý với 69 tiểu luận là sự dung hợp những tinh túy của hai truyền thống Phật giáo lớn ở nước ta, là nền tảng về mặt Pháp học của Phật giáo Khất sĩ Việt Nam ngày nay.
Phú Mỹ cũng là nơi đầu tiên Tổ thu nhận các chúng đệ tử xuất gia và tại gia. Những nẻo đường làng quê Phú Mỹ đã chứng kiến hình ảnh các nhà Sư đầu trần chân đất, tay ôm bình bát, khất thực hóa duyên.
“Đã không nhà cửa vợ con,
Lại không vướng bận vuông tròn thấp cao.”
Tăng đoàn Khất sĩ ra đời, đánh dấu sự xác lập về mặt tổ chức của hệ phái. Từ dăm ba người trong buổi đầu, đến ngày Tổ vắng bóng (năm 1954), con số ấy đã lên đến hơn 100 vị xuất gia, và hơn một vạn Phật tử tại gia. Điều đó cho thấy sức sống và sự lan tỏa của một hệ phái non trẻ, do đáp ứng được nhu cầu tâm linh của đại đa số người dân trong bối cảnh xã hội thời ấy.
Phú Mỹ còn có Tịnh xá Mộc Chơn, ngôi tịnh xá đầu tiên được thành lập theo sự chỉ dạy và chứng minh của Tổ. Từ Mộc Chơn, từ gốc cây đạo ngày ấy, cành lá vươn xa, tỏa bóng mát khắp nơi, theo bước đường hành đạo của đoàn du Tăng Khất sĩ, đi đầu là phong cách uy nghi, từ ái của Tổ sư. Ngày Tổ đi xa, đã có khoảng 20 ngôi tịnh xá được kiến tạo tại các tỉnh miền Tây và một số tỉnh miền Đông.
Ba mươi hai năm thị hiện giữa cõi nhân sinh, mười năm cho việc xác lập và hoằng khai mối đạo. Tròn sứ mệnh và hạnh nguyện của bậc Tổ Thầy, Người ra đi trong niềm kính tiếc vô biên của môn đồ đệ tử.
“Não lòng trước cảnh ly tan
Một niềm đau xót, muôn vàn bi thương!”
Ngày mùng một tháng Hai năm Giáp ngọ (1954), trên đường đi Cần Thơ, Người thọ nạn tại Cái Vồn (Bình Minh - Vĩnh Long), rồi vắng bóng cho đến nay. Nhìn lại hành trình của Người với ba mươi hai năm nơi trần thế, dễ nhận ra rằng, hành trình ấy, gần như là một vòng tròn.
Dấu chân Người đã bắt đầu từ mảnh đất quê nhà (Tam Bình - Vĩnh Long), du phương tầm đạo, xuất gia, lập đạo, trải qua nhiều tỉnh thành miền Tây và Đông Nam bộ, kể cả Cao Miên, để rồi Người ra đi tại một nơi không xa chốn Tổ.
Theo dấu chân Người, để hiểu hơn tâm nguyện đại bi, để trân quí và biết ơn công lao khó nhọc của Tổ Thầy từ những ngày đầu mở đạo; để luôn tâm niệm học và hành trì những lời dạy của Tổ, Thầy.
Giờ đây, trên làng quê Hậu Lộc năm xưa, một ngôi Tổ đình đã được tôn tạo trang nghiêm, thanh tịnh. Nơi đây, đã, đang và sẽ là dấu ấn của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, là một trong những trung tâm tu học của hệ phái, là nơi để các thế hệ môn đồ đệ tử hằng hướng về vọng ngưỡng.
Ngày 26 tháng 9 âm lịch hàng năm, ngày Khánh đản của đức Tổ sư được xem là dịp để những người con Khất sĩ thành tâm tri ân khai sáng và giáo hóa của Tổ.
Xin được bước tiếp dấu chân Người, nguyện góp phần gìn giữ và làm tỏ rạng truyền thống của tông môn, hệ phái nói riêng, của Phật giáo Việt Nam nói chung.
Tháng 9 năm Kỷ Hợi (2019)
Các bài viết liên quan
- Cao vời thiên sanh - Chủ Nhật, 14:35 19-03-2023 - xem: 310 lần
- Tưởng nhớ ân Thầy - Thứ Sáu, 10:19 10-03-2023 - xem: 225 lần
- Tưởng niệm ân đức Đức Thầy Giác An - Thứ Bảy, 21:04 04-03-2023 - xem: 282 lần
- Ân Thầy - Thứ Bảy, 11:39 04-03-2023 - xem: 457 lần
- Khoá tu dâng Thầy - Thứ Bảy, 10:32 04-03-2023 - xem: 289 lần
- Tri ân Thầy - Thứ Bảy, 10:10 04-03-2023 - xem: 205 lần
- Ánh Đạo Minh Quang - Thứ Hai, 18:09 02-01-2023 - xem: 224 lần
- Tưởng niệm Đức Thầy Giác An - Thứ Tư, 07:38 21-12-2022 - xem: 366 lần
- Hành trình tri ơn! - Thứ Sáu, 03:07 25-11-2022 - xem: 489 lần
- Địa linh di tích - Thứ Bảy, 10:42 22-10-2022 - xem: 348 lần
- Mừng đóa sen thiêng - Thứ Bảy, 10:36 22-10-2022 - xem: 478 lần
- Hành trình Hà Giang yêu thương - Thứ Năm, 11:52 15-09-2022 - xem: 505 lần