CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Hướng đi (Phần 13)

PDang13 15Nhìn vẻ mặt buồn rười rượi của chú Nguyên là Pháp Đăng đã thầm hiểu ra vấn đề.

- Thầy Đạo không đồng ý cho huynh đi học đúng không?

- Chú nhìn tôi là biết rồi còn hỏi. Không những không cho đi mà còn bị đuổi nữa đây.

- Giờ chú Nguyên tính đi đâu. Pháp Đăng nói

- Thì qua ở nhà trọ của chú Phong một thời gian, rồi hỏi thăm cách thức làm hồ sơ để xin thi tuyển vào học viện. Chú Nguyên nói trong vẻ buồn bã.

- Thôi! Giờ tôi xếp đồ chuẩn bị lên đường, chú coi ở chùa bảo trọng nha. Ráng nhớ lời tôi dặn, mình đi tu hay ngoài đời gì cũng vậy. Mình phải cần có tương lai, có lý tưởng và mục đích, dù phải chấp nhận đánh đổi trong đau thương và nước mắt.

Pháp Đăng gật đầu nhẹ và im lặng, rồi chú Nguyên nói tiếp:

- Nói với chú vậy thôi, chứ tôi cũng đau buồn lắm, vì biết mình đang sắp phải đối diện với cuộc sống hoàn toàn mới, mà việc này tôi cũng phải giấu cha mẹ ở dưới quê, chứ họ mà biết là đau buồn cho tôi lắm chú à! Mẹ tôi cũng đã già yếu lắm rồi, còn ba thì thủ thỉ ở nhà lo cho mẹ, đôi lúc tôi cũng nhớ hai ông bà thí chủ lắm, nhưng không dám về thăm, vì sợ thầy Đạo đuổi đi luôn. Nhưng lần này, dù gì cũng bị đuổi rồi, nên tôi sẽ về quê thăm lại ba mẹ và mấy đứa em nhỏ, rồi tôi sẽ vào lại Sài Gòn để đi học lại.

Nói xong chú Nguyên đưa tay vào trong túi áo:

- Chú Pháp Đăng nè! Tôi cho chú 300 ngàn này để dành bọc túi, chứ tôi biết ở chùa này thì chú chỉ có mình tôi để tâm sự thủ thỉ với nhau, mà giờ tôi đi rồi thì chắc chú buồn lắm. Nhưng thôi! Cái duyên đến đây là vậy, chú nhận 300 ngàn này của tôi, để tôi được an lòng mà ra đi. Nhận cho tôi vui chú nhé!

Pháp Đăng gật đầu và nắm chặt tay chú Nguyên:

- Ừ, đệ nhận, đệ nhận mà, chú đừng khóc nữa được không. Chú làm tôi khóc theo rồi nè.

Rồi Pháp Đăng nhẹ lấy tay áo của mình lau nước mắt cho chú Nguyên.

- À, tôi còn một số kinh sách và băng giảng của các vị giảng sư hay lắm, chú nhớ là khi nào rảnh thì phải đọc thêm sách Phật pháp để bổ sung kiến thức nha. Rồi khi nào đủ duyên thì tự mà đi tìm tương lai cho chính mình. Mà chú biết tại sao chú tên là Pháp Đăng không?

- Dạ, đệ có mấy lần hỏi thầy bổn sư (người thế phát xuất gia) ở dưới quê, mà thầy bảo là lớn lên sau này đi học Phật pháp rồi thì tự biết ý nghĩa của nó là gì?

- Tôi thì không rành lắm, nhưng tôi nói chú nghe có đúng không nha. Pháp là giáo pháp, là Phật pháp, là chánh pháp, là đạo pháp,...còn nhiều thứ nữa. Còn Đăng là hải đăng, nhiên đăng, tuệ đăng,…nói tóm lại đăng là ánh sáng, là ngọn đèn để soi chiếu những nơi nào tăm tối, u minh…như vậy:  Pháp Đăng tức là ngọn đèn chánh pháp, mang ánh sáng tuệ giác để soi chiếu thế gian này. Chú thấy tôi phân tích vậy có đúng không?

- Ồ, chú Nguyên nói hay quá, giờ này đệ mới hiểu được pháp danh của mình đó.

- Ừ, thì cũng nhờ tôi tự tìm tòi nghiên cứu Phật pháp thôi, chứ tôi mà được đi học nữa là phân tích cái tên của chú chắc cao tít trời mây á.

- Nhưng để đệ ghi lại mà học thuộc, để sau này có ai hỏi thì biết mà trả lời chứ, đúng không sư huynh Nguyên, rồi Pháp Đăng cười khoái chí.

Nói xong, chú Nguyên đứng dậy xếp quần áo cẩn thận vào giỏ xách và cùng Pháp Đăng đi ra phía đường chính để bắt xe.

- Thôi! Chú vào chùa lại đi, chú tiễn tôi tới đây được rồi, coi chừng thầy gọi mà không có chú là mệt á.

Rồi chú Nguyên lầm lũi vác chiếc giỏ xách trên người mà bước đi về cuối con đường tít mù, len lỏi vào dòng người, xe cộ tấp nập, Pháp Đăng vội kêu to:

- Chú Nguyên, nhớ bảo trọng nha.

Chú Nguyên ngoảnh đầu nhìn lại, rồi vội vàng đưa tay lên lau đi dòng nước mắt đang chảy ướt đầm đìa mà gật đầu và bước đi tiếp.

Nhìn hình ảnh của chú Nguyên, Pháp Đăng mới phần nào hiểu hết được nỗi đau mà sư đệ Pháp Bảo đã phải chịu đựng khi đưa tiễn Pháp Đăng lên Sài Gòn để đi tìm thứ gì đó hư ảo mà Pháp Đăng cho là phải “thay đổi số phận” của đời mình.

Vừa bước tới cổng chùa, Pháp Đăng nghe thầy Đạo kêu to:

- Pháp Đăng đâu rồi, chú Nguyên đi chưa.

- Dạ rồi, Pháp Đăng đáp.

- Ừ, chú có muốn đi học nữa không, nếu có thì xách gói ra đi luôn nha. Pháp Đăng im lặng và bước thật nhanh lên phòng.

Pháp Đăng tự hỏi:

- Sao ở dưới quê, thầy trụ trì rất khó khăn, phải đi lên tận Sài Gòn để mượn tiền về đóng tiền học phí cho các chú được tiếp tục đi học, còn thầy Đạo ở Sài Gòn và đầy đủ khả năng mà lại không cho đi học, không biết có lý do gì tiềm ẩn ở đây. Pháp Đăng cố gắng tìm ra câu trả lời hoài mà không được.

Nhưng bỗng nhiên trong lòng Pháp Đăng đã tìm ra được hướng đi cho cuộc đời mình, cái suy nghĩ bồng bột mà mình đã từng nghĩ tới là phải thay đổi cái gì đó trong đời mà Pháp Đăng không thể hình dung ra được và diễn tả nó thế nào khi còn ở quê. Nay Pháp Đăng đã tìm được câu trả lời cho cái cảm giác lạ lùng đó mà chú Nguyên đã để lại và truyền cho Pháp Đăng một ngọn lửa lý tưởng đầy cao đẹp. Đúng rồi, Pháp Đăng là như thế, mình phải làm như lời của chú Nguyên nói thì mới xứng đáng với cái tên mà thầy trụ trì đã đặt.

- Phải đi học lại, thay đổi số phận chính là đây. Pháp Đăng hô to trong nỗi vui mừng khôn xiết.

Rồi Pháp Đăng lại tiếp tục lên một kế hoạch mới cho sự ra đi lần thứ hai để đi tìm tương lai cho chính mình, lần này Pháp Đăng đã tìm ra được hướng đi và lý tưởng, nên Pháp Đăng sẽ không còn cảm thấy bơ vơ, lạc lõng trong cái mớ hỗn độn của dòng suy nghĩ ở tuổi mới lớn đầy “máu lửa” như trước.

Chú Nguyên đi rồi, giờ Pháp Đăng chỉ còn quen với chú Tùng (Phật tử) là người tuy không thân nhưng cũng thường nói chuyện, vì có chuyện gì Pháp Đăng không hiểu thì thường hỏi chú Tùng về những việc ở ngoài đời, xã hội,...như kiểu đứa con nít mới lớn thường hỏi mẹ: Tại sao con là con gái mà không phải là con trai, tại sao con được sinh ra, và tại sao con là con của mẹ.

Chờ chú Tùng dắt xe ra sau giờ tụng kinh công phu tối, Pháp Đăng gọi chú Tùng lại mà bảo:

- Tôi nói chú Tùng nghe cái này, mà chú nhớ giữ bí mật nha, thầy Đạo mà nghe được là chết tôi mất.

Pháp Đăng để tay lên miệng ra hiệu im lặng và nói tiếp:

- Chú Tùng nè! Trưa nay, thầy Đạo đã đuổi chú Nguyên đi rồi về việc chú Nguyên xin đi học mà thầy không cho, mà Pháp Đăng cũng muốn xin đi học lại để sau này có tương lai, Pháp Đăng không muốn trở thành ông thầy cúng. Pháp Đăng nghe chú Nguyên nói, muốn đi học thì phải thuê nhà trọ ở, mà Pháp Đăng đâu làm gì có tiền.

Chú Tùng ngắt lời:

- Chú nói đúng á, còn nhỏ như tuổi chú thì phải được đi học đàng hoàng, thì lớn lên mới có tương lai và giúp ích cho đạo pháp chứ. Tôi nói cho chú nghe chuyện này, chú biết bà Hiền ở chùa là gì của thầy Đạo không, và mấy chú khác, thật sự là được đi học hết đó, vì họ là con của thầy, chỉ có mấy chú tiểu nào như chú mà xin vào ở như vầy nè, chỉ được đi cúng đám, còn chú nào không muốn thì cứ ra đi. Vì thật sự đây là một gia đình thu nhỏ chú ạ, hồi xưa đây là một cái miếu thờ và thầy Đạo là người quản miếu mà người ta thường gọi là ông Tám Đồng, vừa trông coi miếu và ở với gia đình, một thời gian sau đó thì bỗng nhiên người ta thấy ông tự mặc đồ nâu và xưng là thầy, rồi ông bày ra việc cầu cúng, xem bói, đồng bóng,…hồi xưa tôi cũng có tham gia lên đồng nữa đó chú, một thời gian sau ông Đồng gom góp có tiền rồi thì xây nên thành ngôi chùa này, mà thật sự không phải là chùa, vì chú thấy có để bảng hiệu gì đâu, và cũng không được Giáo hội công nhận.

- Vậy thì tại sao chú Phong lại đến chùa tụng kinh hằng đêm. Pháp Đăng ngơ ngác hỏi.

- Thì tôi đi tụng kinh chứ có làm gì đâu, với lại chỗ này gần nhà, nên tôi qua lại cho tiện, còn ông Đồng, à thầy Đạo…làm gì làm. Thì tôi biết, nên tôi nói chú nghe vậy thôi, chú muốn có tương lai thì phải đi ra khỏi chỗ này, chứ không là bị bà Hiền, lộn bà “Dữ” mới đúng, hành xác chú cả đời đó.

Pháp Đăng nghe mà giật mình, và không muốn tin vào những gì mà chú Tùng vừa kể, đúng là đã mấy lần Pháp Đăng đã bị bà Hiền cầm cây đánh vào đầu vì cái tội đi mua thịt về trễ và hình ảnh của thầy Đạo quá lạnh nhạt và vô tình khi đuổi chú Nguyên đi khỏi chùa.

- Mà tôi nói chú nghe, muốn đi học thì không nhất thiết phải ra ở nhà trọ đâu, vì ở Sài Gòn này cũng còn rất nhiều chùa có những vị thầy trụ trì rất tốt và luôn khuyến khích đệ tử mình đi học đó chú.

Nhưng tiếc là tôi không có quen biết chùa nào như vậy, vì tôi thường đi theo bên hầu đồng, cúng mẫu, nên chỉ quen mấy thầy chuyên về bên đây.

Pháp Đăng nghe chú Tùng nói vậy trong lòng vừa hy vọng và cũng vừa thất vọng.

- Nhưng nếu chú muốn, thì ngày mai chủ nhật tôi được nghỉ, tôi sẽ chở chú đi vòng khắp Sài Gòn để kiếm chùa nào được thì xin cho chú vào ở, để được đi học lại.

Hai mắt Pháp Đăng bỗng nhiên sáng rỡ lên trên khuôn mặt xinh tươi đầy ngây thơ và trong sáng, vì Pháp Đăng đã sắp được thực hiện điều mà mình hằng mong ước là “thay đổi số phận”.

Còn tiếp phần 14

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: