CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Lời khuyến nhủ và kể về Tổ sư Minh Đăng Quang của NT.Tràng Liên

hocphap4Để tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, hằng năm vào ba tháng Hạ, quý Ni trưởng, Ni sư Hệ phái Khất Sĩ đã tổ chức trường Hạ tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương để Ni chúng trong Hệ phái tập trung An cư kiết hạ, thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, tấn tu tam vô lậu học. Trong mùa An cư, chúng con đã được quý Hòa thượng, Thượng tọa, quý Ni trưởng, Ni sư truyền trao kinh nghiệm tu tập và dạy dỗ chúng con nghiêm trì giới luật, nghiên tầm kinh điển để hiểu rõ ý nghĩa của kinh luật ứng dụng vào đời sống làm lợi đạo ích đời. Bên cạnh đó, chúng con cũng được lĩnh hội huấn từ của Ni trưởng đương kiêm Trưởng Ni giới Hệ phái Khất Sĩ. Ni trưởng cũng là Thiền chủ của trường Hạ Tịnh xá Ngọc Phương.

Còn hạnh phúc nào hơn khi chúng con được nếm cơm thiền, sữa pháp, được tắm mình trong giáo pháp Như Lai do những bậc Tôn túc, niên cao lạp trưởng thay Thế Tôn hoằng truyền.

Cánh hoa nở hé chờ giọt nắng

Ban mai về tươi tắn hòa chan

Chúng con hạnh phúc lạc an

Tu trong giáo pháp y vàng chở che.

Chúng con kính ghi lại những lời vàng ngọc của Ni trưởng Thiền chủ để khắc sâu vào tâm khảm, lấy đó làm hành trang trên bước đường tu học.

Mùa Hạ năm nay, sự tu học của Ni chúng rất tốt. Tôi có lời tán dương và cũng có vài lời nhắc nhở đại chúng, chứ không phải tôi giáo giới, mong đại chúng thấu rõ: “Giới là lòng trong sạch thanh lương mát mẻ, là tâm giải thoát mọi ràng buộc, phiền não” nên giới có đâu mà giáo, giáo ngay tự tâm mới chân thật còn giáo bên ngoài mà không có tánh giới bên trong, không sửa đổi được tập khí phiền não thì cũng chẳng ích gì. Cũng như vậy, đâu có hương gì mà đốt, hương phơi dưới đất dơ dáy người ta xả rác, nhổ nước bọt, bụi bay thấm đầy đất cát, quý vị mua về, đem lên thắp trên bàn thờ Phật thì Phật làm sao chứng được. Phật chỉ chứng tấm lòng thành của người thắp hương đó.

Những điều của Phật, Tổ Thầy dạy mênh mông như đại dương mà sức ghi nhớ của tôi thì có hạn nên tôi chỉ nhắc lại những điều mà tôi đã khắc ghi.

Nhìn lại lịch sử của Phật giáo, Giáo hội trong thời Đức Phật còn tại thế đã có đủ bốn chúng là Tăng, Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ tạo thành hai thành phần xuất gia và tại gia. Tăng đoàn do Đức Phật sáng lập và điều hành tổ chức thành một thể thống nhất trên tinh thần lục hòa cộng trụ, bình đẳng, tôn trọng giới luật của sự tu chứng mà không phân biệt thành phần xã hội, tuổi tác, nam hay nữ. Đến thời Tổ sư Minh Đăng Quang, nhận thấy Phật pháp suy vi nên Ngài đã kết hợp tinh hoa của Phật giáo Bắc tông và Nam tông lập ra Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, phát nguyện “Nối truyến Thích Ca Chánh Pháp”, lấy Tứ Y Pháp làm phương châm tu tập, lấy Giới Định Tuệ làm sự nghiệp hành trì. Ngài dạy:

Nên phải sống chung tu học

Cái sống là phải sống chung

Cái biết là phải học chung,

Cái linh là phải tu chung.

Bằng thân giáo, khẩu giáo và ý giáo Tổ dạy:

Thường nên kiểm soát hành vi

Khi ăn, lúc nói, đứng đi, ngồi nằm

Đừng cho vọng ý phóng tâm

Phải nhờ giới luật buộc cầm khít khao.

Tổ đi nghiêm trang, ngay thẳng, hai tay nắm vạt áo trước. Tổ không kêu Tỳ-kheo bằng sư mà gọi bằng ông. Tỳ-kheo-ni Tổ gọi bằng cô, chỉ riêng tam cố Ni trưởng (Huỳnh Liên, Bạch Liên và Thanh Liên), mỗi khi có việc gì cần dạy bảo Tổ gọi Sư cô Huỳnh, Sư cô Bạch, Sư cô Thanh.

Tổ nghiêm nghị, nói hay quở điều chi chỉ một lần, không nói hai lần, không nói dai. Tổ dạy:

- Tăng Ni không được trao tay vật gì với bất cứ ai. Muốn đưa vật gì cho ai phải để trên bàn, ghế, kệ hay trên cuốn vở, trên giấy báo nhật trình để người ta lấy.

- Ăn cơm ngồi ngay thẳng, mắt nhìn xuống bát, thấy bóng đưa muỗng lên một lượt vào miệng. Ăn không được nhai chóc chách, rốp rốp. Nhai như vậy là không có đạo hạnh, nhai phải cho êm không cho ra tiếng.

- Lạy cùng lạy xuống một lượt không xoay qua, xoay lại, dòm ngó một ai và khi cúi xuống lạy mỗi người cùng niệm thầm một lượt không mau không chậm câu: “Nguyện cầu cả thảy chúng sanh đồng đặng đủ đầy tròn xong Phật sự”, xong thì ngẩng đầu lên.

- Ngồi thiền cũng phải ngay thẳng, uy nghi đằm thắm hiền hòa.

Do tâm chơn có giới có định nên biểu lộ ra đức tướng trang nghiêm, hiền hòa dễ mến dễ kính. Thiện nam, tín nữ nhìn thấy là phát tâm kính tín Tam Bảo, muốn được nương theo Tăng Ni tu tập, long thần, hộ pháp, những người trong cõi vô hình theo ủng hộ. Do đó mà đường tu ít trắc trở.

Tổ dạy chúng ta sống trên đời này chỉ là cõi tạm, phải hiểu sanh tử là sự đại, phải tu gấp rút như lửa cháy đầu. Sống mà ganh đua với nhau từng lời nói, miếng ăn, tranh danh, đoạt lợi thì chỉ khác người thế ở chỗ cạo tóc đắp y, thân mang hình tướng xuất gia mà tâm còn thua người thế thì khi mãn duyên làm gì được siêu phàm thoát tục.

Thời Tổ giữ gìn giới luật rất nghiêm minh, siêng năng công quả, tinh tấn tu tập, luôn tự cảnh giác mình, có sai biết sám hối sửa đổi, lầm lỗi Tổ phạt quỳ hương không hạn định, khi nào Tổ cho đứng lên lạy Phật, lạy Tổ rồi lui ra. Tổ phạt, Tổ quở mà khóc là Tổ không bằng lòng. Tổ bảo nếu còn khóc là Tổ không răn không dạy.

Một người phạm tội Tổ gác y, cất bát, giáng cấp. Tổ bảo: “Dù có đắp y cũng chỉ là miếng vải đắp lên mình, ôm bát chỉ là ôm cái nồi làm khất cái đi xin ăn”.

Để răn nhắc, khuyến tấn Tăng Ni tu tập, Tổ dạy:

- “Một người được gọi đúng danh từ Khất Sĩ là phải thật học, chơn tu có đức hạnh, đầy đủ giới định huệ, nếu không phải vậy là khất cái.

- Muốn học không phải ở một chỗ mà cần phải bước lên, đi tới, phải tùy theo thời duyên cảnh ngộ, phải là Khất sĩ khó hèn để hạ lòng tự cao dốt nát, để rèn nuôi hạnh nhẫn nhục, thong thả học hành để tự mình đi tới và dìu dắt những người theo sau”.

Tổ bảo: “Dù học thiên kinh vạn quyển sách mà không tu, không có giới đức thì cũng giống như một cái cây được sơn phết bên ngoài mà bên trong không có lõi, không bền chắc, gãy đổ, mục nát hồi nào không hay biết”.

Mỗi ngày Tổ chỉ tiếp khách 45 phút. Vào tháng Bảy ngày Mười bốn sám hối, sáng Rằm lễ Vu-lan, hai giờ chiều làm lễ Tự Tứ, mỗi người tự tâm khai lỗi một cách thành thật, không giấu giếm, cầu được chỉ lỗi và sám hối liền, nên tâm rất nhẹ nhàng, trong sáng.

Tổ còn dạy nhiều, nhiều nữa… nhưng trí nhớ tôi có hạn và thời gian cũng không đủ để trình bày.

Tóm lại, Tổ dạy chúng ta thực hành ba việc như Đức Phật:

            - Một là, dứt bỏ các điều ác, dầu cho nhỏ nhít thế mấy.

            - Hai là, phải làm các điều lành, dầu cho nhỏ nhít thế mấy.

            - Ba là, cần phải rửa lòng trong sạch cho được hoàn toàn.

Hãy căn cứ vào ba pháp ấy, tức là theo Chánh đạo, đạo của chư Phật đó.

Những điều Tổ dạy, Tổ đã ghi lại trong bộ Chơn Lý gồm 69 quyển, đó là xương thịt, cốt tủy của Tổ, và cũng là sách gối đầu giường của hàng hậu học.

Từ khi Tổ hành đạo (1944) đến lúc Tổ vắng bóng (1954), Tăng chúng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam lúc đó mỗi ngày một nhiều, nam nữ cư sĩ mỗi ngày một đông. Nhiều Trưởng lão (Tỳ- kheo, Tỳ-kheo-ni) theo gót chân Tổ là những bậc phạm hạnh thanh tịnh, chân tu, thật học, là tấm gương sáng cho hàng hậu tấn noi gương tiến bước. Gần gũi với Ni chúng Hệ phái Khất Sĩ là cố Ni trưởng đệ nhất được Tổ giao trách nhiệm hướng dẫn Ni chúng tu tập. Với chí nguyện cao cả: “Nguyện xin hiến trọn đời mình, cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương”, nên thời bình cũng như thời chiến, cả lúc còn Tổ cũng như Tổ vắng bóng, cố Ni trưởng đệ nhất luôn thể hiện hạnh nguyện một lòng vì đạo vì đời.

Thuở xưa tu hành rất khó khổ, làm công quả cực nhọc, cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, đi khất thực hóa duyên có gì ăn nấy, có bữa nhai muối hột uống nước trừ cơm, ngủ phải nằm trong bãi tha ma, gốc cây, không mùng chịu muỗi đốt, mặc y áo thật đơn sơ bằng vải mùng, vải tám, vải tang người ta xả ra, giặt sạch, nhuộm bằng vỏ cây xong may chăn áo mặc, nhưng tâm chúng tôi rất an vui vì có Tổ chỉ dạy và cố Ni trưởng đệ nhất tâm đạo vững bền, tài trí xuất chúng, luôn luôn sách tấn chúng tôi tu học qua lời nói, việc làm, qua đức hy sinh lợi đạo ích đời và qua những bài kệ thơ thắm đạo vị nghĩa tình:

Tâm tình cố gắng hạnh cần chuyên

Hữu chí sao sao cũng phỉ nguyền

Mài sắc nên kim ngời đạo nhẫn

Xuyên non thành lộ sáng gương kiên

Dần dần hé cánh màn chơn giác

Nhẹ nhẹ nâng then cửa định thiền

Đuốc tuệ hoa đàm tuy khó gặp

Trăm ngàn muôn kiếp một cơ duyên.[1]

Nhờ vậy mà chúng tôi luôn khép mình trong giới luật, nuôi dưỡng định tâm, trí tánh một lòng cầu Phật đạo nên đường tu bền vững đến ngày hôm nay.

Thời bây giờ Ni chúng tu học đầy đủ phương tiện, nhưng mất bảy còn ba mà còn lép không được trọn vẹn.

Ni chúng phải biết, chúng ta vô phước nên sanh trong thời không có Phật, Tổ đã vắng bóng, tam cố Ni trưởng đã tịch, nhưng còn phước duyên được sống trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lại được sự hướng dẫn của chư Tăng trong Hệ phái, việc nào lành tốt chúng ta nên làm theo với hạnh khiêm cung, kính thuận.

Ni chúng cần phải đoàn kết, đùm bọc, hòa thuận thương quý nhau. Người nhỏ phải kính quý người lớn, lúc nào cũng xem mình còn thấp bé cần cầu học hỏi bậc bề trên, nên:

Lập công bồi đức hiền lành

Sợ điều tội lỗi chẳng sanh nghiệp dày

Lại cần phải học oai nghi tế hạnh:

Đi bước khoan thai

Đứng ngay thẳng hàng

Ngồi đứng nghiêm trang

Nằm nghiêng thanh thản

Nói lời pháp ngữ

Làm sự độ sanh

Ăn thức trai thanh

Mặc manh hoại sắc

Thân trau giới luật

Tâm buộc định thiền

Trí chiếu tuệ viên

Tánh yên chơn tánh.

Người lớn cũng phải có tấm lòng bao dung, quảng đại, hiểu và thương che chở bảo bọc, dạy dỗ đàn em.

Chưa làm Phật, làm Thánh, trên bước đường tu ai cũng có lỗi lầm, nhưng sái phạm biết dừng lại kịp thời, kịp lúc sám hối sửa chữa, thức tỉnh liền, sống theo con đường Bát Chánh thì phước đức sẽ trở lại, đường tu không đứt gãy. Còn lầm lỗi mà sái phạm hoài, đổ thừa tại người này người kia, sao ta không quay lại sửa mình bỏ tánh hơn thua, ganh tỵ, tham sân, tánh không kỳ cục, biết kính trên, nhường dưới, thương mến giúp đỡ người, siêng năng công quả, tự cảnh giác mình thì phước đức chúng ta có, đường tu bền.

Do ta quá mê cứ tạo lỗi lầm chồng chất rồi lại đổ thừa người này người khác, tại nghiệp. Nghiệp cũng do ta tạo, còn sống không biết hối cải đến khi cái chết đến gần làm sao sửa kịp, phải chịu đọa lạc trầm luân trong ba đường khổ.

Trên bước đường tu cẩn trọng từng li từng tí, đừng để vô tình hay cố ý làm mất thanh danh Tổ Thầy thì mắc quả báo khổ đau không lường được.

Ni chúng tu làm sao mỗi ngày được tiến triển, mỗi ngày một tốt đẹp để cha mẹ được tiếng thơm cúng dường Phật pháp, một người con làm rạng rỡ dòng giống Phật.

Mỗi tháng đọc giới hai lần, Ni chúng dầu thuộc cũng phải lắng nghe để hằng ngày tu học biết việc nào mình làm đúng, việc nào mình làm sai, kịp thời sửa đổi cho tâm mình được nhẹ nhàng an tịnh, mát mẻ.

Phật dạy mỗi chúng sanh đều có thể thành Phật. Tu tốt, siêu việt thì được làm Phật làm Thánh, còn tội lỗi chất chồng thì sanh tử, luân hồi hoài lấy đâu tiến. Trên cõi đời này người nhỏ biết khiêm nhường kính quý người lớn. Người lớn thì có tâm khoan dung rộng lớn thương người nhỏ, kẻ thấp bé, thì cõi đời này thành Phật, thành Thánh hết, sỏi đá, cây cỏ, muôn thú có đất sống, tiến triển lên làm người chúng khỏi hận mình. Tất cả mọi loài đều có tâm hoan hỷ trong sáng thì địa ngục đóng cửa, ngài Địa Tạng tròn xong hạnh nguyện độ sanh.

Trước khi dứt lời, tôi có lời nhắc quý vị mà cũng là nhắc tôi: “Ai cũng có lỗi lầm, biết sai sửa đổi liền, theo chánh đạo thì phước đức trở lại gặp chơn Tăng hộ độ mình, tiến triển trên bước đường tu tập, đời đời kiếp kiếp ở trong nhà Phật pháp, tu tiến cho đến ngày thành Phật”.

Cầu nguyện chư Phật, đức Tổ sư, cố Ni trưởng Đệ Nhất hộ độ cho chúng con trên bước đường tu. Chúng con có điều chi lỗi lầm nhắc nhở, chúng con sửa chữa để   thân tâm chúng con được nhẹ nhàng tiến bước trên con đường về xứ Phật.

Cuối cùng tôi cầu nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Ni chúng có đầy đủ sức khỏe, học tập tốt, đạt nhiều thành quả tốt đẹp khi mãn Hạ.

Lời đại chúng tạ pháp:

Kính bạch Ni trưởng, chúng con kính nghe:

Trong mắt người có ngươi mới tỏ,

Sách không thầy biết ngỏ làm sao.

Xưa nay giáo pháp truyền trao,

Không thầy há dễ trò nào nên danh.

Với sự trải nghiệm của tự thân, Ni trưởng đã giúp chúng con hình dung được nếp sống tu tập trong thời Đức Tổ sư và cố Ni trưởng, hiểu được hạnh đức cao dày của đức Tổ sư và của cố Ni trưởng. Chúng con nguyện tinh chuyên tu tập, ôn nhuần nghiên cứu kinh luật luận, hằng ngày đọc Chơn Lý, ứng dụng ý Phật ý Tổ vào đời sống tu tập trong ba tháng Hạ cũng như những ngày ngoài Hạ. Trang bị cho mình giới đức, tâm đức và tuệ đức để thấu rõ được tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh căn cơ của mọi người, hiểu được tình trạng của xã hội, giúp cho mọi người vượt qua khỏi chông gai thử thách trong cuộc đời, những căn bệnh hiểm nghèo của thời đại… Có được tâm an, thân khoẻ, thăng hoa về mặt vật chất và tinh thần, có được ý nghĩ đẹp, việc làm tốt, biết kính tin Tam Bảo, hòa hiếu với mọi người, giúp đỡ nhau đoàn kết xây dựng một gia đình, một xã hội ấm no hạnh phúc, là phần nào chúng con đã thực hành đời sống phạm hạnh của bậc Sa-môn, hưởng được kết quả thiết thực, có được tâm từ, tinh thần vô ngã vị tha, có sự an tịnh nơi thân tâm, trong mọi lúc mọi hoàn cảnh ứng xử thích hợp đem lại lợi ích cho mình và người, đền đáp một phần nhỏ trong muôn vàn ân đức của chư Phật, của Tổ sư, của cố Ni trưởng Đệ Nhất, của quý Ni trưởng.

Chúng con ngưỡng nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Ni trưởng pháp thể khinh an, thọ lạp miên trường và kính dâng lên Ni trưởng lòng tri ân sâu xa nhất và chúng con:

Thành tâm kính chúc bậc ân sư

Ngọc ngữ kim ngôn rạng đức từ

Pháp ngữ gội nhuần trong vạn loại

Phước như Đông hải phước tràn dư.

Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma Ha Tát.                                                                      


[1] Xem “Đóa Sen Thiêng”, Ni trưởng Huỳnh Liên, NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: