CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Suy niệm

hinh but dep“Nhặt chiếc lá rơi cùng non cuối thẳm

Tìm cho ra tao ngộ hôm nào

Đời lữ thứ dặm trường cô độc

Sương ngàn năm rụng xuống giữa ngàn năm”

(Người nghệ sĩ sống về đêm – Viễn Du) 

Ngàn năm vẫn thế, sương rơi, lá rụng, người đi. Sương rơi cho tươi cành xanh đất, lá rụng về ướp mát đời cây, người đi giữa cuộc đổi thay, nghe sông núi cạn phút giây vô thường. Tất cả đều vận hành theo một quy trình sinh diệt, diệt sinh. Trong cuộc hành trình diệu vợi xa xăm ấy, chúng ta đã đi, đang đi và sẽ đi với mục đích tìm về bến tao ngộ, bến bờ của hạnh phúc Niết-bàn tuyệt đối. Để đạt được lý tưởng, ta không thể không khởi đầu từ những điều nhỏ nhất.

Cuộc sống là một hợp chuỗi nhân duyên, mọi hỷ nộ ái ố hơn thua được mất đều là những cung bậc mà lúc trầm hùng khi bay bổng để tạo nên âm thanh uyển chuyển cho bài ca cuộc sống. Nếu đường đời chỉ trải bằng nhung êm lụa ấm thì làm sao ta có thể cảm nhận hết giá trị muôn màu của nó. Đôi chân trần chắc chắn sẽ không bước tới thềm chân phúc. Không phải ngẫu nhiên mà một tác giả đã từng nói rằng: “Cuộc đời là một bản kinh mầu nhiệm”. Quả thật vậy, ông bà ta thường nói: “Muốn rèn đao rèn kiếm, sắt phải đập phải trui”, muốn thành tựu đạo quả, chúng ta cần phải có thử thách để trau lòng. Những điều trái tai nghịch mắt chính là dưỡng chất để nuôi lớn giới thân:

“Đời ngũ trược nên sanh nhiều oan trái

Hoạ hôm nay là hạnh phúc ngày mai

Vượt lên trên những khổ luỵ hình hài

Tìm giải thoát ở nẻo về bến Ngộ”.

Dẫu biết rằng đời sương khói, kiếp người rong rêu lắm, thế nhưng chân không bước thẳng một đường, lối sáng không đi lại bước về nẻo tối, rẽ hướng nhiều nơi, lại thêm tội liếc ngó hai bên, nhìn núi này trông núi nọ... Để rồi đưa đến lạc đường, hoang mang, la bàn cũng vuột mất… Thay vì nhìn ngó để học hỏi, để tránh khỏi sa hầm sụp hố, ta lại thêm hương vị khen chê, rồi tự chuốc lấy phiền não, áp suất tâm trở nên bão hoà và không tiêu hoá được, năng lượng càng tiêu hao. Kết quả cuộc hành trình ngưng trệ, gián đoạn... Chưa nói là sức cùng lực kiệt, hoàng hôn phủ mái đầu thưa. Khen mình chê người là thói quen dễ mắc phải. Đối trước cái xấu ác của người, ta bực bội khó chịu. Cái thái độ khinh khỉnh, kiêu mạn của chúng chẳng liên quan gì tới mình lại sanh tâm phiền toái. Thật là ngớ ngẩn khi tự mình đem rác phiền muộn vào căn phòng tâm thức, lâu ngày nó thối nhầy ra đó, nực mùi người chung quanh. Há chẳng phải “Sống trong cảnh giải thoát mà sanh ràng buộc”. “Không khen mình chê người” thật sự là tiếng chuông đánh thức giấc ngủ ngầm li bì, triền miên từ bao kiếp trôi qua.

Qua đây đức Phật đã dạy về pháp chân nhân và phi chân nhân. Chân nhân là người chân chính, tu tập một cách đúng đắn, luôn hướng nội và bám sát mục tiêu giải thoát. Phi chân nhân là người không chân chính, tuy vẫn quyết chí tu tập nhưng do không có chánh kiến nên vẫn còn chấp ngã, sanh tâm kiêu mạn, hãnh diện và tự hào, vì nghĩ mình xuất gia từ một gia đình cao sang, thâu nhận được nhiều lợi lộc về tứ sự, kiến thức đa văn, trì luật, khổ hạnh đầu đà, chứng đắc các tầng thiền v. v… rồi cho mình là hơn người, tự mãn và ngủ quên trên chiến thắng, một khi thấy mình đã đầy đủ thì cũng đồng nghĩa với dừng lại, không thể tiến hoá thêm được.

Sống trong thời đại phát triển của khoa học kỹ thuật, mạng lưới thông tin, phương tiện truyền thông tân tiến vượt bậc, đời sống vật chất nâng cao nhưng lại tỉ lệ nghịch với đời sống tâm linh rất nhiều. Bên cạnh cái lợi ích thì chúng còn đem lại là những hệ luỵ bởi bao cuộc chơi phù phiếm, vô bổ. Vật chất chính là con dao hai lưỡi có thể làm tổn thương ta bất cứ lúc nào. Tiền tài như những con virus, nếu biết cách sử dụng chúng trở thành thuốc kháng sinh, bằng ngược lại nó sẽ là thuốc độc mà chúng ta đang tiêm vào cơ thể mình, chúng mon men phá hoại nội tâm, ăn mòn ngũ căn, tan dần lục độ.

Chung quy rằng “tự mình thắp đuốc lên mà đi” là điều thiết thực nhất. Tự mình soi rọi lấy mình, khêu dậy đèn tâm tắt lụi bấy lâu. Lời dạy của vua Thái Tông trong Khoá Hư Lục thật vô cùng sâu sắc:

“Đuốc của người ngoài chăm gợi thắp,

Đèn nhà mình đó chẳng soi xem”

(Khoá Hư Lục – Ni trưởng Huỳnh Liên phổ thơ)

Đọc thì cũng đọc, thuộc vẫn thuộc rồi quên vì chưa từng uống một ngụm, nói chi thẩm thấu nghĩa lý của kinh. “Năng thuyết bất năng hành”, nói thì dễ lắm còn làm thì trăm vạn lần khó. Nhưng ít ra cũng tìm thấy được lối để đi, còn hơn mù mịt tăm tối. Lần mò từ vô lượng kiếp luân hồi, bám víu cõi trần gian thực - hư, ngọt - đắng, hôm nay quay về nẻo sáng chính là đang gieo hạt mầm giải thoát. Cũng đừng quên vun bồi đất nhẫn nhục, tưới tẩm nước từ bi cho trổ quả Niết-bàn.

Ngoảnh đầu mới thấy mình chẳng là gì, chưa đi tới đâu khi sau lưng vẫn là vũng bùn dục lạc còn vương đầy gót chân. Trước mắt thì chông gai vây bủa trùng trùng, sẽ sụp bẫy lúc nào không hay. Nhìn lại mới biết mình còn non kém lắm, sức định chưa bao nhiêu, vững tâm là điều hết sức cố gắng, con đường Giới – Định – Huệ nhất định phải được lập trình và thực thi. Nhận thấy cõi sống là do nhân duyên tan – hợp, tất cả mọi thứ không phải là nơi nương tựa an toàn và vững chắc, thì ta bỗng ngộ ra rằng: “Niết-bàn - thiên đường hạnh phúc ấy ở ngay đây”. Tuy xa lắm mà cũng gần lắm, đâu ngờ cách nhau một đường tơ mê - ngộ, mà chất liệu kết dính là “tỉnh giác” và “chánh niệm”. Quay về với nội tại mới đủ sức chống chọi với dòng đời nhiều xô đẩy và biến dịch.

Thức dậy vươn vai, mở mắt to nhìn đời, ánh bình minh đâu đó len lỏi vào cửa sổ tâm hồn, mang theo điều an lạc của ngày mới, ánh sáng huyền diệu và thiêng liêng của ngôi Tam Bảo, vực dậy niềm chánh tín vô biên; ánh đuốc trí tuệ rạng toả rực rỡ, soi chiếu tận cùng mọi ngõ ngách vô minh, xua tan những niềm đau nỗi khổ của kiếp người. Tất cả đều bừng giấc trong ánh hào quang Từ bi và Trí tuệ của chư Phật.

“Không khen mình chê người” vẫn mãi là một “bài kinh sống” cho mỗi hành giả chúng ta trong suốt quá trình tiến tu đạo nghiệp giải thoát. Hãy bắt đầu lật lại bài kinh và cố gắng áp dụng để tự thức mình, nhắc nhở mình mỗi ngày thêm tốt hơn, trưởng thành hơn trong chánh pháp Như Lai, “hơn thua so với chính mình, hôm nay mình phải hơn mình hôm qua”. Dù cuộc tu có khó khăn dồn dập mấy cũng đừng lui gót, để một ngày nào đó ung dung nhặt cánh mai rơi mà lòng tự tại vô bờ:

“Gót nhỏ đường dài không chán nản

Tự vô lượng thọ dựng hình hài

Tự vô lượng nghĩa tìm chân đế

Nhất quán vô thường nhặt cánh mai”

(Suối về Hoa Nghiêm – Trần Quê Hương) 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: