Giới thiệu bài Kinh Hiếu dưỡng trong Kinh Tạp A-hàm quyển 4
- TK.Minh Điệp
- | Thứ Năm, 19:11 24-10-2019
- | Lượt xem: 4977
GIỚI THIỆU BÀI KINH “HIẾU DƯỠNG”
TRONG KINH TẠP A-HÀM, QUYỂN 4[1]
TK. Minh Điệp
- DẪN NHẬP
Cảm xúc về công ơn cha mẹ trong mỗi con người luôn dồi dào và da diết vì cội nguồn tâm linh của chúng ta luôn được bắt nguồn từ cha mẹ. Cả cuộc đời mình, cha mẹ đã dốc hết tâm lực, trí lực và sức lực để nuôi dạy con cái nên người, cũng như hết lòng chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần đạo đức của con. Thời gian con cái trưởng thành cũng là lúc mẹ cha mỏi mòn vì tuổi già sức yếu. Do đó, bổn phận làm con chúng ta phải luôn cảm nhận công ơn cha mẹ để báo hiếu một cách trọn lành cho phải đạo.
Đức Phật luôn đề cao vấn đề hiếu hạnh và chính Ngài là một tấm gương sáng cho đạo làm con. Giáo lý mà Ngài để lại luôn chú trọng đến chữ hiếu. Trong nhiều bài kinh, đức Phật thường chỉ dạy cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia phương pháp báo ơn cha mẹ. Và nhiều bài kinh cũng ghi chép lại lời tán dương, ca ngợi của đức Phật dành cho những người tu hành biết báo đáp công ơn cha mẹ bằng những việc làm thiết thực.
Nhân mùa Vu Lan PL. 2653 – DL. 2019, người viết xin được giới thiệu bài kinh Hiếu Dưỡng đến với quý Phật tử và độc giả xa gần. Với tri kiến và khả năng còn hạn chế, người viết xin được trình bày ngang qua sự học tập và nghiên cứu từ các tác giả đi trước với mong mỏi đóng góp vào văn học Phật giáo một chút tâm ý thiện lành. Mong rằng bài viết sẽ giúp những người con biết trân quý giây phút còn được ở bên cha mẹ để thừa hưởng hạnh phúc làm người và cũng để báo đáp công ơn một cách đúng nghĩa.
B. NỘI DUNG
I. CHÁNH VĂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn trẻ tuổi tên là Uất-đa-la[2] đến chỗ Đức Phật.
Sau khi chào hỏi xong, lui qua ngồi một bên, bạch Phật rằng:
Bạch Thế Tôn, con thường đi khất thực như pháp, đem cúng dường cho cha mẹ, khiến cho ông bà được an vui, xa lìa khổ. Bạch Thế Tôn, việc làm của con như vậy có nhiều phước không?
Phật bảo Uất-đa-la:
- Thật có nhiều phước. Vì sao? Vì nếu có người nào khất cầu đúng pháp, để cúng dường cha mẹ, làm cho an vui, trừ khổ não, thì thật là người có phước lớn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ rằng:
Như ngươi đối cha mẹ,
Cung kính và cúng dường,
Đời này lưu tiếng thơm,
Khi chết được lên trời.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
II. KHÁI QUÁT CHUNG
1. Tổng quan Kinh A-hàm
Tất cả kinh điển Phật giáo, dù là Đại thừa hay Tiểu thừa, Nam truyền hay Bắc truyền, đều có chung một nguồn gốc là lưu xuất từ kim khẩu, từ trí tuệ giác ngộ và giải thoát của đức Thế Tôn. Những bài pháp thoại ấy được Tăng chúng học thuộc lòng và trì tụng mỗi ngày.
Vì sao những lời Phật dạy sau khi được kết tập lại gọi là A-hàm? Căn cứ vào bài tựa Kinh Trường A-hàm của Ngài Tăng Triệu, thì chữ A-hàm, nguyên tiếng Phạn là Āgama, có nghĩa là Pháp quy, tức là nơi quy thú của muôn pháp. Các bộ luận như Du-già Sư Địa, Dị Bộ Tông Luân, Thành Duy Thức Luận... đều giải thích chữ Āgama có nghĩa là giáo thuyết được truyền thừa, tức là tuyển tập những lời dạy của đức Phật trong suốt những năm hoằng pháp của Ngài thành một hệ thống để truyền thừa cho thế hệ tương lai.
Như vậy, A-hàm là tên gọi chung những pháp thoại được nói bởi đức Phật và đệ tử của Ngài, rồi được trao truyền cho nhau để làm y chỉ thực hành đời sống Phạm hạnh giải thoát[3].
Bốn bộ A-hàm gồm có:
1. Trường A-hàm (Dīrgha Āgama): 22 quyển, do Ngài Phật-đà-da-xá (Buddhayasas), Trúc Phật Niệm và Đạo Hàm dịch vào năm 413.
2. Trung A-hàm (Madhyama Āgama): 60 quyển, do Ngài Tăng-già-đề-bà (Sanghadeva) và Tăng-già-la-xoa, Đạo Từ dịch vào năm 398. Bộ này là nền tảng của Hữu bộ.
3. Tạp A-hàm (Saṃyukta Āgama): 50 quyển, do Ngài Cầu-na-bạt-đà-la (Gunabhadra) và Pháp Dũng dịch vào năm 443.
4. Tăng Nhất A-hàm (Ekottara Āgama): 50 quyển được Ngài Đàm-ma-nan-đề, Trúc Phật Niệm và Đàm Tung dịch vào năm 384[4].
2. Đôi nét về bài kinh Hiếu Dưỡng
Kinh Hiếu Dưỡng là bài kinh số 88 nằm trong Quyển IV thuộc Bộ Tạp A-hàm, Hán dịch: Tam Tạng Cầu-na-bạt-đà-la, Việt dịch: Thích Ðức Thắng, Hiệu đính và chú thích: HT. Tuệ Sỹ.
Theo các bản Chú giải khác, bài kinh này nằm trong Ấn Thuận Hội Biên, tiếp theo Tụng 5 Bát chúng, 21. Tương ưng Bà-la-môn (Đại Chánh Kinh 1151-1163, 88-102, 1178-1187). Đại Chánh, quyển 4, Kinh 88, tương đương Pāli, S. 7. 19 Mātuposaka; Biệt dịch 100 (88)[5].
III. PHÂN TÍCH NỘI DUNG BÀI KINH “HIẾU DƯỠNG”
Bài kinh Hiếu Dưỡng là một trong những bài kinh rất ngắn thuộc Bộ Tạp A-hàm. Bài kinh ghi lại lời thưa hỏi của một Bà-la-môn đến với đức Phật về việc làm báo hiếu. Thông qua câu hỏi này, đức Phật đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc báo ơn cha mẹ và tán thán hạnh lành của người con hiếu hạnh.
Theo sử liệu ghi chép, khi Phật giáo xuất hiện tại Ấn Độ cổ đại, thì đất nước này đã có nhiều tôn giáo cũng như nhiều hệ tư tưởng và hệ thống triết học xuất hiện trước đó. Những người tu hành thường được gọi chung bằng danh từ Bà-la-môn, Sa-môn, đạo sĩ, ẩn sĩ... Khi thành lập Tăng đoàn, đức Phật cũng sử dụng hai danh từ Bà-la-môn và Sa-môn để chỉ cho vị Tỳ-kheo xuất gia nhưng ý nghĩa cao thượng hơn so với các tôn giáo đương thời. Như bài Kinh Sa-môn Quả, đức Phật dạy quả vị Sa-môn gồm có tám đôi bốn vị là mục tiêu thù thắng của người xuất gia. Còn trong Phẩm Bà-la-môn thuộc Kinh Tiểu Bộ, hạnh lành cao quý nằm trong việc thọ trì Giới luật và Giáo pháp mới xứng gọi là vị Bà-la-môn chứ không phải nằm trong chiếc áo cà-sa. Ngoài ra, trong các kinh tạng cũng ghi chép lại rằng hàng ngoại đạo và người chưa theo đạo nói chung trong xã hội thường gọi đức Phật là Sa-môn Cù-đàm[6].
Vị Bà-la-môn Uất-đa-la là một trong những tu sĩ sống trong thời gian đức Phật còn tại thế. Do còn hạn hẹp về quả chứng và trí tuệ nên Bà-la-môn này còn những nghi vấn trong việc làm của mình. Chính vì vậy, khi nuôi dưỡng cha mẹ bằng việc khất thực ông không biết được phước báu của nó như thế nào? Tuy đời sống gia đình của vị Bà-la-môn không được đề cập trong kinh, nhưng thông qua việc khất thực nuôi cha mẹ, chúng ta thấy rằng vị Bà-la-môn này vẫn còn nặng gánh gia đình.
Theo Thuyết Ashrama có bốn giai đoạn mà một Bà-la-môn phải trải qua để cho đời sống trần thế nhập vào việc hành sự tôn giáo:
1. Phạn hành kỳ: Theo thầy học tập kinh Vệ-đà, tiếp thu huấn luyện tôn giáo, thời gian là mười hai năm.
2. Gia trú kỳ: Sống cuộc sống thế tục ở gia đình, lấy vợ sinh con, làm các ngành nghề trong xã hội để mưu cầu cuộc sống. Không vi phạm chống lại bổn phận của một tín đồ Bà-la-môn, tiến hành việc thờ cúng ở gia đình và bố thí.
3. Lâm thế kỳ: Việc nhà đã xong, vào ẩn cư trong rừng, sống đời khổ hạnh để bản thân chứng ngộ được đấng Brahma.
4. Độn thế kỳ: Bỏ nhà đi vân du bốn phương, sống bằng cách nhận bố thí của dân chúng, mục đích để đạt được sự giải thoát của linh hồn.
Với bốn giai đoạn trên, khi đã nhận của bố thí, Bà-la-môn Uất-đa-la lẽ ra đã thoát ly gia đình. Tuy nhiên, trách nhiệm của một người con đã lên tiếng khiến ông vẫn phải nuôi sống cha mẹ bằng việc hành khất. Điều này khiến chúng ta đi đến suy đoán rằng có thể ở trong gia đình Uất-đa-la là con trai độc nhất hoặc không còn người thân nào khác chăm sóc cha mẹ ông. Do đó, dẫu đang thực hành giai đoạn cuối của một vị Bà-la-môn nhưng ông vẫn nuôi sống cha mẹ mình. Sự liên hệ mật thiết này đưa chúng ta đến một suy đoán tiếp theo đó là việc nuôi sống cha mẹ dẫn đến nghi vấn về đời sống phạm hạnh của Bà-la-môn Uất-đa-la. Chính những nghi vấn này đã thôi thúc ông đến yết kiến đức Thế Tôn.
Sau khi nghe nghi vấn của Bà-la-môn Uất-đa-la, đức Phật trả lời: “Thật có nhiều phước. Vì sao? Vì nếu có người nào khất cầu đúng pháp, để cúng dường cha mẹ, làm cho an vui, trừ khổ não, thì thật là người có phước lớn.”
Câu trả lời của đức Phật bao gồm hai phần:
- Phần thứ nhất: Là lời xác nhận về việc làm của Bà-la-môn Uất-đa-la. Như vậy, việc khất thực nuôi sống cha mẹ của ông không ảnh hưởng đến đời sống Phạm hạnh mà còn sanh ra phước báu, thậm chí là nhiều phước báu: “Thật có nhiều phước”.
- Phần thứ hai: Đức Phật dùng câu hỏi: “Vì sao?”, để nhấn mạnh cho câu trả lời của mình và kèm theo một lời giải thích rất cụ thể: “Vì nếu có người nào khất cầu đúng pháp, để cúng dường cha mẹ, làm cho an vui, trừ khổ não, thì thật là người có phước lớn.” Lời giải thích này cũng là một lời dạy về phương pháp báo hiếu cho người tu hành nói chung. Đó là việc khất thực phải đúng pháp, tùy thời cúng dường cha mẹ, làm cho thân tâm cha mẹ an vui và dứt trừ mọi khổ não cho cha mẹ. Thành tựu đầy đủ bốn vế này thì việc chăm sóc cha mẹ mới sanh ra phước báu.
Sau khi trả lời xong, đức Phật còn dùng bài kệ tán thán công hạnh của Bà-la-môn Uất-đa-la như sau:
Như ngươi đối cha mẹ,
Cung kính và cúng dường,
Đời này lưu tiếng thơm,
Khi chết được lên trời.
Bài kệ này đi theo một tiến trình nhân quả từ hiện tại cho đến vị lai. Ba câu đầu là nhân quả hiện tại, câu cuối là quả báu vị lai.
Cặp nhân quả hiện tại được cụ thể hóa trong hành động của người con: Như ngươi đối cha mẹ, cung kính và cúng dường. Từ việc làm hiếu hạnh cung kính và cúng dường đó đưa đến quả báu tốt đẹp là: Đời này lưu tiếng thơm. Danh tiếng luôn đi kèm với lợi dưỡng. Nghĩa là việc khất thực với mục đích nuôi sống cha mẹ già yếu giúp Bà-la-môn Uất-đa-la dễ dàng trong việc khất cầu hơn.
Trong Đại Kinh Thí Dụ Cái Lõi Cây thuộc Trung Bộ Kinh tập I, bản dịch của HT. Thích Minh Châu, đức Phật xác nhận lợi dưỡng, cung kính và tiếng thơm là phần đầu của con đường Phạm hạnh. Đây là phước báu mà hàng Sa-môn được thọ hưởng. Chỉ có những ai bị tham chấp chìm đắm trong hưởng thụ lợi dưỡng, cung kính và tiếng thơm sẽ bị đánh mất con đường thành tựu Phạm hạnh mà thôi.
Quả báo vị lại được đức Phật tán thán chính là tái sanh về thiên giới: “Khi chết được lên trời.” Đây là hương vị của hiếu hạnh. Các người con nào trọn đời biết báo đáp công ơn cha mẹ, thì phước báu đó vô cùng cao tột. Sau khi thân hoại mạng chung sẽ được tái sanh lên các cõi trời để thọ hưởng phước báu đời đời. Lời tán thán này cũng kết thúc trọn vẹn ý nghĩa của bài Kinh Hiếu Dưỡng.
IV. PHƯƠNG PHÁP BÁO HIẾU CÔNG ƠN CHA MẸ THEO TINH THẦN BÀI KINH “HIẾU DƯỠNG”
Chúng ta biết rằng vật chất và tinh thần đều là hai mặt cần thiết đối với một con người. Chú trọng mặt này mà xem thường mặt kia thì cuộc sống sẽ lệch lạc, và con người chắc chắn sẽ không có được hạnh phúc. Có rất nhiều bậc cha mẹ được con cái phục vụ cho đủ mọi thứ của cải vật chất, đầy đủ mọi thứ tiện nghi nhưng họ vẫn luôn sống trong cô đơn, lo lắng không hề biết đến an lạc, hạnh phúc là gì. Cho nên, báo hiếu phải đầy đủ hai phần: tinh thần và vật chất.
1. Báo hiếu phương diện vật chất
Về phương diện vật chất thì báo đáp công ơn cha mẹ là phải chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ về già. Nhưng sự chăm sóc, phụng dưỡng đó phải được làm với lòng thương yêu và kính trọng thực sự chứ không phải chỉ vì đó là trách nhiệm, là bổn phận. Còn đối với những ai mà cha mẹ còn khoẻ mạnh, chưa cần đến sự phụng dưỡng của mình thì cách thức báo hiếu cha mẹ là phải biết vâng theo những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ; siêng năng học tập, làm việc, tránh làm những việc tà quấy gây ảnh hưởng xấu đến cha mẹ và gia đình, phải biết giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình, phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản của cha mẹ...
Nhu yếu phẩm cần thiết mà người con cần phải cung phụng cha mẹ là thức ăn, đồ mặc, chỗ ở và thuốc trị bệnh.
2. Báo hiếu phương diện tinh thần
Theo đạo Phật, báo hiếu về phương diện tinh thần không chỉ đơn thuần là làm cho cha mẹ luôn được vui vẻ, hạnh phúc, mà báo hiếu tinh thần ở đây là hướng cha mẹ bước theo con đường cải ác tùng thiện, biết làm việc phước đức, và hơn hết là biết tu tập để tìm đến sự an lạc thật sự trong chính đời này và đời sau. Báo hiếu về phương diện tinh thần chúng ta nên chú ý ở một vài điểm sau:
- Khi cha mẹ còn khỏe mạnh: Chúng ta nên vâng lời dạy bảo, nghe lời khuyên răn và làm cha mẹ vui lòng.
- Khi cha mẹ già yếu: Anh em phải hòa thuận, chăm nom săn sóc thường ngày, tránh gây gổ, mất đoàn kết nhất là trong việc phân chia tài sản. Khuyên cha mẹ ăn chay niệm Phật, nghe giáo lý và quy y Tam bảo.
- Khi cha mẹ mất: tụng kinh cầu siêu, làm các việc phước lành để hồi hướng cho cha mẹ.
3. Báo hiếu cao thượng
Kinh Tăng Chi Bộ, Tập 1, đức Phật dạy: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với các của cải, vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn an trú vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.”
Kinh Trung A-hàm, Hán dịch: Phật Ðà Da Xá và Trúc Phật Niệm, Việt dịch & Hiệu chú: HT. Tuệ Sỹ, có đoạn chép về sự kiện đức Phật dạy Tôn giả A-nan khi A-nan xin cho Cù-đàm-di Đại Ái xuất gia như sau:
“A-nan! Cù-đàm-di Đại Ái đã đem lại cho Ta nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Ta sau khi thân mẫu Ta mất. Nhưng này A-nan, Ta cũng đem lại cho Cù-đàm-di Đại Ái nhiều lợi ích. Vì sao? Này A-nan, Cù-đàm-di Đại Ái nhờ Ta mà được quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ ba ngôi tôn quý và Khổ - Tập - Diệt - Đạo, thành tựu tín tâm, phụng trì giới cấm, tu học bác văn, thành tựu hạnh bố thí, được trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát; xa lìa nghiệp không cho mà lấy, đoạn trừ nghiệp không cho mà lấy; xa lìa nghiệp tà dâm, đoạn trừ nghiệp tà dâm; xa lìa nghiệp nói dối, đoạn trừ nghiệp nói dối; xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu.
A-nan, nếu có người nhờ người mà được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ ba ngôi tôn quý và Khổ Tập Diệt Đạo, thành tựu tín tâm, phụng trì giới cấm, tu học bác văn, thành tựu bố thí, được trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát; xa lìa nghiệp không cho mà lấy, đoạn trừ nghiệp không cho mà lấy; xa lìa nghiệp tà dâm, đoạn trừ nghiệp tà dâm; xa lìa nghiệp nói dối, đoạn trừ nghiệp nói dối; xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu. Rồi, này A-nan, giả như người này cúng dường người kia y phục, ăn uống, tọa cụ, thuốc thang, các vật dụng cho cuộc sống, cho đến trọn đời, chẳng lẽ nào lại không được đền ơn”.
Qua hai đoạn trích từ Kinh Trung Bộ và Kinh Trung A-hàm, chúng ta thấy rằng quan điểm báo hiếu của các kinh này mang sự tích cực bằng cách hướng dẫn cho cha mẹ tu tập hơn là việc chờ đợi người con giải thoát rồi cứu độ được cha mẹ. Rõ ràng lời Phật dạy trong hai kinh này là nếu ai hướng dẫn cho cha mẹ quy y Tam bảo, thọ trì Ngũ giới, tu tập Tứ Diệu Đế là đã đền trả được công ơn cha mẹ.
C. KẾT LUẬN
Cuộc sống luôn luôn trường lưu như một dòng sông muôn đời của tạo hóa. Dòng sông đó có khơi nguồn và cũng có chỗ kết thúc của nó. Một đời người cũng chẳng khác một dòng sông là bao. Một con người cũng được khơi nguồn từ cha mẹ, sau đó trôi chảy qua biết bao hạnh phúc lẫn đau khổ để rồi đi đến chỗ kết thúc thọ mạng của mình. Nhưng điều vẫn còn lưu lại trên đời chính là tâm hồn đạo đức và những việc làm ý nghĩa được tạo ra khi chúng ta còn sống. Việc làm ý nghĩa nhất và đạo đức nhất chính là báo đáp công ơn cha mẹ.
Khi còn sinh tiền, HT. Giác Huệ từng cảm tác:
Lá dầu lìa cội, đừng quên cội
Chỉ dẫu xa kim, hãy nhớ kim
Nước biệt ly nguồn, nguồn nhớ nước
Máu đi, xin máu trở về tim.
(Giác Huệ Thi Tập)
Dẫu là một chiếc lá cũng có cội gốc, dẫu là một sợi chỉ cũng phải nhờ cây kim may mới nằm ấm êm trong chiếc áo, dẫu một giọt nước cũng có cội nguồn và dẫu một giọt máu tươi cũng phải nhờ quả tim điều hướng. Chiếc lá, sợi chỉ, giọt nước và giọt máu tươi đều là tượng trưng cho một con người. Dù chúng ta được sinh ra xinh đẹp hay xấu xí, giàu sang hay nghèo khổ, thông minh hay ngu dốt, cao thượng hay thấp hèn… tất cả chúng ta đều có cha có mẹ. Bổn phận làm con phải biết cảm nhận và báo hiếu trong muôn một.
Bài kinh Hiếu Dưỡng là một bài học sống động về hạnh tu hiếu thuận dành cho mọi người. Thông qua cuộc vấn đáp giữa một vị Bà-la-môn và đức Phật, chúng ta được học tập về việc làm hiếu thảo trong bổn phận làm con. Nhớ tưởng công ơn cha mẹ, các người con cần phải lao động bằng những việc làm chân chính để tạo ra của cải vật chất. Dùng phẩm vật được tạo sắm đúng pháp đó cúng dường, nuôi dưỡng cha mẹ, giúp cha mẹ an vui, chấm dứt tất cả mọi khổ não trên đời. Đó mới là chân hạnh phúc và phước báu trọn vẹn theo tinh thần của Phật giáo.
THAM KHẢO
- HT. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh Tăng Chi Bộ.
- HT. Thích Tuệ Sỹ, Kinh Trung A-hàm, Kinh Tạp A-hàm.
- HT. Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại Từ Điển.
- Thích Nguyên Hùng biên soạn, Tổng Quan Bốn Bộ A-hàm.
- TN. Giới Hương, Cốt Lõi Kinh A-hàm và Nikaya.
[1] Hán dịch: Tam Tạng Cầu-na-bạt-đà-la. Việt dịch: Thích Ðức Thắng. Hiệu đính & Chú thích: HT. Tuệ Sỹ.
[2] Uất-đa-la (鬱多羅), Pāli: Mātupasako Brāhmaṇo: Bà-la-môn tên là Mātupasaka.
[3] Thích Nguyên Hùng biên soạn, Tổng Quan Bốn Bộ A-hàm, Nxb. Hồng Đức, 2012.
[4] TN. Giới Hương, Cốt Lõi Kinh A-hàm và Nikaya, đăng trên http://www.huongsentemple.com ngày 25-1-2018.
[5] http://vnbet.vn/dai-tap-5-bo-a-ham-v-trung-a-ham-biet-dich-kinh-tap-a-ham-so-1/tap-a-ham-quyen-4-kinh-88-hieu-duong-13493.html
[6] Siddhartha Gautama, phiên âm là Tất-đạt-đa Cồ-đàm, Cù-đàm, hay Sĩ-Đạt-Ta Cồ-đàm, Cù-đàm, hay Sĩ-Đa-Tha Cồ-đàm, Cù-đàm (phiên âm Hán Việt từ tiếng Phạn: 悉達多瞿曇) còn được người đương thời và các tín đồ đạo Phật sau này tôn xưng là Shakyamuni (Thích Ca Mâu Ni).
Các bài viết liên quan
- Tình người quanh ta - Thứ Năm, 19:54 19-08-2021 - xem: 4435 lần
- Khánh tuế Thầy - Thứ Sáu, 19:46 24-09-2021 - xem: 5318 lần
- Cảm niệm công ơn Cha Mẹ - Thứ Năm, 16:50 02-09-2021 - xem: 7475 lần
- Vai gầy mẹ gánh đàn con - Thứ Sáu, 10:30 27-08-2021 - xem: 4799 lần
- Vu lan trong mùa đại dịch - Thứ Tư, 18:48 25-08-2021 - xem: 3773 lần
- Tâm tình của con - Thứ Tư, 11:02 25-08-2021 - xem: 4416 lần
- Vu Lan - Kính vọng ơn Thầy - Thứ Ba, 23:32 24-08-2021 - xem: 4266 lần
- Mẹ - Thứ Ba, 15:52 24-08-2021 - xem: 4256 lần
- Mẹ! - Thứ Ba, 15:35 24-08-2021 - xem: 3875 lần
- Vu lan năm nay - Thứ Hai, 22:29 23-08-2021 - xem: 6100 lần
- Người Thầy trong tâm tôi - Thứ Hai, 22:09 23-08-2021 - xem: 4767 lần
- Tâm tình của con kính gửi Ba Má - Thứ Bảy, 21:22 21-08-2021 - xem: 4088 lần