CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Lời ngỏ Đuốc Sen 25

mklienNam-mô Đại hiếu Mục-kiền-liên Bồ-tát.

Kính thưa chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử độc giả,

Từ rất lâu, Vu lan đã trở thành một một ngày lễ mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt. Bởi lời Phật dạy về từ bi, yêu thương cùng thông điệp về lòng tri ân, sự báo ân mà Vu lan chuyên chở đã vang vọng đến nơi sâu thẳm của tâm hồn mỗi người, nâng tình yêu thương và lòng từ bi trở thành một triết lý sống.

Tình yêu thương ấy từ trong kinh điển nhà Phật đã được Tổ tiên hòa cùng văn hóa dân tộc qua hình ảnh bao dung của hai đấng sinh thành. Thánh hiền hay phàm phu đều có cha mẹ. Từ nhận thức đó, đạo Phật trở nên gần gũi, thiêng liêng hơn trong ý niệm về lòng hiếu thảo của người Việt qua hình ảnh cha mẹ là những vị “Phật ở trong nhà”.

Một mùa Vu-lan nữa lại đến, Đuốc Sen tập 25 ra mắt độc giả cũng hòa chung niềm vui hiếu hạnh để kính nhớ đến công ơn sinh dưỡng của Mẹ và Cha.

Chư vị cổ đức có dạy, hiện hữu trên cõi đời đó là nhờ ân sinh dưỡng của Cha Mẹ, dự vào hàng Sa-môn Thích tử đó là nhờ ân giáo dưỡng của Sư trưởng, Tổ Thầy. Bằng tinh thần tri ân và báo ân trong mùa hiếu hạnh, ấn phẩm Đuốc Sen mùa Vu lan năm nay xin dành chuyên mục đầu tiên để thể hiện niềm kính tiếc cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, một vầng thái dương mới tắt nắng phía trời Tây, một bậc long tượng vừa viên mãn hóa duyên từ biệt Tứ chúng. Thông tin về Lễ tang là tất cả những hiếu sự mà môn đồ tứ chúng Khất sĩ thực hiện để tri ân công đức Thầy hiền trong ngày thọ tang. Cuộc đời và đạo nghiệp của Pháp sư, chúng con xin ôn lại và nguyện trọn đời noi theo tu hành để vuông tròn ý nghĩa đời sống của người con trò Khất sĩ.

Nếu giới tao nhân mặc khách cảm thấy bâng khuâng, hoài cảm giữa khung cảnh mây thu, gió lạnh của những bức tranh thơ Thế Lữ, Huy Cận; phiêu bồng, ngơ ngác khi đạp lá thu vàng trong cõi thơ của Lưu Trọng Lư, thì mùa thu với những văn nhân Phật tử cũng thật nhiều cảm xúc. Đó là lời “Cảm niệm Vu lan” nhân ngày “Vu lan thắng hội”. Giây phút lắng đọng tâm tư khi nhớ về “Đôi vai gầy” hay “Vu lan nhớ ngoại”. “Ký ức Vu lan” làm lòng người thêm thổn thức để rồi giữa lòng Sài Gòn có người con hiếu bồi hồi “Nhặt mưa làm nước mắt”. Vu lan về cũng là lúc những người học trò, đệ tử trải lòng mình vào những trang giấy, vần thơ. Có những tâm tình của những người học trò còn nương bên thầy học đạo và cũng có cả những dòng ký ức, hồi tưởng về bóng dáng thầy hiền với lòng kính nhớ thiết tha.

Như thường lệ, chuyên mục Giáo pháp Khất Sĩ tiếp tục đăng tải phần tiếp theo của loạt bài Đọc Chơn lý “Bát Chánh Đạo”. “Đại Thái Thức” là tên gọi Hán dịch của Tôn giả Mục-kiền-liên, cũng là tên quyển Chơn Lý số 48 trong bộ Chơn lý. “Tư tưởng Đại thừa trong Chơn Lý Đại Thái Thức” là một bài nghiên cứu xoay quanh những nét độc đáo mang tinh thần Đại thừa của sự kiện Tôn giả Mục-kiền-liên cứu độ mẫu thân thoát địa ngục được Tổ sư Minh Đăng Quang luận giảng. Cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư với tâm hạnh đại hùng, đại lực, đại từ bi là nội dung bài nghiên cứu, nhận định mang tựa đề “Tổ sư Minh Đăng Quang: Tấm gương Bi – Trí – Dũng” của cây bút Lê Đàn.

Chuyên mục Thiền học được tiếp nối với bài pháp thoại phiên tả của Thiền sư Ajahn Chah mang tựa đề “Thực tập đúng đắn - Thực tập kiên định” được Thường Huyễn chuyển ngữ. Đây là một bài pháp thoại quý giá đối với những hành giả đang trên con đường thực tập thiền quán. Bởi việc điều phục tâm đã khó mà giữ tâm lúc nào cũng trong trạng thái nhu nhuyến, dễ sử dụng nhằm hướng đến quán sát các đối tượng, các đề mục xung quanh bốn lĩnh vực: thân, thọ, tâm, pháp lại càng khó hơn. Nếu thiếu yếu tố đúng đắn ngay lập tức hành giả sẽ đi lệch quỹ đạo tu tập; thiếu kiên định đồng nghĩa hành giả tự mình hủy bỏ công phu hành trì bấy lâu. “Thiền Chánh niệm” là một bài viết của Giáo sư Hồng Quang, một nhà nghiên cứu thiền học ứng dụng với nhiều nghiên cứu giá trị. Nội dung bài viết cung cấp nhiều thông tin và ích lợi từ việc tu tập thiền chánh niệm mang lại.

Phần còn lại của loạt bài “Tìm hiểu về giáo lý Duyên khởi” tiếp tục được giới thiệu đến độc giả trong chuyên mục Phật học, nhằm làm sáng tỏ thêm mối quan hệ nhân-duyên-quả của mười hai mắc xích của giáo lý Duyên khởi. Tam độc tham, sân, si là những cấu uế, phiền não tiêu biểu của tâm chúng sanh theo quan điểm Phật giáo. Ba loại tâm cấu uế trên sẽ được phân tích dưới góc độ Vi diệu pháp để đưa đến phương hướng tu tập, thanh lọc tam nghiệp qua bài viết “Nguyện tiêu tam chướng”.

“Chữ Tín trong Kinh Hoa Nghiêm” là một bài viết mang phong cách học thuật cao, nghiên cứu về giá trị ứng dụng của việc tu tập chữ Tín đối với hành giả Phật giáo được trình bày tại “Hội thảo Hoằng pháp các tỉnh Tây nguyên”. Liên hệ trực tiếp với thực tế Phật giáo tại Tây Nguyên, “Tín” chính là hạt giống đầu tiên mà các vị sứ giả Như Lai cần phải gieo vào vùng cao nguyên đất đỏ bazan trù phú này. Ở một khía cạnh khác, từ nghiên cứu thực tế, Phật giáo Đăk Lăk với đồng bào dân tộc Tây Nguyên cho thấy những thành tựu của Phật giáo tại tỉnh Đăk Lăk. Qua đó, cung cấp một góc nhìn rộng hơn để thấy rõ hơn những tiềm năng cũng như thách thức trong việc hoằng truyền Phật pháp đến với người dân tộc thiểu số tại Tây nguyên.

Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần là một trong tứ đại danh tác của văn học cổ điển Trung Hoa, sẽ được nhận định dưới góc nhìn của người học Phật qua bài viết “Tìm hiểu về Bát khổ trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng”. Bài viết là minh chứng rõ ràng cho chân lý đầu tiên mà đức Phật tuyên thuyết: khổ luôn hiện hữu trong cuộc sống này dù ở không gian, thời gian nào. Những bài tản văn, thơ… còn lại trong chuyên mục Văn – Thơ – Truyện là những trầm tư, nhận định của người học Phật về kiếp sống nhân sinh. Đó là những bài học, những kinh nghiệm rút ra qua những nẻo phong trần; là mong ước tìm về một cõi tâm bình yên tĩnh lặng mà có lúc con người từng thờ ơ, quên lãng.

Những chuyên mục còn lại giới thiệu đến độc giả những thông tin về mùa An cư kiết hạ tại các trường hạ thuộc Hệ phái Khất sĩ; cũng như những khóa tu tập dành cho thanh thiếu niên trong mùa hè, các khóa tu thiền, Bát quan trai do các tịnh xá thuộc Hệ phái trên cả nước tổ chức. Các hoạt động Phật sự từ tháng 2 đến đầu tháng 7 âm lịch của Hệ phái được chia sẻ đến chư Tôn đức Tăng Ni và độc giả trong Đuốc Sen lần này qua loạt tin vắn Phật sự. Thông tin về chuyến cứu trợ quốc tế đầu tiên của Hệ phái Khất sĩ được đăng trong bài “Hệ phái Khất Sĩ cứu trợ thảm họa động đất tại Nepal”. “Đại lễ Tự tứ - Vu lan tại các Giáo đoàn” sẽ cung cấp thông tin về các tịnh xá đăng cai tổ chức Đại lễ Tự tứ - Vu lan để chư Phật tử Khất sĩ hai miền Trung – Nam biết rõ và đồng quay về thể hiện hiếu tâm, hiếu đạo cũng như gieo phước duyên trong mùa Vu lan báo hiếu.

Nhân mùa Tứ tứ - Vu lan, kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni thêm một hạ lạp, đạo nghiệp tăng trưởng. Xin cầu nguyện Tam Bảo chứng minh cho chư Phật tử thực hành trọn vẹn hiếu tâm, hiếu đạo đối với Tứ trọng ân và luôn được an lành trong Chánh pháp.

Pháp viện Minh Đăng Quang, 25 tháng 6 năm Ất Mùi

Trân trọng,

HT. Giác Toàn

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: