Tìm về bờ giác
- Ngọc Chơn
- | Thứ Sáu, 08:44 16-08-2019
- | Lượt xem: 4085
Mỗi chúng ta sinh ra và có mặt trong đời không phải là một sự tình cờ hay ngẫu nhiên. Trong Ðại Kinh Ðoạn Tận Ái thuộc Kinh Trung Bộ, đức Phật dạy rằng, chính do ái dục, do lòng khao khát được tiếp tục thọ hưởng các dục ở thế gian mà thức của ta đã gá vào bào thai của người mẹ vào đúng thời điểm hội đủ các điều kiện thuận lợi của bốn món ăn: Đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, và thức thực, để từ đó một con người được sinh ra trong cõi đời. Chính bốn món ăn này do ái dục làm nhân duyên, và ái dục lại kết hợp với vô minh để cho ra đời toàn bộ khổ uẩn của con người.
Quả thật, từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên, học hành, rồi đi làm việc, ta thấy cuộc sống như một dòng sông phẳng lặng, êm đềm trôi chảy mãi không thôi. Ta không hề chú ý đến những biến hoại đang âm thầm diễn ra từng giây phút trong vạn vật cũng như trong chính bản thân mình. Ngay trong thân thể của chúng ta, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý... mỗi ngày qua là mỗi hao mòn suy yếu, thế mà ta cứ tưởng rằng mình vẫn giữ được mãi nét thanh xuân, nên ta không ngừng mọi nỗ lực để tô bồi cho thân ta ngày càng trẻ trung tươi đẹp.
Ta bị cuốn hút vào việc mưu cầu lợi ích cho bản thân, nào là tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc đẹp, tình yêu,... và cho rằng đó là mục đích của cuộc sống, là lý tưởng, là hạnh phúc duy nhất của đời người. Ta say sưa trong men dục của thế gian và tưởng rằng chúng sẽ mãi mãi là của ta. Cho đến một ngày kia, ta gặp một sự thất bại, một biến cố bất thường hay một sự mất mát lớn lao, như mất tài sản, mất địa vị, danh vọng mà ta đã dày công xây đắp, mất tình yêu, mất sắc đẹp, mất người thân yêu nhất của ta,… tất cả đập mạnh vào tim, khiến ta đớn đau, bàng hoàng, rã rời... Ta giật mình nhìn lại chuỗi ngày qua, nhìn lại mình và tự hỏi: “Ðây có phải là hạnh phúc đích thực chăng?” Nếu là hạnh phúc đích thực, nó phải trường tồn, vĩnh viễn, không bao giờ mất. Tại sao ta bây giờ không còn là ta của những ngày đã qua? Tại sao niềm vui bây giờ đã tan biến và chỉ còn lại nỗi chán chường, mệt mỏi, thất vọng, muộn phiền. Ta giật mình hoảng hốt, muốn níu kéo lại những gì đã qua, nhưng nào có được. Ta cảm thấy bất lực và đau khổ muôn vàn...
Con đã từng như vậy trong suốt 40 năm có mặt trên cõi đời này.
Nhưng con đã gặp duyên lành sau sự đau đớn tột cùng của ái biệt ly.
Con gặp được hàng Tăng Bảo, quý Ngài đã giảng cho con nghe về giáo lý Phật-đà, về Ba ngôi báu Phật-Pháp-Tăng, về năm giới của người Phật tử tại gia; từ đó gia đình con có cơ duyên trở thành người con Phật, được ban cho ba pháp danh – Thiện Ngộ, Ngọc Chơn và Ngọc Lý. Chúng con đã đối trước Tam Bảo phát nguyện thọ trì năm giới của người Phật tử tại gia, hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, hướng tới một cuộc sống an lạc và hạnh phúc.
Sau khi quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng, gia đình chúng con có chỗ dựa về mặt tinh thần, và có niềm tin sẽ không còn bị đọa vào ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Năm giới là phương pháp thiết thực giúp chúng con ngăn ngừa những hành động sai trái từ ba nghiệp: Thân, miệng và ý. Từ đó, giúp chúng con tìm được sự an vui trong giây phút hiện tại.
Thế nhưng, hiện nay, vẫn không ít người cho rằng, quy y chỉ đơn thuần là nhờ bậc chân tu đặt cho một pháp danh. Để rồi, nhờ vào sự “ký danh” này, thỉnh thoảng sẽ đến chùa làm lễ xin khấn “mua may bán đắt” thuận lợi. Hoặc cũng có nhiều người quan niệm rằng “trẻ vui nhà, già vui chùa” nên cấm cản con cháu đến chùa tìm hiểu Phật pháp. Cần phải khẳng định, những cách hiểu như trên là sai lầm. Và những lệch lạc này sẽ ảnh hưởng đến ngộ tâm khi quy hướng Tam Bảo, tạo ra nghiệp xấu cho bản thân.
Ở khía cạnh khác, thuật ngữ này cũng có thể hiểu thông qua hình tượng đức Phật. Phật là bậc đã giác ngộ viên mãn, chấm dứt khổ đau và giải thoát luân hồi sinh tử. Bởi thế, với những người muốn chuyển mê khai ngộ, tạo dựng một đời sống an lành hạnh phúc thì quy y Tam Bảo là nền tảng, là sự nương nhờ ánh sáng Phật pháp chỉ đường.
Cũng có nhiều người hiểu, quy y Tam Bảo nhằm mục đích dễ dàng “xin xỏ thần Phật”, cầu cúng tâm linh để vụ lợi. Lối suy nghĩ này là sai lầm. Nói cách khác, nếu quy y chỉ là sự mong cầu có một pháp danh để mỗi dịp lên chùa lại xin xỏ thì đó là biểu hiện của tâm thức u mê, lạc trong vòng xoáy sân si.
Chúng ta đến với đạo Phật không phải là van xin cầu cạnh, mà đến để học cách sống như thế nào cho có an vui và hạnh phúc. Vì vậy, khi bản thân đã biết trở về nương tựa Tam Bảo, cần phải tìm hiểu giáo pháp cho tường tận, để từ đó có cái nhìn đúng đắn và thấu suốt.
Tầng nghĩa thâm sâu của việc quy y Tam Bảo ở đây chính là nương tựa vào ba đức tính sáng suốt (Phật), chân thật (Pháp) và thanh tịnh (Tăng) vốn sẵn có trong mỗi bản thể. Và quy y đơn thuần là sự gieo duyên với đạo Phật. Phật pháp hướng con người đến gần hơn với sự an lạc, chỉ có tự tham thấu, gieo duyên tu hành thì mới gần hơn với ánh sáng “chân – thiện – mỹ” ấy.
Quy y Tam Bảo là “bước chân” cảm ngộ đầu tiên của một con người trên đường đạo. Duy có điều, Phật tử sau khi phát nguyện trước Tam Bảo phải luôn tự trau giồi đạo đức của bản thân bằng cách phát nguyện thọ trì năm giới cấm (không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say nghiện) bản thân vì thế mà tránh được ác nghiệp. Nói cách khác, bản thân Phật tử, nếu không học tập giáo lý thì sẽ hiểu sai lời Phật dạy và từ đó dẫn đến thực hành không đúng với ánh sáng Phật pháp, lạc lối trầm luân.
Cần phải khẳng định, bất kỳ ai muốn quy y Tam Bảo, trước hết phải tự thân mình tìm hiểu và cảm nhận được những giá trị cao đẹp của đạo Phật rồi nguyện nương tựa và thực hành theo. Và chỉ có như vậy, tín đồ đó mới chính thức trở thành một Phật tử đúng pháp.
Tam Bảo bên ngoài là điều kiện cần thiết đối với người Phật tử, nhưng nếu chỉ biết có Tam Bảo bên ngoài mà quên tu tâm, hướng thiện thì đó đơn thuần là chấp sự bỏ lý, chỉ theo hình thức suông. Nói cách khác, để được giác ngộ, giải thoát và thành Phật, trước tiên mỗi người phải quay lại Tam Bảo tự tâm, tin chính mình sẽ thành Phật, như lời đức Phật đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau và sống lại với tính giác sáng suốt của mình. Quy y Tam Bảo trong Phật giáo chỉ sự nương vào uy lực của Tam Bảo để đạt được an ổn vô hạn của tâm thức, thoát mọi khổ não.
Từ ngày quy y Tam Bảo, gia đình chúng con cố gắng tu tập trong từng lời nói, từng cử chỉ, từng hành động nhỏ hằng ngày. Cố gắng giữ gìn thế nào để tâm chỉ nghĩ đến điều thiện, miệng chỉ nói những lời thiện, thân chỉ làm những việc thiện. Ðó chính là quá trình rèn luyện để có chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.
Khi chúng con tìm thấy được chân lý, đã tìm được an lạc cho chính mình, lòng bỗng trở nên bao dung, rộng lượng. Chúng con cảm thấy thương yêu mọi người, nhìn mọi người bằng cặp mắt từ bi, nhìn cuộc đời với cõi lòng rộng mở. Chúng con bỗng cảm thấy xót xa khi nhìn chung quanh ta có biết bao người đang đau khổ. Vì thế, chúng con quyết tâm dấn thân vào đời với tinh thần vô tham, vô sân, vô si, vô chấp thủ. Với lòng thương yêu tất cả chúng sanh, chúng con nguyện đem hết khả năng mình để phục vụ chúng sanh, giúp cho mọi người bớt khổ được vui. Ðó là lý tưởng mà bất cứ người Phật tử chân chính nào cũng ước mơ thực hiện.
Như vậy, người Phật tử chân chính là người hạnh phúc nhất, vì người ấy biết sống thiểu dục tri túc, không tham ái, không chấp thủ. Nhờ nội tâm nhẹ nhàng, thanh thản, người ấy luôn luôn vui vẻ, yêu đời, an nhiên tự tại, biết thương yêu, giúp đỡ mọi người, biết sống thích nghi với mọi hoàn cảnh, và tìm được an lạc ngay giữa lòng cuộc sống xô bồ, đầy biến động của thế gian.
Nhân mùa Tự tứ Tăng - Vu Lan Báo Hiếu, PL. 2563 – DL. 2019 diễn ra tại TX. Ngọc Chơn, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, do GĐ III long trọng tổ chức, trong chương trình có lễ Quy y Tam Bảo dành cho những người con hướng Phật, chúng con xin thành tâm kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, hàng cư sĩ cùng bà con trên mọi miền đất nước luôn an vui, có nhiều sức khỏe và cùng hướng về Ba ngôi báu Phật-Pháp-Tăng để tìm được sự an lạc nội tâm cho chính bản thân, cũng như biết yêu thương làm cho chúng sanh cùng hưởng niềm an vui, lợi lạc chung.
Nam-mô Đại Hiếu Mục-kiền-liên Bồ-tát Ma-ha-tát tác đại chứng minh.
Các bài viết liên quan
- Tình người quanh ta - Thứ Năm, 19:54 19-08-2021 - xem: 7830 lần
- Khánh tuế Thầy - Thứ Sáu, 19:46 24-09-2021 - xem: 10193 lần
- Cảm niệm công ơn Cha Mẹ - Thứ Năm, 16:50 02-09-2021 - xem: 14434 lần
- Vai gầy mẹ gánh đàn con - Thứ Sáu, 10:30 27-08-2021 - xem: 7869 lần
- Vu lan trong mùa đại dịch - Thứ Tư, 18:48 25-08-2021 - xem: 6332 lần
- Tâm tình của con - Thứ Tư, 11:02 25-08-2021 - xem: 8275 lần
- Vu Lan - Kính vọng ơn Thầy - Thứ Ba, 23:32 24-08-2021 - xem: 7303 lần
- Mẹ - Thứ Ba, 15:52 24-08-2021 - xem: 5656 lần
- Mẹ! - Thứ Ba, 15:35 24-08-2021 - xem: 7089 lần
- Vu lan năm nay - Thứ Hai, 22:29 23-08-2021 - xem: 8200 lần
- Người Thầy trong tâm tôi - Thứ Hai, 22:09 23-08-2021 - xem: 6839 lần
- Tâm tình của con kính gửi Ba Má - Thứ Bảy, 21:22 21-08-2021 - xem: 7881 lần