Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm
- Liên Giác (TX. Ngọc Chơn)
- | Thứ Sáu, 09:21 16-08-2019
- | Lượt xem: 4547
Ngày đầu tiên đến trường, trong ai cũng lưu lại một ấn tượng sâu sắc. Nó có thể là chút bỡ ngỡ đối với ngôi trường mới, có thể là một xíu lo lắng trước những người xa lạ. Nhưng với con, đó có thể là một kỷ niệm khác người.
Ngày đầu tiên đi học gắn liền với niềm tin đầu đời, ba là người đã gieo vào trái tim chúng con hình ảnh vị Bồ-tát Quán Thế Âm, luôn theo bên con khi con gặp khó khăn hay sợ hãi. Ba nói: “Khi nào con đi học, về nếu ba chưa ra đón kịp, hoặc đi qua đường rừng mà con thấy sợ hãi, con hãy niệm thầm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Khi đó Ngài sẽ đến gọi ba và nói cho ba biết con đang gặp khó khăn, ba sẽ lập tức đến bên cạnh con”.
Con tin những lời ba nói là thật. Mỗi lần đi trong rừng một mình mà ba vẫn chưa đến, con cảm thấy sợ hãi vô cùng, cảm giác như có ai đang đi theo sau lưng. Những lần như vậy, con luôn miệng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, mong Ngài gọi ba đến nhanh nhanh.
Và rồi tháng ngày trôi qua, danh hiệu và hình ảnh Ngài in sâu vào tâm thức của con. Mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống, mỗi lần bị vấp ngã trên đường đời, mỗi lần cảm thấy mình dường như không thể vượt qua được những nỗi khổ niềm đau, mỗi lần cảm thấy tâm đạo không còn nữa, con lại niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, hầu mong có thể định tâm vượt qua những khó khăn trong cuộc đời.
Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu và Khánh thành Tịnh xá Ngọc Chơn, chúng con được chỉ dạy viết một bài để đưa vào trong tập Kỷ yếu của Tịnh xá. Con thầm nghĩ mình nên viết về đức Bồ-tát Quán Thế Âm Bồ-tát cũng như viết về kỷ niệm đầu đời của mình. Đây là một chút tấm lòng của chúng con dâng lên Ngài, điểm tựa đầu tiên cũng như mãi mãi về sau của chúng con.
Bồ-tát Quán Thế Âm, tiếng Phạn là Avalokitesvara Boddhisatva, nghĩa là đấng quán chiếu âm thanh của thế gian, là một vị Bồ-tát hiện thân lòng từ bi của tất cả chư Phật được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Bồ-tát Quán Thế Âm là một trong những vị Bồ-tát được tôn kính thờ phụng nhiều nhất trong Phật giáo Đại thừa.
Hình tượng Bồ-tát Quan Thế Âm không chỉ có trong Văn hóa Phật giáo Trung Quốc mà nó còn có nguồn gốc từ Ấn Độ qua các kinh luận như: Vô Lượng Thọ Kinh (Quyển hạ), Kinh Hoa Nghiêm (Phẩm Nhập pháp giới, số 39, quyển VI), Kinh Pháp Hoa (Phẩm Phổ Môn). Lúc đầu, tại Ấn Độ, hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm chỉ là hình ảnh nhân cách hóa về lòng từ bi của Phật giáo qua hình ảnh một vị thần mặt nữ thân nam. Nhưng sau khi các kinh văn này du nhập vào Trung Hoa, Hàn Quốc, Việt Nam, hình ảnh của Bồ-tát Quán Thế Âm được thờ cúng và xưng tụng như hiện thân của một người “mẹ”, khi chúng sanh cần, Ngài liền ứng hiện, hóa thân ban vui cứu khổ. Vị Bồ-tát này có đầy đủ phẩm chất của một người mẹ, ví như đứa con còn nhỏ, dẫu chưa biết nói nhưng chỉ khi con khóc, mẹ liền hiểu ngay con đang muốn gì để kịp thời đến bên. Theo tín ngưỡng dân gian, hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm cũng vậy, nơi nào có chúng sanh đau khổ chỉ cần niệm danh hiệu, Ngài sẽ thị hiện cứu giúp.
Quán Thế Âm Bồ-tát không những là một trong Tam Thánh ở cõi nước Tây Phương mà Ngài còn có cơ duyên rất lớn đối với cõi Ta-bà của chúng ta. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn có viết: “Vị Bồ-tát này khi nghe âm thanh của chúng sanh xưng danh hiệu mình thì bèn tầm thanh đến để cứu khổ. Nếu có vô lượng trăm ngàn ức chúng sanh bị các khổ não nghe đến danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, một lòng xưng danh Ngài thì ngay khi đó, Bồ-tát Quán Thế Âm bèn xem xét âm thanh ấy, khiến cho họ đều được giải thoát.”
Diệu trí quán dòng tử sanh,
Nhìn chúng sanh mãi loanh quanh luân hồi.
Mắt thương Ngài nhìn cuộc đời,
Thường hằng bi quán vớt người trầm luân.
Không chỉ vậy mà hình ảnh, hạnh nguyện của Ngài được chúng sanh noi theo, thực tập trong đời sống tu tập, cũng như đời sống hằng ngày của mình. Trong Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi, Ngài đã thể hiện tâm từ bi tột cùng đó là: “Tốc linh mãn túc chư hy cầu” khiến cho chúng sanh mau được tất cả những điều hiếm có. Ngài không những có tâm từ bi rộng lớn, sức thần thông tự tại, có năng lực đáp ứng tất cả những điều mong cầu của chúng sanh, dù là những điều mong cầu quá to lớn, quá cao vời, Ngài vẫn dùng phương tiện dẫn dụ khiến cho chúng sanh phát khởi tâm vô nhiễm, tâm cung kính, tâm khiêm hạ, phát khởi tâm Đại thừa tu tập các thiện pháp. Qua những công hạnh của Ngài, mỗi người Phật tử sẽ noi theo và tìm cho mình một pháp môn tu tập thích hợp. Ví như chúng ta học theo hạnh từ bi của Ngài sẽ giúp chúng ta luôn biết quan tâm giúp đỡ người xung quanh; yêu thương một cách vô điều kiện; tình cảm của chúng ta dành cho mọi người không vụ lợi. Tâm đại từ đại bi ngày càng rộng lớn, chúng ta biết cách yêu thương, quan tâm đến mọi người, có những lúc cho đi mà không cần nhận lại. Với tâm hạnh từ bi đó, chúng ta sẽ tìm ra ý nghĩa và nguồn lực để sống, khiến cho những người xung quanh cũng thấy an lạc, hạnh phúc hơn khi ở gần chúng ta.
Qua hạnh lắng nghe, mỗi chúng sanh sẽ học cách nghe sao cho đúng, vì nghe không chỉ đơn thuần là nghe, mà nghe để biết họ đang vướng mắc vào trạng thái tâm lý nào để kịp thời tháo gỡ, kịp thời yêu thương; nghe không chỉ bằng tai mà nghe bằng cả trái tim. Chỉ cần chúng ta biết cách lắng nghe nhau thôi cũng đã làm cho người khác hạnh phúc lắm rồi. Mọi khổ đau trong cuộc đời cũng xuất phát từ cách chúng ta không hiểu nhau. Vậy muốn hiểu nhau, cần phải lắng nghe nhau, để rồi nâng đỡ nhau bước đến thảnh thơi. Mỗi ngày, chúng ta tập theo đức hạnh của Ngài một chút, sẽ thấy tâm tính của mình nhẹ nhàng hơn, bình an hơn, không còn cố chấp với lý sự đời thường. Cứ như vậy là chúng ta đang gieo trồng hạt giống Bồ-tát trong tâm thức của mình.
Ni sư trụ trì Tịnh xá Ngọc Chơn - Buôn Hồ và Phật tử luôn nung đúc ý nguyện thỉnh tượng Quán Thế Âm về ngự trị nơi đạo tràng để hằng ngày lễ bái, quán chiếu về đức hạnh của Ngài, hầu lấy đó làm pháp tu và nhắc nhở mình tinh tấn tu học. Nhân duyên hội đủ, có một vài Phật tử ở Mỹ viếng thăm Tịnh xá, thấy có hòn non bộ uy nghi đẹp đẽ nhưng chưa có tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, nên đã phát tâm xin được cúng dường tôn tượng Ngài.
Vào đầu năm 2017, Ni sư cùng một số Phật tử đến núi Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An để thỉnh tượng. Theo tư vấn của các nghệ nhân, với môi trường và thời tiết của Tây Nguyên, loại đá tạc tường cần phải tìm loại có sức chống chịu thời tiết nóng, lạnh thất thường, và loại đá kim sa, thuộc dòng đá Granite tự nhiên được chọn để tạc tượng, vì nó có độ cứng cao, khổ đá dày và nặng, khả năng chống xước tốt, chịu được nhiệt độ cao, ít bị tác động bởi môi trường.
Một khối đá 36 tấn được mang về từ chân núi Quỳ Hợp, và với tâm huyết của những nghệ nhân làng Sen quê Bác, suốt 6 tháng đã tạc nên một pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tuyệt vời. Chúng con thiết nghĩ, để điêu khắc được một pho tượng sở hữu gương mặt dịu hiền, thanh tú, ánh mắt từ bi, chắc hẳn trong họ cũng có một niềm tin tuyệt đối với Ngài.
Tay cầm bình nước, nhành dương,
Xoa dịu nỗi khổ đau thương cõi trần.
Nhiệm mầu ánh sáng từ thân,
Độ trì thế giới tương lân thái bình.
Vào ngày 19/9 năm Đinh Dậu, cũng là ngày Vía đức Bồ-tát Quán Thế Âm, tại Tịnh xá Ngọc Chơn, chư Ni tổ chức Lễ An vị Bồ-tát rất trang nghiêm. Buổi lễ có sự chứng minh của Đại đức Giác Hoàng, Đại đức Giác Đoan, Ni sư Trụ trì, Ni chúng, các cấp chính quyền và đông đảo bà con Phật tử địa phương.
Trong tâm chúng con, mỗi khi chiêm người đức Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng con lại liên tưởng những hiện thân của Ngài giữa đời thường. Với chúng con, Sư phụ trụ trì Tịnh xá Ngọc Chơn cũng là một trong những hiện thân của Ngài. Cơ duyên nhiều đời chúng con đã được gặp Sư phụ, Người với tấm lòng từ bi, có thể bỏ qua tất cả lỗi lầm mà chúng con gây ra. Cho dù chúng con có những lỗi lầm vô tình hay cố ý, Người vẫn âm thầm chờ đợi tùy duyên dạy dỗ cho chúng con. Trong Tịnh xá, Người nhận nuôi giúp đỡ cho nhiều mảnh đời bất hạnh. Người già bệnh, những đứa con bị bỏ rơi, Sư phụ vẫn nhận về và nuôi dưỡng thương yêu như chính người thân, như con của mình. Có những khi, chúng con còn thấy người âm thầm chịu đựng những nỗi oan ức mà người khác tạo ra. Mỗi ngày, chúng con lớn khôn, đi học đó đây, Sư phụ vẫn luôn âm thầm, lặng lẽ, dõi theo chúng con và thường có mặt ngay khi chúng con gặp khó khăn. Trong cuộc đời tu học của chúng con, Người chính là đức Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện vậy.
Trong cuộc sống ngày nay, nền kinh tế đang ngày càng phát triển, con người ta phải chạy đua với thời gian để bắt kịp nhịp sống hiện đại, họ phải hơn thua, toan tính đủ đều. Cuộc sống vội vàng khiến cho người ta khổ đau và sợ hãi vì không có một nới nương tựa tinh thần. Có những lúc, họ không thể tin tưởng lẫn nhau, để rồi những nỗi niềm không biết giải tỏa cùng ai, chính tôn giáo có thể giúp họ xoa dịu những tổn thương của cuộc đời. Họ đến trước tôn tượng Ngài để cầu, lễ lạy, chiêm bái và cũng có thể tâm sự hết những chuyện khó có thể tâm sự cùng ai.
Noi theo hạnh nguyện của Ngài chư Ni và Phật tử lấy đó làm đề mục tu tập, thực hiện theo gương hạnh từ bi, vị tha, luôn khoan dung với tất cả mọi người, từ người thương cho đến những người đã gây khổ đau cho mình. Hằng ngày, chúng con tự nhắc nhở tâm đạo của chính mình, từ bi phải trí tuệ, lắng nghe để hiểu ta, hiểu người và cuối cùng là nhẫn những điều khó nhẫn. Chúng con nguyện học theo hạnh của Ngài, nương tựa Ngài. Ngài chính là nơi nương tựa bình yên nhất của tất cả chúng sanh.
Các bài viết liên quan
- Tình người quanh ta - Thứ Năm, 19:54 19-08-2021 - xem: 7830 lần
- Khánh tuế Thầy - Thứ Sáu, 19:46 24-09-2021 - xem: 10193 lần
- Cảm niệm công ơn Cha Mẹ - Thứ Năm, 16:50 02-09-2021 - xem: 14434 lần
- Vai gầy mẹ gánh đàn con - Thứ Sáu, 10:30 27-08-2021 - xem: 7869 lần
- Vu lan trong mùa đại dịch - Thứ Tư, 18:48 25-08-2021 - xem: 6332 lần
- Tâm tình của con - Thứ Tư, 11:02 25-08-2021 - xem: 8275 lần
- Vu Lan - Kính vọng ơn Thầy - Thứ Ba, 23:32 24-08-2021 - xem: 7303 lần
- Mẹ - Thứ Ba, 15:52 24-08-2021 - xem: 5656 lần
- Mẹ! - Thứ Ba, 15:35 24-08-2021 - xem: 7089 lần
- Vu lan năm nay - Thứ Hai, 22:29 23-08-2021 - xem: 8200 lần
- Người Thầy trong tâm tôi - Thứ Hai, 22:09 23-08-2021 - xem: 6839 lần
- Tâm tình của con kính gửi Ba Má - Thứ Bảy, 21:22 21-08-2021 - xem: 7881 lần