CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Vu lan

Truyền thống của dân tộc Việt Nam đó là Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Mỗi con người chúng ta hiện hữu trên cuộc đời này đều do cha mẹ sanh ra... Nuôi nấng dạy dỗ chúng ta nên người hữu dụng. Công đức ấy to lớn vô cùng. Ơn đức ấy được thể hiện qua lời thơ:

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha

Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn

Đem cả tấm thân gầy cha che chở đời con.

Đạo làm con hiểu được công ơn dưỡng dục của hai đấng sanh thành, đó là người con chí hiếu. Nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít những người con quên đi công ơn của hai đấng sanh thành. Sống quên ơn, bất nghĩa đối với mẹ cha.

Vì vậy mỗi con người chúng ta hiện hữu trên cuộc đời này là do cha mẹ sanh ra. Ôi! Nghĩa tình của cha mẹ thiết tha làm sao ta có thể quên được những câu ca dao thắm đượm nghĩa tình:

Có ông bà mới có ta

Ông bà là gốc, mẹ cha là cành

Thân ta như thể lá xanh

Nhờ gốc tiếp nhựa, nhờ cành dưõng nuôi”.

Từ đó, trong cung bậc tri ân và báo ân. Được giới Phật giáo rất trân trọng và lấy hạnh hiểu làm đầu. Bởi vì: Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Trên tinh thần và ý nghĩa đó những gương hiếu hạnh đã được tỏ rạng trong quá khứ cũng như hiện tại và ghi dấu mãi với thời gian.

Do vậy, cứ ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm Phật giáo chúng ta long trọng tổ chức Đại lễ Vu lan Báo hiếu thật trang nghiêm từ hình thức cho đến nội dung, nhân văn trên phương diện tâm linh văn hóa của con người. Lễ hội được xuất phát từ điển tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu lan Báo hiếu.

Vu lan người Trung Hoa dịch:Giải Đảo Huyền có nghĩa là giải cứu người bị đọa... Báo hiếu là sự đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với mẹ cha hiện tại và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.

Lễ Vu lan Báo hiếu được xuất phát từ thời Đức Phật. Người đầu tiên tiếp nhận không ai khác là Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát. Vừa chứng được lục thông với tấm lòng hiếu thảo Ngài bèn dùng Tuệ nhãn thì thấy mẹ mình bị đoạ trong loài ngạ quỷ. Ngài bèn dùng thần thông xuống địa ngục dâng bát cơm cho mẹ. Do tâm tham lam và ác nghiệp dẩy đầy nên bà Thanh Đề không thể dùng được cơm. Vì cơm đã biến thành than lửa...

Thương mẹ vô cùng Ngài bèn trở về bạch Đức Thế Tôn. Đức Phật nói rằng: Tội nghiệp mẹ ông quá nặng, dù có dùng thần thông hay phép mầu cũng không thể nào cứu được. Duy chỉ có nhờ thần lực của chúng Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ tinh tấn tu hành hoà hợp thanh tịnh tập trung chú nguyện mới có thể hóa giải được. Nghe theo lời dạy, Ngài thiết lễ trai tăng cúng dường trong ngày Tự Tứ. Nhờ phước báu ấy mẹ Ngài thoát khỏi cảnh địa ngục ngạ quỷ.Sau đó, Ngài Mục Kiền Liên thỉnh cầu đức Phật rằng sau này có chúng sanh nào muốn phát tâm hiếu để cầu nguyện cho cha mẹ thoát khổ an vui có được không?

Đức Phật hoan hỷ chỉ dạy và khuyên những người con sau này phải noi theo gương hiếu Thảo của Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ hiện tại và cha mẹ bảy đời quá khứ:

Ôi thiêng liêng một chữ tình

Tổ tiên nội ngoại ân tình mẹ cha”.

Mỗi ngày chúng ta được lớn khôn là nhờ tinh cha huyết mẹ giả hợp thành hình. Chín tháng cưu mang ba năm nhũ bộ. Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”. Ơn sinh thành dưỡng dục kể sao cho xiết. Người ta thường nói: Trong cuộc sống không có hạnh phúc nào lớn hơn là còn cha mẹ và không có bất hạnh nào bằng kẻ mồ côi. Điều này khi ai đó trải qua mới thấm thía.

Cho nên việc phụng dưỡng cha mẹ không phải chỉ là trách nhiệm và bổn phận của người làm con, mà đó là một sứ mệnh thiêng liêng, dù nỗ lực để báo hiếu nhưng công ơn cha mẹ thật khó đáp đền.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: