CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Niềm vui trong ngày xuân

xuanthienXuân đến, muôn người đều hớn hở, chào mừng xuân rực rỡ ánh nắng hồng. Đóa hoa tươi, hương sắc thắm trên cành, đàn chim én, lưng trời vang tiếng hót. Lúc này, bầu không khí đang se lạnh. Ngày Noel cũng đã lùi về quá khứ để nhường lại cho lòng mong ngóng người thân đoàn tụ cùng với sự nô nức, nhộn nhịp mua sắm của mọi người để chuẩn bị cho ngày tết Nguyên Đán sắp đến.

Nhất là ở các thành phố lớn, không khí tết có vẻ sớm hơn mọi nơi. Về đêm, hai bên đường phố, đèn hoa sáng rực, với những quầy hàng được trải ra hai bên lề đường để bán áo quần, bông mai, bông đào giả, những bao lì xì, đồ chơi trẻ em đủ loại, với những chú gấu bông trông rất dễ thương… nói chung là đủ các thứ để phục vụ nhu cầu của người dân cho ngày tết đến, ngày nào cũng tấp nập người mua sắm, trông vui làm sao, thiết nghĩ đây là niềm vui chung của tất cả mọi người.

Mãi cho đến bây giờ, trong ký ức của tôi vẫn còn nhớ rõ cái tâm trạng bồn chồn, vui sướng mỗi khi tết sắp đến. Nhất là ở độ tuổi học sinh cấp I, vì sắp được cha mẹ sắm quần áo, giày dép mới, rồi lại có tiền lì xì và vui hơn nữa là được nghỉ học nhiều ngày để rong chơi cùng bè bạn.

Đối với thanh thiếu niên đời thường thì mỗi khi xuân về, họ rất vui vì được trưởng thành thêm một tuổi, rồi được cái chức làm anh hay làm chị của những đứa em nhỏ trong gia đình và đó cũng chính là chất liệu sống cho một năm sắp tới. Còn đối với người xuất gia thì không xem là quan trọng lắm, vì tết trong thiền môn chính là ngày rằm tháng 7, sau ngày này mỗi vị sư được thêm một tuổi đạo, nhằm đánh giá kiểm nghiệm lại những ưu khuyết điểm của mình trong một năm tu học để rồi tinh tấn nhiều hơn nữa. Nói vậy, chứ khi tôi mới xuất gia trong thời gian còn làm Huệ thì cũng còn thích tết lắm. Tịnh xá mà tôi xuất gia tu học ở miền Tây Nam Bộ, nằm ngay trung tâm thành phố, vì thế mỗi khi tết đến là người ta đem cây kiểng từ bên cù lao An Bình chuyển lên hai bên đường dọc theo bờ sông Tiền để bán, không khí có vẻ nhộn nhịp lắm. Nên tôi cũng thường hay kiếm chuyện này chuyện kia để đi ra ngoài mua đồ, rồi sẵn dịp đó xem cây kiểng luôn. Bình thường, khi quý sư huynh nhờ đi ra ngoài có việc gì thì không ai chịu đi hết, nhưng chỗ nào đông vui thì lại như vậy đó. Không phải chỉ có một mình tôi đâu, mà mấy huynh đệ tôi cũng vậy nữa, thật hổ thẹn vô cùng. Nhưng dần dần về sau, huân tập được nếp sống của thiền môn, có được chút ít niềm vui trong giáo pháp, từ đó cái vui thường tình của những chú Huệ thuở nào bỗng nhiên phai nhạt theo năm tháng. Thay vào những niềm vui nhỏ nhoi, ích kỷ đó là niềm vui lớn hơn khi được tu học và phục vụ cho mọi người.

Tôi nhớ không nhầm là từ ngày vào Tịnh xá đến nay, chưa có dịp tết nào mà tôi được Thầy cho phép để về thăm gia đình. Nhưng giả sử nếu Thầy có cho phép, mà khi tôi còn làm Huệ thì chắc là tôi về liền, còn như bây giờ thì tôi phải xét lại. Vì hoàn cảnh sinh hoạt của gia đình khác xa với đời sống của của người xuất gia nhiều lắm, nhất là vào những ngày nhộn nhịp vui chơi như thế thì lại càng không phù hợp hơn nữa… Tuy rằng, có người thân bên cạnh là một niềm vui, nhưng tôi nghĩ lúc đó chắc là nhớ chùa và huynh đệ nhiều lắm.

Mặc dầu là không được về thăm cha mẹ nhưng trong lòng cũng không cảm thấy buồn nhiều, vì phép tắc của Tịnh xá là vậy; hơn nữa huynh đệ nào cũng như thế, chứ nào đâu phải một mình tôi. Xét thấy còn có Thầy, có huynh đệ thì đây như là gia đình thứ 2 của mình, rồi lại có chung một tâm nguyện để phụng sự cho đời, lấy niềm vui của mọi người làm niềm vui của mình, đó là một điều hạnh phúc của người xuất gia, phải không các bạn?

Ngày xuân tuy của thế gian nhưng huynh đệ chúng tôi cũng góp phần làm cho ngôi Tam Bảo được trang nghiêm, sạch sẽ và chăm sóc cho những bình bông, những mâm quả được dồi dào hơn ngày thường. Để khi mọi người vào chùa lễ Phật đầu xuân thì họ cũng cảm thấy hoan hỷ và dễ dàng hòa nhập. Một việc làm có nhiều lợi ích hơn nữa mà không năm nào thiếu xót đó là chuẩn bị những câu Kinh Pháp Cú để cho Phật tử hái lộc đầu năm, bên cạnh đó là phân công quý Sư phụ trách giảng giải nhằm giúp cho mọi người am hiểu hơn lời Phật dạy. Đây là niềm vui thứ nhất của tôi. Niềm vui thứ hai là xem mọi người như là người thân quyến thuộc của mình. Thay vì lúc còn ở gia đình, thì chỉ tiếp đón một số người thân quen, bạn bè hay bà con hàng xóm đến để chúc tết mà thôi, còn đạo tràng Tam Bảo là cơ sở tín ngưỡng của cư gia bá tánh cho nên mọi người đến rất đông để thắp hương lễ Phật, cầu nguyện trong dịp xuân mới và nhất là các phái đoàn ở phương xa đến thăm viếng có khi cả hàng trăm người. Trong những ngày ấy, Thầy tôi thì lo tiếp chuyện và trích dẫn lời Phật dạy để chúc lành cho họ, còn huynh đệ chúng tôi thì cùng nhau lo phục vụ trà, bánh, mứt, hạt dưa… Tuy mệt thiệt, nhưng cảm thấy rất vui khi thấy mọi người ra về ai ai cũng nở nụ cười hoan hỷ.

Mặt khác, ở thế gian thì ngày tết là cơ hội để cho mọi người có dịp dễ dàng phô diễn nhan sắc của mình. Bao nhiêu quần áo, giày dép hay đồ trang sức được xem là đẹp nhất thì họ sẽ thay đổi để “diện” trong những ngày này. Còn huynh đệ chúng tôi thì vẫn chỉ là hai bộ y mà thường ngày hay sử dụng, chứ cũng không có gì mới cả. Vậy mà ai cũng cảm thấy vui, không hề có lời than phiền chi cả. Không phải vậy thôi mà có một số huynh đệ còn phát tâm luân phiên với nhau để đi khất thực hóa duyên, đầu trần chân không giữa phố chợ ngay những ngày quan trọng này nữa. Khi được sống chung với những pháp lữ có đời sống giản dị như vậy, tôi thấy rằng đây chính là niềm vui thứ ba của tôi.

Thiết nghĩ, trong cuộc đời xuất gia của mỗi huynh đệ chúng ta, mỗi vị đều có cảm nhận về niềm vui và hạnh phúc khác nhau, nhưng cũng không ngoài niềm vui từ thiện pháp. Bên tách trà xuân đầy đạo vị, nhớ làm chi chuyện cũ đã qua; băn khoăn làm chi chuyện đời chưa tới. Đổi cả không gian vô biên và thời gian vô tận để lấy một nụ cười, thì đó là hưởng được một mùa xuân Di Lặc vốn đã có sẵn trong ta tự bao giờ.

Kính chúc chư Tôn đức và quý độc giả hưởng được một mùa xuân an vui và tràn đầy hỷ lạc.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: