Hoài niệm Vu lan
- Liên Liên
- | Chủ Nhật, 18:16 11-08-2019
- | Lượt xem: 5725
Nắng hạ vừa tàn, cơn gió nhẹ đầu thu khẽ cuốn từng chiếc lá vàng vào khoảng không mênh mông vô tận phía cuối trời. Đêm đến, nghe tiếng rả rích của những giọt mưa ngâu trên mái tranh, bên bờ sông xa vắng. Từ cõi lòng kẻ tha phương bất giác trào dâng một nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến kỳ lạ. Bâng khuâng bởi giữa vũ trụ bao la kia, thân phận mình sao quá bé nhỏ, tầm thường và mong manh; xao xuyến vì trong cảnh túy sanh mộng tử này, đời mình vẫn còn diễm phúc được sinh ra và lớn lên trong bầu trời tình thương hiền hòa, trong mát của Cha và Mẹ.
Ôi! Tiếng Mẹ Cha thân thương cao đẹp quá
Như suối nguồn dịu mát lúc trưa hè
Như gió chiều nhè nhẹ ở cành tre
Như dòng nước của đại dương vô tận.
Theo tiết trời dịu mát đầu thu, mùa báo hiếu Vu Lan trở về gợi cho chúng ta nhớ đến bổn phận của người con hiếu hạnh, tìm cách đền đáp ân đức sanh thành đối với Cha và Mẹ, noi gương đại hiếu của ngài Mục Kiền Liên và tiếp nối truyền thống cao đẹp, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, đại lễ Vu Lan không còn là ngày lễ riêng của người Phật tử, mà nó đã trở thành ngày lễ hội chung của dân tộc. Vì thế không riêng gì những người con Phật, mà hầu như mọi người Việt Nam nói riêng và các dân tộc Á Đông nói chung, đều lấy ngày này làm ngày lễ thiêng liêng để tưởng nhớ đến Cha Mẹ, những người đã sinh thành và dưỡng dục ta thành người.
Nói đến mùa Vu Lan chính là nói đến truyền thống báo hiếu, phụng thờ Mẹ Cha, ông bà tổ tiên của con cái. Lễ hội Vu Lan - Báo hiếu sẽ đem lại một nếp sống hạnh phúc và an lạc cho mình, cho mọi người. Đây cũng là lễ hội hết sức có ý nghĩa, đầy giá trị của văn hóa, tình người.
Và đây…
Mỗi độ thu sang lá rụng vàng
Ấy mùa báo hiếu lễ Vu Lan
Bồi hồi thương nhớ Cha cùng Mẹ
Thổn thức tàn canh suối lệ tràn.
Chúng ta nghe đâu đây trong không gian có tiếng ru của gió, ngoài biển xanh có tiếng sóng vỗ về, và trong lòng của mỗi người luôn có tiếng Cha và Mẹ. Đó là một tình cảm luôn ấp ủ trong tim, truyền lưu trong huyết quản. Chỉ cần máu còn tươi đỏ, hơi thở còn ra vào, nhịp tim còn đập là chúng ta mãi còn hình bóng của hai đấng sinh thành. Bởi lẽ, sống trên đời ai cũng có Cha Mẹ, người nuôi dưỡng ta thành nhân. Với ân đức ấy, không ai có thể quên được. Như vậy, chúng ta thấy rằng báo hiếu là một bổn phận vô cùng thiêng liêng và cao quý.
Một sinh linh khi có mặt ở cõi đời là sự kết hợp giữa tinh Cha huyết Mẹ. Con sanh ra lớn lên trưởng thành là nhờ ở Mẹ. Con lấy bụng Mẹ làm chỗ ngủ, dùng nước cam lộ từ ngực Mẹ chảy để lớn khôn. Để rồi:
Uống dòng sữa ngọt lâng lâng
Thơm tho dịu mát trẻ lần lớn lên.
Đức Phật đã dạy: “Sữa Mẹ mà chúng sanh đã uống nhiều hơn nước trong bốn bể”. Như vậy, trong quá trình luân hồi sinh tử từ vô thỉ đến nay, chúng ta đã dùng biết bao nhiêu là sữa Mẹ… làm sao ta tính đếm…?
Ôi luân hồi dài dài
Biết đâu là khởi điểm
Mấy lần đã trôi qua
Bao lần uống sữa Mẹ.
Ôm con trong vòng tay, Mẹ cất tiếng ru dịu dàng. Mẹ là người truyền cho con tình cảm thiêng liêng đầu đời, dưỡng nuôi vóc hài con bằng bầu sữa nóng. Bằng tình thương vô hạn, ôm ấp con trong lòng, sữa ngọt cho bú mớm. Hay nói khác hơn, Mẹ đã nuôi con bằng chính máu của mình. Con lớn lên bằng những chất chồng lo toan, săn sóc của Mẹ. “Ướt Mẹ nằm khô ráo phần con”, Mẹ sẵn sàng nhường cho con các cuộc thanh nhàn cùng đồ ăn thức uống bùi ngọt, bổ dưỡng. Phần Mẹ, vì con Người chấp nhận tất cả những đau khổ đắng cay cuộc đời về mình. Đến khi “con thẳng lưng đứng dậy, thì lưng Mẹ còng đi” …
Có con Mẹ nghĩ thương thay
Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau
Đêm khuya trăng rụng xuống cầu
Cảm thương Mẹ đã dãi dầu nắng mưa.
Mẹ Cha là hai đấng sinh thành dưỡng dục thiêng liêng, to hơn trời cao, sâu hơn biển cả. Công ơn Cha Mẹ là một trong Tứ Trọng Ân mà bất cứ người con nào cũng hằng mong báo đáp, bởi “Hiếu hạnh đứng đầu trong muôn hạnh”. Cha Mẹ là chỗ dựa vững chắc cho những đứa con bơ vơ lạc lõng. Trái tim Cha Mẹ là một kho tàng vô giá chất chứa nguồn yêu thương bao la vô cùng tận.
Cha Mẹ ân thâm tợ đất trời
Thương con nuôi dạy chẳng đầy vơi
Mở vòng tay lớn vì con trẻ
Hướng dẫn con đi suốt cuộc đời.
Thật vậy, Cha Mẹ được xem như là một nhà giáo dục đầu tiên. Từ lúc bé đến khi trưởng thành, trong gia đình, người Cha luôn là điểm tựa vững chắc, lúc thì dịu ngọt, lúc thì nghiêm khắc răn đe. Cha xem con là tinh hoa của mình, là sự kế thừa thiêng liêng, là tim máu mật thiết muôn đời. Cho dù cuộc đời có lắm chông gai thử thách, bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bao nỗi đau thương, bao ngày tháng gian truân, Cha vẫn vững bước trên mọi nẻo đường để dìu dắt, chăm sóc con thành người hữu dụng khôn ngoan, không thua chúng bạn, không hổ thẹn với đời. Nếu chúng ta bất hạnh sớm mất Mẹ, thì Cha âm thầm lặng lẽ, đảm đương mọi việc để nuôi con. Cha ngồi yên lặng như pho tượng nhìn di ảnh Mẹ, trút từng hơi thở dài, phóng mắt đăm chiêu nhìn về cõi xa xăm nào đó. Từ thuở đó, Người như gà trống nuôi con, vừa làm Mẹ, vừa làm Cha, vất vả ngược xuôi, lo toan trong ngoài mọi việc.
Trọn đời vất vả triền miên
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con
Dẫu cho thân xác hao mòn
Miễn sao con được nên thân với đời.
Ôi! Công ơn và đức hy sinh của Cha đậm đà, thầm lặng mà sâu kín làm sao! Tình Cha Mẹ thật thiêng liêng cao cả, không một thứ tình cảm nào có thể sánh được! Mãi mãi và về sau, chúng ta không thể nào đền đáp ơn sinh thành, giáo dưỡng của Cha hiền Mẹ kính!
Có ai đó đã viết:
Ơn Cha lành cao như núi Thái
Đức Mẹ hiền sánh tợ biển khơi
Dù cho dâng cả một đời
Cũng không trả được ân người nuôi ta.
Cha Mẹ là người thầy giáo đầu tiên, dạy con bài học vỡ lòng; là tấm gương sáng để con trẻ soi bóng, noi theo và học tập. Chẳng những thế, Cha Mẹ còn là một ngôi nhà để kết nối tình anh chị em trong dòng tộc, tình làng nghĩa xóm. Ngôi nhà này, không một người thợ tài hoa nào xây dựng được, bởi nó không kết nối bằng những vật liệu thông thường, mà phải là chất liệu của yêu thương, lòng bao dung từ ái của Cha Mẹ.
Theo tinh thần Phật giáo, hiếu thảo với Cha Mẹ hiện đời cũng như Cha Mẹ trong quá khứ, đúng nghĩa nhất là chúng ta phải biết kính trọng, vâng lời Cha Mẹ dạy, phụng dưỡng Cha Mẹ, sớm thăm tối viếng khi Cha Mẹ đau ốm. Nếu Cha Mẹ chưa quay về với Chánh pháp, quan trọng nhất phải tìm cách hướng dẫn Cha Mẹ quy y Tam Bảo, trở thành người Phật tử chân chánh. Đó là cách báo hiếu chân thành và thiết thực nhất. Do vậy mà tháng Bảy được xem như là tháng báo hiếu theo truyền thống của Phật giáo.
Các bạn ơi! Trong chúng ta đây, nếu có ai đó, dù là vô tình hay cố ý, bằng lời nói hoặc hành động đã làm Cha Mẹ âu lo, tổn thương, rơi lệ,… thì các bạn ơi, chúng ta hãy về bên Cha Mẹ, quỳ dưới chân Người để tỏ lòng hối lỗi, thương kính; xin Người tha thứ những lỗi lầm vụng dại mà ta đã trót gây ra.
Xin Cha Mẹ nhận lạy lòng con hiếu
Đã bao lần làm Cha khổ ngày xưa
Đã bao lần làm Mẹ khóc như mưa
Bao nhiêu lạy cũng chẳng vừa ơn ấy…
Nếu chúng ta chưa từng một lần nào nói lên một lời yêu Mẹ Cha thì cũng ngay từ lúc này đây, khi Cha Mẹ còn sống ta phải quay về, hãy ôm thật chặt Mẹ (Cha) vào lòng. Hãy nói với Mẹ (Cha) rằng “Mẹ (Cha) ơi! Con yêu Mẹ (Cha) vô cùng”, Mẹ Cha đã cho con một hình hài, một cuộc sống tốt đẹp. Chắc chắn rằng đôi mắt Mẹ Cha sẽ nhòa lệ vì hạnh phúc. Dưới mắt song thân, các bạn dù đã lớn khôn nhưng “con dù lớn con vẫn là con của Mẹ, đi hết cuộc đời lòng Mẹ vẫn theo con”.
Dù tất bật đến đâu, chúng ta phải dành một ít thời gian để nghĩ về Cha Mẹ. Vật chất chưa hẳn làm Cha Mẹ vui lòng mà chính tình cảm của con cháu mới khiến song thân vui lòng.
Thờ Cha Mẹ, ở hết lòng
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường
Chữ hiếu là chịu nhịn nhường
Nhường anh, nhường chị, và nhường người trên.
Một lần nữa, nhân ngày lễ Vu Lan, tôi xin tặng các bạn một đóa hoa hồng và xin được chia sẻ hạnh phúc với các bạn. Vì Cha Mẹ các bạn còn đang tại thế, các bạn còn có nơi nương tựa để đi về, đó là một niềm hạnh phúc vô biên mà không phải ai cũng có, các bạn phải trân trọng hạnh phúc này để rồi một mai đây, khi Mẹ Cha không còn nữa thì khỏi phải hối tiếc. Và cũng xin được tặng một đóa hoa hồng trắng cho những ai không còn Mẹ, mất Cha… Mong rằng các bạn cũng đừng quá bi thương, vì đó là định luật “sinh lão bệnh tử” không ai vượt qua được. Nhưng các bạn phải sống sao cho Cha Mẹ đã khuất không tủi hổ vì việc làm, lời nói của chúng ta. Và vì hương linh Cha Mẹ đã khuất, ta phải tạo tác nhiều việc thiện để hồi hướng cho hương linh thất thế phụ mẫu được ân triêm công đức. Làm được như vậy thì chúng ta không còn buồn khi ngực ta cài hoa trắng.
Tôi không khóc khi ngực cài hoa trắng
Vì trong hoa đã thấy Mẹ tôi cười.
Mùa Vu Lan báo ân báo hiếu sẽ nhắc nhở những người con Phật nói riêng và tất cả mọi người nói chung hãy hiếu thảo phụng sự Mẹ để làm tròn hiếu hạnh và tâm hạnh. Vì “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Hôm nay, nhân mùa Vu Lan báo hiếu, chúng con xin:
Cho con một đóa hoa hồng
Cho con ân cảm tấm lòng ngày xưa
Cho con tình Bố móc mưa
Cho con tình Mẹ đong đưa một đời…
Trong mùa báo hiếu này, tôi xin kính dâng nén tâm hương lên mười phương ba đời chư Phật, nguyện cho Cửu huyền Thất tổ, nội ngoại hai bên thân bằng quyến thuộc của tất cả chúng sinh có lòng tin vào ngôi Tam Bảo được sớm siêu sinh tịnh độ. Cầu chúc các bạn luôn hỷ lạc trong ánh hào quang của chư Phật hộ trì.
Các bài viết liên quan
- Tình người quanh ta - Thứ Năm, 19:54 19-08-2021 - xem: 7829 lần
- Khánh tuế Thầy - Thứ Sáu, 19:46 24-09-2021 - xem: 10178 lần
- Cảm niệm công ơn Cha Mẹ - Thứ Năm, 16:50 02-09-2021 - xem: 14400 lần
- Vai gầy mẹ gánh đàn con - Thứ Sáu, 10:30 27-08-2021 - xem: 7862 lần
- Vu lan trong mùa đại dịch - Thứ Tư, 18:48 25-08-2021 - xem: 6330 lần
- Tâm tình của con - Thứ Tư, 11:02 25-08-2021 - xem: 8257 lần
- Vu Lan - Kính vọng ơn Thầy - Thứ Ba, 23:32 24-08-2021 - xem: 7299 lần
- Mẹ - Thứ Ba, 15:52 24-08-2021 - xem: 5652 lần
- Mẹ! - Thứ Ba, 15:35 24-08-2021 - xem: 7088 lần
- Vu lan năm nay - Thứ Hai, 22:29 23-08-2021 - xem: 8191 lần
- Người Thầy trong tâm tôi - Thứ Hai, 22:09 23-08-2021 - xem: 6834 lần
- Tâm tình của con kính gửi Ba Má - Thứ Bảy, 21:22 21-08-2021 - xem: 7866 lần