CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Nợ một tiếng Ba!

Kính tặng ông, người đã dưỡng nuôi con, cho con tấm gương về lẽ sống ở đời!

Mười bảy năm, từ ngày ông đi xa. Những kỷ niệm tuổi ấu thơ của con, có hình ảnh ông, vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Tất cả như những mảnh ghép của cuộc đời con, đong đầy chuyện vui, xen lẫn nỗi buồn. Dẫu hôm nay, những buồn vui ngày đó không còn làm con phải bận lòng, nhưng con vẫn viết ra đây, như một lá thư gởi ông, người đã có mặt trong cuộc đời con, do một nhân duyên nào đó từ quá khứ?

Tuổi thơ của con là những tháng ngày sống trong vòng tay thương yêu của ngoại. Con hồn nhiên chấp nhận, không hề thắc mắc, vì sao không ai dạy con phải gọi ông bằng “Ba”, dù đó là người đàn ông duy nhất trong nhà, bên cạnh Má!

Duy có điều, con vẫn ngạc nhiên, vì sao, giữa ông và con, bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định. Thỉnh thoảng, ông cũng chở con đi học, dạy con làm toán, nhưng chưa khi nào ông trò chuyện hay thể hiện bất cứ tình cảm nào với con, như cái cách mà người cha vẫn thường làm với con trẻ. Cứ như thế, con lớn lên, từng ngày, với một đời sống vật chất tương đối đủ đầy, nhưng khoảng trống của đời sống tinh thần, của tình cảm gia đình, ngày một mênh mông.

Đất nước được giải phóng. Trong bối cảnh chung của xã hội hồi đó, gia đình con cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Nhà nghèo, đông con, lắm lúc phải chạy ăn từng bữa. Con vẫn nhớ hình ảnh ông, chở từng bao gạo về nhà trên chiếc xe đạp cũ kỹ, sau mỗi kỳ lương.

Những lo toan tất bật trong vòng xoáy của cơm, áo, gạo, tiền càng làm cho ông trở nên lạnh lùng, khắc khổ. Có những lúc, con phải chịu đựng những lời gắt gỏng từ ông, nhất là năm cuối cấp phổ thông. Không khí gia đình trở nên ngột ngạt. Khi ấy, đã có vài lời nói bóng gió từ những người bà con: Ừ, thì cha ghẻ mà!

Ngày con đi học xa nhà. Những buổi tối trời mưa rả rích. Các ngày cuối tuần, ký túc xá nhộn nhịp hình bóng những người cha, người mẹ đến thăm con. Những mẩu chuyện bạn bè vẫn kể về cuộc sống gia đình. Tất cả những điều đó, bất chợt gợi cho con cảm giác quạnh quẽ đến nao lòng. Khi đó, con mới thấm thía rằng, thì ra, mười tám năm trong đời, con thực sự thiếu tình cha!

Con vẫn nhớ lá thư đầu tiên, cũng là lá thư duy nhất, con viết cho ông, ngày ấy. Bằng tất cả can đảm, bằng những suy nghĩ chân thành, con đã nói với ông về những dự định sau ngày ra trường. Con sẽ cùng ông lo cho đàn em nhỏ, sẽ làm tất cả, để cuộc sống gia đình thay đổi.

Lần về thăm nhà sau đó, con đã bắt gặp trong mắt ông ánh nhìn thân thương, ấm áp. Tận sau này, cho đến lúc cuối đời, ông cũng luôn đặt niềm tin ở con. Con cảm ơn ông, vì điều đó.

Con ra trường, con đã làm đúng những gì con tự nhận trách nhiệm với ông. Duy có điều, con nào biết được rằng, thời gian đó, ông đã phải trải qua những tháng năm lo âu, phiền não đến tột cùng. Đọc quyển nhật ký được tìm thấy sau ngày ông mất, con mới hiểu được phần nào những dằn vặt, xót xa trong cuộc đời nhiều bất hạnh của ông.

Đau đáu trong ông là lời tự vấn về trách nhiệm làm cha với hai con gái nhỏ mà ông đã phải bỏ lại ở một vùng quê xa xôi, do hoàn cảnh chiến tranh. Nhưng, còn đau khổ nào hơn, khi trong đàn con lúc đó, có đứa ngỗ nghịch đến mức ông chỉ có thể bất lực đứng nhìn! Là người cha có trách nhiệm, ông cũng đã làm hết sức mình trong việc nuôi dạy con. Nhưng, ông không thể làm gì hơn được nữa.

Đã có những đêm khuya, ông một mình lang thang trong công viên, ghế đá, mặc cho gió thổi sương giăng tấm thân đã còm cõi vì lao tâm, lao lực. Căn bệnh phổi quái ác đã có mầm mống từ ngày ấy, để sau này, hành hạ ông trong giây phút cuối đời.

Ngày ấy, con vô tâm, không cảm nhận được sâu thẳm trong ông nỗi lòng u uẩn đó. Ông cô đơn trong tận cùng nỗi đau, không người chia sẻ. Ngày ấy, ông đã không đủ duyên để về với đạo, với giáo lý cứu khổ, ban vui của đức Phật từ bi. Thương ông, tận cuối đời vẫn không tìm được cho mình một điểm tựa tâm linh.

Còn con khi ấy, con đã tự ru ngủ bản thân bằng lời an ủi: Mình đã làm tròn trách nhiệm một người con, người chị ở nơi xa. Thỉnh thoảng, con về thăm nhà, thăm ông, như một người khách. Giờ nghĩ lại, con thấy mình đã hành xử bằng thái độ của người trốn chạy nghịch cảnh!

Khi sóng gió cuộc đời tạm yên, cũng là lúc ông ngã bệnh. Gánh nặng của tuổi tác, những đau khổ chất chồng qua bao năm tháng đã quật ngã người đàn ông vốn đã trải qua quá nhiều gian truân, bất hạnh trong đời. Sau hai năm chống chọi với bệnh tật, ông ra đi.

Sau ngày ông mất, đã có nhiều lúc, con vẫn hay nhớ về ông. Con tìm cách lý giải nguồn cơn của những khổ đau ông đã từng chịu đựng. Nhưng, con đã không tìm ra lời giải.

Vậy rồi, đến lượt con rơi vào bế tắc. Con loay hoay trong vòng xoáy nghiệt ngã của đời thường. Cuộc sống, khi đó, với con, là những mảng đen xám xịt. Con cũng đã tìm mọi cách có thể để thoát khỏi vùng tăm tối ấy. Con không chấp nhận đầu hàng hoàn cảnh. Con tự tin vào chính mình, con tự tin mình sẽ vượt qua tất cả.

Nhưng, phải đợi đến khi đủ duyên về với đạo, con mới có thể hiểu được nguyên nhân nỗi khổ, niềm đau của những phận người. Con học Phật, con biết đến chân lý cứu khổ của Ngài. Con hiểu và bắt đầu biết chấp nhận sự vận hành của nhânduyênquả như những gì đã, đang và sẽ diễn ra trong đời sống con người.

Con vẫn thương ông, một kiếp người nhiều đau khổ. Nhưng con thôi xót xa cho những nỗi đau ông đã từng chịu đựng. Con cũng hiểu, sự gặp gỡ giữa ông và con, trong đời này, chắc chắn, là từ một nhân duyên nào đó trong quá khứ.

Con và ông rất ít khi chuyện trò. Nhưng, trong lòng con, ông là hiện thân của một người có cách sống hiền lành, nghiêm túc, trung thực, có trách nhiệm. Suốt đời con, ông mãi là tấm gương sáng cho con, về lẽ sống ở đời! Cảm ơn ông, về sự giáo huấn này!

Mùa Vu Lan lại về! Vu Lan năm nay, con viết về ông, người không sinh ra con, nhưng đã nuôi dạy, đã gắn bó cùng con trong kiếp nhân sinh này. Giờ đây, nếu có cơ hội đối diện cùng ông, con sẽ nói rằng: Đời này, con vẫn còn nợ ông một tiếng Ba!

Hồi con còn nhỏ, cũng có đôi lần, ông xưng Ba với con. Nhưng, đó thường là khi ông đã có uống chút rượu, sau những bữa tiệc. Còn con, dù trong lòng rất thương kính ông, nhưng tiếng gọi ấy, với con, không hiểu sao, vẫn khó thốt ra lời.

Những ngày ông nằm viện, con vào thăm. Lần đó, đúng kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học. Con gởi ông bao thư có khoản tiền thù lao của giám khảo. Khi đó, nhìn ánh mắt ấm áp, thân thương của ông, con đã suýt gọi Ba. Nhưng, con vẫn im lặng! Con đè nén cảm xúc, hay con không quen gọi ai bằng tiếng gọi thiêng liêng ấy?

Có ai đó đã nhắc nhở: Hãy nói lời yêu thương khi còn có thể!

Sư của con cũng đã dạy rằng: Yêu thương, khi nói ra lời, tình thương sẽ có sức mạnh hơn!

Mấy năm trước, con đã xin Sư ban pháp danh cho ông, gởi hương linh ông vào tịnh xá để ông được nghe kinh, nghe tiếng niệm Phật mỗi ngày. Lúc sống, ông một mình đơn độc giữa khổ đau nơi trần thế. Nay, hương hồn ông sẽ được nhẹ nhàng, thanh thản trong tiếng chuông chùa, trong không gian yên lắng chốn già lam.

Sắp đến ngày giỗ ông rồi. Ngày đó, năm nay, con sẽ đặt lá thư này lên bàn thờ ông. Con sẽ đốt nhang khấn nguyện, cầu cho hương hồn ông được siêu thoát về nơi cõi lành!

TXNT, mùa Vu Lan năm Kỷ Hợi (DL. 2019)

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: