Tô bánh canh của mẹ
- Liên Lành
- | Thứ Ba, 08:09 27-08-2019
- | Lượt xem: 6670
“Sáng nay điểm tâm món gì vậy em?”
“Mô Phật, bạch Sư cô, sáng nay nhà bếp nấu món bánh canh!”
Bên ngoài, mưa từ tối qua vẫn rả rích chưa dứt, nước từ mái hiên đổ xuống giọt ngắn giọt dài. Câu trả lời của em tập sự khiến lòng tôi bâng khuâng nhớ về những ngày mưa thuở nhỏ. Cái thời còn bên mẹ, hễ trời mưa dầm là có tô bánh canh nóng mẹ nấu, làm ấm lòng con trẻ những ngày mưa.
Đã mười mấy năm rồi, kể từ khi xuất gia, tôi cùng Sư tỷ mới về quê thăm bà ngoại và bà thí chủ. Vẫn hàng dừa xanh đứng thẳng tắp, oằn mình bởi những buồng trái no tròn nặng trĩu, vẫn con đường làng đầy bụi đất luồn qua đám cây. Nhưng ngoại, mẹ, người thân và bà con chòm xóm nay đã khác. Sự trưởng thành của tôi nhắc nhở rằng ngần ấy thời gian trôi, tôi lớn lên thì trên vầng trán những người thân yêu thêm nhiều những nếp nhăn, mái đầu thêm nhiều sợi bạc.
Lần về thăm nhà đó, tôi nhớ là vào mùa mưa, mùa dạt dào kỷ niệm tuổi thơ trong tôi và cũng là mùa Vu Lan Báo Hiếu, mùa của những người con hướng về các đấng sinh thành dưỡng dục.
Biền biệt mười mấy năm không liên lạc, bà ngoại và các dì không còn nhớ nổi đứa cháu gái năm xưa. Duy chỉ có mẹ, vừa thấy bóng tôi đằng xa là khóe mắt rưng rưng, chạy đến cầm lấy bàn tay tôi đặt trong đôi tay mẹ đang run lên vì xúc động. Ngần ấy năm xa cách, mẹ đón chúng tôi bằng bữa bánh canh nấu với nấm mối, một đặc sản chỉ mùa mưa mới có.
Chuẩn bị ra đi, mẹ múc cho tôi một gamelle bánh canh, nhờ tôi gửi qua tịnh xá cho Sư - con trai của mẹ, em trai tôi. Vì mẹ biết trên đường về, tôi sẽ ghé qua tịnh xá của Sư để thăm Sư. Sư giữ hạnh không dùng chiều nên nhờ chú Phật tử công quả mang xuống bếp hâm lại để sáng mai sư dùng. Chú cũng mang đi… Nhưng được một đoạn, chú quay lại nói:
“Bạch Sư, nhà bếp không có tủ lạnh, giờ có thể hâm nóng lại được nhưng con thấy bánh canh này để tới sáng là nở hết. Hay là mình nhờ Phật tử đem về ăn giùm đi, bạch Sư.”
“Không sao đâu chú. Chú cứ cất vô tủ, rồi mai Sư dùng. Vì đây là bánh canh bà thí chủ của Sư nấu, nên nhờ ai ăn giùm, Sư thấy dạ không đành.”
Chú Phật tử nghe Sư nói vậy, lẳng lặng vâng lời nhưng chắc không khỏi ngạc nhiên, thắc mắc. Tôi cũng im lặng không nói, nhưng trong lòng thổn thức vì hiểu được tâm tư của Sư. Sư xa mẹ, xuất gia hồi mới ba bốn tuổi. Hồi còn là chú tiểu, có lần gặp tôi, Sư từng tâm sự rằng: “Chị biết không, chú huệ được ngủ với mẹ có ba đêm hà”. Sư đâu biết, câu nói của Sư lúc đó, cũng đã thay lời cho chính tôi. Tôi hiểu được cảm giác của Sư, và thương Sư biết dường nào. Trong ký ức, đứa trẻ mới lên ba, khi tâm trí mới vừa biết phân biệt đôi chút về cuộc đời thì “có ba đêm hà” là điều dễ hiểu. Bây giờ trưởng thành rồi, niềm nhớ mẹ, nỗi khao khát tình thân đã được Sư thay thế bằng sự trân trọng tô bánh canh do chính tay mẹ nấu, vật phẩm dâng cúng đơn sơ nhưng bao la nghĩa đạo, tình đời được vị đại thí chủ vun vén, cúng dường. Hơn thế nữa, nỗi nhớ niềm thương ấy là nguồn động lực cho sự nỗ lực tu tập hằng ngày để hồi hướng công đức lành cho mẹ, hằng mong mẹ luôn đặng an vui.
Và thế, tình mẫu tử thiêng liêng cao quý đã đong đầy trong tô bánh canh của mẹ. Không cần bảo quản trong tủ lạnh, vẫn để qua đêm dù đã được nấu từ sớm hôm trước nhưng tô bánh canh ấy không bao giờ nguội lạnh, vẫn mãi ấm nóng tình thương. Tình thương ấy giống như những sợi bánh canh mẹ cúng dâng, thời gian qua cứ lớn dần theo năm tháng.
Thương những người con kiên dũng xuất trần bao nhiêu thì càng quý trọng những người mẹ - những vị đại thí chủ âm thầm lặng lẽ trợ duyên, ủng hộ con mình bấy nhiêu:
“Lạy mẹ con đi về với trùng khơi
Lạy cha con đi về phía mặt trời
Đừng buồn khi con chưa tròn chữ Hiếu
Hãy chúc cho con ngập ánh đạo soi…”
Vậy đó, người xuất gia dù “cát ái từ sở thân” nhưng không có nghĩa là chối bỏ tình cảm gia đình. Mà ngược lại, tình cảm ấy luôn hiện hữu trong tâm trí, luôn canh cánh bên lòng ân đức cha mẹ. Bởi người xuất gia ý thức sâu sắc lời Phật dạy, hiểu rõ tình cha nghĩa mẹ là một trong Tứ trọng ân mà bất cứ ai dù đời hay đạo đều phải biết ơn và đền đáp.
Một mùa Vu Lan nữa lại đến, lạy Phật từ bi minh chứng cho tấm lòng những người con đang sống trong nhà đạo hướng lòng về hai đấng sanh thành dù là những vị đại thí chủ đã đã gieo trồng và chăm sóc cho hạt giống Bồ-đề nảy mầm giải thoát hay những bậc cha mẹ chưa khởi phát tâm lành ủng hộ các con đi theo con đường giác ngộ của đức Thế Tôn. Mong cho tất cả các bậc cha mẹ sức khỏe, bình an, tin sâu nhân quả, sớm quay về nẻo chánh, học đạo Giác ngộ để những người xuất sĩ có thêm động lực, vững bước trên con đường giải thoát. Và đặc biệt, mỗi mùa Vu Lan về, dù cách trở xa xôi, những người con sống trong nhà đạo vẫn cảm thấy ấm áp khi nghĩ về hai đấng sinh thành.
Các bài viết liên quan
- Tình người quanh ta - Thứ Năm, 19:54 19-08-2021 - xem: 8012 lần
- Khánh tuế Thầy - Thứ Sáu, 19:46 24-09-2021 - xem: 10594 lần
- Cảm niệm công ơn Cha Mẹ - Thứ Năm, 16:50 02-09-2021 - xem: 14948 lần
- Vai gầy mẹ gánh đàn con - Thứ Sáu, 10:30 27-08-2021 - xem: 8103 lần
- Vu lan trong mùa đại dịch - Thứ Tư, 18:48 25-08-2021 - xem: 6516 lần
- Tâm tình của con - Thứ Tư, 11:02 25-08-2021 - xem: 8501 lần
- Vu Lan - Kính vọng ơn Thầy - Thứ Ba, 23:32 24-08-2021 - xem: 7560 lần
- Mẹ - Thứ Ba, 15:52 24-08-2021 - xem: 5742 lần
- Mẹ! - Thứ Ba, 15:35 24-08-2021 - xem: 7169 lần
- Vu lan năm nay - Thứ Hai, 22:29 23-08-2021 - xem: 8332 lần
- Người Thầy trong tâm tôi - Thứ Hai, 22:09 23-08-2021 - xem: 7027 lần
- Tâm tình của con kính gửi Ba Má - Thứ Bảy, 21:22 21-08-2021 - xem: 8070 lần