CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Đi tìm một mùa xuân

 Chữ Xuân trong chữ Hán được viết dưới dạng , được ghép từ bộ (tam là ba) cộng với bộ (nhân là người) và cuối cùng là bộ (nhật là ngày). Nghĩa là khi đến ngày Xuân, ngày Tết thì “nhiều người tựu hội lại để vui Xuân trong những ngày Tết” ( + + ), vui này không phải một người, hay hai người mà phải ba người trở lên thế mới gọi là Xuân.

Theo quy luật thời gian. Hạ qua, Thu tàn, Đông hết nhường chỗ cho mùa Xuân. Mùa mà hầu như mọi người thế gian ai cũng mơ ước, khi nghe đâu đâu văng vẳng lời bài hát:

“Xuân đã về, Xuân đã về! Kìa bao ánh Xuân về tràn lan mênh mông. Trên cánh đồng, chim hót mừng, đang thiết tha cùng đàn từng bay vui say. Xuân đã về, Xuân đã về. Ngàn hoa hé môi cười vui đón gió mới. Xuân đã về, Xuân đã về! Ta hát vang lên câu ca mừng chào Xuân….”

Khi nghe lời bài hát ấy dù chưa đến Tết, ngày Xuân dù ở rất xa nhưng gợi cho lòng người ta sự nhớ nhung, bồi hồi, thổn thức khi xa nhà, xa quê hương xứ sở. Ao ước được gần đến ngày Xuân, ngày Tết để được về gần người thân gia đình vui chơi trong chung rượu, tách trà, cái bánh… như các bạn trẻ vẫn thường ao ước:

“Vui làm sao Xuân về hai tuổi

Tuổi hai mươi là tuổi của niềm vui

Mong thời gian đi mãi chẳng đi lùi

Biết Xuân đến vui Xuân là hạnh phúc.”

Đối với tuổi trẻ thì thế, lúc nào cũng ngây thơ, hồn nhiên vô tư lự, chỉ mong đến Tết để được nghỉ học, vui chơi hay được tiền lì xì, thỏa thích sau bao tháng ngày miệt mài học tập. Nhân cơ hội ngày mà ngàn hoa cũng đua nhau khoe sắc thắm, ta thấy trên khuôn mặt mọi người cũng trẻ trung hơn, mọi cảnh vật như được thẩm mỹ bằng những màu sắc thanh tân, lịch lãm. Đây cũng là cơ hội cho những ai xa xứ sở quê hương trở về thăm cố hương, ông bà cha mẹ với những phần quà biểu hiện lòng chí thành hiếu đạo của hàng con cháu, hậu lai đối với bậc tiền nhân, cổ bối. Là dịp để người ta nghỉ ngơi trao đổi những nỗi niềm tâm sự, trút bỏ mọi gánh nặng của công việc, của trách nhiệm để được trầm mình trong hơi ấm, thoải mái của ngày Xuân, để được đoàn tụ với người thân.

Vui Xuân, chơi Xuân, hưởng thụ những lạc thú thanh tao của cuộc đời là điều hầu như ai ai cũng mơ ước. Tuy nhiên theo tinh thần giáo lý Phật giáo, phải có sự tỉnh thức, phải có sự chánh niệm trong giáo pháp kẻo bị hụp trồi lặn sâu trong niềm vui say tục lụy đánh mất bản thân. Có đôi khi tắm mình trong vui say chè chén trong ăn uống thái quá để rồi bị vòng xoáy vô minh cuốn trôi theo nẻo luân hồi của ngũ dục. Thế nên các bậc Tổ Đức dạy chúng ta phải ý thức cuộc đời vô thường, mỗi ngày trôi qua dù nhỏ hay lớn, sang hay hèn, quyền quý hay bần tiện, cao thấp xấu đẹp, phải ý thức mạng sống chúng ta đang bị ngắn dần khi mỗi giây mỗi phút lần lượt trôi qua:

Ngày nay lại đã qua rồi

Mạng căn huyết mạch lần hồi khô khan.

Dường như cá cạn ở ao

Khổ thêm thời có chút nào vui đâu.

Cần tu tợ lửa đốt đầu

Đừng cho sái buổi như chầu đế vương.

Biết thân mỏng mảnh vô thường

Sớm còn tối mất lo phương tu hành.

Bởi thế chúng ta phải ý thức tỉnh giác trong từng cử chỉ, lời nói, hành động của thân, nâng cao hơn nữa là theo dõi sự tư duy của ý, dù là sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, hay bát phong cuồng dậy ta vẫn giữ mình:

“Dù phải chịu muôn ngàn gian khổ,

Con dốc lòng vì đạo hy sinh.”

Một hành giả khi đã thực hành, sống trong sự tỉnh giác, giữ được tâm “Thường lạc, ngã tịnh”, khi mùa Xuân có đến đi vẫn không bị thất tình não loạn. Mùa Xuân có đến đi vẫn như như, không vui buồn như tâm Như Lai dù ai có khen chê đối với Ngài vẫn vậy. Thế nên Mãn Giác thiền sư có cảm nhận về Xuân bằng một bài kệ:

 

 

 

Phiên âm:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Trần Quê Hương dịch thơ:

Xuân đi hoa rụng ngậm ngùi

Xuân về hoa nở, niềm vui ngập tràn

Dòng đời thấm thoát mơ màng

Trên đầu tóc bạc ngỡ ngàng trăm năm

Đừng tưởng Xuân hết hoa tàn

Đêm qua – một đóa mai vàng trước sân.

Thật vậy, theo quy luật tuần hoàn của vũ trụ, bốn mùa lần lượt thay chỗ cho nhau. Mặc dù thế sự có dời đổi, Mặt trời Mặt trăng che khuất lẫn nhau nhưng cõi lòng của người tu, của người hiểu chánh pháp, thực hành lời dạy của Phật, đang tiến về bảo sở theo gương hạnh của bậc chánh giác vẫn an nhiên tự tại. Trong bối cảnh Xuân đến, Xuân đi để rồi hoa nở, hoa rụng và vạn vật thay đổi:

“Sanh ra rồi lớn rồi già,

Rồi đau rồi chết lìa qua một đời.”

Duy chỉ có nhành mai tâm, nhành mai mà đức Phật đã khẳng định với một hành giả đã chứng đạt Niết Bàn: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa”, với chí nguyện cao thượng độ tha dù vị ấy có trở lại thế gian đi chăng nữa cũng với chân thân Bồ-tát vì lợi ích cho chư Thiên và loài người để thực hành giác tha và giác hạnh viên mãn.

Với câu “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” đã đọng lại trong chúng ta nhiều suy nghĩ, phải chăng là cánh Xuân lòng khi tỏ ngộ, mùa Xuân không bao giờ tàn, luôn hằng hữu trong cõi tâm người tu? Dù có dùng cả hàng muôn ngàn ngôn từ, mỹ dụ cũng không thế nào diễn tả hết được cái đẹp nơi nhành mai bất diệt của người thấy đạo, sự thong dong tự tại của các bậc đã thoát niềm tục lụy khi chứng đạt cảnh giới Hữu dư y Niết-bàn. Nhành mai ấy sẽ không bao giờ tàn, dù có trải qua trăm ngàn vạn kiếp, dù cho có bãi bể nương dâu vẫn luôn ngát hương trang điểm cho bốn mùa của thế nhân. Nhành mai ấy cũng là hoa Tâm còn trổ mãi khi ngày Xuân đã vẫy chào tạm biệt ngày Tết, hoa lòng luôn đem đến hạnh phúc và an lạc cho đời:

Xuân đi còn lại một nhành mai

Thành kính dâng lên trước Phật đài

Chúc người con Phật thêm tuổi mới

                            Một mùa Xuân tới sáng tương lai.                                 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: