CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Mùa xuân và cầu nguyện

Xuân về, trăm hoa lại đua nở khoe sắc thắm tươi, làm cho lòng người thêm rộn ràng, lo toan để đón chào nàng xuân, để cùng nhận món quà nho nhỏ của nàng xuân trao tặng cho. Món quà ấy chính là được thêm một tuổi đời và cười nói vui vẻ bên cạnh những người thân, cùng thưởng thức niềm vui hỷ lạc với ông Phật cười. Nàng xuân tuy đã trao tặng cho ta món quà quý giá như thế nhưng ngược lại chúng ta chẳng biết trân trọng, thưởng thức hương vị của niềm hỷ lạc mà lại chạy theo tiếng gọi đâu đâu: nào đi chùa hái lộc để cầu may mắn, nào lễ Phật đầu năm để cầu nguyện, nào van xin các Ngài ban tặng cho ta cái chi chi đó.... mà chẳng cần biết có được hay không!

Mọi người thấy có nghịch lý lắm hay không? Gia tài, hạnh phúc mình đang nắm trong tay lại buông thả và ném đi để chạy theo, tìm cầu cái hão huyền nơi đâu đâu, khác chi mình đang trong cơn khát mà lại cầm ly nước trong tay nhưng không chịu uống mà cứ đi khắp nơi để cầu xin, van nài hết người này đến người khác cho ta nước để giải cơn khát kia chứ. Điều này làm cho người viết nhớ lại câu chuyện khá vui và thú vị: "Cầu người không bằng tự cầu chính mình". Câu chuyện này được ghi lại trong lúc người viết ngao du trên những trang sách, giờ đây xin thuật lại để tặng mọi người nhân mùa xuân về, cũng như giúp cho các bạn thấy rõ hơn về giá trị của tự thân.

Một hôm, có một người đang lánh mưa ở dưới mái nhà tranh thì thấy Bồ-tát Quán Thế Âm đang che dù đi ngang qua.

Người này mới nói: Quán Âm Bồ-tát cứu độ chúng sanh, độ tôi một đoạn có được không?

Quán Âm liền nói: Ta đang ở trong mưa, ngươi ở dưới mái nhà tranh; mà dưới mái nhà thì không có mưa nên ngươi không có nhu cầu để ta độ.

Người này liền đi ra khỏi nhà tranh, đứng dưới mưa và nói: Bây giờ ta cũng ở trong mưa rồi, Ngài độ ta được rồi chứ?

Quán Âm Bồ-tát mới nói: Ngươi ở trong mưa, ta cũng đang ở trong mưa nhưng ta không có bị ướt là bởi ta có dù che; còn người bị mưa ướt đẫm là do không có dù che. Cho nên không phải ta tự độ cho mình mà là dù độ cho ta. Ngươi muốn được độ thì không cần phải tìm ta làm chi mà hãy tự mình đi tìm dù đi!" Nói xong liền đi.

Ngày hôm sau người này gặp chuyện khó khăn liền đi vào trong miếu tự để cầu nguyện Quán Âm Bồ-tát. Khi đi vào trong miếu mới phát hiện trước tượng Bồ-tát cũng có một người đang lễ bái. Người đó cùng Bồ-tát Quán Âm rất giống nhau, không có chút mảy may khác biệt nào.

Người này mới hỏi: Người là Bồ-tát Quán Thế Âm phải không?

Người đang lạy đáp rằng: Đúng vậy.

Người này lại hỏi một cách đầy ngạc nhiên: Vì sao lại lạy chính mình?

Ngài Quán Thế Âm mới cười, rồi đáp rằng: Ta cũng đang gặp việc khó khăn nhưng ta biết: Cầu người không bằng tự cầu chính mình.

Mọi người thấy sao, có cho rằng người đứng dưới mái nhà kia sao mà ngu muội đến thế không? Ai lại đang ở một nơi khô ráo, tránh mưa an toàn như vậy, lại bỏ đi và chạy ra ngoài để chịu cảnh ướt đẫm bởi mưa kia chứ. Chắc mọi người nghĩ rằng chúng ta thông minh hơn người đứng dưới mái nhà tranh đó nhiều phải không? Chúng ta đâu có dại gì mà làm như vậy, nhưng không hề biết rằng mình lại dại hơn khi buông bỏ hạnh phúc sum họp, vui vẻ với những người thân mà mình đang có, để tìm đến làm bạn cùng những nén hương, với làn khói bay nghi ngút hay làm kẻ hành khất van xin người khác thí cho cái gì đó, và tệ hơn nữa là giao phó vận mệnh của mình cho chư Phật hay các vị thần linh nào đó.

Người như vậy, các bạn thấy thế nào: Thông minh hay ngu muội? Nếu là người thông minh sao không chịu làm chủ lấy vận mệnh, hạnh phúc với nụ cười bên người thân và làm cho mùa xuân càng thêm ấm áp, chứ ai lại giao phó sinh mệnh của mình cho chư Phật, chư vị Bồ-tát kia chứ. Hạnh phúc hay khổ đau đều do ta tự chọn lựa, hay nói cách khác chúng ta phải tin vào năng lực của bản thân, phước nghiệp mà mình đã tạo trong cuộc sống chứ đâu phải do việc cầu nguyện một cách mê muội như người tránh mưa ở câu chuyện trên mà có được. Các vị ấy đâu có cứu chúng ta được đâu. Các ngài chỉ có thể giúp cho ta phương cách thực hiện để đạt được hạnh phúc mà thôi. Cho nên đối với người có trí, việc cầu nguyện chính là con đường xin chư Phật, chư vị Bồ-tát hay những vị thiện tri thức trong cuộc sống những phương pháp vi diệu, để rồi chính mình phải dấn thân vào con đường thực hành và chứng nghiệm chúng như hình ảnh vị Bồ-tát đã hướng dẫn, chỉ cho người lánh mưa phương pháp vượt qua chướng ngại bằng năng lực của chính tự thân.

Chúng ta là những người học Phật thì phải biết chọn lựa cho mình con đường nào đưa đến hạnh phúc, an vui và tránh đi những điều mê muội. Phải biết nắm giữ vận mệnh, thiết lập cho mình cuộc sống an vui và làm cho nụ cười luôn hiện diện trên đôi môi như hình ảnh nụ cười vô nhiễm của đức Phật Di-lặc. Được như vậy cuộc sống của chúng ta mới có ý nghĩa và xứng đáng với hai chữ Phật tử. Chính từ đó chúng ta mới thưởng thức được hương vị hỷ lạc của ông Phật cười và cùng du ngoạn với gió xuân, dù cho mùa xuân đã đi qua.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: