Đọc Chơn Lý

 ĐỌC CHƠN LÝ: VÕ TRỤ QUAN

TUYỂN TẬP "ĐỌC CHƠN LÝ"

Đọc Chơn Lý Võ Trụ Quan

Đọc Chơn Lý Ngũ Uẩn

Đọc Chơn Lý Lục Căn

Đọc Chơn Lý Thập Nhị Nhân Duyên

Đọc Chơn Lý Bát Chánh Đạo

 

"Võ trụ quan" là quyển Chơn Lý đầu tiên và có vị trí đặc biệt về nhiều phương diện. Về mặt hình thức văn pháp, đây là một tiểu luận dài gần 4.000 từ được phân thành 10 tiểu đề hay tiết mục như sau:

1. Thể của võ trụ

2. Nhơn duyên của mỗi quả địa cầu

3. Hình thể quả địa cầu

4. Ánh sáng của quả địa cầu

5. Miếng đất đầu tiên trên quả địa cầu

6. Sự tiến hóa của nhân loại trên quả địa cầu

7. Sau khi quả địa cầu tan hoại

8. Chúng sanh trong võ trụ

9. Cái ta trong võ trụ

10. Chơn lý của võ trụ

Sau đây chúng ta bước đầu tìm hiểu nội dung từng tiểu mục

Tiểu mục 1: Thể của võ trụ gồm 3 đoạn.

Đoạn một nói về hình tướng của võ trụ tròn tròn lớn nhỏ và tên gọi của võ trụ là ‘cái không không’[1] hay ‘vô minh’ vì ‘không thể biết được’. Đoạn hai nói về ý nghĩa giáo lý của hình tướng: tròn là không khổ, là chơn, thiện và mỹ. Đoạn ba nói về sự vận động và những nguyên tố làm thành quả địa cầu gồm đất, nước, lửa, gió; đối với nguồn gốc của quả địa cầu nói chung là ‘không thể biết được’.

Tiểu mục 2: Nhơn duyên của mỗi quả địa cầu

Chơn lý cho rằng sinh mệnh của quả địa cầu và của một con người đối với võ trụ thì không là gì cả. Về vấn đề nguyên nhân tiên khởi, Chơn Lý nêu lên nguyên lý ‘Trong cái KHÔNG sẵn chứa cái CÓ’. Nguyên lý này có thể dùng để trả lời cho vấn đề nguồn gốc của quả địa cầu hay ‘nguyên nhân sinh hóa’ và được diễn giải như sau: ‘... Trong không có hơi, trong hơi có nước, trong nước có đất, trong đất có lửa, trong lửa có gió, gió là hơi. Bốn thứ ấy nương sanh lấy nhau, làm thành cái có ở trong cái không, còn cái không ở trong cái tự nhiên. Tự nhiên là hết nói luận! Đó là nói về sự.’ Như vậy, nguyên nhân tối hậu mà người ta còn ‘nói luận’ được chính là cái tự nhiên.

Triết học phương Tây khi tìm bản chất của thực tại là tìm cái chung nhất, trình bày chung nhất. Nhưng điều thú vị ở đây là Chơn lý có hai cách nói khác nhau dành cho hai phạm trù lý và sự. Câu ‘... cái không ở trong cái Tự nhiên’ là nói về sự. Còn về lý? Câu ‘... cái không ở trong mỗi cái có, cái tự nhiên ở trong mỗi cái không’ là nói về lý. Cái không và cái tự nhiên nối liền nhau trong Chơn lý khiến người đọc liên tưởng tới cái không của Bát-nhã và cái tự nhiên của Lão Tử. Đạo đức kinh có câu: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”. Đây là một lập thuyết phối hợp hay chỉ là một trùng hợp tình cờ là chuyện thuộc phạm vi nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa. Điều người đọc có thể ghi nhận bước đầu là: Kinh Bát-nhã đặt trọng tâm nơi cái không mà không đề cập đến cái tự nhiên. Đạo đức kinh đặt trọng tâm nơi cái Tự nhiên mà ít bàn đến cái không. Chơn lý nối kết cái không và cái tự nhiên lại với nhau trong mối tương quan: cái này nằm trong cái kia. Hẳn nhiên đây là một sáng tạo mang nét riêng của Tổ sư.

Theo triết học phương Tây thì sự tan hoại và sinh mới lại của quả địa cầu nằm trong sự vận hành chung của võ trụ hay của thái dương hệ. Chơn Lý có cách nhìn biệt lập hơn và miêu tả đời sống riêng của từng cá nhân mỗi địa cầu theo vòng tròn: tiêu hoại rồi sanh hóa trở lại. Tương tự, khoa học cho rằng nguồn lực làm cho quả địa cầu lăn xoay và di chuyển là do cú “hích” đầu tiên (Big Bang) kết hợp với lực hấp dẫn của các thiên thể với nhau; ngược lại, Chơn Lý cho rằng sở dĩ quả địa cầu lăn xoay và di chuyển là ‘bởi sức lửa mạnh bên trong’ và ‘có trớn là xoay mãi’.

Cuối tiểu mục, Chơn Lý nhắc lại năng lực nhận thức rất hạn chế của con người và thân phận của quả địa cầu và của con người nói chung là... “không là gì cả” đối với võ trụ.

Tiểu mục 3: Hình thể quả địa cầu

Nói về sự biến chuyển về hình dáng của quả địa cầu từ trái bí rợ sang trái cam và cuối cùng là quả trứng gà. Đoạn còn lại của tiểu mục dùng ẩn dụ nói đến sự tương quan giữa thân thể một em bé và của quả địa cầu về phương diện thể chất lẫn tâm thức. Qua đó lần đầu tiên Chơn Lý giới thiệu những khái niệm căn bản của một dạng tiến hóa như đất, nước, lửa, gió, người, trời, Phật...

Tiểu mục 4: Ánh sáng của quả địa cầu

Nói về ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, sao, núi, người, thú; qua đó gợi lên đạo lý của ánh sáng, hay dạng ánh sáng lý tưởng, cụ thể là dạng ánh sáng ‘trụ rất gần trên đỉnh đầu’ của ‘bực thanh tịnh có trí huệ, đủ đức tánh, không có chi xao động’. Ở đây, Chơn lý còn nêu lên một quan niệm rất bao quát mà người đọc cần chú ý là: ‘Hễ vật chi có lửa là có hào quang, có lửa là có sống, có cử động, có màu sắc, tướng hình, linh và biết’. Vì mức độ bao quát quá lớn của quan niệm, đụng chạm đến quá nhiều vấn đề vật lý học cũng như triết học, cụ thể như vấn đề cử động và màu sắc, vấn đề linh và biết... nên người viết tạm thời để nguyên như vậy mà không bàn luận xa hơn.

Một điều thú vị là khoa học thiên văn chỉ nói đến đường xích đạo cắt ngang giữa quả địa cầu, trong khi Chơn Lý đề cập đến hai đường khác nhau là xích đạo cắt ở phía trên và bạch đạo cắt ở phía dưới.

Tiểu mục 5: Miếng đất đầu tiên trên quả địa cầu

Xác định Hy-mã-lạp sơn là rún của địa cầu, từ đó phân chia và nói về đặc điểm vật lý cũng như tên gọi của các khu vực Đông, Tây, Nam, Bắc. Hy-mã-lạp sơn được xem là ‘miếng đất đầu tiên’ với nhiều tên gọi khác nhau, có vị trí trung tâm về nhiều phương diện vật chất cũng như tâm linh, cụ thể là ‘nơi phát sanh cỏ, cây, thú, người, Trời, Phật, trước nhất kêu là rún đạo’.

Cuối tiểu mục, Chơn Lý xác định thời gian biểu của lịch trình tiến hóa và kết luận 3.000 năm có một vị Phật. Điểm này và rất nhiều điểm khác đều nằm trong dạng tồn nghi. Mục đích ở đây chỉ là ghi nhận và nếu có thể là làm sáng tỏ; việc biện luận đúng sai hay, “cưỡng ngôn”[2] hay có ý tứ nào khác, đều không thuộc phạm vi của bài viết.

Tiểu mục 6: Sự tiến hóa của nhân loại trên quả địa cầu

Chơn Lý khai triển chi tiết hơn mô thức tiến hóa đã giới thiệu ở tiểu mục 3, chia sự sinh hóa tàn tiêu của mỗi quả địa cầu thành ba thời kỳ, mỗi thời kỳ có hai sinh loại nổi bật về số lượng theo trình tự: cỏ và cây, thú và người, trời và Phật. Trình tự này có thể nằm gọn trong câu: Cỏ cây được sanh ra rồi tiến hóa thành thú; làm cho tàn lụn vật chất, cái ác để trở nên người, trời, Phật; cuối cùng quả địa cầu tiêu hoại là hết một vòng sinh diệt.

Bộ ba khái niệm người, trời, Phật được định nghĩa bằng cách định tính và trong mối liên hệ xã hội, đồng thời được xem là tương ứng với bộ ba khái niệm là: nhơn - trí - tâm. Mở rộng ra thành: nhơn là đối với gia đình, trí là đối với xã hội và tâm là đối với chúng sinh. Đặc biệt, Phật được miêu tả là ‘...đứng ngừng tắt nghỉ... bậc vĩnh viễn đời đời như hột giống cất mãi’.

Tiểu mục 7: Sau khi quả địa cầu tan hoại

Triển khai nguyên lý tiến hóa và nguyên lý trường tồn với các khái niệm như cái thức, cái sống, cái biết, cái ta trong mối quan hệ với khái niệm trường tồn hay ‘cái sống đời đời’. Để minh họa cho những khái niệm trừu tượng, Chơn Lý vận dụng hình ảnh thân cây chết, trái, hạt; rồi nêu lên bộ ba khái niệm mới là vỏ hạt, thịt cơm hạt và ngòi mộng trong mối tương ứng với việc làm, lời nói và cái ý. Cuối tiểu mục, Chơn Lý trình bày thêm về hành trạng của người, trời, Phật và lần đầu tiên giới thiệu khái niệm đạo. Đạo ở đây là con đường tiến hóa ‘của cái biết sống’; bắt đầu là cái Không và cuối cùng và quả vị Phật.

Tiểu mục 8: Chúng sanh trong võ trụ

Giảng giải khái niệm chúng sinh theo những ý nghĩa khác nhau. Bắt đầu bằng ý nghĩa vật chất rồi đến ý nghĩa tuyệt đối, chỉ có Phật mới thật sự là chúng sinh. Sau đó bàn đến ý nghĩa mở rộng bao trùm mọi thể sống.

Tiểu mục 9: Cái ta trong võ trụ

Giảng giải về cội nguồn phát xuất của 4 uẩn đầu trong mối tương ứng với cội nguồn phát xuất của tứ đại, cỏ, cây, sâu, bướm, cầm, thú, và loài người. Cái sau dựa trên cái trước mà tiến hóa; ‘dày dò’, ‘hành hạ’ cái trước mà có sống nên ‘chịu ơn’ rất nặng. Dựa trên đó, Chơn Lý kết luận bằng một đạo lý sống bao dung, không sát hại, để ‘sống với võ trụ’, để ‘được an vui’.

Tiểu mục 10: Chơn lý của võ trụ

Có giá trị như là một lời kết. Tiểu mục nhắc lại ý tưởng về bản nguyên và thuyết tiến hóa. Hai nhà sinh vật học nổi bật của phương Tây là Jean-Baptiste Lamack người Pháp và Charles Darwin người Anh vào thế kỷ thứ 19 đã từng phác họa nên bức tranh tiến hóa của các loài sinh thể trên địa cầu, tạo nên một cuộc cách mạng về mặt nhận thức của nhân loại, chấn động hệ tư tưởng thần quyền nền tư tưởng phương Tây. Chúng ta chưa có thể biết được Tổ sư có tiếp xúc với ý tưởng về thuyết tiến hóa của hai nhà khoa học trên hay không nhưng điều chúng ta có thể biết chắc là Chơn Lý đã đề cập đến một dạng tiến hóa chung nhất, bao gồm tất cả từ thế giới vô cơ đến thế giới hữu cơ, từ cái ác đến cái thiện. Trọng tâm dĩ nhiên là dạng tiến hóa từ chúng sinh phàm phu đến quả vị chơn như giải thoát. Điểm lý thú là dạng tiến hóa ở đây mang tính bao trùm không phân cách, không giới hạn: vô cơ và hữu cơ, vật chất và tâm thức, chúng sinh và Phật thánh. Tất cả đều tổng hòa đan quyện với nhau, tạo thành một sơ đồ hay một bức tranh tiến hóa tròn trịa viên mãn.

Qua quyển Chơn Lý đầu tiên này, điều trọng yếu nhất mà người đọc có thể nhận ra là Chơn Lý chỉ mượn khái niệm và hình ảnh của thiên văn, địa lý để giảng giải tông chỉ tiến hóa mà thôi. Dĩ nhiên là Chơn Lý không nhằm mục đích cung cấp kiến thức về vũ trụ cho người đọc và người đọc cũng không nên cho rằng Chơn Lý dựa trên những quan điểm về vũ trụ và địa cầu như là khung sườn hay nền tảng để xây dựng lập thuyết tiến hóa. Với cách đọc chắt lọc, chúng ta sẽ thấy rằng Chơn Lý chỉ vay mượn khái niệm và hình ảnh về vũ trụ, quả đất và con người để trình bày một cách sống động con đường hay hành trình tiến đến quả vị Vô thượng mà thôi.


[1] Tất của những từ hay những đoạn đặt trong dấu nháy đều được trích trực tiếp từ quyển Chơn Lý Võ Trụ Quan. Thí dụ: ‘cái không không’.

[2] Dụng từ của Hòa thượng Giác Đức khi bàn về Chơn Lý.