Kinh Tứ thập nhị chương

Tinhhoabiyeu

 

KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG

Chương 2

SANH TỨC HỮU DIỆT

ĐỜI NGƯỜI

Phật hỏi thầy Sa môn:

- Đời người bao lâu vậy?

- Kính bạch Đức Thế Tôn,

Đời người trong vài bữa.

Phật dạy: “Chưa tỏ ngộ”.

Lại cũng đem một câu,

Hỏi Sa-môn khác nữa:

- Đời người được bao lâu?

- Kính bạch Đức Thế Tôn,

Lời của vị Sa môn:

- Đời người xem ngắn ngủi,

Chừng bằng một bữa cơm.

Phật dạy: “Chưa tỏ ngộ”.

Lại cũng đem một câu,

Hỏi Sa-mônkhác nữa:

- Đời người được bao lâu?

- Đời người ngắn quá độ,

Theo ý kém của con,

Chỉ bằng một hơi thở,

Kính bạch Đức Thế Tôn.

Phật dạy: “Hay lắm a,

Thầy hiểu đạo cao xa,

Đời người trong cõi thế,

Khoảnh khắc thở hơi qua”.

 

Chương 3

TÀI SẮC CHIÊU KHỔ

ĐỨT LƯỠI

Miếng ngon vật tốt cảnh sang giàu,

Thấy đó như tuồng mật dính dao.

Trẻ dại miệng kề toan nếm thử,

Nào ngờ lưỡi đứt khóc thương đau!

 

Chương 5

GIẢ CHƠN TỊNH QUÁN

VÕ TRỤ

Thăm thẳm bao la khoảng đất trời,

Người hơn muôn vật giữa trần ai.

Nghiệp duyên thay đổi phàm nên Thánh,

Chánh pháp truyền ban đạo cứu đời.

 

Chương 8

CHUYỂN TRỌNG LINH KHINH

HỐI LỖI

Phật dạy người có lỗi,

Không ăn năn sám hối.

Tội ấy chất vào thân,

Nặng nhiều thêm gấp bội.

Như nước dần về biển,

Càng ngày càng rộng sâu.

Còn như người có lỗi,

Biết sám hối hồi đầu.

Đổi dữ làm lành rồi,

Các tội bèn tiêu diệt.

Như bịnh xuất mồ hôi,

Thuyên giảm rồi dứt tuyệt.

 

Chương 11

NHẪN ÁC VÔ SÂN

BÌNH TĨNH

Phật dạy các đệ tử:

Như có người hung dữ,

Nghe các ngươi làm lành,

Muốn đến phá khuấy thử.

Các ngươi nên nhẫn nhục,

Đừng khởi lòng giận sân.

Họ đem điều ác đến,

Họ chác ác vào thân.

 

Chương 12

NIỆM GIỚI CẬN ĐẠO

GIỚI LUẬT

Phật dạy hàng đệ tử:

Tuy ngàn dặm xa ta,

Mà Giới luật biết giữ,

Quyết đắc đạo không xa.

Trái lại kẻ phạm giới,

Dầu có ở gần ta,

Đạo mầu không đạt tới,

Kẻ ấy thật cách xa.

 

Chương 13

GIÁO HỐI VÔ SAI

PHẢI TIN PHẬT

Pháp Phật như đường mật,

Vị nào cũng ngọt ngào.

 

Chương 16

SẮC DỤC CHƯỚNG ĐẠO

CHỈ CÓ MỘT

Bao nhiêu nghiệp dữ hại mình,

Chỉ duy có thứ dục tình mạnh ghê.

Người tu vượt khỏi lưới mê,

Quả linh Vô thượng Bồ-đề một bên.

 

Chương 18

DỤC HỎA VIỄN LY

CỎ KHÔ

Phật dạy người học đạo,

Như kẻ ôm cỏ khô,

Phải tránh xa lửa đỏ,

Tình thương muốn nhiễm ô.

 

Chương 19

NGÃ KHÔNG BỐ DIỆT

LO SỢ

Vì lòng thương muốn nên lo,

Vì lòng thương muốn làm cho sợ sùng.

Ai mà dứt mối yêu thương,

Chẳng còn lo lắng chẳng phương sợ sùng.

 

Chương 21

CHÁNH QUÁN ĐỊCH SẮC

PHỤ NỮ

Phật dạy thầy Sa môn:

Chớ ngắm nhìn sắc đẹp,

Chớ giao tiếp đàn bà.

Bằng có chuyện cần nói,

Phải chánh tâm nghĩ qua:

Ta là vị Sa môn,

Ở trong đời uế trược,

Cũng như cánh hoa sen,

Bùn nhơ không dính được.

Rồi dùng pháp quán tưởng,

Tính tuổi tác mà xem.

Tưởng người già như mẹ,

Tưởng người trẻ như em.

Tưởng người lớn như chị,

Tưởng người bé như con.

Lại phát tâm giải thoát,

Độ mình, độ người luôn.

 

Chương 24

Ý MÃ MẠC TÚNG

Ý CỦA NGƯỜI

Phật dạy thầy Sa môn:

Chớ nên tin ý vọng,

Ý vọng chẳng khá tin.

Chớ nên gần sắc đẹp,

Gần sắc đẹp họa sanh.

Bao giờ chứng La Hán,

Tâm ý mới nên tin.

 

Chương 26

XẢ ÁI ĐẮC ĐẠO

NƯỚC XAO ĐỘNG

Kẻ ái dục đậm nồng,

Thì đạo mầu khó thấy.

Ví như lu nước trong,

Cứ thò tay quậy khuấy.

 

Bóng hình kẻ đến xem,

Thấy đâu hình bóng ấy.

Người ái dục rối ren,

Chơn tâm bị che đậy.

Vậy nên các Sa môn,

Diệt trừ ái dục quấy.

Ái dục diệt trừ rồi,

Đạo mầu tỏ ngộ vậy.

 

Chương 34

THÍ PHẠN CHUYỂN THẮNG

CÚNG DƯỜNG

CHƠN PHƯỚC CÚNG DƯỜNG

Đức Phật có dạy rằng:

Cho cơm trăm kẻ ác,

Không bằng một người lành.

Cho cơm ngàn người lành,

Không bằng người ngũ giới.

Cho muôn người ngũ giới,

Không bằng vị Đà Huờn.

Cúng dường mười muôn vị,

Đắc quả Tu Đà Huờn,

Không bằng cúng một vị,

Đắc quả Tư Đà Hàm.

Cúng dường một triệu vị,

Đắc quả Tư Đà Hàm,

Không bằng cúng một vị,

Đắc quả A Na Hàm.

Cúng dường mười triệu vị,

Đắc quả A Na Hàm,

Không bằng cúng một vị,

Đắc quả A La Hán.

Cúng dường trăm triệu vị,

Đắc quả A La Hán,

Không bằng cúng một vị,

Đắc quả Phật Bích Chi.

Cúng dường ngàn triệu vị,

Đắc quả Phật Bích Chi,

Không bằng cúng một vị,

Như Lai trong ba đời.

 

Cúng dường khắp thập phương,

Như Lai trong tam thế,

Không bằng phép cúng dường,

Mà tâm không chấp tướng.

Trí không hề niệm tưởng,

Đến phước báo cúng dường,

Ấy chơn phước cao thượng.

Không phước nào sánh đương.

 

Chương 39

XỬ TRUNG ĐẮC ĐẠO

DÂY ĐỜN

Có một vị Tăng sanh,

Thâu đêm thức tụng kinh,

Tiếng u buồn ngao ngán,

Lòng chán nản tu hành.

Phật kêu lại hỏi han:

- Hồi thầy ở thế gian,

Làm nghề chi đó vậy?

- Bạch Phật, con khảy đàn.

Hỏi: Dây dùn thì sao?

Đáp: Dây dùn không tiếng.

- Còn dây thẳng thì sao?

- Dây thẳng không uyển chuyển.

- Còn đờn lên đúng dây?

- Dây vừa đúng rất hay!

Đức Phật nhơn đó nói:

- Này Sa-môncác thầy,

Học đạo như khảy đàn,

Phải giữ mực thăng bằng,

Chớ thái quá bất cập,

Thì nên đạo dễ dàng.

Nếu hành khổ quá sức,

Phải mệt nhọc xác thân,

Xác thân khi mệt nhọc,

Sẽ tán loạn tinh thần.

Tinh thần bằng tán loạn,

Tu học phải trễ chầy.

Trễ chầy sự tu học,

Thói xấu ắt nhiễm lây.

Phải giữ mực trung đạo,

Là khoẻ khoắn an nhiên,

Là nhẹ nhàng giải thoát,

Đường tu niệm vĩnh miên.

 

Chương 40

CẮT ÁI KHỬ THAM

SA MÔN

Cạo tóc làm Sa môn,

Theo đạo Đức Thế Tôn,

Phải bỏ hết của cải,

Ôm bát đi xin cơm.

Giữa ngày ăn một bữa,

Gốc cây ngủ qua đêm.

Giữ đúng y luật Phật,

Đừng mong muốn gì thêm.

Cũng vì lòng thương muốn,

Làm cho người mê lầm.

Diệt bỏ lòng thương muốn,

Liền thấy rõ đạo chân.