Nghi Thức Tụng Niệm

I.     Nghi thức Cúng dường Tam Bảo
 II.    Nghi thức cúng Cửu Huyền
 III.   Nghi thức Thọ trì
 IV.   Nghi thức Sám hối
 V.    Nghi thức Cầu an
 VI.   Nghi thức Cầu siêu
 VII.  Kinh Vu Lan Bồn
 VIII. Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân
 IX.   Kinh A Di Đà
 X.    Kinh Từ Bi
 XI.   Kinh Vô Ngã Tướng
 XII.  Kệ Tụng thêm
 * Ý nghĩa và Lời khuyên trước khi Tụng kinh

Ý NGHĨA VÀ CÁCH TỤNG NIỆM

TỤNG là đọc tụng, NIỆM là suy nghĩ, nhớ tưởng. TỤNG NIỆM là miệng đọc tụng, tâm nhớ nghĩ, tâm và miệng hợp nhất, chú định vào lời kinh tiếng pháp.

Tụng niệm có nhiều ý nghĩa:

- Tụng niệm để giữ tâm hồn được trong sạch, giao cảm với các tâm niệm tối cao. Tụng niệm lại là cách huân tập tâm thức rất tốt, rất dễ dàng.

- Tụng niệm để ôn lại những điều Phật dạy, hầu lấy đó làm phương châm cho đời sống hàng ngày và gieo giống Bồ-đề giải thoát vào tâm thức.

- Tụng niệm để kiềm chế thân, khẩu trong khuôn khổ thanh tịnh, trang nghiêm, chính đáng, không cho nói năng, hành động, buông lung theo tập quán đê hèn, tham dục.

- Tụng niệm để cầu an, để ngăn lòng tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng lâu đời hầu tránh khỏi tai họa do tội lỗi, nghiệp chướng gây nên.

- Tụng niệm để cầu siêu, để chuyển tâm niệm của người khác, khiến họ xa lìa nghiệp nhơn cấu ác, rời khỏi cảnh giới tối tăm, siêu sanh về Lạc quốc.

- Tụng niệm để làm cho tiếng Pháp âm lưu chuyển trong nhân gian, cảm hóa mọi người, cải tà quy chánh.

- Tụng niệm để kích thích, nhắc nhở mình và người trên đường làm lành, học đạo.

- Tụng niệm để hướng lòng bi nguyện đến tất cả chúng sanh, cầu cho chúng sanh thuận hòa, vui vẻ.

- Tụng niệm để tỏ lòng sám hối tội lỗi trước ngôi Tam Bảo, là nơi hoàn toàn thanh tịnh, không chút tội lỗi nhiễm ô.

Vì những ý nghĩa đó, người đã tin Phật nên phải phát tâm tụng niệm và tụng niệm đúng cách. Khi tụng niệm, phải giữ gìn trang nghiêm, tránh mọi sự ồn ào phức tạp, tránh mọi điều làm kích động, làm ý đắm lợi mê danh, tham luyến trần tục. Chỉ tụng niệm trước bàn Tam Bảo, trong đạo tràng thanh tịnh, hoặc nơi thích hợp chính đáng. Không tụng niệm trước chỗ thờ quỷ thần, cúng đồ mặn, đốt vàng mã theo tục lệ mê tín dị đoan, không thích hợp với Phật pháp.

 LỜI KHUYÊN TRƯỚC KHI TỤNG KINH

- Các Phật tử cần nên dọn mình cho trong sạch.

- Thắp 3 nén hương, lễ Phật 3 lạy.

- An tọa xong chắp tay hướng về Đức Phật bắt đầu trì tụng.

- Muốn tụng thành phần nào, trang số mấy, hãy coi theo mục lục ở trang đầu hoặc trang cuối thì sẽ rõ.

- Khi trì tụng chỉ đọc thường, chậm rãi, điều hòa, nghe cho dễ hiểu đặng hành theo. Chớ nên dùng sắc tướng, âm thinh trầm bỗng, du dương làm sai ý nghĩa kinh pháp.

- Khi đọc dứt một đoạn có chữ O thì đánh một tiếng chuông và lễ một lạy. Các nghi thức tùy theo trường hợp có thể linh động đọc nhiều hay ít cũng được, tùy theo thời giờ.

- Mỗi đêm cần nên thọ trì tại tịnh xá hoặc tư gia, nhất là mỗi tháng 4 ngày cúng hội: mùng 8, rằm, 23 và 30 (tháng thiếu 29). Phật tử cần nên quy tựu về tịnh xá sám hối và nghe kinh học pháp để tu tâm dưỡng tánh, hầu phát triển tinh thần đạo hạnh.

- Kinh nghĩa này rất dễ đọc, mau hiểu, dành cho các giới đồng bào Phật tử, ai siêng năng trì tụng sẽ được mở mang trí tuệ, lợi lạc thân tâm, tu hành tinh tiến.